Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hiện đang rất được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian này. Vậy chính sách này ảnh hưởng thế nào đến người dân, doanh nghiệp?
Giảm thuế VAT xuống 8%: Mặt hàng nào được giảm?
Hiện nay, hầu hết các loại mặt hàng, dịch vụ đều đang áp dụng mức thuế suất GTGT (hay thuế VAT) là 10% trừ một số loại hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài, bán vào khu phi thuế quan... chịu thuế 0%, nước sạch, đường, thiết bị, dụng cụ y tế... chịu thuế 5% theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, những nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm thuế GTGT trừ các nhóm sau đây:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...
- Sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Công nghệ thông tin.
Theo đó, mức giảm thuế GTGT được quy định như sau:
- Với các cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: Được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% với hàng hoá, dịch vụ thuộc mặt hàng được giảm thuế (đã được giảm 2%).
- Với các cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Được áp dụng mức tỷ lệ % là 80% để tính thuế giá trị gia tăng (giảm 20% mức tỷ lệ % tính thuế GTGT) khi xuất hoá đơn với hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế.
Để tra cứu cụ thể hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh có thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT hay không, người nộp thuế cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Tra cứu danh mục hàng hóa, dịch vụ tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cơ sở kinh doanh nhập mã số thuế của đơn vị mình để tìm kiếm danh mục hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đang thực tế kinh doanh (nếu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký, thay đổi ngành nghề kinh doanh)/ sẽ nhập khẩu hoặc liệt kê các sản phẩm mà thực tế mình đang kinh doanh/ sẽ nhập khẩu. Dựa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ này, doanh nghiệp xác định danh mục sản phẩm mà mình đang kinh doanh.
- Bước 2: Tra cứu mã sản phẩm tương ứng với tên sản phẩm của doanh nghiệp đang kinh doanh tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg hoặc kiểm tra mã HS của sản phẩm mà mình sẽ nhập khẩu tại website tổng cục Hải quan tại địa chỉ.
- Bước 3: Đối chiếu mã sản phẩm hoặc mã HS tại bước 2 với mã sản phẩm hoặc mã HS trong Phụ lục I; Phụ lục III; đối chiếu tên sản phẩm tại bước 1 với tên sản phẩm tại phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP để xác định sản phẩm đang kinh doanh có thuộc đối tượng được giảm thuế VAT hay không.
Xem thêm: Làm sao để biết doanh nghiệp có được áp dụng thuế VAT 8% hay không?
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi thế nào khi giảm thuế VAT?
Căn cứ danh mục các hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế GTGT 10%, có thể thấy, các loại hàng hoá được giảm thuế đều tập trung vào các mặt hàng gặp khó khăn, khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.
Các mặt hàng, dịch vụ khác không bị ảnh hưởng như ngân hàng, chứng khoán... không được áp dụng mức giảm này.
Với chính sách giảm thuế GTGT xuống 8% như quy định tại Nghị định này, người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi bởi những lý do sau đây:
- Với doanh nghiệp: Khi được giảm thuế VAT đầu vào, người bán không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi các chi phí tăng cao. Qua đó, nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
- Với người tiêu dùng: Đây là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhất do chính sách giảm thuế GTGT. Về bản chất, việc giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến chi phí thực tế mà nhóm đối tượng này phải chịu. Nếu giờ đây, thuế VAT giảm 2% đồng nghĩa, chi phí chi tiêu cũng được trực tiếp giảm 2%.
Bởi khi tình hình dịch bệnh kéo dài, người dân là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi thu nhập, việc làm... đều bị ảnh hưởng, thậm chí bị giảm mạnh.
Như vậy, có thể thấy, chính sách này sẽ tăng sức mua từ người tiêu dùng, tránh trường hợp đẩy giá, tăng giá sau Tết... Qua đó, mang đến nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kêu "khổ" khi làm thủ tục giảm thuế VAT
Mặc dù mang lại lợi ích là thế nhưng thực tế, khi áp dụng các quy định về giảm thuế GTGT, doanh nghiệp và các kế toán gặp rất nhiều khó khăn.
Một trong số đó phải kể đến việc xác định danh mục hàng hoá nào được áp dụng mức giảm thuế 8%. Nghị định 15/2022 chỉ đưa ra ba Phụ lục các loại hàng hoá, dịch vụ không được áp dụng mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, công việc này lại khiến nhiều kế toán "đau đầu" bởi mã ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đăng ký kinh doanh hoặc trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang được là mã ngành theo Quyết định số 27 năm 2018. Trong khi đó, mã ngành trong các Phụ lục của Nghị định 15 lại là mã sản phẩm theo Quyết định số 43 năm 2018.
Vì sự "vênh" này giữa các văn bản nên kế toán rất khó để xác định chính xác mã hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh có thuộc đối tượng được giảm thuế xuống 8%.
Xem thêm: Làm sao để biết doanh nghiệp có được áp dụng thuế VAT 8% hay không?
Đặc biệt, ngày 09/02/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TCT về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định này. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đúng quy định về việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng khẳng định:
Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo đó, nếu doanh nghiệp, tổ chức nào có hàng hoá, dịch vụ thuộc nhóm được giảm thuế nhưng cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù việc giảm thuế mang đến nhiều lợi ích cho kích cầu thị trường mua sắm nhưng cũng đồng thời khiến nhiều doanh nghiệp "khốn khổ" khi thực hiện chính sách này.
Trên đây là một số phân tích về vấn đề giảm VAT ai được lợi? Giảm VAT ảnh hưởng thế nào đến người dân, doanh nghiệp? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Mua ô tô, xe máy ngay trong năm nay để được hưởng nhiều quyền lợi