Khoản 1 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
“1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này”
Như vậy, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là một trong những khoản được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công nhưng phải đáp ứng điều kiện theo quy định, cụ thể:
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
- Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.
- Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP (từ ngày 15/01/2020 được thay thế bởi Nghị định 93/2019/NĐ-CP) và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.
Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.
Tiền ủng hộ có được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân? (Ảnh minh họa)
Lưu ý:
- Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.
- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.
Trên đây là quy định giải đáp về việc tiền ủng hộ có được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân? Theo đó, được giảm trừ đối với những khoản đóng góp vào quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo Nghị định 30/2012/NĐ-CP (từ ngày 15/01/2020 được thay thế bởi Nghị định 93/2019/NĐ-CP) và văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.
Hay nói cách khác, nếu chuyển tiền cho cá nhân, tổ chức mà không phải là quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động theo quy định trên thì không được giảm trừ.
>> Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2020 từ tiền lương, tiền công