[Tổng hợp] 4 nội dung cần chú ý của Nghị định 92 về miễn, giảm thuế

Doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh để được hưởng chính sách theo Nghị quyết 406 cần nắm rõ quy định về miễn giảm thuế theo Nghị định 92/2021. Với mỗi chính sách đều có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, thủ tục thực hiện.


1. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

1.1. Đối tượng áp dụng

Chính sách này áp dụng đối với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (gọi chung là doanh nghiệp) gồm:

(1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

(2) Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

(3) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

(4) Tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.

1.2. Điều kiện, mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

* Mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021.

* Điều kiện được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Áp dụng đối với doanh nghiệp có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.

Lưu ý: Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.

- Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, trường hợp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Doanh thu trong kỳ tính thuế gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

+ Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.

Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên với doanh nghiệp mới thành lập là năm 2020 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2022 mà có thời gian ngắn hơn 03 tháng và doanh nghiệp được cộng vào kỳ tính thuế năm 2021 để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc xác định doanh thu và số thuế được giảm chỉ áp dụng đối với 12 tháng của kỳ tính thuế năm 2021.

+ Doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thể hiện trên báo cáo tài chính tổng hợp năm.

1.3. Xác định số thuế thu nhập được giảm

Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm được tính trên số thuế thu nhập phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1.4. Kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

- Căn cứ doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 và dự kiến doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý.

Doanh nghiệp xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp chính thức được giảm để kê khai theo mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC và trên Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 92.

- Khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 thì việc xử lý số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa của số thuế tạm nộp các quý so với số thuế phải nộp theo quyết toán năm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế theo Nghị định này hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 lớn hơn số thuế mà doanh nghiệp đã kê khai thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế thiếu so với số phải nộp sau khi đã được giảm theo Nghị định này (nếu có).

Đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế tính trên số tiền thuế thiếu và tính tiền chậm nộp theo quy định.

Lưu ý:

- Doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm 2021 hoặc theo quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì số thuế tăng thêm vẫn được giảm 30% nếu đáp ứng đủ điều kiện.

- Doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm 2021 hoặc theo quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì điều chỉnh giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo Nghị định này và xử lý số tiền thuế nộp thừa (nếu có) theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

mien giam thue theo nghi dinh 924 quy định về miễn giảm thuế theo Nghị định 92/2021 cần nắm rõ (Ảnh minh họa)

2. Miễn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh

2.1. Đối tượng áp dụng

Hộ, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là địa bàn cấp huyện) chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh với một hoặc nhiều hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19.

2.2. Miễn thuế phải nộp

Hộ, cá nhân kinh doanh được miễn một số loại thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV năm 2021, cụ thể:

- Miễn thuế thu nhập cá nhân.

- Miễn thuế giá trị gia tăng.

- Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Miễn thuế tài nguyên.

- Miễn thuế bảo vệ môi trường.

Không áp dụng việc miễn các loại thuế trên đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Lưu ý: Trường hợp đã nộp số thuế của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được cơ quan thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn thuế (nếu có).

2.3. Căn cứ xác định số thuế được miễn

* Trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền

Cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 trên Thông báo nộp tiền để xác định số thuế được miễn.

* Trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền

Người nộp thuế (gồm cả tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ) căn cứ số thuế phải nộp theo Tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.

Trường hợp thuộc diện khai thuế theo kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm (cho thuế tài sản, xây dựng nhà tư nhân, khai từng lần phát sinh khác) thì số thuế được miễn là số thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.

Trường hợp trên hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 thì xác định theo doanh thu bình quân tháng theo giá trị hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh ký trong tháng thì thời gian của hợp đồng được tính đủ tháng.

2.4. Trình tự, thủ tục thực hiện

* Trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền

Bước 1: Cơ quan thuế lập danh sách

- Cơ quan thuế lập danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý tại địa bàn để xác định đối tượng được miễn thuế theo Mẫu số 01-1/DS-MTHK Phụ lục II Nghị định 92/2021/NĐ-CP.

- Cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân kinh doanh theo Thông báo nộp tiền trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để xác định số thuế được miễn.

Bước 2: Ban hành quyết định miễn thuế

Chi cục trưởng Chi cục thuế/Chi cục thuế khu vực ban hành 01 Quyết định miễn thuế kèm theo danh sách toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh được miễn thuế theo Mẫu số 01/MTHK Phụ lục II Nghị định 92/2021/NĐ-CP.

Sau thời điểm cơ quan thuế ra quyết định miễn thuế theo Nghị quyết 406 cho toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn, nếu có phát sinh hộ, cá nhân kinh doanh mới thì cuối tháng cơ quan thuế lập danh sách để ra Quyết định miễn thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh mới.

Bước 3: Ban hành Thông báo miễn thuế

Cơ quan thuế ban hành Thông báo miễn thuế theo Nghị quyết 406 sau khi ban hành Quyết định miễn thuế gửi đến từng hộ, cá nhân kinh doanh theo Mẫu số 01/TBSMT-CNKD.

* Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền

Hộ, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế để khai trên Tờ khai thuế, đồng thời lập bản xác định số thuế được miễn theo Mẫu số 01-1/PL-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 92 này để nộp kèm theo Tờ khai thuế.

3. Giảm thuế giá trị gia tăng

3.1. Thời gian giảm thuế giá trị gia tăng

Từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

3.2. Đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng

(1) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải hàng không, vận tải đường thủy, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.

(2) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

Lưu ý:

- Chi tiết hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế được quy định rõ tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP, trong đó hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng (2) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

- Trường hợp mà hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định Luật Thuế giá trị gia tăng (nghĩa là không áp dụng chính sách này).

3.3. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

- Giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

- Giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

3.4. Trình tự, thủ tục thực hiện

- Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp khấu trừ, khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán.

Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

- Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.

Lưu ý:

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ thì khi lập hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.

Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hoặc giá đã giảm 30% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

- Doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Phụ lục giảm thuế giá trị gia tăng tại Phụ lục II Nghị định 92 cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng.

4. Miễn tiền chậm nộp

4.1. Đối tượng được miễn tiền chậm nộp

Doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020 được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê.

4.2. Xác định số tiền chậm nộp được miễn

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp.

4.3. Thẩm quyền miễn tiền chậm nộp

Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế.

4.4. Thủ tục, hồ sơ xử lý miễn tiền chậm nộp

Bước 1: Lập và gửi văn bản đề ngị miễn tiền chậm nộp

Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, trong đó nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ tính thuế năm 2020 theo Mẫu số 01/MTCN Phụ lục lI Nghị định 92 gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương thức điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Trường hợp người nộp thuế đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì gửi kèm Biên bản hoặc quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý

Cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, để xác định điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 làm căn cứ xem xét miễn tiền chậm nộp.

Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 được xác định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thời gian giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị.

Lưu ý: Nếu đã nộp tiền chậm nộp trước ngày 19/10/2021 thì không xử lý lại.

Trên đây là quy định miễn giảm thuế theo Nghị định 92. Để được hưởng đúng chính sách miễn, giảm thuế thì người nộp thuế cần nắm chắc quy định; nếu có vướng mắc hãy gọi tới cơ quan thuế hoặc tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được giải đáp.

>> Thuế hộ kinh doanh: Mức thuế phải nộp bao nhiêu? Cách tính thế nào?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất 2024

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất 2024

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất 2024

Nghị định 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn từ ngày 17/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Quy định về tài khoản kế toán Hợp tác xã từ 07/10/2024

Quy định về tài khoản kế toán Hợp tác xã từ 07/10/2024

Quy định về tài khoản kế toán Hợp tác xã từ 07/10/2024

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 71/2024/TT-BTC quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Sau đây là những điểm nổi bật trong quy định về tài khoản kế toán Hợp tác xã từ 07/10/2024.

Chứng từ kế toán là gì? Quy định về chứng từ kế toán Hợp tác xã từ 7/10/2024

Chứng từ kế toán là gì? Quy định về chứng từ kế toán Hợp tác xã từ 7/10/2024

Chứng từ kế toán là gì? Quy định về chứng từ kế toán Hợp tác xã từ 7/10/2024

Chứng từ kế toán áp dụng cho các hợp tác xã được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán. Bài viết dưới đây sẽ xoay quanh nội dung chứng từ kế toán là gì? Quy định về chứng từ kế toán Hợp tác xã từ 07/10/2024.

Hướng dẫn cách tính thuế trước bạ ô tô, xe máy trong 1 phút

Hướng dẫn cách tính thuế trước bạ ô tô, xe máy trong 1 phút

Hướng dẫn cách tính thuế trước bạ ô tô, xe máy trong 1 phút

Với ứng dụng eTax Mobile thì người dân có thể tự mình tính chính xác được số tiền thuế trước bạ (lệ phí trước bạ) phải nộp khi mua ô tô, xe máy. Để làm được điều đó người dân cần biết cách tính thuế trước bạ online đối với ô tô, xe máy dưới đây.