5 điều phải biết về thuế, kế toán của chi nhánh

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được thành lập cùng hoặc khác tỉnh, thành với trụ sở chính của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà quy định về kế toán, thuế của chi nhánh là khác nhau.


1. Chi nhánh là gì?

Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

“Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”

Theo đó, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân.

Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức hạch toán, gồm: Hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc.

2. Kê khai lệ phí môn bài cho chi nhánh

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp lệ phí thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài của các đơn vị phụ thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp lệ phí;

- Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp lệ phí có trụ sở chính thì đơn vị phụ thuộc thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài của đơn vị phụ thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị phụ thuộc.

5 điều phải biết về kế toán, thuế của chi nhánh (Ảnh minh họa)

3. Trách nhiệm khai thuế GTGT

* Chi nhánh hạch toán độc lập:

Chi nhánh tự nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng tại cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp của chi nhánh.

* Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định sau:

- Chi nhánh có địa chỉ cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp:

+ Doanh nghiệp thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả chi nhánh.

+ Nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra, có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng thì phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

+ Trường hợp chi nhánh có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke thì Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định nơi kê khai thuế.

- Chi nhánh có địa chỉ khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp:

+ Chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh;

+ Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.

+ Trường hợp doanh nghiệp có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương cấp tỉnh khác nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, có thành lập chi nhánh thì chi nhánh phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Trường hợp doanh nghiệp kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có chi nhánh là các cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì thực hiện như sau:

+ Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất.

+ Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì doanh nghiệp thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.

4. Trách nhiệm khai thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC, trách nhiệm khai thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

- Chi nhánh hạch toán độc lập thì chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại chi nhánh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.

- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì chi nhánh không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại chi nhánh.

- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc là cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi có trụ sở chính và ở nơi có chi nhánh sản xuất hạch toán phụ thuộc.

5. Trách nhiệm khai, quyết toán thuế TNCN

Theo Công văn 18200/CT-TTHT năm 2017 và Công văn 329/CT-TTHT năm 2020, trách nhiệm khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm việc tại chi nhánh được xác định theo 02 trường hợp:

- Cá nhân ký hợp đồng lao động trực tiếp với chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh.

- Cá nhân ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp và được cử đến chi nhánh làm việc, các cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh tại doanh nghiệp.

Trên đây là một số điều cần biết về kế toán, thuế của chi nhánh. Ngoài ra, để kịp thời cập nhật những công văn giải thích về thuế - hóa đơn, bạn đọc hãy xem tại: Danh sách công văn thuế - hóa đơn hằng tháng.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục