Thuế tiêu thụ đặc biệt 2023: Ai phải nộp? Mức nộp là bao nhiêu?

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ. So với các loại thuế khác, mức thu (thuế suất) thuế tiêu thụ đặc biệt khá cao, thậm chí có những loại hàng hóa có mức thu là 150%.


1. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho ngân sách, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Theo đó, thuế TTĐB do các cơ sở trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

2. Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

2.1. Hàng hóa chịu thuế

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TTĐB 2008 được sửa đổi, bổ sung 2014 và Điều 2 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hàng hóa chịu thuế TTĐB gồm:

- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

- Rượu.

- Bia.

- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.

- Tàu bay, du thuyền (loại sử dụng cho mục đích dân dụng).

- Xăng các loại.

- Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống.

- Bài lá.

- Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học.

Lưu ý: Hàng hóa chịu thuế là các sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh, không bao gồm bộ linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

2.2. Dịch vụ chịu thuế

Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế TTĐB 2008 quy định dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế gồm:

- Kinh doanh vũ trường.

- Kinh doanh massage), karaoke.

- Kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự.

- Kinh doanh đặt cược gồm: Đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật.

- Kinh doanh golf bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi golf;

- Kinh doanh xổ số.

3. Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Luật Thuế TTĐB 2008 và Điều 3 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TTĐB 2008 không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các trường hợp sau:

- Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu.

- Hàng hóa nhập khẩu gồm: Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại,…

Xem chi tiết tại: Hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

4. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

TT

Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế

Thuế suất (%)

1

Thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá

75

2

Rượu từ 20 độ trở lên

65

3

Rượu dưới 20 độ

35

4

Bia

65

5

Xăng

10

6

Xăng E5

8

7

Xăng E10

7

8

Kinh doanh vũ trường

40

9

Kinh doanh massage (mát-xa), karaoke

30

10

Kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng

35

Xem thêm: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

thue tieu thu dac biet

5. Từ 01/3/2022 giảm mạnh thuế cho ô tô điện chạy pin

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế TTĐB và Luật Thi hành án dân sự 2022, để khuyến khích phát triển xe ô tô điện chạy bằng pin, Quốc hội quyết định giảm thuế như sau:

Loại xe

Từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027

Từ ngày 01/3/2027

Ô tô điện chạy pin loại chở người từ 9 chỗ trở xuống

Giảm thuế suất từ 25% xuống còn 3%

Mức thuế suất là 15%

Ô tô điện chạy pin loại chở người từ 10 - 16 chỗ

Giảm thuế suất từ 15% xuống còn 2%

Mức thuế suất là 10%

Ô tô điện chạy pin loại chở người từ 16 - 24 chỗ

Giảm thuế suất từ 10% xuống còn 1%

Mức thuế suất là 5%

6. Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ Điều 5 Luật Thuế TTĐB 2008, căn cứ tính thuế TTĐB là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất.

Số thuế TTĐB phải nộp (mức đóng thuế) được tính theo công thức sau:

Thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế TTĐB x Thuế suất thuế TTĐB

Như vậy, để tính được số thuế TTĐB phải nộp (mức đóng) cần phải biết (1) Giá tính thuế TTĐB và (2) Thuế suất thuế TTĐB.

(1) Giá tính thuế TTĐB

Căn cứ khoản 2, 3, 6, 7, 8, 9 Nghị định 108/2015/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 100/2016/NĐ-CP, giá tính thuế TTĐB được xác định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế như sau:

- Hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu

Giá tính tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Giá tính thuế TTĐB được xác định như sau:

Giá tính thuế TTĐB

=

Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng

-

Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)

1 + Thuế suất thuế TTĐB

Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Xem thêm: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

7. Ai phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt?

Căn cứ Điều 4 Luật Thuế TTĐB 2008, người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB.

Như vậy, có thể thấy người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một (bản chất là thuế gián thu).

8. Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt

Điều 7 Thông tư 195/2015/TT-BTC quy định người nộp thuế TTĐB được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

(1) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu bao gồm:

- Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, được tái xuất ra nước ngoài.

- Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo qui định của Chính phủ.

- Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.

- Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

- Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc để phục vụ công việc khác trong thời hạn nhất định đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế.

- Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo; hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB.

- Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp.

Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì cơ quan hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTĐB phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại nước ngoài.

(2) Hàng hoá là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hoá thực tế xuất khẩu.

(3) Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế TTĐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTĐB nộp thừa.

(4) Hoàn thuế TTĐB trong các trường hợp:

- Hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Hoàn thuế theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Hoàn thuế trong trường hợp có số tiền thuế TTĐB đã nộp lớn hơn số tiền thuế TTĐB phải nộp theo quy định.

9. Kỳ khai thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế TTĐB là loại thuế khai theo tháng, trừ một số trường hợp khai theo từng lần phát sinh, cụ thể:

- Thuế TTĐB của người nộp thuế có kinh doanh xuất khẩu chưa nộp thuế TTĐB ở khâu sản xuất sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước. Thuế TTĐB của cơ sở kinh doanh mua xe ô tô, tàu bay, du thuyền sản xuất trong nước thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đối tượng chịu thuế TTĐB.

- Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trên đây là một số những quy định cơ bản về thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.


Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục