4 việc doanh nghiệp cần làm khi được giảm thuế VAT còn 8%

Sau khi kiểm tra và biết được chính xác doanh nghiệp mình có hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, kế toán các doanh nghiệp cũng như các cơ sở kinh doanh khác cần lưu ý một số quy định dưới đây tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP.

1. Xuất hóa đơn theo mức thuế suất đã được giảm

Với các doanh nghiệp tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế cần lưu ý cách viết hóa đơn như sau:

- Tại dòng thuế suất thuế VAT ghi “8%”; tiền thuế VAT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.

Với các doanh nghiệp tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế cần lưu ý viết hóa đơn như sau:

- Tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm;

- Tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15”.

Doanh nghiệp cần làm gì khi được giảm thuế VAT xuống còn 8%
Doanh nghiệp cần làm gì khi được giảm thuế VAT xuống còn 8% (Ảnh minh họa)

2. Phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ

Nội dung này được quy định rất cụ thể trong Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Khoản 4 Điều 1 Nghị định chỉ rõ:

4. Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Tức là, không phải xuất hóa đơn riêng theo từng loại thuế suất mà có thể xuất cùng 01 hóa đơn cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nhưng ghi rõ loại thuế suất của từng loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng.

Xem thêm: Nhà hàng có phải xuất riêng hoá đơn bia, rượu như trước đây không?

Phải ghi rõ thuế suất của từng loại hàng hóa, dịch vụ
Phải ghi rõ thuế suất của từng loại hàng hóa, dịch vụ (Ảnh minh họa)

3. Phải lập hóa đơn điều chỉnh/hóa đơn thay thế nếu xuất hóa đơn theo mức thuế 10%

Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế VAT từ 10% còn 8% nhưng vẫn xuất hóa đơn theo mức thuế suất chưa giảm thì theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 15 cần phải xử lý hóa đơn đã lập theo quy định về hóa đơn, chứng từ.

Đối chiếu với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn sai thuế suất thì người bán và người mua tự thỏa thuận xử lý theo 01 trong 02 cách sau:

Cách 1: Lập hóa đơn điều chỉnh

- Bên bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót để gửi cho bên mua.

- Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Nội dung cần ghi trên hóa đơn điều chỉnh: Với điều chỉnh tăng thì ghi dấu dương, với điều chỉnh giảm thì ghi dấu âm đúng với thực tế điều chỉnh.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).

Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh sai sót thì 02 bên ghi rõ sai sót trong văn bản thỏa thuận. Trường hợp này không cần nộp Mẫu 04/SS-HĐĐT cho cơ quan thuế.

Cách 2: Lập hóa đơn thay thế

- Bên bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót để gửi cho bên mua.

- Trường hợp bên bán và bên mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn ban đầu có sai sót 02 bên ghi rõ sai sót vào văn bản, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).

4. Kê khai các mặt hàng, dịch vụ được giảm thuế theo Mẫu

Khoản 6 Điều 1 của Nghị định 44/2023/NĐ-CP chỉ rõ: Doanh nghiệp phải thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cùng với Tờ khai thuế VAT.

Xem thêm: Mẫu kê khai hàng hoá được giảm VAT theo Nghị định 44

Trên đây là giải đáp về vấn đề các doanh nghiệp cần làm gì khi được giảm thuế VAT còn 8% trong nửa cuối năm 2023.

Mọi thắc mắc liên quan đến các quy định về chính sách này sẽ được LuatVietnam giải đáp thông qua tổng đài  19006192 . Hãy gọi ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ miễn phí.

Tham gia group Zalo của LuatVietnam để cập nhật nhanh nhất các văn bản mới nhất về Thuế:
https://zalo.me/g/zdfrqo386
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục