Cách lập thư tra soát sai tiểu mục, sai cơ quan quản lý thu…

Thư tra soát được sử dụng khi phát hiện có sai sót liên quan đến khoản nộp ngân sách nhà nước. Cụ thể, tham khảo cách lập thư tra soát theo Thông tư 80 dưới đây.

Trường hợp nào được lập thư tra soát?

Theo Điều 69 Thông tư 80/2021/TT-BTC, người nộp thuế được tra soát thông tin nộp ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau:

(1) Thông tin đã ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế do cơ quan thuế cung cấp định kỳ sai khác so với thông tin theo dõi của người nộp thuế.

Trong đó, các thông tin do cơ quan thuế cung cấp định kỳ bao gồm:

Tình hình xử lý các khoản phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, nộp thừa, được miễn giảm, được xoá nợ, được hoàn, đã hoàn, còn được hoàn phát sinh trong tháng trước và các khoản còn phải nộp, nộp thừa, còn được hoàn.

2 trường hợp người nộp thuế được lập thư tra soát (Ảnh minh họa)

(2) Điều chỉnh thông tin đã khai trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước không chính xác.

Theo đó, chỉ được đề nghị điều chỉnh các chứng từ nộp ngân sách đáp ứng đủ điều kiện sau:

  • Chứng từ của năm trước nhưng đề nghị điều chỉnh vào năm sau: Chỉ được điều chỉnh trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách - trước ngày 31/01 năm sau.

  • Không đề nghị điều chỉnh tổng số tiền, loại tiền (VND, USD) trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước.

  • Không thuộc trường hợp gửi văn bản đề nghị bù trừ khoản nộp thừa/đề nghị hoàn thuế theo Điều 25 và Điều 42 Thông tư này.

Như vậy, người nộp thuế chỉ được lập thư tra soát trong 02 trường hợp nêu trên.

Hướng dẫn lập thư tra soát theo Thông tư 80/2021

Người nộp thuế có thể nộp hồ sơ trực tiếp/qua bưu điện/qua trang thuedientu.gdt.gov.vn. Cụ thể, trình tự, thủ tục lập thư tra soát như sau:

Lập thư tra soát online trên thuế điện tử

Bước 1: Người nộp thuế đăng nhập tài khoản MST-QL trên trang thuedientu.gdt.gov.vn

Bước 2: Chọn Nộp thuế -> Lập Hồ sơ đề nghị tra soát -> Chứng từ nộp thuế

Lập thư tra soát online trên thuedientu (Ảnh minh họa)

Bước 3: Tìm chứng từ theo:

- Thời gian từ ngày - đến ngày: dd/MM/yyyy - dd/MM/yyyy; hoặc

- Số tham chiếu (nếu có)

Sau đó, chọn chứng từ cần tra soát -> Bấm “Hoàn thành” -> Mục “Nội dung đề nghị tra soát” sẽ được cập nhật đẩy đủ thông tin của chứng từ cần tra soát, điều chỉnh.

Trường hợp nộp tiền qua ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước thì cần có Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước để điền: Số tham chiếu, Số chứng từ, Kỳ thuế/Ngày quyết định/Ngày thông báo, Chương, Tiểu mục… theo đúng trên Giấy nộp tiền.

Bước 4: Điền thông tin tại Nội dung đề nghị điều chỉnh

- Điều chỉnh các thông tin sai sót: Sai tiểu mục -> Chọn lại tiểu mục; Sai cơ quan thu -> Chọn lại cơ quan thu…

Lưu ý: Không được điều chỉnh tổng số tiền, loại tiền (VND, USD) trên chứng từ.

Bước 5: Ghi lý do tra soát điều chỉnh

Ví dụ: Nộp sai tiểu mục/sai cơ quan thu…

Bước 6: Đính kèm tài liệu (đối với trường hợp nộp thuế qua ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước): Bản sao chứng từ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế hoặc bản sao các quyết định, thông báo, chứng từ có liên quan.

Bước 7: Chọn Hoàn thành -> Ký và nộp

Kiểm tra lại thông tin trên Văn bản đề nghị tra soát xem đúng chưa -> Cắm chữ ký số và chọn “Ký và nộp”

Bước 8: Chọn Kết thúc

Bước 9: Tra cứu trạng thái hồ sơ đề nghị tra soát

Chọn “Tra cứu Hồ sơ đề nghị tra soát” -> chọn thời gian “Ngày lập TS từ ngày” -> Tra cứu

Bước 10: Sau thời hạn 03 ngày làm việc (đối với trường hợp tra soát 1) hoặc 05 ngày làm việc (đối với trường hợp tra soát 2) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ người nộp thuế sẽ nhận được Thông báo chấp nhận/không chấp nhận thông tin đề nghị tra soát (mẫu 01/TB-TS Thông tư 80/2021/TT-BTC) ở cột “Xem thông báo”.

Trường hợp chưa đủ thông tin để điều chỉnh, người nộp thuế sẽ nhận được Thông báo yêu cầu bổ sung thông tin theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT Nghị định 126/2020/NĐ-CP để giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu.

Lập thư tra soát trực tiếp/qua bưu điện

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị tra soát theo mẫu số 01/TS ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.

- Tài liệu chứng minh (nếu có): Bản sao chứng từ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế/bản sao các quyết định, thông báo, chứng từ có liên quan.

Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp/qua bưu điện tới bộ phận một cửa cơ quan thuế

Bước 3: Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan thuế tiếp nhận/chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện

Bước 4: Sau thời hạn 03 ngày làm việc (đối với trường hợp tra soát 1) hoặc 05 ngày làm việc (đối với trường hợp tra soát 2) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ người nộp thuế sẽ nhận được Thông báo điều chỉnh/không điều chỉnh thông tin đề nghị tra soát (mẫu 01/TB-TS Thông tư 80/2021/TT-BTC).

Trường hợp chưa đủ thông tin để điều chỉnh, người nộp thuế sẽ nhận được Thông báo yêu cầu bổ sung thông tin theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT Nghị định 126/2020/NĐ-CP để giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu.

Trên đây là cách lập thư tra soát mới nhất, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Để cập nhật kịp thời các văn bản về Thuế, Kế toán, Tài chính, hãy đăng ký ngay Gói Kế toán của LuatVietnam
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục