Vấn đề bán hàng hóa dưới 200 nghìn có cần xuất hóa đơn không vẫn khiến không ít người băn khoăn. Cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ về quy định này.
Bán hàng dưới 200 nghìn có cần xuất hóa đơn không?
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải xuất hóa đơn để giao cho người mua mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo đó, bán hàng dưới 200.000 đồng vẫn phải xuất hóa đơn.
Căn cứ khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); […]
Như vậy, từ ngày 01/7/2022, mọi trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều phải lập hóa đơn điện tử chỉ trừ trường hợp: Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Sở dĩ, có thắc mắc đối với vấn đề này là do, trước đây, tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC có quy định, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Tức là, bán hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng không cần xuất hóa đơn chỉ phải xuất hóa đơn khi có yêu cầu. Còn theo quy định hiện hành, mọi trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn, không phân biệt tổng giá thanh toán là bao nhiêu.
Người mua không lấy hóa đơn, người bán vẫn phải xuất?
Căn cứ quy định nêu trên, kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn, người bán vẫn phải xuất hóa đơn theo đúng quy định.
Trường hợp không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (khoản 5 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ (trừ trường hợp đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng) nếu bị cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế thì:
Mức phạt |
Trường hợp áp dụng |
|
Mức 1 |
Phạt tiền 01 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận |
- Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế nhưng có từ 01 tình tiết giảm nhẹ trở lên. Xem chi tiết: Tình tiết giảm nhẹ khi trốn thuế. |
Mức 2 |
Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn |
Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. |
Mức 3 |
Phạt tiền 02 lần tính trên số thuế trốn |
Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế mà có 01 tình tiết tăng nặng |
Mức 4 |
Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn |
Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế mà có 02 tình tiết tăng nặng |
Mức 5 |
Phạt tiền 03 lần tính trên số tiền thuế trốn |
Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế mà có 03 tình tiết tăng nặng |
Lưu ý: Ngoài các mức phạt trên, người có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước. |
Trên đây là giải đáp về vấn đề bán hàng dưới 200 nghìn có cần xuất hóa đơn không, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.