Trường hợp nào thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng? Quy trình ra sao?

Hiện nay, để đảm bảo tiền thuế được nộp vào ngân sách nhà nước đúng và đầy đủ, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Vậy trường hợp nào thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng? Quy trình áp dụng ra sao?

1. Thuế có được phong tỏa tài khoản ngân hàng của người nộp thuế?

Thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng là gì?
Thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng là gì? (Ảnh minh hoạ)

Thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng là một biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế thiếu nợ tiền thuế hay không nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền.

Theo Quy trình được ban hành kèm Quyết định số 1795/QĐ-TCT, biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản của người nộp thuế được mở tại Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại và tổ chức tín dụng khác, được áp dụng đối với người nộp thuế có tài khoản ở Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng khác.

2. Nợ thuế bao lâu thì bị phong tỏa tài khoản ngân hàng?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp bị cưỡng chế, trong đó có nội dung cưỡng chế đối với người nộp thuế trong trường hợp sau:

- Nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày tính từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

- Người nộp thuế vẫn đang còn tiền thuế nợ mà có hành vi bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản.

Như vậy, trường hợp người nộp thuế chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày thì cơ quan thuế có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế phong toả tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

3. Quy trình cưỡng chế tiền nợ thuế thông qua tài khoản ngân hàng

Quy trình cưỡng chế tiền nợ thuế thông qua tài khoản ngân hàng
Quy trình cưỡng chế tiền nợ thuế thông qua tài khoản ngân hàng (Ảnh minh hoạ)

Việc cưỡng chế tiền nợ thuế thông qua tài khoản ngân hàng được hướng dẫn cụ thể theo Quy trình ban hành kèm Quyết định số 1795/QĐ-TCT, cụ thể như sau:

Bước 1: Lập danh sách những người nộp thuế chuẩn bị thực hiện cưỡng chế nợ thuế.

*Cơ sở để lập danh sách chuẩn bị cưỡng chế:

- Người nộp thuế có tiền nợ thuế đã quá hạn 60 ngày tính từ ngày hết thời hạn nộp mà cơ quan thuế chưa thực hiện việc cưỡng chế.

- Người nộp thuế có khoản nợ đã được gia hạn nhưng chỉ còn dưới 30 ngày thì sẽ hết thời hạn được gia hạn.

- Tổ thức thực hiện bảo lãnh nộp tiền thuế đã quá thời hạn quy định 60 ngày tính từ ngày hết hạn nộp được ghi trên quyết định nộp dần tiền nợ thuế của cơ quan thuế có thẩm quyền mà người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh chưa nộp đầy đủ số tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước.

- Người nộp thuế không chấp hành theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thẩm quyền theo thời hạn được ghi trên quyết định xử phạt.

Bộ phận chủ trì việc tham mưu ban hành quyết định về việc xử phạt có trách nhiệm phải cung cấp đủ các quyết định xử phạt cho bộ phận cưỡng chế nợ thuế ngay trong ngày ban hành quyết định.

- Người nộp thuế đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế nợ thuế sau đây:

  • Kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản được kê biên.

  • Ngừng sử dụng hoá đơn.

  • Thu tiền/tài sản khách mà cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đang giữ.

  • Người nộp thuế đang trong thời gian vị cơ quan thuế thẩm quyền có văn bản về việc đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận.

- Người nộp thuế có tiền nợ thuế mà có hành vi bỏ trốn hoặc phát tán tài sản.

*Lập danh sách chuẩn bị cưỡng chế:

- Hàng tháng, công chức rà soát cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, các văn bản/tài liệu được các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế thông qua biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng (Áp dụng theo Mẫu số 01-1/DS-TK được ban hành kèm Quyết định 1795/QĐ-TCT).

- Dựa trên danh sách chuẩn bị cưỡng chế, bộ phận cưỡng chế có thể phối hợp với các bộ phận khác gồm: bộ phận thanh tra – kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận khác liên quan để thực hiện rà soát và xác định chính xác số tiền nợ thuế của người nộp thuế.

Bước 2: Thu thập, xác minh thông tin của người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế

* Rà soát thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế để chuẩn bị cưỡng chế 

Dựa trên danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế, công chức rà soát các thông tin về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế:

- Trong trường hợp tại cơ quan thuế đã có đầy đủ thông tin về một/một số tài khoản ngân hàng của người nộp thuế thì người nộp thuế được chuyển sang danh sách phải tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản (Sử dụng theo Mẫu số 01-2/DS-TK được ban hành kèm Quyết định 1795/QĐ-TCT).

- Trong trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp hay tổ chức mà cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không có thông tin tài khoản của người nộp thuế hoặc thông tin không chính xác thì công chức dự thảo, báo cáo với lãnh đạo phòng/đội để trình Thủ trưởng cơ quan thuế/cấp phó được phân công phụ trách công tác quản lý nợ thuế ban hành văn bản yêu cầu người nộp thuế, Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác cung cấp thông tin tài khoản (Sử dụng theo mẫu số 01-1/CC của Phụ lục III được ban hành kèm Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

- Đối với người nộp thuế là cá nhân: Cơ quan thuế có thể thực hiện việc xác minh thông tin về tài khoản nếu thấy cần thiết.

*Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Các tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác, thông tin về: nơi mở, số tài khoản.

- Số dư trong tài khoản và các thông tin khác liên quan đến tài khoản, việc giao dịch qua tài khoản (nếu cần thiết).

Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo tính từ ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức/cá nhân, công chức phải thực hiện việc cập nhật thông tin vào danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế (theo mẫu số 01-1/DS-TK được ban hành kèm Quyết định 1795/QĐ-TCT).

Nếu các thông tin về tài khoản thu thập được chưa được cập nhật trong ứng dụng quản lý thuế thì bộ phận cưỡng chế nợ thuế chuyển thông tin đến bộ phận chức năng cập nhật.

Bước 3: Lập danh sách những người nộp thuế phải cưỡng chế nợ thuế

- Dựa trên danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế và các thông tin đã được thu thập, xác minh, công chức tiến hành lập danh sách người nộp thuế phải tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản (sử dụng Mẫu số 01-2/DS-TK được ban hành kèm Quyết định số 1795/QĐ-TCT).

- Nếu hết thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin mà người có trách nhiệm cung cấp không cung cấp/cung cấp thông tin xác định rằng người nộp thuế không có tài khoản thì công chức đưa người nộp thuế vào danh sách phải áp dụng biện pháp cưỡng chế khác phù hợp theo quy định pháp luật.

Bước 4: Ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản ngân hàng

*Dựa theo danh sách người nộp thuế phải cưỡng chế, công chức thực hiện các công việc sau:

(i) Dự thảo quyết định cưỡng chế (theo mẫu số 01/CC của Phụ lục III được ban hành kèm Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Lệnh thu Ngân sách nhà nước), kèm theo đó là các hồ sơ sau:

- Tờ trình áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có nêu rõ diễn biến và quá trình thực hiện đôn đốc người nộp thuế;

- Thông báo số tiền thuế nợ tại thời điểm gần nhất (theo mẫu số 01/TTN được ban hành kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC) hoặc các quyết định hành chính khác về thuế;

- Văn bản về việc xác minh thông tin (nếu có);

- Văn bản về việc cung cấp thông tin của người nộp thuế hoặc của các tổ chức/cá nhân liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh người nộp thuế có hành vi bỏ trốn hoặc phát tán tài sản (nếu có);

- Các văn bản và tài liệu khác liên quan (nếu có).

Nếu người nộp thuế mở tài khoản ở nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, ngân hàng khác nhau thì công chức trình lên Thủ trưởng cơ quan thuế để dự thảo quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một hoặc nhiều tài khoản của người nộp thuế.

Nếu cần thiết phải phong tỏa đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế thì công chức cùng lúc dự thảo quyết định yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, ngân hàng tiến hành phong tỏa tài khoản của người nộp thuế (số tiền bị phong tỏa tương ứng với số tiền mà người nộp thuế bị cưỡng chế).

(ii) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội để trình Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành quyết định cưỡng chế.

*Sau khi nhận được bản dự thảo quyết định cưỡng chế, lệnh thu ngân sách nhà nước kèm theo đầy đủ các hồ sơ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành quyết định cưỡng chế đảm bảo đúng với thời điểm theo quy định:

- Sau ngày thứ 90 tính từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định hoặc hết thời hạn nộp dần tiền nợ thuế;

- Ngay sau ngày hết thời hạn mà người nộp thuế được gia hạn nộp thuế;

- Ngay sau ngày mà người nộp thuế không chấp hành theo đúng quyết định xử phạt của cơ quan thẩm quyền theo thời hạn được ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp người nộp thuế được hoãn/tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt);

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin/tài liệu về việc người nộp thuế có hành vi bỏ trốn hay phát tán tài sản;

- Ngay sau ngày có thông tin và điều kiện để có thể thực hiện đồng thời biện pháp cưỡng chế này.

Bước 5: Gửi và công khai quyết định cưỡng chế nợ thuế

- Quyết định cưỡng chế và Lệnh thu ngân sách nhà nước được gửi cho người nộp thuế bị cưỡng chế và Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác nơi mà người nộp thuế bị cưỡng chế có mở tài khoản ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế..

- Đồng thời, cơ quan thuế còn có trách nhiệm đăng tải thông tin của người nộp thuế bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

  • Nếu ký điện tử quyết định cưỡng chế thì hệ thống quản lý thuế sẽ tự động công khai các thông tin theo Mẫu 01/CKCC được ban hành kèm Quyết định 1795/QĐ-TCT.

  • Nếu không thực hiện ký điện tử quyết định cưỡng chế thì công chức nhập thông tin trên quyết định cưỡng chế vào hệ thống để công khai thông tin.

Bước 6: Tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế nợ thuế

Trong khoảng thời gian quyết định cưỡng chế có hiệu lực, công chức theo dõi việc thi hành quyết định này như sau:

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin người nộp thuế đã nộp hết số tiền nợ thuế nêu tại quyết định cưỡng chế; hoặc khi ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà Nước, các tổ chức tín dụng khác đã trích được đủ số tiền nợ thuế trên quyết định cưỡng chế vào ngân sách nhà nước; hoặc số tiền thuế nợ thuế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần hoặc quyết định gia hạn thời gian nộp thuế hoặc quyết định về việc miễn tiền chậm nộp thuế hoặc thông báo về việc không tính tiền chậm nộp thì:

Công chức dự thảo tờ trình kèm theo toàn bộ hồ sơ để báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình lên Thủ trưởng cơ quan thuế để ban hành quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (sử dụng mẫu số 08/CC Phụ lục III được ban hành kèm Nghị định 126/2020/NĐ-CP) gửi cho người nộp thuế và ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà Nước, các tổ chức tín dụng khác để chấm dứt thực hiện việc cưỡng chế nợ thuế.

Khi người nộp thuế đã nộp hết tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa kịp thời cập nhật số tiền đã nộp của người nộp thuế thì cơ quan thuế có thẩm quyền căn cứ vào một trong các chứng từ dưới đây để chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế, cụ thể gồm:

  • Chứng từ nộp tiền thuế có xác nhận của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép ủy nhiệm thu thuế;

  • Chứng từ điện tử nộp tiền thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Trong trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa nộp đủ thì công chức thực hiện tiếp các biện pháp cưỡng chế khác phù hợp.

4. Có phong tỏa tài khoản ngân hàng khi hãng hàng không nợ thuế không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp bị cưỡng chế, trong đó có nội dung cưỡng chế đối với người nộp thuế trong trường hợp sau:

- Nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày tính từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

- Người nộp thuế vẫn còn tiền thuế nợ mà có hành vi bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản.

Theo đó, trong trường hợp hãng hàng không nợ tiền thuế quá 90 ngày tính từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định thì cơ quan quản lý thuế có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế cho hãng hàng không.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 215/2013/TT-BTC, đã được sửa đổi tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 87/2018/TT-BTC quy định về các biện pháp cưỡng chế, theo đó phong tỏa tài khoản ngân hàng là một trong các viện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính về thuế của cơ quan thẩm quyền.

Như vậy, nếu hãng hàng không nợ thuế quá hạn 90 ngày tính từ khi hết thời hạn nộp thì cơ quan thuế quyền cưỡng chế phong tỏa tài khoản của hãng hàng không tại ngân hàng.

Trên đây là những thông tin về Thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng là gì? Quy trình áp dụng?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Phân biệt trốn thuế và tránh thuế chi tiết nhất 2024

Phân biệt trốn thuế và tránh thuế chi tiết nhất 2024

Phân biệt trốn thuế và tránh thuế chi tiết nhất 2024

Trong chúng ta, hầu hết đã nghe nhiều trường hợp vi phạm luật thuế, trong đó phổ biến nhất là tội trốn thuế và có những hiểu nhầm về hành vi cấu trúc giao dịch để tránh thuế. Hai hành vi này tuy có vẻ tương đồng nhưng lại có sự khác biệt rõ ràng về bản chất và hậu quả pháp lý. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để phân biệt trốn thuế và tránh thuế.

Dự kiến giảm lệ phí cấp hộ chiếu, cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024

Dự kiến giảm lệ phí cấp hộ chiếu, cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024

Dự kiến giảm lệ phí cấp hộ chiếu, cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024

Bộ Tài chính đã có dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, lệ phí cấp hộ chiếu và lệ phí cấp thẻ Căn cước cũng là đối tượng được giảm.