Được giảm thuế VAT còn 8% nhưng “lỡ” xuất hóa đơn 10%, phải làm gì?

Vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất ở thời điểm này là việc giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) từ 10% xuống còn 8% trong nửa cuối năm 2023. Nhiều kế toán thắc mắc về việc "lỡ" xuất hóa đơn 10% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8% thì có sao không và phải làm gì trong trường hợp này?

Kế toán loay hoay xác định hàng hóa thuộc diện áp thuế 8% hay 10%

Tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các mặt hàng, dịch vụ mà đưa ra một Danh mục loại trừ một số hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện được giảm.

Do đó, công việc của kế toán trong các doanh nghiệp là cần phải rà soát, đối chiếu, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình có nằm trong danh mục đó hay không. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, dù mất khá nhiều thời gian nhưng nhiều kế toán vẫn không biết chính xác doanh nghiệp mình có thuộc diện được giảm thuế suất xuống còn 8% hay vẫn áp dụng mức 10% như cũ.

Từ thực tế đó dẫn đến tình trạng nhiều kế toán đã xuất hóa đơn là 10% nhưng sau đó mới phát hiện là doanh nghiệp được giảm thuế còn 8%, nên lo lắng không biết có bị cơ quan thuế phạt hay không và cần phải làm gì để xử lý hóa đơn đã xuất nhầm này?

>> Làm sao để biết doanh nghiệp có được áp dụng thuế VAT 8% hay không? 

Cách xử lý khi xuất hóa đơn 10% cho hàng hóa được giảm thuế còn 8%

Vấn đề này được quy định khá cụ thể tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, theo đó: Nếu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất 10% (mức chưa được giảm) thì:

1) Người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót

2) Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua

3) Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Như vậy, khi lỡ xuất hóa đơn theo thuế suất VAT 10% cho hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8%, kế toán cần thực hiện 03 việc trên. Trong đó quan trọng nhất cần có sự thỏa thuận giữa cả người bán và người mua.

Cũng theo hướng dẫn của Nghị định 15/2022/NĐ-CP tại khoản 6 Điều 1, trường hợp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế VAT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đóng dấu theo giá đã giảm 2% hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

Có bị xử phạt nếu được giảm thuế còn 8% nhưng vẫn xuất hóa đơn 10%?

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt liên quan đến việc doanh nghiệp thuộc diện được giảm thuế VAT nhưng vẫn xuất hóa đơn theo đúng mức suất chưa được giảm.

Trên thực tế, thuế VAT là thuế đánh trực tiếp vào “túi tiền” của người mua, việc người bán không xuất hóa đơn theo mức thuế được giảm thì người mua là người bị thiệt, khoản thu của Nhà nước không bị ảnh hưởng mà còn được gia tăng theo mức thuế suất không giảm.

Tuy nhiên, chính sách giảm thuế VAT là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, Tổng cục Thuế vừa ra Công điện số 02/CĐ-TCT yêu cầu giảm sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách này. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài viết trên đây đã phân tích những quy định liên quan đến việc được giảm thuế VAT còn 8% nhưng xuất hóa đơn 10%. Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể liên hệ với LuatVietnam theo số 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục