Trang /
Tiêu chuẩn TCVN 13641:2023 Mỹ phẩm - Vi sinh vật - Hướng dẫn đánh giá rủi ro
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13641:2023
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13641:2023 ISO 29621:2017 Mỹ phẩm - Vi sinh vật - Hướng dẫn đánh giá rủi ro và nhận diện các sản phẩm có rủi ro thấp về mặt vi sinh
Số hiệu: | TCVN 13641:2023 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm |
Ngày ban hành: | 25/04/2023 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13641:2023
ISO 29621:2017
MỸ PHẨM - VI SINH VẬT - HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ NHẬN DIỆN CÁC SẢN PHẨM CÓ RỦI RO THẤP VỀ MẶT VI SINH
Cosmetics - Microbiology - Guidelines for the risk assessment and identification of microbiologically low-risk products
Lời nói đầu
TCVN 13641:2023 hoàn toàn tương đương với ISO 29621: 2017.
TCVN 13641:2023 do Viện Kiểm nghiệm Thuốc thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Các nhà sản xuất mỹ phẩm đều có trách nhiệm kép liên quan đến chất lượng vi sinh trong các sản phẩm của họ. Thứ nhất là họ phải đảm bảo rằng sản phẩm bán ra được kiểm soát về số lượng và các loại vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Thứ hai là họ phải đảm bảo các vi sinh vật sinh ra trong quá trình sử dụng bình thường sẽ không ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoặc độ an toàn của sản phẩm.
Bước đầu tiên là thực hiện đánh giá rủi ro vi sinh của sản phẩm để xác định các tiêu chuẩn về vi sinh trong mỹ phẩm được áp dụng.
Đánh giá rủi ro vi sinh dựa trên một số yếu tố thường được chấp nhận là quan trọng trong việc đánh giá các tác động có hại đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Nó được sử dụng như một hướng dẫn cần thiết để xác định mức độ thử nghiệm nếu có trong đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Tiến hành đánh giá rủi ro vi sinh bao gồm đánh giá chuyên môn và / hoặc phân tích vi sinh để xác định mức độ rủi ro.
Bản chất và tần suất thử nghiệm thay đổi tùy theo sản phẩm. Mức độ ảnh hưởng của vi sinh vật trong các sản phẩm mỹ phẩm không vô khuẩn được đánh giá dựa trên công dụng của sản phẩm, bản chất của sản phẩm và khả năng gây hại cho người sử dụng.
Mức độ nguy hiểm của sản phẩm phụ thuộc vào khả năng phát triển của vi sinh vật trong sản phẩm và khả năng gây hại của chúng đến người sử dụng. Nhiều sản phẩm có các yếu tố như nước, pH, chất dinh dưỡng ... là những điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật. Hơn nữa, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng sản phẩm cũng là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn hiếu khí ưa nhiệt trung bình phát triển làm biến chất sản phẩm và tác dụng không tốt cho người sử dụng. Đối với loại sản phẩm này, chất lượng của chúng được kiểm soát bởi thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMPs) (ISO 22716) trong suốt quá trình sản xuất, sử dụng chất bảo quản và kiểm nghiệm bằng các phương pháp phù hợp.
Một số sản phẩm lại có khả năng nhiễm vi sinh vật rất thấp (hoặc không có) là do đặc tính của sản phẩm tạo ra môi trường không phù hợp cho sự tồn tại hoặc phát triển của vi sinh vật. Những đặc điểm này sẽ được trình bày chi tiết trong tài liệu này. Mặc dù các nguy cơ gây hại cho sản phẩm (như tác động không mong muốn lên chất lượng sản phẩm và sức khỏe người sử dụng) vẫn tồn tại nhưng khả năng xảy ra là cực kỳ thấp. Những sản phẩm này được nhận định là bất lợi với các vi sinh vật và được sản xuất tuân theo GMP giúp giảm thiểu rủi ro cho người dùng. Do đó, các sản phẩm có các đặc tính được nêu trong tài liệu này không yêu cầu thử nghiệm vi sinh.
Tài liệu này hướng dẫn cho các nhà sản xuất mỹ phẩm và các cơ quan quản lý dựa trên đánh giá rủi ro để xác định khi nào cần áp dụng các tiêu chuẩn và các phương pháp liên quan về vi sinh đối với mỹ phẩm.
MỸ PHẨM - VI SINH VẬT - HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ NHẬN DIỆN CÁC SẢN PHẨM CÓ RỦI RO THẤP VỀ MẶT VI SINH
Cosmetics - Microbiology - Guidelines for the risk assessment and identification of microbiologically low-risk products
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn cho các nhà sản xuất mỹ phẩm và các cơ quan quản lý dựa vào đánh giá rủi ro để xác định những thành phẩm có rủi ro nhiễm vi sinh vật thấp trong quá trình sản xuất và / hoặc sử dụng và do đó không yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn về vi sinh vật.
2 Tài liệu viện dẫn
Tiêu chuẩn này không có tài liệu viện dẫn.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.
3.1
Rủi ro (risk)
Ảnh hưởng của sự không chắc chắn đến đối tượng.
CHÚ THÍCH 1: Rủi ro vi sinh vật là khả năng một sản phẩm có thể:
— Hỗ trợ cho sự phát triển của vi sinh vật và có khả năng vi sinh vật đó gây hại đến người sử dụng.
— Hỗ trợ sự có mặt của các vi sinh vật gây bệnh được quy định trong các tiêu chuẩn quốc tế (như TCVN 13635 (ISO 18415), TCVN 13636 (ISO 18416), TCVN 13639 (ISO 22717), TCVN 13640 (ISO 22718) và TCVN 12974 (ISO 21150)).
[Nguồn: ISO Guide 73 :2009, 1.1 , Modified]
3.2
Đánh giá rủi ro (risk assesment)
Bao gồm toàn bộ quá trình nhận diện rủi ro, phân tích rủi ro (3.3) và lượng giá rủi ro (3.4).
[Nguồn: ISO Guide 73 :2009, 3.4.1]
3.3
Phân tích rủi ro (risk analysis)
Quá trình tìm hiểu nguồn gốc của rủi ro (3.1) và xác định mức độ của rủi ro.
[Nguồn: ISO Guide 73: 2009, 3.6.1]
3.4
Lượng giá rủi ro (risk evaluation)
Quá trình so sánh kết quả của phân tích rủi ro (3.3) với tiêu chí rủi ro (3.5) để xác định rủi ro và / hoặc cường độ của nó có chấp nhận được hay có thể bỏ qua được không.
[Nguồn: ISO Guide 73: 2009, 3.7.1]
3.5
Tiêu chí rủi ro (risk criteria)
Mức độ tham chiếu để đánh giá rủi ro (3.1).
[Nguồn: ISO Guide 73: 2009, 3.3.1.3 , Modified]
3.6
Sản phẩm có rủi ro thấp về mặt vi sinh (Microbiologicall low-risk product)
Sản phẩm tạo môi trường làm cản trở các nhu cầu vật lý và hóa học cần thiết cho sự tăng trưởng và/ hoặc sự tồn tại của vi sinh vật.
CHÚ THÍCH 1: Danh mục các sản phẩm có rủi ro thấp áp dụng cho sự tạp nhiễm vi sinh vật có thể diễn ra trong quá trình sản xuất và / hoặc trong quá trình sử dụng.
CHÚ THÍCH 2: Một sản phẩm được đóng gói để tránh sự xâm nhập của vi sinh vật cũng được xem là sản phẩm có rủi ro tháp về mặt vi sinh vật trong quá trình sử dụng.
CHÚ THÍCH 3: Sản phẩm có chứa chất bảo quản hay những hợp chất kháng khuẩn khác thì không cần thiết để xếp vào nhóm sản phẩm có rủi ro thấp.
4 Các yếu tố đánh giá rủi ro
4.1 Quy định chung
Một số đặc tính của sản phẩm cần được lượng giá khi thực hiện đánh giá rủi ro vi sinh, để xác định xem sản phẩm đó có phải tuân thủ các tiêu chuẩn về vi sinh hoặc các phương pháp khác có liên quan. Những đặc tính này bao gồm thành phần của sản phẩm, điều kiện sản xuất, đóng gói và kết hợp các yếu tố này với nhau.
