Thuế trực thu và thuế gián thu giống và khác nhau ở điểm nào?

Căn cứ vào mục đích điều tiết, thuế được chia thành thuế trực thu và thuế gián thu. Vậy thuế trực thu và thuế gián thu giống và khác nhau ở điểm nào?

1. Điểm giống nhau giữa thuế trực thu và thuế gián thu

Thuế là khoản trích nộp bằng tiền, mang tính bắt buộc, tính quyền lực nhà nước, không bồi hoàn của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế.

Do đây là cách phân loại thuế dựa trên mục đích điều tiết nên đương nhiên thuế trực thu và thuế gián thu sẽ có điểm tương đồng nhất định.

Điển hình một số điểm giống nhau giữa thuế trực thu và thuế gián thu như:

- Đều mang tính chất bắt buộc và được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước;

- Đều điều tiết vào thu nhập của cá nhân, tổ chức trong xã hội;

- Người nộp thuế đều phải trích một phần tài sản để nộp vào ngân sách Nhà nước…

Điểm giống và khác nhau giữa thuế trực thu và thuế gián thu (Ảnh minh họa)

2. Điểm khác nhau giữa thuế trực thu và thuế gián thu

Để phân biệt thuế trực thu hay thuế gián thu, có thể dựa trên các tiêu chí sau:

Tiêu chí

Thuế trực thu

Thuế gián thu

Khái niệm

Thuế trực thu (hay Direct tax) là loại thuế đánh vào thu nhập, lợi nhuận của người nộp thuế, người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Nói một cách đơn giản, thuế trực thu khấu trừ trực tiếp vào nguồn thu nhập của người nộp thuế.

Thuế gián thu (hay Indirect tax) đánh vào hàng hóa, dịch vụ. Loại thuế này điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa dịch vụ cung cấp, người nộp thuế không phải là người chịu thuế.

Đối tượng chịu thuế

Người chịu thuế cũng chính là người nộp thuế

Người chịu thuế không phải là người nộp thuế

Mức độ tác động

Ít tác động vào giá cả thị trường (vì thường đánh vào thu nhập, kết quả kinh doanh sau một thời gian nhất định)

Ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường vì thuế được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ

Mức độ quản lý

Khó thu hơn, dễ trốn thuế do việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, Nhà nước không kiểm soát được thu nhập thực tế của người nộp thuế.

Dễ thu hơn vì được cấu thành giá bán hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng khó “nhận biết” được.

Phương thức điều tiết

Điều tiết trực tiếp vào thu nhập của các đối tượng chịu thuế.

Điều tiết gián tiếp thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ.

Ưu điểm

Kiềm chế lạm phát, giảm bất bình đẳng, đảm bảo được công bằng giữa những người chịu thuế.

Cơ quan thuế dễ quản lý hơn, hạn chế được trốn thuế.

Hạn chế

Dễ xảy ra việc người nộp thế trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, phát sinh những hành vi phạm pháp luật nhằm trốn thuế.

Khó đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế vì có thu nhập cao hay thấp đều phải nộp thuế gián thu với tỷ lệ như nhau.

Ví dụ

- Thuế thu nhập cá nhân;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp…

- Thuế tiêu thụ đặc biệt;

- Thuế giá trị gia tăng;

- Thuế xuất nhập khẩu;

- Thuế bảo vệ môi trường;

- Thuế tài nguyên…

3. Tỷ trọng thuế trực thu và thuế gián thu ở Việt Nam

Theo tìm hiểu, tỉ trọng thuế trực thu đã giảm liên tục trong giai đoạn từ 2012 - 2017, từ 44,6% năm 2012 xuống còn 33,8% năm 2017.

Tuy nhiên, từ 2018 - 2019 tỉ trọng thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất mặc dù đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Thuế gián thu vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn trong nguồn thu thuế tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tỉ trọng của thuế gián thu trong tổng thu thuế ngày càng tăng và đã vượt qua con số 60% vào năm 2016, trong đó thuế giá trị gia tăng là nguồn thu chính, chiếm từ 50% - 60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006 - 2019.

Theo đó, có thể thấy nguồn thu chủ yếu của thuế vẫn đến từ thuế gián thu, đây cũng là tình hình chung của các nước đang phát triển như Việt Nam.

Trên đây là một số điểm giống và khác nhau giữa thuế trực thu và thuế gián thu, nếu cần thêm thông tin hãy gọi ngay đến số 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục