Thuế nhập khẩu là gì? Cách tính như thế nào?

Thuế nhập khẩu được đánh vào các hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Đóng vai trò tăng thu ngân sách, giảm cạnh tranh với hàng hoá sản xuất trong nước và duy trì sự cân bằng cho nền kinh tế. Cùng tìm hiểu một số vấn đề về loại thuế này qua bài viết sau.

1. Thuế nhập khẩu là gì?

Thuế nhập khẩu là loại thuế mà Chính phủ đánh vào các mặt hàng được nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Mục đích là để tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, đồng thời giảm cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất trong nước, cân bằng cán cân thương mại. Đôi khi, thuế nhập khẩu còn ngăn hành vi phá giá bằng cách tăng giá nhập khẩu.

Đi song hành với thuế nhập khẩu là thuế xuất khẩu. Hai loại thuế này thường được gọi chung là thuế xuất - nhập khẩu hay thuế quan.

thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào các mặt hàng được nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác (Ảnh minh họa)

Đặc điểm của thuế nhập khẩu

  • Là thuế gián thu thông qua hàng hoá bị đánh thuế. Chi phí thuế đã bao gồm trong giá bán.

  • Thuế nhập chỉ đánh vào hàng hoá, không đánh vào dịch vụ.

  • Thuế được nộp bởi các công ty, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa hợp pháp qua biên giới Việt Nam

2. Đối tượng nộp thuế nhập khẩu là những ai?

Theo Điều 3, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 các đối tượng nộp thuế nhập khẩu chính là:

  • Doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá

  • Tổ chức nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá

  • Cá nhân có hàng hoá nhập khẩu khi nhập cảnh hoặc nhận hàng ở biên giới Việt Nam

  • Đại lý làm thủ tục hải quan được uỷ quyền nộp thuế

  • Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nộp thay thuế theo quy định

3. Cách tính thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu được tính dựa vào giá nhập tại cửa khẩu đầu tiên theo công thức như sau:

Thuế NK  =

Giá tính thuế NK x thuế suất thuế NK

Trong đó:

  • Giá tính thuế NK là giá nhập tại cửa khẩu, giá phải trả khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên.

  • Thuế suất thuế NK có nhiều mức thuế khác nhau được quy định.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu sẽ được phân tích rõ hơn ở phần sau.

4. Mức thuế suất thuế nhập khẩu là bao nhiêu?

Các mức thuế suất thuế nhập khẩu tại Việt Nam

Theo Điều 11, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, thuế suất thuế nhập khẩu bao gồm: thuế suất ưu đãi, thuế suất đặc biệt ưu đãi và thuế suất thông thường. Chi tiết các mức thuế suất như sau:

- Thuế suất ưu đãi:

Mức thuế này áp dụng đối với hàng hóa được nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ tối huệ quốc về thương mại đối với nước ta. Đây là một quy định quốc tế về mối quan hệ cân bằng về thương mại hàng hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy ước với nhau. Hiện tại, có khoảng hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa với Việt Nam.

Trong trường hợp này, bên nộp thuế tự khai về xuất xứ hàng hóa để làm cơ sở xác định mức thuế suất ưu đãi. Đồng thời, người khai phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của lời khai.

- Thuế suất ưu đãi đặc biệt:

Mức thuế này áp dụng với hàng hóa được nhập khẩu các quốc gia và vùng lãnh thổ có mối quan hệ mật thiết với nước ta theo thể chế khu vực thương mại tự do (FTA).

Ngoài ra, có thể tồn tại một số trường hợp ưu đãi đặc biệt khác như liên minh thuế quan hoặc giao lưu thương mại biên giới.... Trong đó, mặt hàng nhập khẩu phải được quy định cụ thể trong các thỏa thuận đã ký kết, đáp ứng đủ điều kiện đã đặt ra. Hàng hóa phải có xuất xứ từ chính quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó mới được hưởng mức thuế suất đặc biệt ưu đãi.

- Thuế suất thông thường: 

Mức thuế này áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ không thuộc các trường hợp trên. Mức thuế suất được quy quy định cao hơn không quá 70% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng.

- Thuế bổ sung:

Một số hàng hóa nhập khẩu ngoài việc chịu thuế theo quy định còn phải chịu thuế bổ sung. Những hàng hóa đó thuộc các trường hợp như sau:

  • Giá bán của hàng hóa nhập khẩu quá thấp so với giá trong nước gây khó khăn cho sự phát triển sản xuất hàng hóa tương tự của nước ta

  • Hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có sự phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu hoặc thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam.

thue-nhap-khau-01
Các mức thuế suất thuế nhập khẩu tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

5. Tại sao phải phân chia ra nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu?

Mục đích của việc quy định nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu giúp cơ quan chức năng có thể quản lý, điều tiết hàng hóa cho phù hợp với nền kinh tế và mối quan hệ thương mại với các quốc gia. Lợi ích cụ thể của việc quy định nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu như sau:

  • Khuyến khích việc nhập khẩu những nguyên liệu mà trong nước còn thiếu. Ví dụ như các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường…

  • Cân bằng thị trường, tránh ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước

  • Phù hợp với những cam kết mà chính phủ đã ký kết với các quốc gia trên thế giới.

  • Mang lại khoản thu cho ngân sách nhà nước, góp phần bình ổn kinh tế và xây dựng đất nước

  • Tạo sự minh bạch, công bằng trong công tác nộp thuế, tính thuế

  • Đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế quan

Như vậy, việc quy định nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu khác nhau mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của nhà nước.

6. Trường hợp nào phải nộp thuế nhập khẩu? 

Theo Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, các trường hợp sau sẽ phải nộp thuế nhập khẩu tại Việt Nam

  • Các hàng hóa được phép nhập khẩu, được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam

  • Các loại nguyên, nhiên, vật liệu được phép nhập khẩu vào các khu sản xuất, khu chế xuất tại Việt Nam

  • Hàng hóa có xuất xứ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu hàng hóa cho nước ta

  • Hàng hóa nhập khẩu để làm mẫu, hàng quảng cáo, hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại

  • Hàng hóa biếu tặng

  • Hành lý vận chuyển vượt tiêu chuẩn miễn thuế

Bên cạnh đó, các trường hợp sau thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu

  • Hàng hóa vận chuyển quá cảnh

  • Hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại từ liên hợp quốc, các chính phủ, các tổ chức quốc tế…

7. Một số câu hỏi thường gặp về thuế nhập khẩu

7.1 Thuế nhập khẩu là thuế trực thu hay gián thu 

Thuế nhập khẩu là loại thuế gián thu, do chi phí thuế sẽ tính trực tiếp vào giá hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng.

7.2 Thuế nhập khẩu là định phí hay biến phí

Thuế nhập khẩu là một loại biến phí của doanh nghiệp. Chi phí thuế nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu, có thể được coi là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Do đó, đây được coi là biến phí của doanh nghiệp.

Trên đây là một số thông tin thuế nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay. Các cá nhân, doanh nghiệp đặc biệt là những người làm trong ngành xuất nhập khẩu cần nắm được các quy định của nhà nước. Đảm bảo chấp hành đúng và đủ quy chế về thuế quan ở nước ta. Mọi vấn đề vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2023

Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2023

Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2023

Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp giúp công ty xác định chính xác số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. Có nhiều trường hợp có thể xảy ra khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty nên nắm được quy định về từng trường hợp và xác định chính xác, tránh những nhầm lẫn gây thiệt hại tới doanh nghiệp.