4.2 Thành phần của sản phẩm
4.2.1 Đặc tính chung
Sản phẩm có đặc tính hóa lý ổn định sẽ không cho phép sự gia tăng các vi sinh vật. Một hay nhiều yếu tố lý hoá kết hợp trong một sản phẩm có thể tạo ra một môi trường bất lợi cho sự tăng trưởng của vi sinh vật và / hoặc sự sống sót của chúng. Sự kết hợp của các yếu tố gây độc sẽ làm tăng môi trường bất lợi và gia tăng pha lag của vi sinh vật. Nếu môi trường đủ bất lợi, pha lag sẽ mở rộng đến vô cùng và do đó làm chết tế bào. Kết hợp các yếu tố gây độc sẽ gây chết tế bào nhanh. Các yếu tố sau đây sẽ được xem xét để xác định sản phẩm nào có môi trường bất lợi.
4.2.2 Hoạt độ nước, aw, của công thức
Nước là một trong những yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát tốc độ phát triển của vi sinh vật. Yếu tố quyết định khả năng phát triển của vi sinh vật không phải là tổng lượng ẩm mà là nước tự do trong công thức. Sự trao đổi chất và nhân đôi của vi sinh vật đòi hỏi phải có mặt của nước tự do. Hoạt độ nước aw là thước đo hàm lượng nước tự do trong sản phẩm. Hoạt độ nước được định nghĩa là tỉ số giữa áp suất hơi nước của sản phẩm so với áp suất hơi nước tinh khiết ở cùng nhiệt độ (xem công thức (1)):
(1) |
Trong đó:
| p0 n1 n2 p | là áp suất hơi của nước tinh khiết là số mol của chất tan là số mol của nước là áp suất hơi của dung dịch |
Khi dung dịch trở nên đậm đặc hơn, áp suất hơi giảm xuống và hoạt độ nước càng xa giá trị cao nhất là 1,0 (là giá trị aw của nước tinh khiết). Những điều kiện này sẽ được phân loại dựa theo khả năng sinh trưởng và tạo ra chất chuyển hóa trong những điều kiện khác nhau và giá trị aw khác nhau. Ảnh hưởng của việc giảm aw đến vi sinh vật đã được chứng minh. Khi lượng nước tự do trong một công thức giảm, aw giảm, vi sinh vật phải đối mặt với thách thức duy trì trạng thái cân bằng áp suất thẩm thấu bên trong tế bào. Mất cân bằng áp suất thẩm thấu sẽ dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại và cuối cùng là chết tế bào. Nhiều vi sinh vật tồn tại dưới điều kiện hoạt độ nước thấp nhưng không phát triển được. Hoạt độ nước aw thấp làm kéo dài pha lag, giảm sự phát triển và giảm số lượng tế bào. Ở giá trị aw rất thấp, pha lag kéo dài đến vô cùng và cuối cùng là không có sự sinh trưởng. Trong môi trường có aw thấp, tế bào sẽ sử dụng năng lượng để dự trữ các chất tan thích hợp để duy trì áp suất nội bào. Hầu hết sự phát triển của tế bào vi khuẩn bị hạn chế khi aw trên 0,90. Một vài loại nấm men và nấm mốc có thể phát triển ở aw thấp hơn với giá trị giới hạn aw trên 0,60 (TLTK [1] và [2]).
