Gần đây, vấn đề có còn được ghi khách lẻ/người mua không lấy hóa đơn không nhận được sự quan tâm của đông đảo kế toán. Cùng xem câu trả lời tại bài viết dưới đây.
Hướng dẫn xuất hóa đơn điện tử cho khách lẻ không lấy hóa đơn
Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua là một trong những tiêu thức bắt buộc trên hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và chỉ một số trường hợp được quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định này mới không phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuể người mua.
Trước đây, điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định như sau:
Tuy nhiên, quy định này đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022 theo điểm d khoản 3 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC.[…] Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế […]
Hiện nay, khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định, về nguyên tắc:
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này…
Đối chiếu với quy định tại điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì trong trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Và chỉ trong các trường hợp sau thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua:
- Hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh;
- Hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh;
- Hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ;
- Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không.
Lưu ý, chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có mã số thuế, địa chỉ còn vẫn phải có tên người mua.
Căn cứ vào các quy định trên, từ ngày 01/7/2022, khi thực hiện hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử bắt buộc phải có tiêu thức người mua chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ nêu trên.
Xem thêm: 11 trường hợp lập hóa đơn điện tử không cần có đủ nội dung
Hóa đơn không đầy đủ nội dung có bị phạt không?
Hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định sẽ bị phạt từ 04 - 08 triệu đồng (đối với tổ chức) và 02 - 04 triệu đồng (đối với cá nhân) theo điểm h khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này là 02 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi pham - thời điểm lập hóa đơn (theo điểm a, điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm b khoản 1 Điều này;
c) Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
d) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế;
e) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh;
g) Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
h) Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.
Như vậy, trong trường hợp tổ chức có hành vi lập hóa đơn thiếu tiêu thức bắt buộc sẽ bị phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng và cá nhân là 02 - 04 triệu đồng.
Trên đây là giải đáp về vấn đề có còn được ghi khách lẻ/người mua không lấy hóa đơn không, nếu còn thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.