[Cập nhật] Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp năm 2024

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Vậy, các loại thuế doanh nghiệp phải nộp gồm những gì? Cùng tìm hiểu về các loại thuế doanh nghiệp phải nộp năm 2024 tại bài viết này.

Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp

Thuế là khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp
Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Do đó, nộp thuế là một trong những hoạt động bắt buộc phải thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp.

Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp

Theo quy định hiện hành, các loại thuế chính doanh nghiệp phải nộp bao gồm: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp
Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, tùy vào đặc điểm và hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm các loại thuế khác tương ứng.

Thuế (lệ phí) môn bài 

Thuế môn bài hay lệ phí môn bài là một một khoản thuế trực thu mà doanh phải nộp định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ, vốn đầu tư hoặc doanh thu. Mỗi năm doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đóng thuế môn bài 01 lần.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP) và hướng dẫn tại Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu thuế môn bài áp dụng đối với các doanh nghiệp được quy định như sau:

Bậc thuế

Đối tượng thu

Mức thu

(đồng/năm)

1

Doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ > 10 tỷ đồng

03 triệu

2

Doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ ≤ 10 tỷ đồng trở xuống

02 triệu

Đồng thời, theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, doanh nghiệp vừa và nhỏ được chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được miễn thuế môn bài trong 03 năm đầu.

Về thời hạn nộp, thời hạn nộp thuế môn bài trễ nhất là ngày 30/01 hàng năm. Nếu doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang sau khi hết thời gian được miễn thuế môn bài thì nộp thuế môn bài như sau:

- Nếu kết thúc thời gian miễn thuế môn bài trong 06 tháng đầu năm thì thời hạn là ngày 30/07 của năm kết thúc thời gian miễn.

- Nếu kết thúc thời gian miễn thuế môn bài trong 06 tháng cuối năm thì thời hạn là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Theo quy định tại Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Đối doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Công thức tính thuế bằng phương pháp khấu trừ:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Công thức tính thuế bằng phương pháp trực tiếp:

Thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa 

Trong đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa sẽ có các mức tương ứng là 0%, 5% và 10% tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế tính trên khoản lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi phát sinh thu nhập.

Doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ) x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong đó:

Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013) được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế TNDN = Thu nhập chịu thuế TNDN - Thu nhập miễn thuế TNDN + Các khoản lỗ được kết chuyển

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định dựa vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm:

Doanh thu của doanh nghiệp

Thuế suất

Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm ≤ 20 tỷ đồng

20%

Doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và các tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam

32% - 50%

Các trường hợp còn lại

22%

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được áp dụng có thời hạn mức thấp hơn mức thuế suất thông thường.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế trực thu đánh vào thu nhập của người lao động mà doanh nghiệp nộp thay cho người lao động.

Việc kê khai thuế và nộp thuế thực hiện theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012) và Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Một số loại thuế khác theo đặc điểm của doanh nghiệp

Ngoài các loại thuế trên, tùy vào đặc điểm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp còn phải đóng một số loại thuế sau: Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường thuế tài nguyên,...

Trên đây là nội dung các loại thuế doanh nghiệp phải nộp năm 2024.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục