6 tiêu chí phân biệt thuế, phí và lệ phí dễ hiểu nhất

Thuật ngữ thuế, phí và lệ phí được sử dụng rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ sự khác nhau giữa những khoản thu này. Dưới đây là các tiêu chí phân biệt thuế với phí và lệ phí.

Điểm giống nhau của thuế, phí và lệ phí

- Thuế, phí và lệ phí là nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong đó thuế là nguồn thu chủ yếu.

- Thuế, phí và lệ phí là những khoản thu bắt buộc mà tổ chức, cá nhân phải nộp, trừ trường hợp được miễn; nghĩa là tổ chức, cá nhân không được thỏa thuận với cơ quan nhà nước về mức nộp, thời gian nộp.

- Mức đóng hoặc xác định số tiền phải nộp do văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Nói các khác, mức đóng hoặc cách xác định số tiền phải nộp (công thức tính) phải dựa vào văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải do văn bản cá biệt, văn bản áp dụng pháp luật quy định.

Như vậy, mặc dù thuế, phí và lệ phí là các khoản thu khác nhau của ngân sách nhưng vẫn có những điểm chung nhất định.

phan-biet-thue-phi-va-le-phi
Tiêu chí phân biệt thuế phí và lệ phí (Ảnh minh họa)

Tiêu chí phân biệt thuế phí và lệ phí

Giữa thuế, phí và lệ phí có nhiều điểm khác nhau và có thể phân biệt rõ qua các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí phân biệt

Thuế

Phí, lệ phí

Khái niệm

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế (khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019)

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015.

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015.

Văn bản điều chỉnh

Thuế được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản có giá trị pháp lý cao là luật. Mặc dù được hướng dẫn bởi các nghị định và thông tư nhưng văn bản có giá trị pháp lý cao nhất (văn bản gốc) là luật.

Ngoài văn bản điều chỉnh chung là Luật Quản lý thuế thì mỗi loại thuế được quy định bởi một luật thuế tương ứng như: Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016,…

Ngoài Luật Phí và lệ phí 2015 điều chỉnh chung thì phí và lệ phí được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật như nghị quyết, nghị định, thông tư và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.

Ví dụ: Lệ phí tòa án được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14; lệ phí môn bài được quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP; lệ phí trước bạ được quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP; lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,…

Vị trí, vai trò

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.

Là nguồn tài chính chủ yếu bảo đảm hoạt động của các quan nhà nước.

Phí và lệ phí là những khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (khoản thu phụ).

Chủ yếu để bù đắp chi phí khi Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức khác cung cấp dịch vụ công hoặc thực hiện công việc quản lý nhà nước.

Phạm vi áp dụng

Thuế được áp dụng trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu thuế, không phân biệt đơn vị hành chính lãnh thổ.

Ví dụ: Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng đối với toàn bộ cá nhân cư trú, không cư trú theo pháp luật thuế thu nhập cá nhân mà không phân biệt tỉnh, thành.

Một số loại phí, lệ phí được áp dụng theo phạm vi lãnh thổ. Mức thu do HĐND tỉnh. thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Ví dụ: Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai, lệ phí hộ tịch, lệ phí cấp giấy phép xây dựng, lệ phí đăng ký kinh doanh,…

Tính hoàn trả (lợi ích của người nộp thuế, phí, lệ phí)

Khi nộp thuế thì không hoàn trả trực tiếp cho người nộp mà tính hoàn trả được thể hiện một cách gián tiếp thông các các hoạt động của Nhà nước như xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội,…

Lệ phí và phí mang tính hoàn trả trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thông qua kết quả dịch vụ công.

Ví dụ: Khi nộp phí khai thác thông tin đất đai người có yêu cầu sẽ biết được các thông tin về quy hoạch, tình trạng pháp lý của thửa đất.

Cơ quan thu

Cơ quan thuế thu theo quy định của pháp luật thuế

Ngoài một số loại phí, lệ phí do cơ quan thuế quản lý thu thì cơ quan có thẩm quyền thu là cơ quan cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước

Trên đây là những tiêu chí phân biệt thuế phí và lệ phí. Nếu quý bạn đọc có vướng mắc về thuế, phí, lệ phí và các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ trực tiếp qua số 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

Luật sửa đổi 9 Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính được thông qua ngày 29/11/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán:

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ngày 18/12/2024, LuatVietnam đã tổ chức hội thảo online dành cho cộng đồng Kế toán với chủ đề “Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và sử dụng AI Luật", với diễn giả của sự kiện là chị Vũ Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Nội dung của LuatVietnam.