Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7519:2020 ISO 2451:2017 Hạt cacao - Các yêu cầu về chất lượng và đặc tính kỹ thuật
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7519:2020
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7519:2020 ISO 2451:2017 Hạt cacao - Các yêu cầu về chất lượng và đặc tính kỹ thuật
Số hiệu: | TCVN 7519:2020 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm |
Ngày ban hành: | 09/12/2020 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7519:2020
ISO 2451:2017
HẠT CACAO - CÁC YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT
Cocoa beans - Specification and quality requirements
Lời nói đầu
TCVN 7519:2020 thay thế TCVN 7518:2005 1), TCVN 7519:2005 2), TCVN 7520:2005 3) và TCVN 7522:2005 4);
TCVN 7519:2020 hoàn toàn tương đương với ISO 2451:2017;
TCVN 7519:2020 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F16/SC2 Cacao và sản phẩm cacao biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
HẠT CACAO - CÁC YÊU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT
Cocoa beans - Specification and quality requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu, phân loại, lấy mẫu, phương pháp thử, bao gói và ghi nhãn đối với hạt cacao.
Các khuyến cáo liên quan đến việc bảo quản và khử trùng được nêu tương ứng trong Phụ lục G và Phụ lục H. Phụ lục I chỉ cung cấp thông tin và đưa ra quy trình lấy mẫu để phân tích sơ bộ chất lượng theo thỏa thuận của các bên liên quan.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 7521 (ISO 2292), Hạt cacao - Lấy mẫu
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1
Sự giả mạo (adulteration)
Sự pha trộn các thành phần của lô hàng (3.18) cacao bằng bất kỳ biện pháp nào
3.2
Hạt dính (bean cluster)
Hai hoặc nhiều hạt dính với nhau, không thể dễ tách rời bằng tay
3.3
Số hạt (bean count)
Tổng số hạt nguyên trên 100 g xác định được trong các điều kiện cụ thể
CHÚ THÍCH: Các điều kiện cụ thể và phương pháp thử được nêu trong Phụ lục D.
3.4
Hạt vỡ (broken bean)
Hạt cacao (3.5) bị mất một mảnh vỡ (3.14), phần còn lại lớn hơn hoặc bằng một nửa hạt nguyên
3.5
Hạt cacao (cocoa bean)
Hạt của cây cacao (Theobroma cacao Linnaeus)
CHÚ THÍCH: Trong thương mại, tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến thuật ngữ hạt nguyên, đã được lên men và làm khô.
3.6
Tạp chất liên quan đến cacao (cocoa related matter)
Hạt dính (3.2), hạt vỡ (3.4) và các mảnh vỡ ( 3.14) có liên quan và/hoặc các mảnh vỏ (3.21) không lọt qua sàng (3.23)
3.7
Sự ô nhiễm (contamination)
Sự có mặt của mùi khói, mùi hôi hoặc mùi khác không đặc trưng của cacao, hoặc chất không tự nhiên có trong cacao, được phát hiện khi thử cắt (3.8) hoặc kiểm tra vật lý mẫu chuẩn (3.22)
3.8
Thử cắt (cut test)
Quá trình làm các lá mầm của hạt cacao lộ ra để xác định tỷ lệ phần trăm hạt bị khuyết tật và / hoặc hạt màu xám (3.25) và/hoặc hạt tím hoặc tía (3.29) và/hoặc sự ô nhiễm (3.7) trong mẫu thử (3.28)
CHÚ THÍCH: Quy trình thử cắt được nêu trong Phụ lục E.
3.9
Hạt bị khuyết tật (defective bean)
Hạt mốc (3.20) bên trong và/hoặc hạt bị côn trùng gây hại (3.17)
3.10
Cacao khô (dry cocoa)
Hạt cacao (3.5) đã được sấy khô đều và có độ ẩm đáp ứng các yêu cầu cụ thể
CHÚ THÍCH 1: Những yêu cầu này được nêu trong 5.2.4.
CHÚ THÍCH 2: Hạt cacao khô có thể được coi là một thuật ngữ trong thương mại.
3.11
Hạt lên men bình thường (fair fermented beans)
Hạt cacao (3.5) có không quá 10 % bị màu xám và 10 % bị khuyết tật đếm từ mẫu thử (3.28)
3.12
Hạt lép (flat bean)
Hạt cacao (3.5) có hai lá mầm quá mỏng, khi cắt khó có thể có được nguyên bề mặt lá mầm
3.13
Tạp chất lạ (foreign matter)
Bất kỳ tạp chất nào khác với hạt cacao (3.5), tạp chất liên quan đến cacao (3.6) và phần lọt qua sàng (3.24)
CHÚ THÍCH: Vỏ khô và mầm được coi là tạp chất lạ.
3.14
Mảnh vỡ (fragment)
Mảnh hạt cacao (3.5) bằng hoặc nhỏ hơn một nửa hạt ban đầu
3.15
Hạt nảy mầm (germinated bean)
Hạt cacao (3.5) có vỏ bị đâm thủng do mầm hạt phát triển hoặc do mầm hạt tách ra
3.16
Hạt lên men tốt (good fermented beans)
Hạt cacao (3.5) không quá 5 % bị màu xám và 5 % bị khuyết tật đếm từ mẫu thử (3.28)
3.17
Hạt bị côn trùng gây hại (insect-damaged bean)
Hạt bị nhiễm côn trùng (infested bean)
Hạt cacao (3.5) chứa côn trùng bên trong hoặc mạt ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào hoặc đã bị hư hỏng mà có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường
3.18
Lô hàng (lot)
Lượng hạt cacao (3.5) được để trong bao hoặc dạng rời được lấy từ mọi vị trí trong chuỗi cung ứng cacao và từ đó rút các mẫu ban đầu và/hoặc mẫu đơn được lấy để phân tích chất lượng
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về lấy mẫu được nêu trong TCVN 7521 (ISO 2292).
3.19
Vụ chính (main crop)
Số hạt (3.3) đồng nhất/điển hình cho các hạt thường được sản xuất trong giai đoạn thu hoạch chính của sản phẩm có cùng nguồn gốc
CHÚ THÍCH: Vụ phụ (vụ xen kẽ) là tổng số hạt phù hợp/điển hình cho các loại hạt thường được sản xuất trong giai đoạn khác với vụ chính.
3.20
Hạt mốc (mouldy bean)
Hạt cacao (3.5) có nấm mốc ở bên trong có thể nhìn thấy bằng mắt thường
CHÚ THÍCH: Mốc không được nhầm lẫn với đốm trắng do nồng độ của theobromin hoặc chất béo cacao.
3.21
Mảnh vỏ (piece of shell)
Phần vỏ không có nhân
3.22
Mẫu chuẩn (reference sample)
Mẫu đại diện được chuẩn bị bằng cách chia bốn liên tiếp mẫu tổng hợp sao cho khối lượng tịnh còn lại ít nhất 2 kg
[NGUỒN: 3.7 của TCVN 7521 (ISO 2292)]
3.23
Sàng (sieve)
Lưới có lỗ tròn, đường kính lỗ 5,0 mm
3.24
Phần lọt qua sàng (sieving)
Vật liệu đi qua sàng (3.23)
3.25
Hạt màu xám (slaty bean)
Hạt cacao (3.5) có màu xám trên ít nhất một nửa bề mặt của lá mầm không có sự phân biệt về cấu trúc khi thử cắt (3.8)
3.26
Hạt ám khói (smoky bean)
Hạt cacao (3.5) bị nhiễm mùi khói
CHÚ THÍCH: Mùi giống như khói gỗ, khói cay, cao su bị cháy, thịt xông khói hoặc bồ hóng.
3.27
Mẫu thử sơ bộ (preliminary test sample)
Một phần tư của mẫu chuẩn, có thể nhỏ hơn 600 g, thu được bằng cách sử dụng dụng cụ chia/bộ chia
CHÚ THÍCH: Phụ lục I quy định quy trình và lưu đồ dùng để phân tích chất lượng sơ bộ trong đó có sử dụng các mẫu thử sơ bộ.
3.28
Mẫu thử (test sample)
Không ít hơn 600 g hạt cacao được lấy từ mẫu chuẩn (3.22), sử dụng xẻng đáy phẳng chia đôi mẫu chuẩn
CHÚ THÍCH: Mẫu thử phải thu được sau khi sàng theo phương pháp quy định trong Phụ lục B và loại bỏ các tạp chất liên quan đến cacao (3.6), hạt lép (3.12) và tạp chất lạ (3.13) theo phương pháp quy định tại Phụ lục C.
3.29
Hạt tím hoặc tía (violet or purple bean)
Hạt cacao (3.5) có màu tím hoặc tía trên ít nhất một nửa bề mặt của lá mầm khi thử cắt (3.8)
4 Chế biến
Hạt cacao phải được lên men và sấy khô đến khi độ ẩm của hạt không vượt quá tỷ lệ phần trăm theo quy định trong 5.2.4. Hạt cacao được chế biến theo cách này trong thương mại được gọi là cacao khô.
5 Các yêu cầu
5.1 Yêu cầu chung
5.1.1 Mùi
Lô hàng hạt cacao không có sự ô nhiễm.
5.1.2 Sự giả mạo
Lô hàng hạt cacao không được có bất kỳ bằng chứng nào về sự giả mạo.
5.1.3 Côn trùng sống và các loài gây hại khác
Lô hàng hạt cacao gần như không được có côn trùng sống, trứng côn trùng, ấu trùng và bất kỳ giai đoạn phát triển nào khác, không được có mạt, động vật gặm nhấm hoặc các loài gây hại khác.
5.1.4 Hạt tím hoặc tía
Lô hàng hạt ca cao thuộc loại hạt tím hoặc hạt tía đặc trưng để phân loại hoặc xác định xuất xứ nếu quy định.
5.2 Yêu cầu cụ thể
5.2.1 Tạp chất liên quan đến cacao
Tổng khối lượng các tạp chất liên quan đến cacao gộp lại không được vượt quá 3,5 % khối lượng mẫu chuẩn đại diện cho lô hàng.
5.2.2 Hạt lép
Hạt lép không được vượt quá 1,5 % khối lượng mẫu chuẩn đại diện cho lô hàng.
5.2.3 Tạp chất lạ
Tạp chất lạ không được vượt quá 0,75 % khối lượng mẫu chuẩn đại diện cho lô hàng.
5.2.4 Độ ẩm
Độ ẩm của lô hàng hạt cacao khi bốc dỡ tại nước sản xuất không được vượt quá 8,0 % tính theo khối lượng và khi vận chuyển để xuất khẩu không được vượt quá 7,5 % tính theo khối lượng.
5.2.5 Phần lọt qua sàng
Tiến hành sàng theo phương pháp quy định trong Phụ lục B. Khối lượng của phần lọt qua sàng không được vượt quá 1,5 % khối lượng của mẫu chuẩn đại diện cho lô hàng.
5.3 Các chỉ tiêu chất lượng khác
Lô hàng hạt cacao phải:
- không có hạt nảy mầm,
- đồng đều về kích thước và màu sắc,
- đã lên men,
- phù hợp để chế biến thực phẩm.
5.4 Phân hạng
5.4.1 Phân loại hạt cacao
Lô hàng hạt cacao phải được phân loại theo các nhóm được liệt kê dưới đây. Bảng 1, Bảng 2 hoặc Bảng 3 được dùng để phân loại. Đối với cả ba kiểu phân loại thì tỷ lệ phần trăm hạt bị khuyết tật được xác định theo phương pháp thử quy định tại Phụ lục E. Riêng Bảng 3, hạt nảy mầm không được coi là hạt bị khuyết tật.
Bảng 1 - Phân loại của nước sản xuất đối với hạt lên men
Hạng | Tỷ lệ phần trăm hạt | ||
Mốc | Xám | Hư hỏng do côn trùng và/hoặc nảy mầm | |
1 | 3 | 3 | 3 |
2 | 4 | 8 | 6 |
CHÚ THÍCH 1: Tỷ lệ phần trăm là mức tối đa. CHÚ THÍCH 2: Tỷ lệ phần trăm được nêu trong cột cuối cùng áp dụng cho tổng số tất cả các khuyết tật được quy định trong tiêu đề của cột. |
Bảng 2 - Phân loại của nước sản xuất đối với hạt “chưa lên men”
Hạng | Tỷ lệ phần trăm hạt | ||
Mốc | Xám | Hư hỏng do côn trùng và/hoặc nảy mầm | |
1 | 3 | ≥ 20 | 3 |
2 | 4 | ≥ 20 | 6 |
CHÚ THÍCH 1: Tỷ lệ phần trăm là mức tối đa. CHÚ THÍCH 2: Tỷ lệ phần trăm được nêu trong cột cuối cùng áp dụng cho tổng số tất cả các khuyết tật được quy định trong tiêu đề của cột. |
Bảng 3 - Phân loại trong thương mại quốc tế đối với hạt lên men
Hạng | Tỷ lệ phần trăm hạt | |
Xám | Hư hỏng do côn trùng và/hoặc nấm mốc | |
Lên men tốt | 5 | 5 |
Lên men bình thường | 10 | 10 |
CHÚ THÍCH 1: Tỷ lệ phần trăm là mức tối đa. CHÚ THÍCH 2: Tỷ lệ phần trăm được nêu trong cột cuối cùng áp dụng cho tổng số tất cả các khuyết tật được quy định trong tiêu đề của cột. |
Khi một hạt có nhiều khuyết tật thì hạt đó chỉ được phân loại trong một nhóm theo khuyết tật có trọng số lớn nhất. Thứ tự giảm dần theo trọng số như sau:
- hạt mốc;
- hạt màu xám;
- hạt bị hư hỏng do côn trùng;
- hạt nảy mầm (không áp dụng đối với Bảng 3).
5.4.2 Cacao không đạt tiêu chuẩn (chỉ áp dụng đối với Bảng 1 và Bảng 2)
Lô hàng ca cao lên men được coi là không đạt tiêu chuẩn khi vượt một trong các mức quy định đối với hạt hạng 2. Lô hàng ca cao chưa lên men được coi là không đạt tiêu chuẩn khi không đáp ứng mức tối thiểu đối với hạt màu xám được quy định hoặc khi vượt một trong các mức quy định đối với hạt hạng 2.
5.5 Cỡ hạt
Cỡ hạt được xác định theo số hạt và thường được biểu thị bằng số lượng hạt trên 100 g.
a) Hạt cỡ tiêu chuẩn: | số hạt nhỏ hơn hoặc bằng 100. |
b) Hạt cỡ trung bình: | số hạt từ 101 đến 110. |
c) Hạt cỡ nhỏ: | số hạt từ 111 đến 120. |
d) Hạt cỡ rất nhỏ: | số hạt lớn hơn 120. |
CHÚ THÍCH: Vụ chính thường có số hạt đồng nhất/điển hình cho các hạt thường được sản xuất trong giai đoạn thu hoạch chính của sản phẩm có cùng nguồn gốc
6 Lấy mẫu
Việc lấy mẫu phải được thực hiện theo các yêu cầu của TCVN 7521 (ISO 2292). Hình A.1 đưa ra lưu đồ của các mẫu phái sinh (derivative sample) khi lấy mẫu từ bao hoặc dạng rời. Đối với tất cả các phương pháp thử được mô tả trong Phụ lục B đến Phụ lục F, mẫu chuẩn phải được chuẩn bị theo phương pháp mô tả trong TCVN 7521 (ISO 2292).
7 Phương pháp thử
Việc thử nghiệm phải được thực hiện theo các yêu cầu của phương pháp quy định trong Phụ lục B đến Phụ lục F. Hình A.2 đưa ra lưu đồ trình tự thử nghiệm theo các phương pháp thử được quy định trong Phụ lục B đến Phụ lục F.
CHÚ THÍCH: Phụ lục I chỉ để cung cấp thông tin và phác thảo trình tự thử nghiệm theo các phương pháp thử được quy định trong Phụ lục B đến Phụ lục F, sử dụng một phần tư mẫu chuẩn (theo quy trình lấy mẫu) để phân tích chất lượng sơ bộ nhằm xác định lô hàng hạt cacao liệu có đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
8 Bao gói
Bao bì để bao gói phải sạch, nguyên vẹn, đủ bền và được may đúng cách. Hạt cacao chỉ được vận chuyển trong bao bì mới. Bao bì dệt từ sợi tự nhiên và có lớp lót, nếu sử dụng lớp lót thì phải phù hợp cho mục đích tiếp xúc với thực phẩm. Mực hoặc sơn được dùng để đóng dấu phải là loại dùng cho thực phẩm.
9 Ghi nhãn
Niêm phong theo quy định đối với bao đựng hạt cacao. Bao hoặc dấu niêm phong cần thể hiện ít nhất các thông tin sau:
a) nước sản xuất;
b) tên sản phẩm;
c) nhãn vận chuyển, nếu được áp dụng;
d) nhãn nhận biết khác, nếu được áp dụng.
CHÚ THÍCH: Áp dụng các quy định hiện hành về dấu hiệu nhận biết đối với bao hoặc dấu niêm phong.
10 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất những thông tin sau đây:
a) mọi chi tiết cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu chuẩn;
b) các phương pháp được sử dụng và kết quả thu được;
c) mọi chi tiết về các quy trình không được quy định trong tiêu chuẩn này, hoặc được coi là tùy chọn;
d) mọi trường hợp có thể đã ảnh hưởng đến kết quả.
Phụ lục A
(quy định)
Lưu đồ
Hình A.1 thể hiện lưu đồ khi lấy mẫu từ bao hoặc dạng rời. Xem thêm cách mô tả và yêu cầu đối với các loại mẫu khác nhau trong TCVN 7521 (ISO 2292). Hình A.2 thể hiện lưu đồ trình tự thử nghiệm cần thực hiện đối với các phương pháp thử được quy định trong Phụ lục B đến Phụ lục F của tiêu chuẩn này.
Hình A.1 - Lưu đồ lấy mẫu từ bao hoặc lấy mẫu dạng rời
Mẫu để xác định độ ẩm phải được bảo vệ để không bị khô, có thể sử dụng túi bằng chất dẻo hoặc vật chứa kín khí.
Hình A.2 - Lưu đồ trình tự thử nghiệm
Phụ lục B
(quy định)
Phương pháp xác định phần lọt qua sàng
B.1 Cách tiến hành
Cân toàn bộ mẫu chuẩn (mT) và sau đó sàng. Thu lấy phần lọt qua sàng và cân.
Tính tỷ lệ phần trăm phần lọt qua sàng bằng cách chia khối lượng phần lọt qua sàng cho tổng khối lượng tịnh của mẫu chuẩn và nhân với 100.
Sau mỗi lần thực hiện phép đo, không trả lại phần lọt qua sàng vào phần còn lại của mẫu chuẩn (Phần còn lại thứ nhất).
B.2 Biểu thị kết quả
Phần lọt qua sàng, S (%), được tính bằng Công thức (B.1):
(B.1) |
Trong đó
m là khối lượng của phần lọt qua sàng, tính bằng gam (g);
mT là tổng khối lượng tịnh của mẫu chuẩn, tính bằng gam (g).
Phụ lục C
(quy định)
Phương pháp xác định các tạp chất liên quan đến caccao, hạt lép và tạp chất lạ
C.1 Cách tiến hành
Đổ hết phần còn lại của mẫu chuẩn trong Phụ lục B (Phần còn lại thứ nhất) lên khay có cỡ phù hợp để tạo thuận lợi cho việc cân đo các tạp chất liên quan đến cacao, hạt lép và tạp chất lạ (các thông số chất lượng).
Tách riêng, gộp chung và cân từng loại, ví dụ tạp chất liên quan đến cacao, hạt lép, tạp chất lạ và biểu thị khối lượng của thông số chất lượng theo khối lượng tịnh của mẫu chuẩn (mT) trong Phụ lục B nhân với 100.
Sau mỗi lần thực hiện phép đo, không trả lại phần đã được tách để thử nghiệm vào phần còn lại của mẫu chuẩn (Phần còn lại thứ hai).
C.2 Biểu thị kết quả
Thông số chất lượng, PQ (%), được tính bằng Công thức (C.1):
(C.1) |
Trong đó
mQP là khối lượng của thông số chất lượng, tính bằng gam (g);
mT là tổng khối lượng tịnh của mẫu chuẩn, tính bằng gam (g).
Phụ lục D
(quy định)
Phương pháp xác định số hạt
D.1 Cách tiến hành
Số hạt xác định số lượng trung bình của toàn bộ hạt cacao có khối lượng 100 g. Sau khi sàng theo Phụ lục B và loại bỏ các tạp chất liên quan đến cacao, hạt lép và tạp chất lạ theo Phụ lục C, đổ phần còn lại của mẫu chuẩn (Phần còn lại thứ hai) lên bề mặt sạch, khô, phẳng và trộn đều kỹ. Lấy mẫu thử không ít hơn 600 g hạt cacao từ mẫu chuẩn, sử dụng xẻng đáy phẳng chia đôi phần còn lại của mẫu chuẩn (Phần còn lại thứ hai).
D.2 Xác định
Loại mọi tạp chất liên quan đến cacao, hạt lép và tạp chất lạ vẫn còn lại theo quy trình được nêu trong Phụ lục C ra khỏi mẫu thử, sau đó cân và thay bằng khối lượng tương đương của hạt nguyên được lấy ngẫu nhiên từ phần còn lại của mẫu chuẩn (Phần còn lại thứ hai). Sau đó đếm tổng số hạt trong mẫu thử. Số lượng thu được gọi là số hạt.
D.3 Biểu thị kết quả
Số hạt, nB, biểu thị theo số hạt trên 100 g, được tính bằng Công thức (D.1):
(D.1) |
Trong đó:
nW là số lượng hạt nguyên;
mW là khối lượng hạt nguyên, tính bằng gam (g).
Phụ lục E
(quy định)
Phương pháp thử cắt
E.1 Cách tiến hành
Tiến hành thử cắt trên mẫu thử của hạt nguyên từ phép xác định số hạt trong Phụ lục D. Chọn 300 hạt nguyên với mọi cỡ, hình dạng, tình trạng mẫu thử.
E.2 Xác định
Tách hoặc cắt 300 hạt này theo chiều dọc tâm hạt, sao cho để lộ tối đa bề mặt cắt của lá mầm. Kiểm tra bằng mắt cả hai nửa của mỗi hạt trong toàn bộ ánh sáng ban ngày hoặc ánh sáng nhân tạo tương đương. Tính riêng từng loại hạt bị khuyết tật, nghĩa là những hạt bị mốc, màu xám, bị côn trùng gây hại (hoặc nảy mầm, lép).
Khi hạt có nhiều khuyết tật, chỉ tính khuyết tật xuất hiện đầu tiên trong danh mục các khuyết tật được biểu thị theo thứ tự giảm về trọng số như quy định trong 5.4.1.
E.3 Biểu thị kết quả
Biểu thị kết quả đối với từng loại khuyết tật theo tỷ lệ phần trăm của 300 hạt được kiểm tra.
Phụ lục F
(quy định)
Phương pháp xác định độ ẩm (phương pháp sấy)
F.1 Khái quát
Phụ lục này quy định phương pháp sấy để xác định độ ẩm của hạt cacao. Thông thường, độ ẩm của hạt cacao là phần hao hụt về khối lượng được xác định theo phương pháp quy định trong phụ lục này và được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm khối lượng.
Ngoài phương pháp sấy, còn có các phương pháp thay thế để xác định độ ẩm, sử dụng các thiết bị hoặc máy có áp dụng các công nghệ như hồng ngoại, đo điện dung, độ dẫn điện, điện môi, cộng hưởng từ hạt nhân hoặc đầu dò neutron. Có thể sử dụng thiết bị và máy nêu trên với điều kiện công nghệ được sử dụng có tương quan với phương pháp sấy theo phương pháp luận do nhà sản xuất công bố cùng với hướng dẫn vận hành về tần suất và quy trình hiệu chuẩn.
Tuy nhiên, phương pháp sấy là phương pháp chuẩn tham chiếu và các thiết bị hoặc máy khác cần có tương quan với nhau càng nhiều càng tốt, nếu có thể.
F.2 Nguyên tắc
Sau khi nghiền, cân và sấy khô hạt cacao 16 h trong tủ sấy có thông khí được kiểm soát ở 103 °C ± 2° C, xác định độ ẩm bằng cách tính chênh lệch khối lượng.
F.3 Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ bình thường của phòng thử nghiệm và cụ thể như sau.
F.3.1 Máy nghiền, cho phép nghiền hạt mà không sinh nhiệt.
F.3.2 Tủ sấy có thông khí, tốt nhất được trang bị quạt, có khả năng kiểm soát ở 103 °C ± 2 °C.
F.3.3 Đĩa cùng với nắp, bằng kim loại, có khả năng chịu được các điều kiện thử nghiệm hoặc bằng thủy tinh, có bề mặt hữu dụng ít nhất 35 cm2 (ví dụ đường kính tối thiểu 70 mm), sâu từ 20 mm đến 25 mm.
F.3.4 Bình hút ẩm, có chứa chất hút ẩm hiệu quả.
F.3.5 Cân phân tích, có thể đọc chính xác đến 1 mg.
F.4 Cách tiến hành
F.4.1 Yêu cầu chung
Nghiền một phần tư mẫu chuẩn bằng máy nghiền (F.3.1) để tạo thành các phần hạt kích thước không lớn hơn 5 mm, nhưng tránh hình thành bột nhão. Hạt được sử dụng phải là đại diện của mẫu chuẩn.
F.4.2 Phần mẫu thử
Cân đĩa rỗng cùng với nắp (F.3.3) đã được sấy khô trước. Sau khi nghiền hạt theo F.4.1, cho ngay 10 g phần mẫu thử vào đĩa. Cân đĩa cùng với nắp, chứa phần mẫu thử đã nghiền, chính xác đến 1 mg.
F.4.3 Xác định
Cho đĩa (F.3.3) có chứa phần mẫu thử cùng với nắp đĩa vào tủ sấy thông khí (F.3.2) được kiểm soát ở 103 °C ± 2 °C. Để trong 16 h ± 1 h, chú ý không mở tủ sấy. Khi kết thúc quá trình sấy, lấy đĩa ra, đậy ngay nắp lại và đặt đĩa vào bình hút ẩm (F.3.4). Để nguội đến nhiệt độ phòng (khoảng từ 30 min đến 40 min sau khi đặt vào bình hút ẩm) và cân đĩa, trong khi vẫn đậy nắp, chính xác đến 1 mg.
F.4.4 Số phép xác định
Tiến hành hai phép xác định với các phần mẫu thử từ một phần tư mẫu chuẩn sau khi nghiền, mỗi lần với một lượng hạt đã được xử lý riêng, nghĩa là đã nghiền, lấy phần mẫu thử và đã sấy khô.
F.5 Chú ý về cách tiến hành
Các thao tác nghiền và cân cho mỗi lần xác định phải được tiến hành nhanh nhất có thể và chỉ thực hiện trong vòng 5 min. Khi không thể thực hiện thao tác cân trong vòng 5 min thì bảo quản phần mẫu thử trong túi bằng chất dẻo hoặc vật chứa kín khí trong thời gian tối đa là 2 h. Sau khi cân phần mẫu thử, có thể để yên vị trí đĩa cùng với nắp, ví dụ trong trường hợp cân một loạt.
F.6 Biểu thị kết quả
F.6.1 Phương pháp tính và công thức
Độ ẩm của mẫu chuẩn, biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm khối lượng, được tính bằng Công thức (F.1):
(F.1) |
Trong đó
m0 là khối lượng của đĩa rỗng cùng với nắp, tính bằng gam (g);
m1 là khối lượng của đĩa cùng với nắp và phần mẫu thử trước khi sấy, tính bằng gam (g);
m2 là khối lượng của đĩa cùng với nắp và phần mẫu thử sau khi sấy, tính bằng gam (g).
Kết quả là giá trị trung bình số học của hai phép xác định (xem F.4.4) với điều kiện đáp ứng về độ lặp lại (xem F.6.2). Nếu không, thực hiện lại phép xác định. Báo cáo kết quả đến một chữ số thập phân.
F.6.2 Độ lặp lại
Chênh lệch giữa kết quả của hai phép xác định, được thực hiện đồng thời hoặc liên tiếp nhanh do cùng một người phân tích, không được vượt quá 0,3 g trên 100 g mẫu chuẩn đã được chia bốn.
Phụ lục G
(tham khảo)
Bảo quản cacao đã bao gói
Lô hàng hạt cacao cần được để vào trong các kho được xây dựng và sử dụng theo cách sao cho duy trì độ ẩm theo quy định trong 5.2.4.
Hạt cacao phải được bảo quản trên tấm sàn chịu tải (gratings) hoặc trên tấm sàn liên hợp (deckings) có khoảng trống sạch cách sàn ít nhất 7 cm để lưu thông không khí.
Cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự phá hoại của côn trùng, động vật gặm nhấm và các sinh vật gây hại khác.
Các bao gói hạt cacao cần được xếp chồng lên nhau sao cho:
a) các hạng và thương hiệu được tách biệt bằng một lối đi rộng tối thiểu 60 cm, tương tự như vậy, phải có khoảng cách giữa các bao và tường của nhà kho,
b) có thể tiến hành khử trùng bằng xông hơi/hoặc phun cẩn thận bằng thuốc diệt côn trùng phù hợp, nếu cần (xem Phụ lục H),
c) tránh bị ô nhiễm do mùi hoặc hương vị hoặc do bụi bẩn từ các sản phẩm khác như thực phẩm hoặc sản phẩm khác như dầu, xi măng và nhựa đường.
Định kỳ, trong quá trình bảo quản, ngay trước khi vận chuyển và để xuất khẩu, phải kiểm tra độ ẩm.
Phụ lục H
(tham khảo)
Khử trùng
Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để kiểm soát côn trùng, động vật gặm nhấm và các loài dịch hại khác trong cacao thì mọi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt quá giới hạn dư lượng tối đa theo quy định hiện hành. Cần hết sức chú ý lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật và trong kỹ thuật ứng dụng để tránh nguy cơ bị nhiễm độc hoặc đưa dư lượng độc tố vào cacao.
Phụ lục I
(tham khảo)
Quy trình và lưu đồ phân tích chất lượng sơ bộ
I.1 Yêu cầu chung
Phụ lục này đưa ra lưu đồ trình tự thử nghiệm cần tuân thủ theo các phương pháp thử được quy định trong Phụ lục B đến Phụ lục F, sử dụng các mẫu thử sơ bộ 500 g hoặc nhiều hơn, được lấy từ mẫu chuẩn. Phụ lục I có thể được sử dụng để phân tích chất lượng sơ bộ nhằm xác định lô hạt cacao đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
I.2 Cách tiến hành
Lấy bốn mẫu thử nghiệm sơ bộ, mỗi mẫu 500 g hoặc nhiều hơn bằng cách sử dụng bộ chia để chia mẫu chuẩn thành bốn phần. Nên sử dụng dụng cụ chia bốn hình nón hoặc dụng cụ chia phù hợp khác. Cân mẫu thử sơ bộ; khối lượng của các chia phần tư có thể khác nhau nhưng phải bằng một phần tư tổng khối lượng của toàn bộ mẫu chuẩn. Ít nhất một trong các mẫu thử nghiệm sơ bộ phải được bảo vệ để không bị khô, có thể thực hiện bằng cách sử dụng túi bằng chất dẻo hoặc vật chứa kín khí.
Tiến hành xác định độ ẩm bằng cách sử dụng một phần mẫu thử sơ bộ (mẫu được bảo vệ để không bị khô) như mô tả trong Phụ lục F (xem Hình I.1). Sử dụng một trong các mẫu thử sơ bộ cho các phép phân tích mô tả trong Phụ lục B đến Phụ lục E như trong Hình I.1. Các mẫu thử sơ bộ còn lại có thể được sử dụng để phân tích chất béo, pH, vị, v.v...
Hình I.1 - Lưu đồ quy trình thử nghiệm sau khi chia bốn mẫu chuẩn để phân tích chất lượng sơ bộ
1) TCVN 7518:2005 Hạt cacao - Thuật ngữ và định nghĩa.
2) TCVN 7519:2005 Hạt cacao.
3) TCVN 7520:2005 (ISO 2291:1980) Hạt cacao - Xác định độ ẩm (Phương pháp thông dụng).
4) TCVN 7522:2005 (ISO 1114:1977) Hạt cacao - Xác định các dạng khuyết tật sau khi cắt.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.