Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP.
Dưới đây là nội dung phân tích những điểm thay đổi đáng chú ý liên quan đến thuế GTGT tại Nghị định 49/2022/NĐ-CP mà các doanh nghiệp cần quan tâm:
1. Xác định giá đất được trừ đối với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trong giá đất được trừ để tính thuế GTGT là:
Số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà Nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Trước đây: Không quy định cụ thể mà chỉ nêu chung là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
2. Xác định giá đất được trừ với trường hợp cơ sở kinh doanh có đầu tư cơ sở hạ tầng
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP quy định, đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có) theo quy định.
Đồng thời, Nghị định mới cũng hướng dẫn:
- Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.
- Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Trước đây: Nghị định 209/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có), cơ sở kinh doanh không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng đã tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế giá trị gia tăng.
Nếu giá đất được trừ không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng thì cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng chưa tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế giá trị gia tăng.
Quy định này dẫn đến tình trạng hiểu lầm là được lựa chọn cách xác định giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân đã bao gồm cơ sở hạ tầng (cơ sở kinh doanh được tính vào giá đất được trừ bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng hoặc không tính vào giá đất được trừ của phần cơ sở hạ tầng).
3. Xác định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
- Đối với các công ty thuỷ điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO (Tổng công ty phát điện)
Giá tính thuế GTGT đối với điện của các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO bằng 35% giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Trước đây: Giá tính thuế GTGT đối với điện của các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO không trực tiếp bán điện cho khách hàng là giá bán điện cho công ty mẹ do EVN công bố trước ngày 31/3 hàng năm để áp dụng thống nhất nhưng không thấp hơn chi phí sản xuất điện bình quân năm trước liền kề (không bao gồm chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá) của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO.
- Đối với các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO
Giá tính thuế GTGT để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện của các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO là giá bán điện cho khách hàng ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện.
Nếu chưa có hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện thì giá tính thuế GTGT được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Trước đây: Các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO không trực tiếp bán điện cho khách hàng thì giá tính thuế GTGT đối với công ty nhiệt điện là giá bán cho công ty mẹ do EVN công bố trước ngày 31/3 hàng năm để áp dụng thống nhất nhưng không thấp hơn giá mua điện bình quân năm trước liền kề của EVN.
- Đối với các công ty sản xuất điện khác (trừ thủy điện, nhiệt điện) hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO
Giá tính thuế GTGT để xác định số thuế GTGT nộp tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất điện đối với các công ty sản xuất điện khác (điện gió, điện mặt trời…) hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO là giá bán điện chưa có thuế GTGT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện.
Trường hợp chưa có giá bán điện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện nêu tại điểm này thì giá tính thuế GTGT được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Trước đây: Không quy định cụ thể giá tính thuế GTGT đối với nguồn điện này nhưng có quy định giá mua điện (điện gió, điện mặt trời) của Bộ Công Thương.
4. Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư
Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo hướng gộp điểm a và điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP.
Đồng thời bổ sung hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mới (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn, hạng mục đầu tư) không phân biệt cùng tỉnh, thành phố hay khác tỉnh, thành phố với nơi đóng trụ sở chính như trước đây.
Cụ thể:
Cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (gồm cả cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư) có dự án đầu tư mới (gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư) theo quy định của Luật Đầu tư tại địa bàn cùng tỉnh, thành phố hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này và dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong giai đoạn đầu tư lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế GTGT.Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai thuế GTGT riêng đối với dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện (nếu có). Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào lũy kế của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế GTGT.
Trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì cơ quan thuế có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để quyết định việc hoàn thuế GTGT.Trước đây: Còn yêu cầu dự án đầu tư phải có thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm.
Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022 quy định hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc các trường hợp sau thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư:
- Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.- Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành chưa phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.
- Dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành không phải có giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.Trước đây: Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động thì mới được hoàn thuế GTGT.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.
Bên cạnh phần phân tích Nghị định 49/2022/NĐ-CP trên đây, bạn đọc vui lòng xem chi tiết toàn văn của văn bản để nắm bắt được những nội dung khác nữa.
https://cdn.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2022/08/05/Phan_tich_Nghi_dinh_49_2022_ND_CP_0508103351.pdf