1. Thông tin hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn
Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ trong nội dung của hóa đơn cụ thể như sau:
Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải ghi bằng tiếng Việt, thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chi tiết từng chủng loại.
Hàng hóa đặc thù (có đăng ký quyền sở hữu/sử dụng): Phải ghi rõ đặc điểm nhận dạng như số khung, số máy (đối với ô tô, xe máy), kích thước, số tầng (đối với bất động sản)…
Hóa đơn dịch vụ vận tải: Bắt buộc ghi biển kiểm soát phương tiện và hành trình vận chuyển (điểm đi – điểm đến). Nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa qua nền tảng số hoặc thương mại điện tử : Phải thể hiện tên hàng hóa vận chuyển, cùng thông tin người gửi gồm tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh.
Đặc biệt, đối với hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ nội dung như hóa đơn bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh.
2. Nguyên tắc lập, quản lý hóa đơn
Mục 1.2 Công văn số 348/CT-CS ngày 28/3/2025 của Cục Thuế đã chỉ ra 04 điểm mới quan trọng về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ, cụ thể theo quy định tại Nghị định 70 như sau:
- Mở rộng trường hợp phải lập hóa đơn: Người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua trong các trường hợp quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
- Khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn: Người bán, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử và cơ quan thuế được sử dụng cơ sở dữ liệu hóa đơn để triển khai các chương trình như: Khách hàng thường xuyên; Dự thưởng; Hóa đơn may mắn. Bộ Tài chính tổ chức thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Mở rộng đối tượng được ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử: Người bán bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được phép ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử cho bên thứ ba (không bắt buộc là bên liên kết).
- Tích hợp biên lai và hóa đơn điện tử: Cho phép tích hợp biên lai thu phí và hóa đơn điện tử trên cùng một định dạng để tạo thuận lợi cho người mua và hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác quản lý.
3. Thời điểm lập hóa đơn
Nghị định 70/2025 điều chỉnh quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020 về thời điểm lập hóa đơn theo từng loại hình cụ thể, mở rộng đối tượng lập hóa đơn điện tử, và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hóa đơn như sau:
Hóa đơn bán hàng hóa: Khi chuyển giao quyền sở hữu/sử dụng, không phụ thuộc thu tiền.
Hóa đơn xuất khẩu (bao gồm cả gia công xuất nhập khẩu): Do người bán xác định. Chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo sau khi thông quan.
Hóa đơn cung cấp dịch vụ: Khi hoàn thành dịch vụ; Nếu thu trước/trong khi cung cấp: lập tại thời điểm thu tiền.
Thời điểm lập hóa đơn cho một số trường hợp cụ thể:
Điện, nước, viễn thông…: Chậm nhất ngày 7 của tháng sau/kết thúc kỳ quy ước.
Dầu khí (tìm kiếm, khai thác, chế biến dầu thô) : Khi xác định giá bán hoặc khối lượng khí giao.
Cho vay: Theo kỳ hạn thu lãi hoặc thời điểm thu được lãi nếu theo dõi ngoại bảng. Trường hợp thu lãi trước hạn, lập hóa đơn ngay lúc thu.
Taxi dùng phần mềm tính tiền: Khi kết thúc chuyến đi
Khám chữa bệnh: Cuối ngày (nếu khách không yêu cầu); lập ngay nếu khách yêu cầu; bảo hiểm xã hội: khi được thanh toán.
Bảo hiểm: Khi ghi nhận doanh thu.
- Xổ số: Trước kỳ mở thưởng tiếp theo.
- Casino, trò chơi điện tử có thưởng: Chậm nhất 1 ngày sau ngày xác định doanh thu (0h00 – 23h59 cùng ngày).
Trên đây là thông tin về những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất hóa đơn từ 01/6/2025.
✔ Nhận thông báo văn bản mới hàng ngày
✔ Tra cứu hiệu lực, điều khoản thay đổi, bản hợp nhất điện tử
✔ Hỗ trợ giải đáp sơ bộ về quy định pháp luật
✔ Trải nghiệm AI Luật về Thuế - Trợ lý ảo LuatVietnam.vn...
👉 Tìm hiểu ngay tại: https://luatvietnam.vn/goi-ke-toan.html