Phân tích Nghị định 91/2022: Nhiều thay đổi về quản lý thuế

Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 30/10/2022.

Qua phân tích Nghị định 91/2022/NĐ-CP, LuatVietnam nhận thấy dưới đây là những nội dung đáng chú ý sẽ tác động tới các doanh nghiệp:

1. Hướng dẫn trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ

Khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định về kết thúc thời hạn như sau:

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định này.

Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

Trước đây: Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP không quy định về trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế là ngày nghỉ cuối tuần/nghỉ lễ dẫn đến cơ quan thuế và người nộp thuế gặp vướng mắc trong thực hiện.

Vì vậy, việc bổ sung quy định này là cần thiết để có cơ sở thực hiện thống nhất.

Phân tích Nghị định 91/2022 với nhiều thay đổi trong quản lý thuế (Ảnh minh họa)

2. Bổ sung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung 01 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế:

Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.

Trước đây: Nghị định 126/2020/NĐ-CP chưa quy định rõ trường hợp có chi trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế của cá nhân thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập có phải khai thuế thay hay không.  Do đó, cần bổ sung quy định trường hợp không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phải khai thuế.

3. Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã sửa đổi điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, theo đó quy định rõ:

Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trước đây: Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Nếu tổng số đã tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn 75% số thuế phải nộp của cả năm thì doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Thuế TNDN tạm nộp 4 quý không thấp hơn 80% của năm (Ảnh minh họa)

4. Sửa quy định về tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Tương ứng với việc sửa đổi quy định về tạm nộp thuế TNDN, khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã sửa đổi điểm c khoản 6 Điều 8 về tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cụ thể như sau:

Tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trước đây: Tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ quý III đến ngày nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu vào ngân sách Nhà nước.

5. Tạm nộp thuế TNDN 4 quý của hãng vận tải nước ngoài không được thấp hơn 80% số thuế quyết toán năm

Theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa quy định tại điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì tổng số thuế TNDN của hãng vận tải nước ngoài đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trước đây: Tổng số thuế TNDN của hãng vận tải nước ngoài đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

6. Sửa quy định về nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường đối với than khai thác và tiêu thụ nội địa

Cụ thể, khoản 6 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP quy định:

Doanh nghiệp có hoạt động khai thác và tiêu thụ than nội địa thông qua hình thức quản lý và giao cho các công ty con hoặc đơn vị phụ thuộc khai thác, chế biến và tiêu thụ thì đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiêu thụ than thực hiện khai thuế cho toàn bộ số thuế bảo vệ môi trường phát sinh đối với than khai thác thuộc diện chịu thuế và nộp hồ sơ khai thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp kèm theo Bảng xác định số thuế phải nộp cho từng địa phương nơi có công ty khai thác than đóng trụ sở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trước đây: Đơn vị làm nhiệm vụ tiêu thụ than thực hiện khai thuế bảo vệ môi trường cho toàn bộ số than thu mua của các công ty khai thác than (thiếu phần sản lượng than tiêu thụ nội địa thu mua từ các công ty sàng tuyển, chế biến than).

7. Chủ sàn TMĐT phải cung cấp thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế

Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm:

- Tên người bán hàng;

- Mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc;

- Doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Trước đây: Khoản 2 Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thì vẫn chưa có quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin.

Chủ sàn TMĐT phải khai báo thông tin người bán hàng từ 30/10/2022 (Ảnh minh họa)

8. Thay thế mẫu thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn

Mẫu Thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn theo mẫu 04-1/CC tại Phụ lục III Nghị định 126/2020/NĐ-CP được thay thế bằng mẫu số 04-1/CC Nghị định 91/2022/NĐ-CP.

Tại mẫu Thông báo mới đã có hướng dẫn đối với trường hợp không có dữ liệu về hóa đơn thì chỉ cần ghi các nội dung: Căn cứ ra thông báo; tên cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế; tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế; lý do ngừng sử dụng hóa đơn.

Trước đây: Được thiết kế cho trường hợp tại thời điểm cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế mà doanh nghiệp đang còn có hóa đơn tồn chưa sử dụng, chưa hướng dẫn trường hợp tại thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế người nộp thuế đã sử dụng hết hóa đơn hoặc trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử thì không có số hóa đơn tồn (không có dữ liệu về hóa đơn tồn) gây khó khăn khi sử dụng mẫu.

9. Bổ sung mẫu văn bản đề nghị giảm tiền chậm nộp (mẫu 01/GTCN)

Theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 91/2022/NĐ-CP, tính đến ngày 30/10/2022 người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 04 quý quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra đã tính tiền chậm nộp theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và khi áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 04 quý tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này được giảm số tiền chậm nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm tiền chậm nộp theo Mẫu số 01/GTCN gửi cơ quan thuế nơi phát sinh tiền chậm nộp (là cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế có hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp).

Sau khi điều chỉnh giảm mà có số tiền chậm nộp nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Chương VIII Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trên đây là phân tích Nghị định 91/2022/NĐ-CP, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/10/2022 và cần lưu ý:

Các quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này được áp dụng từ kỳ tính thuế 2021.

https://cdn.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2022/11/02/Phan_tich_Nghi_dinh_91_2022_ND_CP_0211143338.pdf

Quý khách vui lòng đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem chi tiết phân tích văn bản này. Nếu Quý khách chưa có tài khoản, vui lòng đăng ký tại đây!
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục