Chữ ký của người bán là một trong những nội dung của hóa đơn. Trường hợp hóa đơn điện tử không có chữ ký số của người bán có hợp lệ không, cùng theo dõi bài viết sau để có câu trả lời.
Hóa đơn điện tử không có chữ ký số của người bán có hợp lệ?
Trong một số trường hợp nhất định hóa đơn điện tử không cần có chữ ký số của người bán theo khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì chữ ký số của người bán trên hóa đơn là chữ ký số của doanh nghiệp, tổ chức còn người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân/người được ủy quyền.
Cụ thể một số trường hợp không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020 như sau:
Đối với hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh: Không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán, người mua.
Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: Tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Đối với hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ: Không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán (trừ trường hợp tem, vé, thẻ là hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã), tiêu thức người mua (tên, địa chỉ, mã số thuế), tiền thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Đối với chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là hóa đơn điện tử thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, số thứ tự hóa đơn, thuế suất thuế giá trị gia tăng, mã số thuế, địa chỉ người mua, chữ ký số của người bán.
Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, hóa đơn/chứng từ điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán.
Cách kiểm tra chữ ký số trên hóa đơn điện tử
Có thể kiểm tra chữ ký số trên hóa đơn điện tử theo các cách sau:
Cách 1: Kiểm tra chữ ký số trên website Trung tâm Chứng thực điển tử quốc gia
Bước 1: Truy cập website của Trung tâm Chứng thực điển tử quốc gia:
Bước 2: Trên thanh menu chọn danh mục Dịch vụ trực tuyến -> chọn Kiểm tra văn bản ký số
Bước 3: Chọn “Click vào box này” hoặc “Chọn file tải lên” để tải văn bản có chữ ký cần kiểm tra lên hệ thống (có thể tải lên văn bản ở nhiều định dạng)
Bước 4: Sau khi file đã tải lên thành công, nhấn chọn nút “Kiểm tra chữ ký số” ở góc dưới cùng
Bước 5: Xem kết quả kiểm tra
- Trường hợp chữ ký số hợp lệ sẽ hiển thị đầy đủ thông tin của chữ ký số và chứng thư số đi kèm với các thông báo như sau:
Tên chữ ký: Tên chữ ký + Đơn vị ký
Trạng thái chữ ký: Hợp lệ tại thời điểm kiểm tra
Tính toàn vẹn của dữ liệu: Không bị thay đổi
Trạng thái chứng thư số trên chữ ký: Chứng thư số của người ký hợp lệ tại thời điểm ký số
- Trường hợp chữ ký số không hợp lệ, hệ thống sẽ hiển thị lỗi chi tiết tại mục “Chi tiết nếu chữ ký không hợp lệ”
Cách 2: Kiểm tra chữ ký số trên phần mềm ký số NEAC Signer
Phần mềm ký số NEAC Signer do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển, hỗ trợ người dùng thực hiện nhiều nghiệp vụ liên quan tới chữ ký số như:
- Ký số một hoặc nhiều tệp tài liệu
- Kiểm tra chữ ký số với tệp tin
- Có thể kiểm tra và ký số với nhiều định dạng khác nhau như: PDF, XML, EXCEL,...
Bước 1: Tìm kiếm phần mềm NEAC Signer trên App store (đối với hệ điều hành ios) hoặc Google play (đối với hệ điều hành android)
ruy cập website https://neac.gov.vn/vi
Bước 2: Cài đặt phần mềm
Bước 3: Mở phần mềm đã cài đặt. Trên giao diện chính, chọn danh mục Hệ thống -> chọn Mở tệp
Bước 4: Tại tệp đã mở, trên góc phải màn hình, nhấn chọn nút Kiểm tra chữ ký
Bước 5: Xem kết quả kiểm tra
Nếu chữ ký số hợp lệ, phần mềm sẽ hiển thị đầy đủ thông tin, trạng thái chữ ký số hợp lệ tại thời điểm kiểm tra tương tự như đã nêu ở Cách 1.
Trên đây là giải đáp về hóa đơn điện tử không có chữ ký số của người bán có hợp lệ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.