Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Hàng triệu người không phải nộp thuế?

Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh. Khi tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng sẽ có nhiều người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo thông tin được ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiêm Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết trong buổi họp báo của Văn phòng Quốc hội diễn ra chiều ngày 18/5/2020 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh như sau:

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được tăng từ 09 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng;

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc sẽ tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Với mức tăng trên thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công hàng tháng trên 11 triệu đồng mới phải nộp thuế, cụ thể:

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, trong đó:

Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

- Các khoản giảm trừ gia cảnh;

- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;

- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Như vậy, chỉ khi có thu nhập tính thuế > 0 thì mới phải nộp thuế, dưới đây là một số trường hợp phổ biến như sau:

- Nếu không có người phụ thuộc thì thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng;

- Nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập từ tiền lương, tiền công phải trên 15,4 triệu đồng/tháng;

- Nếu có 02 người phụ thuộc thì thu nhập từ tiền lương, tiền công phải trên 19,8 triệu đồng/tháng.

Lưu ý: Trước khi trừ các khoản giảm trừ thì người lao động phải trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế.

Hàng triệu người không phải nộp thuế do tăng mức giảm trừ gia cảnh (Ảnh minh họa)

Để hiểu rõ hơn hãy xem ví dụ dưới đây:

Ông A có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 20 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc với mức như sau: 8% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp. Ông A nuôi 01 con dưới 18 tuổi, trong tháng ông A không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân trong tháng của ông A được tính như sau:

- Thu nhập chịu thuế của ông A là 20 triệu đồng.

- Ông A được giảm trừ các khoản sau:

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11 triệu đồng.

+ Giảm trừ gia cảnh cho 01 người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng.

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: 20 triệu đồng × (8% + 1,5% + 1%) = 2,1 triệu đồng.

Tổng các khoản được giảm trừ là: 11 triệu đồng + 4,4 triệu đồng + 2,1 triệu đồng = 17,5 triệu đồng.

- Thu nhập tính thuế của ông A là: 20 triệu đồng - 17,5 triệu đồng = 2,5 triệu đồng.

Thu nhập tính thuế của ông A là 2,5 triệu đồng. Hay nói cách khác, ông A chỉ có nghĩa vụ nộp thuế đối với phần thu nhập tính thuế là 2,5 triệu đồng.

Thu nhập tính thuế là 2,5 triệu đồng thuộc bậc 1 với thuế suất là 5%, số thuế thu nhập cá nhân mà ông A phải nộp là 2,5 triệu đồng x 5% = 125.000 đồng.

Kết luận: Trường hợp thống nhất phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Chính phủ sẽ có nhiều người lao động không phải nộp thuế thu nhập vì nâng mức giảm trừ gia cảnh thì thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế. Người lao động có thể tự mình tính được số thuế thu nhập phải nộp theo hướng dẫn tại: Cách tính thuế đầy đủ và dễ hiểu nhất.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục