Thuế tài nguyên 2023: Ai phải nộp? Mức nộp bao nhiêu?

Thuế tài nguyên là thuế gián thu mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi khai thác tài nguyên. Mức thuế tài nguyên mà người nộp thuế phải nộp phụ thuộc vào sản lượng, giá tính thuế và thuế suất.


1. Đối tượng chịu thuế tài nguyên

Căn cứ Điều 2 Luật Thuế tài nguyên 2010, Điều 2 Nghị định 50/2010/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 152/2015/TT-BTC, đối tượng chịu thuế tài nguyên (thuế TN) là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, bao gồm:

- Khoáng sản kim loại.

- Khoáng sản không kim loại.

- Dầu thô (là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuấ).

- Khí thiên nhiên, khí than, cụ thể:

Khí thiên nhiên là toàn bộ hydrocarbon ở thể khí, khai thác từ giếng khoan, bao gồm cả khí ẩm, khí khô, khí đầu giếng khoan và khí còn lại sau khi chiết xuất hydrocarbon lỏng từ khí ẩm.

Khí than là hydrocarbon, thành phần chính là methane ở thể khí hoặc lỏng, được chứa trong các vỉa than hoặc trong các vỉa chứa lân cận.

- Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ.

- Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển.

- Nước thiên nhiên, bao gồm: Nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.

Nước biển làm mát máy quy định tại khoản này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Trường hợp sử dụng nước biển mà gây ô nhiễm, không đạt các tiêu chuẩn về môi trường thì xử lý theo quy định.

- Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.

- Tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Ai phải nộp thuế tài nguyên?

Điều 3 Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định người nộp thuế TN là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế TN.

Người nộp thuế TN trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

- Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trường hợp tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, được phép hợp tác với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và có quy định riêng về người nộp thuế thì người nộp thuế TN được xác định theo văn bản đó.

Trường hợp tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, sau đó có văn bản giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện khai thác tài nguyên thì mỗi đơn vị khai thác là người nộp thuế TN.

- Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế.

Trường hợp bên Việt Nam và bên nước ngoài cùng tham gia thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nếu trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không xác định cụ thể bên có trách nhiệm nộp thuế TN thì các bên tham gia hợp đồng đều phải kê khai nộp thuế TN hoặc phải cử ra người đại diện nộp thuế TN của hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công công trình trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên mà được phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trái quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài nguyên khi thực hiện khai thác sử dụng hoặc tiêu thụ thì phải khai, nộp thuế TN với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh tài nguyên khai thác.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi để phát điện là người nộp thuế TN, không phân biệt nguồn vốn đầu tư công trình thuỷ lợi.

Trường hợp tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi cung cấp nước cho tổ chức, cá nhân khác để sản xuất nước sinh hoạt hoặc sử dụng vào các mục đích khác (trừ trường hợp sử dụng nước để phát điện) thì tổ chức quản lý công trình thủy lợi là người nộp thuế.

- Đối với tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác hoặc khai thác trái phép bị bắt giữ, tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế TN và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải khai, nộp thuế TN theo từng lần phát sinh tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức được giao bán tài nguyên trước khi trích các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bắt giữ, bán đấu giá, trích thưởng theo chế độ quy định.

thue tai nguyen

3. Căn cứ, cách tính thuế tài nguyên

* Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế TN là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế TN, thuế suất thuế TN.

* Cách tính thuế phải nộp

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 152/2015/TT-BTC, thuế TN phải nộp trong kỳ được xác định theo công thức sau:

Thuế TN phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Giá tính thuế đơn vị tài nguyên

x

Thuế suất thuế TN

Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế TN phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế TN phải nộp được xác định như sau:

Thuế TN phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Mức thuế TN ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

Việc ấn định thuế TN được thực hiện căn cứ vào cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, phù hợp với các quy định về ấn định thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

4. Sản lượng tài nguyên tính thuế

Căn cứ Điều 5 Thông tư 152/2015/TT-BTC, sản lượng tài nguyên tính thuế được quy định rõ đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

- Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng

Sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.

- Tài nguyên không xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế của tài nguyên khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau và được bán ra sau khi sàng tuyển, phân loại

Đối với trường hợp này sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên sau khi sàng tuyển, phân loại thu được từng chất riêng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng loại tài nguyên hoặc từng chất có trong tài nguyên thu được sau khi sàng tuyển, phân loại.

Xem thêm: Xác định sản lượng tài nguyên tính thuế

5. Xác định giá tính thuế tài nguyên

Căn cứ Điều 6 Thông tư 152/2015/TT-BTC, giá tính thuế TN là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế TN do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì tính thuế TN theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế TN là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển.

Xem chi tiết: Cách xác định giá tính thuế tài nguyên

6. Thuế suất thuế tài nguyên

Căn cứ Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015, biểu mức thuế suất tài nguyên được quy định cụ thể đối với từng loại tài nguyên chịu thuế:

TT

Nhóm, loại tài nguyên

Thuế suất (%)

I

Khoáng sản kim loại

1

Sắt

14

2

Măng-gan

14

3

Ti-tan (titan)

18

4

Vàng

17

5

Đất hiếm

18

6

Bạch kim, bạc, thiếc

12

7

Vôn-phờ-ram (wolfram), ăng-ti-moan (antimoan)

20

8

Chì, kẽm

15

9

Nhôm, Bô-xít (bouxite)

12

10

Đồng

15

11

Ni-ken (niken)

10

12

Cô-ban (coban), mô-lip-đen (molipden), thủy ngân, ma-nhê (magie), va-na-đi (vanadi)

15

13

Khoáng sản kim loại khác

15

Xem thêm: Biểu thuế suất thuế tài nguyên

Trên đây là quy định cơ bản về thuế tài nguyên theo văn bản mới nhất, nếu cần giải đáp hãy liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục