Chỉnh lý quyết toán ngân sách là gì? Thời gian chỉnh lý?

Quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm là công tác quan trọng, là nhiệm vụ của nhiều cơ quan và đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Chỉnh lý quyết toán ngân sách là một giai đoạn trong quyết toán ngân sách. Vậy chỉnh lý quyết toán ngân sách được quy định thế nào?

1. Chỉnh lý quyết toán ngân sách là gì?

Chỉnh lý quyết toán ngân sách là gì? (Ảnh minh hoạ)

Chỉnh lý quyết toán ngân sách là một giai đoạn trong việc khóa sổ kế toán và xử lý thu chi ngân sách nhà nước cuối năm.

Sau thời gian chỉnh lý quyết toán này, các khoản dự toán chi kể cả các khoản bổ sung trong năm mà chưa thực hiện hoặc chưa chi hết phải huỷ bỏ, trừ một số trường hợp được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

Đây là giai đoạn quan trọng để các đơn vị xác định  chính xác số dư tạm ứng và số dư dự toán còn lại chưa chi, số dư tài khoản tiền gửi của đơn vị.

2. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách được quy định thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 64 Luật Ngân sách Nhà nước 2015, thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách các cấp (ngân sách cấp trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã) là đến hết ngày 31 tháng 01 của năm sau.

Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách được quy định thế nào? (Ảnh minh hoạ)

3. Hướng dẫn chỉnh lý quyết toán ngân sách cuối năm

Căn cứ Điều 64 Luật Ngân sách Nhà nước 2015, được hướng dẫn bởi Điều 42 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, chỉnh lý quyết toán ngân sách cuối năm được quy định như sau:

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các cấp ngân sách trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách thực hiện các nội dung sau đây:

  • Hạch toán tiếp các khoản thu và chi ngân sách phát sinh kể từ ngày 31 tháng 12 trở về trước mà chứng từ đang luân chuyển.

  • Hạch toán chi ngân sách các khoản tạm ứng đủ điều kiện chi, các khoản thanh toán cho công việc và khối lượng đã được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 trở về trước mà được giao trong dự toán ngân sách.

  • Điều chỉnh các khoản có sai sót trong quá trình hạch toán kế toán.

- Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước mà nộp từ ngày 01 tháng 01 của năm sau thì phải hạch toán, quyết toán vào thu ngân sách của năm sau, trừ các khoản nêu trên.

- Hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách thì các khoản dự toán chi (kể cả các khoản bổ sung năm năm mà chưa thực hiện hoặc chưa chi hết thì phải huỷ bỏ, trừ trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau.

- Các khoản đã được tạm ứng trong dự toán được thanh toán cho đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán. Trường hợp hết thời gian này mà chưa đủ thủ tục thanh toán thì:

  • Nếu thuộc trường hợp được chuyển sang năm sau thì chuyển sang để thực hiện.

  • Nếu thuộc trường hợp không được chuyển sang năm sau thì nộp lại ngân sách trước ngày 15 tháng 02 của năm sau.

    Thời gian gian này mà đơn vị chưa nộp thì Kho bạc Nhà nước thu hồi số tạm ứng bằng cách trừ lĩnh vực chi tương ứng thuộc dự toán ngân sách năm sau của đơn vị đó, nếu dự toán năm sau không có bố trĩ lĩnh vực chi này hoặc bố trí những ít hơn số phải thu hồi thì thông Kho bạc Nhà nước thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp xử lý.

- Số dư tài khoản tiền gửi đối với các khoản ngân sách cấp của đơn vị dự toán được mở tại Kho bạc Nhà nước đến cuối ngày 31 tháng 12 sẽ được tiếp tục thanh toán trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Nếu hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà còn dư thì phải nộp trả lại cho ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp được chuyển sang năm sau.

4. Quy trình quyết toán ngân sách cuối năm tại cơ quan Nhà nước

Quy trình quyết toán ngân sách cuối năm tại cơ quan Nhà nước gồm các hoạt động: Khoá sổ thu chi ngân sách cuối năm; lập báo cáo quyết toán; xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán. Cụ thể như sau:

- Khoá sổ thu chi ngân sách cuối năm: Đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, đơn vị phải xác định chính xác số dư tạm ứng và số dư dự toán còn lại chưa chi, số dư tài khoản tiền gửi của đơn vị.

Về nguyên tắc, các khoản chi được bố trí dự toán ngân sách năm nào thì chỉ được chi trong niên độ của năm đó. Thời hạn chi và tạm ứng ngân sách đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán hàng năm được thực hiện chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Hết ngày 31 tháng 12, các khoản tạm ứng trong dự toán theo chế độ nếu chưa thanh toán thì sẽ được tiếp tục thanh toán trong thời gian chỉnh lý quyết toán và hạch toán, quyết toán vào ngân sách của năm trước. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách là đến hết ngày 31 tháng 01 của năm sau.

- Lập báo cáo quyết toán: Báo cáo quyết toán ngân sách dùng để tổng hợp tình hình tài sản, tiếp nhận, sử dụng kinh phí ngân sách; tình hình thu chi và kết quả hoạt động trong kỳ kế toán năm của đơn vị, cung cấp thông tin về kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá tình hình đơn vị.

- Xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán:

  • Xét duyệt: Đơn vị dự toán cấp dưới lập báo cáo quyết toán ngân sách năm và gửi đơn vị dự toán cấp trên; Đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt quyết toán và thông báo về kết quả xét duyệt cho đơn vị cấp dưới trực thuộc.

  • Thẩm định: Đơn vị dự toán cấp trên là đơn vị dự toán cấp I, tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm của đơn vị, đồng thời báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc để gửi cho cơ quan Tài chính cung cấp.

Cơ quan tài chính cung cấp thẩm định quyết toán năm của các đơn vị dự toán cấp I và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý, ra thông báo thẩm định quyết toán gửi đơn vị dự toán cấp I.

Trên đây là những thông tin về chỉnh lý quyết toán ngân sách. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến: 19006192 để được giải đáp nhanh nhất.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục