Nợ thuế bao lâu thì bị cưỡng chế? Thời hiệu cưỡng chế là bao lâu?

Trong một số trường hợp pháp luật quy định người nợ thuế có thể bị cưỡng chế. Vậy nợ thuế bao lâu thì bị cưỡng chế? Thời hiệu cưỡng chế là bao lâu? Cùng nghiên cứu quy định liên quan đến cưỡng chế khi nợ thuế tại bài viết.

1. Nợ thuế bao lâu thì bị cưỡng chế?

Nợ thuế là việc người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và các khoản thu khác vào nguồn ngân sách nhà nước khi hết thời hạn theo quy định pháp luật.

Nợ thuế bao lâu thì bị cưỡng chế? (ảnh minh họa)

Nợ thuế quá 90 ngày sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế bởi theo quy định tại Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC, các trường hợp người nộp thuế nợ thuế bị cưỡng chế bao gồm:

  • Người nộp thuế nợ thuế, chậm nộp thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, gia hạn nộp thuế;

  • Người nộp thuế nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp thuế và có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản;

  • Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Nếu quyết định xử phạt có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày mà người nợ thuế không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

2. Các biện pháp cưỡng chế khi nợ thuế

Các biện pháp cưỡng chế khi nợ thuế được quy định tại Điều 3 Thông tư 215/2013/TT-BTC bao gồm:

  • Trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế bị cưỡng chế tại kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản;

  • Khấu trừ tiền lương, thu nhập;

  • Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng;

  • Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản bị kê biên;

  • Thu tiền, tài sản khác của người nợ thuế bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ;

  • Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

3. Nguyên tắc cưỡng chế khi nợ thuế

Điều 5 Thông tư 215/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 87/2018/TT-BTC) quy định về nguyên tắc cưỡng chế khi nợ thuế như sau:

Nguyên tắc cưỡng chế khi nợ thuế (ảnh minh họa)

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo chỉ được áp dụng khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ tiền tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp phạt.

Nếu cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập thì chỉ áp dụng đối với người nộp thuế là cá nhân.

Cách tính ngày để thực hiện cưỡng chế:

  • Nếu thời hạn được tính bằng ngày thì tính liên tục theo ngày dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ;

  • Nếu thời hạn được tính bằng ngày làm việc thì tính theo ngày làm việc hành chính (các ngày theo dương lịch, không tính thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết;

  • Nếu thời hạn được tính từ một ngày cụ thể thì ngày bắt đầu tính thời hạn được xác định là ngày tiếp theo của ngày cụ thể đó;

  • Nếu ngày cuối cùng của thời hạn trùng với ngày nghỉ thì ngày cuối cùng của thời hạn được xác định là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó;

Tạm dừng hoặc chưa cưỡng chế đối với người nợ thuế, nợ tiền phạt, tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau:

  • Quyết định nộp dần tiền thuế nợ;

  • Quyết định gia hạn nộp thuế;

  • Thông báo không tính tiền chậm nộp

  • Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

4. Thời hiệu cưỡng chế là bao lâu?

Về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế về thuế, Điều 9 Thông tư 215/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 87/2018/TT-BTC) quy định như sau:

  • Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong 01 một năm kể từ ngày được ghi trong quyết định. Thời hiệu cưỡng chế được ghi trong quyết định cưỡng chế;

Đối với quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế bị cưỡng chế thì có hiệu lực thi hành trong 30 ngày kể từ ngày được ghi trong quyết định. Thời hiệu cưỡng chế là 30 ngày được ghi trong quyết định cưỡng chế.

  • Trong thời hiệu quyết định cưỡng chế có hiệu lực mà tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trốn tránh, trì hoãn, cản trở việc cưỡng chế, không thực hiện trách nhiệm thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt các hành vi vi phạm.

  • Quyết định cưỡng chế sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày người nợ thuế chế chấp hành xong quyết định xử lý hành chính hoặc người nợ thuế đã nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp phạt bị cưỡng chế được gia hạn hoặc nộp dần tiền nợ hoặc không tính tiền chậm nộp.

Cơ sở để chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế là chứng từ nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc nộp dần tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp.

Trên đây là nội dung giải đáp: Nợ thuế bao lâu thì bị cưỡng chế?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục