1. Ấn định thuế là gì?
Ấn định thuế (tiếng Anh là Impose a tax) là việc cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan đưa ra một số tiền thuế cụ thể phải nộp cho người nộp thuế thay vì để họ chủ động khai thuế, nộp thuế theo quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định như sau:
1. Ấn định thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này là việc cơ quan hải quan thực hiện quyền hạn xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế và tính thuế, thông báo, yêu cầu người nộp thuế phải nộp số tiền thuế do cơ quan hải quan xác định thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, hiểu đơn giản, người nộp thuế bị cơ quan thuế ấn định thuế sẽ phải nộp thuế theo số tiền nhất định chứ không được chủ động khai, nộp thuế theo quy định như thông thường.
2. Căn cứ ấn định thuế đối với doanh nghiệp
Để ấn định thuế đối với người nộp thuế là tổ chức, cơ quan quản lý thuế căn cứ theo quy định tại tiết b.1 điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP như sau:
- Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;
- Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực;
- Kết quả xác minh;
- Số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương.
Trường hợp tại địa phương, doanh nghiệp không có/có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của doanh nghiệp tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố.
- Doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương.
Nếu tại địa phương, doanh nghiệp không có/có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của doanh nghiệp tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế.
3. 17 trường hợp ấn định thuế mới nhất
Căn cứ Điều 50 và Điều 52 Luật Quản lý thuế năm 2019, doanh nghiệp bị ấn định thuế khi vi phạm pháp luật về thuế hoặc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể:
* Bị ấn định thuế khi vi phạm pháp luật về thuế
1. Không đăng ký thuế, không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế.
2. Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.
3. Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn.
4. Không chấp hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế.
5. Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường.
6. Mua, trao đổi hàng hóa sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa là có thật theo xác định của cơ quan có thẩm quyền và đã được kê khai doanh thu tính thuế.
7. Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.
8. Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
9. Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
* Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.
2. Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp.
3. Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan.
4. Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.
5. Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế.
6. Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp.
7. Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp.
8. Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.
Trên đây là định nghĩa ấn định thuế là gì và 17 trường hợp người nộp thuế bị cơ quan thuế, cơ quan hải quan ấn định thuế; một trong những nguyên nhân bị ấn định thuế là không khai hoặc khai, nộp thuế không đúng thời hạn. Do vậy, kế toán cần thực hiện theo đúng lịch khai, nộp thuế mới nhất.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.