Đây là một trong những điểm đáng chú ý được nêu tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Cụ thể:
1. Lập và ký hóa đơn điện tử trong vòng 24h
Theo điểm d khoản 6 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020, trường hợp hóa đơn điện tử có thời điểm ký số khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số cách nhau tối đa không quá 24h.
Khi đó, thời điểm khai thuế đối với người bán là thời điểm lập hóa đơn, thời điểm khai thuế đối với người mua là thời điểm ký hóa đơn.
Hiện nay, khoản 9 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP không quy định giới hạn thời gian giữa thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số nên có trường hợp người bán lập hóa đơn nhưng 01 tuần, 01 tháng sau mới ký số để gửi cho người mua và cơ quan thuế.
Thêm vào đó, Nghị định 123/2020 quy định, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh khi khai thuế.
Và phải đến khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1586/TCT-CS ngày 04/5/2023 hướng dẫn thì vấn đề khai thuế đối với trường hợp này mới được rõ ràng và thống nhất.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020 cũng quy định, thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu (gồm cả gia công xuất khẩu) là không quá 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên Tờ khai hải quan.
Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung thêm chứng khoán, bảo hiểm, xổ số điện toán vào nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù được xuất hóa đơn khi kết thúc việc đối soát dữ liệu giữa các bên theo điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020.
2. Người bán lập hóa đơn hàng bán trả lại
Một vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm của kế toán trong thời gian gần đây là việc bên nào có trách nhiệm xuất hóa đơn khi trả lại hàng hóa.
Theo đó, điểm a khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định rõ người bán lập hóa đơn trong trường hợp người mua trả lại hàng; người bán chấm dứt/hủy việc cung cấp dịch vụ.
Cụ thể:
- Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hàng hóa: Người bán hủy hóa đơn điện tử đã lập.
- Trường hợp người mua trả lại một phần hàng hóa: Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh.
- Trường hợp hàng hoá là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và tài sản đã được đăng ký theo tên người mua: Nếu người mua là đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử thì người mua lập hoá đơn trả lại hàng.
3. Mã số định danh của người mua là tiêu thức bắt buộc
Dự thảo Nghị định sửa đổi đề xuất, trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế nhưng nếu người mua được cấp mã số định danh thì phải thể hiện mã số định danh của người mua.
Theo đó, mã số định danh của người mua là tiêu thức bắt buộc trên hóa đơn.
Đồng thời, tại tiêu thức tên hàng hóa, dịch vụ đối với trường hợp kinh doanh vận tải thì trên hoá đơn phải thể hiện BKS phương tiện vận tải, hành trình (điểm đi - điểm đến), cự ly di chuyển tính theo km.
Trên đây là thông tin về việc lập và ký hóa đơn điện tử trong vòng 24h điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020 về hóa đơn điện tử. Nếu cần hỗ trợ, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay hotline 19006192 .