Điều chỉnh hóa đơn sai sót nhiều lần như thế nào?

Trường hợp đã lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn có sai sót nhưng hóa đơn điều chỉnh vẫn có sai sót thì phải xử lý như thế nào, cùng theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.

1. Điều chỉnh hóa đơn sai sót nhiều lần như thế nào?

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và đã xử lý theo hình thức điều chỉnh, sau đó lại phát hiện hóa đơn điều chỉnh tiếp tục có sai sót thì tiếp tục lập hóa đơn điều chỉnh cho đến khi đúng.

Theo điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn:

- Lập hóa đơn điều chỉnh; hoặc

- Lập hóa đơn thay thế.

Điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh/thay thế theo điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

Đồng thời, điểm e khoản 1 Điều 7 Thông tư này cũng quy định, đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.

Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy, việc lập hóa đơn điều chỉnh được thực hiện như sau:

- Người bán điều chỉnh giảm toàn bộ thông tin dòng hàng hóa bị sai và điều chỉnh tăng tương ứng dòng hàng hóa đúng (bao gồm: tên hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thuế suất, thành tiền chưa thuế).

Điều này đồng nghĩa với việc, không chỉ sửa chỉ tiêu sai mà còn phải điền lại chỉ tiêu đúng có liên quan.

- Trường hợp đã lập hóa đơn F1 điều chỉnh cho hóa đơn F0 bị sai nhưng F1 vẫn bị sai: Lập hóa đơn điều chỉnh F2,… Fn điều chỉnh cho F0 (dù F0 đã bị F1 điều chỉnh).

Theo đó, hóa đơn F1 đã được lập để điều chỉnh cho F0 nên F1 đã được kê vào kỳ điều chỉnh lần 1.

Hóa đơn F2 điều chỉnh cho F0 nhưng F0 đã bị điều chỉnh bằng F0 + F1 nên F2 sẽ kê khai lên và giá trị nghĩa vụ sau cùng = F0 + F1 + F2 + Fn…

Trên hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Hướng dẫn điều chỉnh hóa đơn sai sót nhiều lần
Hướng dẫn điều chỉnh hóa đơn sai sót nhiều lần (Ảnh minh họa)

2. Một hóa đơn điều chỉnh cho nhiều hóa đơn được không?

Hiện nay, hóa đơn điều chỉnh phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm” – đây là dòng chữ do phần mềm lập hóa đơn tự thiết lập theo thành phần dữ liệu áp dụng cho nghiệp vụ lập và gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.

Có thể hiểu, ứng dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020 và Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định 01 hóa đơn điện tử điều chỉnh cho 01 hóa đơn điện tử đã lập, chưa có ứng dụng lập 01 hóa đơn để điều chỉnh cho nhiều hóa đơn sai sót.

3. Hóa đơn điều chỉnh có hủy được không?

Theo điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

Theo đó, trường hợp hóa đơn điều chỉnh có sai sót thì không được hủy hóa đơn mà phải tiếp tục thực hiện điều chỉnh hóa đơn cho đến khi đúng, cũng không được lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn điều chỉnh có sai sót.

Trên đây là giải đáp về vấn đề điều chỉnh hóa đơn sai sót nhiều lần như thế nào, nếu có thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.

Tham gia group Zalo của LuatVietnam để cập nhật nhanh nhất các văn bản mới nhất về Thuế: https://zalo.me/g/uoeytf992

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục