Mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không?

Việc xác định giao dịch liên kết có ý nghĩa quan trọng trong xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy trường hợp mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không?

1. Mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không?

Mượn tiền Giám đốc của công ty có thể là một giao dịch liên kết, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Theo điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có phát sinh vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp được coi là giao dịch liên kết.

Đối chiếu với khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty.

Cụ thể, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Do đó, trường hợp công ty vay tiền của Giám đốc điều hành, kiểm soát công ty với mức vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay tiền giữa công ty với Giám đốc là giao dịch liên kết.

Ngày 06/3/2024, LuatVietnam và MISA đồng tổ chức Hội thảo miễn phí "Giao dịch liên kết - Quy định kế toán cần biết" =>>  Cập nhật thông tin về sự kiện và Đăng ký ngay.
Mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không?
Mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không? (Ảnh minh họa)

Như vậy, việc mượn tiền Giám đốc được coi là giao dịch liên kết khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện:

- Giám đốc là người thực hiện điều hành, kiểm soát doanh nghiệp;

- Vay Giám đốc ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu.

Nếu không đáp ứng các điều kiện này thì giao dịch vay tiền giữa công ty với Giám đốc không được xác định là giao dịch liên kết.

Trong năm tài chính nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thì có nghĩa vụ kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết.

Người nộp thuế thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết không?

Các giao dịch vay phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết khi khoản vốn vay (bao gồm ngắn hạn, trung và dài hạn) lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của công ty.

Tùy trường hợp để xác định vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết không
Tùy trường hợp để xác định vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết không (Ảnh minh họa)

Điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định:

[…]

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

[…]

Căn cứ quy định nêu trên trường hợp công ty có vay vốn ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của công ty thì giữa công ty và ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết.

Theo đó, giao dịch vay phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết khi đáp ứng yêu cầu:

- Khoản vốn vay (bao gồm cả vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu;

- Chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn (bao gồm khoản vay trung và dài hạn, khoản nợ nhà cung cấp trung và dài hạn, nợ khác trung và dài hạn).

Trên đây là giải đáp về việc mượn tiền Giám đốc có phải giao dịch liên kết không? Nếu có vấn đề thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến số 19006192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục