10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

Luật sửa đổi 9 Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính được thông qua ngày 29/11/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán:

1. Bãi bỏ một nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán

Khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật, số 56/2024/QH15, từ ngày 01/01/2025, chứng từ kế toán không bắt buộc phải có nội dung tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán.

Cụ thể, khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật quy định: Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 16 của Luật Kế toán năm 2015.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán 2015, chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;

- Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;

- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;

- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;

- Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

- Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;

- Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.

Ngoài những nội dung trên, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.

Theo đó, từ ngày 01/01/2025, không yêu cầu tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán là nội dung phải có trên chứng từ kế toán nữa. Tùy thuộc vào nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, doanh nghiệp vẫn có thể lập nội dung này trên chứng từ kế toán.

diem-moi-cua-luat-sua-doi-9-luat-1
10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán (Ảnh minh họa)

2. Chỉ phải dịch tài liệu kế toán ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước yêu cầu

Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật quy định như sau:

1. Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Hiện nay, khoản 1 Điều 11 Luật Kế toán năm 2015 quy định, trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Đồng thời, khoản 5 Điều 5 Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn như sau: Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu ra tiếng Việt.

Tức là, các chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính đều phải được dịch ra tiếng Việt và chỉ có các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác của đơn vị kế toán là không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo quy định mới, ngoại trừ báo cáo tài chính mọi tài liệu kế toán khác chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

3. Điều chỉnh quy định về kỳ kế toán

Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Kế toán năm 2015 như sau:

4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.

Hiện nay, Luật Kế toán năm 2015 quy định kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng phải không quá 90 ngày. Quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc đối với trường hợp quý II và quý III kéo dài 92 ngày, các đơn vị vẫn phải lập báo cáo tài chính nếu kỳ đầu tiên hoặc kỳ cuối cùng rơi vào quý II và quý III.

Theo đó, quy định mới được sửa đổi nhằm thống nhất cách xác định kỳ kế toán, cho phép gộp kỳ kế toán nếu kỳ đầu tiên hoặc cuối cùng không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp.

diem-moi-cua-luat-sua-doi-9-luat-2
Gộp kỳ kế toán nếu kỳ đầu tiên/cuối cùng không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp (Ảnh minh họa)

4. Bổ sung thêm phương thức xác nhận chứng từ điện tử ngoài chữ ký điện tử

Luật Kế toán 2015 chỉ công nhận chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử. Luật sửa đổi 9 Luật bổ sung thêm quy định có thể xác nhận chứng từ điện tử qua các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Quy định này được sửa đổi nhằm phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 cho phép sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử (như xác thực sinh trắc học, OTP…).

5. Sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (điểm a khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2019).

Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

6. Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh

Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ phải khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số trừ trường hợp:

Hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.

Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 Luật sửa đổi 9 Luật này có hiệu lực từ ngày 01/4/2025, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về:

- Phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân;

- Hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.

7. Không được khai bổ sung hồ sơ khai thuế khi có quyết định thanh, kiểm tra thuế

Khoản 6 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 sửa khoản 1 Điều 47 Luật Quản lý thuế như sau:

Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót trong trường hợp sau đây:

- Trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra;

- Hồ sơ không thuộc phạm vi, thời kỳ thanh tra, kiểm tra thuế nêu tại quyết định thanh tra, kiểm tra thuế.

Đối với những nội dung thuộc phạm vi thanh tra, kiểm tra, người nộp thuế được bổ sung hồ sơ giải trình theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về thanh tra và các trường hợp thực hiện theo kết luận, quy định của cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Theo đó, từ 01/01/2025, không được khai bổ sung hồ sơ khai thuế khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.

8. Điều chỉnh cách xác định thời gian tính tiền chậm nộp tiền thuế

Theo đó, khoản 7 Điều 6 Luật sửa đổi 9 Luật quy định sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế như sau:

Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển được nộp vào ngân sách nhà nước.

Quy định này được sửa đổi để thống nhất với quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp đối với trường hợp phải nộp tiền chậm nộp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế.

9. Bỏ quy định trả lãi cho người nộp thuế khi bị chậm hoàn thuế

Khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về việc cơ quan quản lý thuế phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả trong trường hợp chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế.

Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Luật mới đã bãi bỏ quy định này và dẫn chiếu quy định liên quan đến vấ đề bồi thường cho người nộp thuế sang Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Cụ thể, khoản 3 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế có quyền được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

10. Bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế

Luật mới bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực bên cạnh Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như hiện nay.

Trên đây là 10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ngày 18/12/2024, LuatVietnam đã tổ chức hội thảo online dành cho cộng đồng Kế toán với chủ đề “Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và sử dụng AI Luật", với diễn giả của sự kiện là chị Vũ Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Nội dung của LuatVietnam.

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ghi nhanh Webinar: Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và cách sử dụng AI Luật

Ngày 18/12/2024, LuatVietnam đã tổ chức hội thảo online dành cho cộng đồng Kế toán với chủ đề “Hiểu về hệ thống văn bản pháp luật Thuế và sử dụng AI Luật", với diễn giả của sự kiện là chị Vũ Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Nội dung của LuatVietnam.

Chị Gái Kế Toán - Người Làm “Mềm” Những Con Số

Chị Gái Kế Toán - Người Làm “Mềm” Những Con Số

Chị Gái Kế Toán - Người Làm “Mềm” Những Con Số

Kế toán, với nhiều người, thường gắn liền với những con số khô khan, những bảng biểu phức tạp, và đôi khi là nỗi ám ảnh trong công việc. Nhưng dưới góc nhìn của Chị Gái Kế Toán (“Nick name” trên các kênh mạng xã hội của chị Vũ Thị Bình, còn gọi là chị Bình Vũ), nghề này lại trở nên gần gũi, nhẹ nhàng và đầy cảm hứng.