Để tiết kiệm một chút tiền thuế, nhiều người mua bán đất đã khai giá mua bán trong hợp đồng công chứng thấp hơn thực tế hai bên thoả thuận với nhau mà không biết rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trường hợp này, các bên bị phạt thế nào?
Xác định giá mua bán tính thuế thu nhập cá nhân thế nào?
Căn cứ Điều 17 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, khi chuyển nhượng (hay còn gọi là mua bán) nhà, đất, thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 2% trên giá chuyển nhượng. Cụ thể, thuế thu nhập cá nhân tính theo công thức:
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x giá chuyển nhượng
Trong đó, giá chuyển nhượng được quy định như sau:
- Mua bán đất không có nhà: Giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng mua bán đất tại thời điểm các bên mua bán. Nếu trên hợp đồng không ghi giá hoặc ghi giá nhưng thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh quy định (thường gọi là giá Nhà nước) thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá Nhà nước tại thời điểm mua bán.
- Mua bán nhà, đất kể cả tài sản hình thành trong tương lai: Giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng mua bán tại thời điểm mua bán. Nếu hợp đồng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng thấp hơn giá Nhà nước thì giá chuyển nhượng là giá Nhà nước tại thời điểm mua bán...
Theo quy định này, nếu trong hợp đồng mua bán, dù chỉ bán mình đất hay bán cả nhà và đất thì căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là giá ghi trên hợp đồng mua bán. Chỉ trong trường hợp, giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá Nhà nước hoặc hợp đồng không ghi giá thì sẽ tính theo giá Nhà nước.
Như vậy, căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là dựa vào giá mua bán ghi trên hợp đồng. Đây chính là giá mua bán thực tế giữa các bên. Mà thông thường, giá thoả thuận của các bên sẽ cao hơn giá Nhà nước.
Khai gian giá mua bán trong hợp đồng để né thuế, bị phạt thế nào?
Theo phân tích ở trên, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng mua bán để tính thuế thu nhập cá nhân. Do đó, rất nhiều bên vì muốn được giảm số thuế này đã chọn cách ghi giá trong hợp đồng mua bán thấp hơn giá thực tế hai bên bán cho nhau.
Điều này dẫn đến, số thuế lẽ ra các bên phải nộp bị thấp hơn số thuế các bên nộp cho cơ quan thuế. Đây được xem là một trong những hành vi trốn thuế.
Tuỳ vào mức độ, số tiền thuế bị thiếu, người nộp thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Bị xử phạt hành chính
Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, khi các bên lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì bị phạt:
STT | Hành vi | Mức phạt |
1 | Có từ 01 tình tiết giảm nhẹ trở lên | 01 lần số thuế trốn |
2 | Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ | 1,5 lần số tiền thuế trốn |
3 | Có 01 tình tiết tăng nặng | 2,0 lần số tiền thuế trốn |
4 | Có 02 tình tiết tăng nặng | 2,5 lần số tiền thuế trốn |
5 | Có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên | 3,0 lần số tiền thuế trốn |
Ngoài bị phạt, người khai gian để trốn thuế còn phải nộp đủ số thuế đã trốn vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, nếu hết thời hạn thì người nộp thuế không phải nộp tiền phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đã trốn cùng tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước.
Ví dụ:
Hai bên thoả thuận mua đất với giá là 500 triệu đồng nhưng trong hợp đồng chỉ ghi có 300 triệu đồng. Giá đất Nhà nước trong trường hợp này là 250 triệu đồng thì giá tính thuế thu nhập cá nhân sẽ tính theo giá 300 triệu đồng. Theo đó:
Giá nộp thuế thu nhập cá nhân (theo giá trên hợp đồng) = 300 triệu đồng x 2% = 06 triệu đồng.
Giá nộp thuế thu nhập cá nhân (theo giá thực tế) = 500 triệu đồng x 2% = 10 triệu đồng.
Như vậy, số tiền thuế bị trốn là: 04 triệu đồng.
Căn cứ bảng trên, nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì số tiền bị phạt là 04 triệu đồng; không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì số tiền bị phạt là 06 triệu đồng; có 01 tình tiết tăng nặng là 08 triệu đồng; có 02 tình tiết tăng nặng thì số tiền bị phạt là 10 triệu đồng và nếu có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên thì số tiền bị phạt là 12 triệu đồng.
Chịu trách nhiệm hình sự
Căn cứ điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế mà tiếp tục vi phạm với số tiền trốn thuế là từ 100 - dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm.
Nếu nặng hơn như có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm... thì người trốn thuế co thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm tù.
Nếu trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.
Như vậy, tuỳ vào mức độ của hành vi trốn thuế, người trốn thuế có thể bị phạt tù đến 07 năm.
Trên đây là quy định về việc khai giá mua nhà đất thấp hơn thực tế để né thuế bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.