1. Giảm trừ cho bản thân người nộp thuế
- Mức giảm trừ: Theo tiết b.1 điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 09 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
- Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).
- Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
Hot: Đã có hệ thống Tính thuế thu nhập cá nhân chỉ trong vòng vài giây
2. Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
Lưu ý: Chỉ được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
- Mức giảm trừ: Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Để biết cụ thể người phụ thuộc gồm những ai và điều kiện giảm trừ như thế nào hãy xem tại: Điều kiện giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
4 khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa)
3. Bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện được quy định như sau:
- Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.
- Mức giảm trừ bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%.
- Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.
Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp.
Lưu ý: Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
4. Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học như sau:
* Các khoản giảm trừ:
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
- Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
- Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 15/01/2020 bởi Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong năm 2019 Nghị định 30/2012/NĐ-CP vẫn có hiệu lực).
* Mức giảm trừ:
- Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.
- Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.
Lưu ý: Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.
Trên đây là 04 khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân; khi tính thuế thì phải trừ các khoản giảm trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính số thuế phải nộp.
>> Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2020 từ tiền lương, tiền công
Khắc Niệm