Bảng 1 là các ví dụ về hoạt độ nước tối thiểu cần cho sự phát triển của các vi sinh vật
Bảng 1 - Hoạt độ nước (aw) tối thiểu cần thiết cho sự phát triển của các vi sinh vật
Vi khuẩn | Hoạt độ nước (aw) | Nấm men và nấm mốc | Hoạt độ nước (aw) |
Pseudomonas aeruginosa | 0,97 | Rhizopus nigricans | 0,93 |
Bacillus cereus | 0,95 | Mucor plumbeus | 0,92 |
Clostridium botulinum, Type A | 0,95 | Rhodotorula mucilaginosa | 0,92 |
Escherichia coli | 0,95 | Saccharomyces cerevisiae | 0,90 |
Clostridium perfringens | 0,95 | Paecilomyces variotii | 0,84 |
Lactobacillus viridescens | 0,95 | Penicillium chrysogenum | 0,83 |
Salmonella spp. | 0,95 | Aspergillus fumigatus | 0,82 |
Enterobacter aerogenes | 0,94 | Penicillium glabrum | 0,81 |
Bacillus subtilis | 0,90 | Aspergillus flavus | 0,78 |
Micrococcus lysodeikticus | 0,93 | Aspergillus brasiliensis | 0,77 |
Staphylococcus aureus | 0,86 | Zygosaccharomyces rouxii | 0,62 |
Halobaterium halobium | 0,75 | Xeromyces bisporus | 0,61 |
Giá trị hoạt độ nước ở Bảng 1 nên được xem như là giá trị tham khảo, bởi vì sự phát triển của vi sinh vật có thể diễn ra ở giá trị thấp hơn phụ thuộc vào nhiệt độ, pH, thành phần dinh dưỡng có trong công thức sản phẩm. Mặc dù giá trị hoạt độ nước quan trọng trong việc phân tích rủi ro nhiễm vi sinh vật, hoạt độ nước không nên được sử dụng như là dấu hiệu duy nhất để xem xét có cần thiết kiểm tra vi sinh vật cho một sản phẩm cụ thể. Theo USP, những sản phẩm dược phẩm có hoạt độ nước dưới 0,75 sẽ tránh được sự phát triển của vi sinh vật. Nói chung, những sản phẩm khan sẽ có hoạt độ nước thấp (dưới 0,7) (TLTK [3], [4] và [5]). Sự phát triển của vi sinh vật trong sản phẩm yêu cầu hoạt độ nước lớn hơn 0,8 (TLTK [6] và [7]). Vi sinh vật không có khả năng phát triển trong sản phẩm mà hoạt độ nước thấp hơn 0,7 nên không cần thiết phải thử hiệu quả chất bảo quản của những sản phẩm này. Chỉ cần hoạt độ nước thấp là đủ để bảo quản sản phẩm mà không cần phải có thêm chất bảo quản hóa học (TLTK [8]). Điều này cũng áp dụng tương tự cho mỹ phẩm. Những yếu tố khác như là quá trình sản xuất và nhiệt độ đóng gói nên được xem xét để quyết định sản phẩm đó có cần kiểm tra vi sinh vật hay không.
4.2.3 pH của công thức
Công nghệ thực phẩm sử dụng pH acid để bảo vệ chống lại vi khuẩn và nguyên tắc này cũng được áp dụng cho mỹ phẩm. Sự kết hợp giữa pH acid và hoạt độ aw đã được nghiên cứu TLTK [9]). Trong nhiều trường hợp, mức độ ức chế vi sinh vật phụ thuộc vào từng loại acid. Môi trường acid có pH khoảng 5,0 thuận lợi cho sự phát triển của nấm men và nấm mốc nhưng không kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Sự phát triển của nấm men bị ức chế ở pH dưới 3,0 (TLTK [10]), điều này được giải thích là do pH nội bào phải được duy trì trong một giới hạn tương đối hẹp.
pH kiềm cũng tạo ra một môi trường bất lợi và trong một số sản phẩm, nó được sử dụng như là một phần của hệ thống bảo quản sản phẩm. Xà phòng lỏng với pH kiềm (pH từ 9,0 đến 10,0) tạo môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của một số vi sinh vật (TLTK [11]). Các chất làm duỗi tóc, có pH cực đoan (pH gần bằng 12,0) giúp ngăn ngừa sự phát triển của hầu hết các vi sinh vật có khả năng nhiễm (TLTK [12]).
Nguyên nhân là ở pH cực đoan, gồm cả kiềm và acid, vi sinh vật tiêu tốn năng lượng để duy trì pH nội bào nhiều hơn là năng lượng cho sự phát triển. Khi yếu tố pH được sử dụng kết hợp với phức chelat, glycols, chất chống oxi hóa, hoạt độ của nước và chất hoạt động bề mặt cao, chúng có thể tạo ra một môi trường không hỗ trợ cho sự phát triển của vi sinh vật.
Các yếu tố này có thể được sử dụng như là rào cản mà vi sinh vật phải vượt qua để phát triển (TLTK [13]).
Một số sản phẩm nhất định, có pH cực đoan, pH ≤ 3,0 và pH ≥ 10,0, không yêu cầu phải kiểm tra chỉ tiêu vi sinh, bao gồm cả đánh giá hiệu quả kháng vi sinh vật của chất bảo quản và kiểm tra thành phẩm cuối cùng, ở tất cả các pH khác (> 3,0 và < 10,0) sự kết hợp giữa pH và các yếu tố hóa lý khác cần phải được đánh giá để xác định rủi ro. Để kết luận một sản phẩm có rủi ro vi sinh vật thấp, ta cần thu thập dữ liệu dựa trên thực nghiệm và xem xét lịch sử của sản phẩm.
4.2.4 Vật liệu thô có thể tạo ra môi trường bất lợi
4.2.4.1 Cồn
Sự phát triển của vi sinh vật bị ngăn cản trong công thức sản phẩm lớn hơn hoặc bằng 20 % kl/tt ethyl alcohol tuyệt đối. Tuy nhiên, nồng độ cồn thấp (từ 5 % đến 10 %) có thể có hoạt tính bổ trợ khi kết hợp với các yếu tố hóa lý khác (TLTK [14]).
Ethanol, n-propanol, và iso-propanol là những chất phổ biến thường được sử dụng trong điều chế mỹ phẩm (TLTK [15]). Hiệu quả kháng khuẩn của chúng tăng lên theo khối lượng phân tử và chiều dài chuỗi. Nồng độ cồn trong sản phẩm sẽ quyết định chúng sẽ giết hay chỉ đơn thuần là ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Những dữ liệu chỉ ra rằng hiệu lực kháng khuẩn của cồn là khá cao ở nồng độ từ 10 % đến 20 %, và điều này cho phép giảm bớt lượng chất bảo quản. Phụ thuộc vào giá trị pH của chất nền, nồng độ ethyl alcohol từ 15 % đến 18 % được coi là biện pháp bảo quản phù hợp (TLTK [16]).
Sản phẩm có chứa hơn 20 % kl/tt cồn không yêu cầu phải kiểm tra vi sinh (đánh giá hiệu quả kháng vi sinh vật của chất bảo quản và kiểm tra thành phẩm cuối), ở mức dưới 20 % kl/tt, cần đánh giá những yếu tố hóa lý khác để xác định nguy cơ. Để kết luận một sản phẩm có nguy cơ vi sinh vật thấp, ta cần thu thập dữ liệu dựa trên thực nghiệm và xem xét lịch sử của sản phẩm.
4.2.4.2 Ammoniac và monoethanolamin
Ammoniac và monoethanolamin là hai dung dịch kiềm được sử dụng phổ biến trong thuốc nhuộm tóc với ba mục đích quan trọng: i) Làm căng sợi tóc để cho phép tiền chất nhuộm thâm nhập tốt hơn; ii) Tạo ra các peroxide hoạt tính cần thiết cho sự tẩy melanin và tạo màu; iii) Tham gia vào việc tẩy melanin. Chúng cũng được sử dụng trong các thuốc uốn tóc, do chúng có tính chất phá vỡ liên kết disulphide trong cấu trúc của tóc. Chúng hỗ trợ cho sự thẩm thấu của dung dịch làm xoăn tóc, thường là các chất kiềm và bôi trên tóc ngay khi quấn xoăn. Ngoài những chức năng chính này, vì bản chất kiềm, ammoniac và monoethanolamin cũng tạo ra môi trường bất lợi cho sự phát triển của vi sinh vật trong sản phẩm (TLTK [17] và [18]).
Những sản phẩm chứa nồng độ ammoniac ≥ 0,5 % và / hoặc monoethanolamin ≥ 1 % sẽ làm ức chế yếu tố hóa lý cần thiết cho sự phát triển và / hoặc sự sống còn của vi sinh vật, và vì vậy các sản phẩm này được xem như có nguy cơ thấp về mặt vi sinh vật (TLTK [15]).
4.2.4.3 Những hợp chất hữu cơ phân cực (như ethyl acetat, butyl acetat)
Butyl acetat và ethyl acetat là những dung môi hữu cơ phổ biến được sử dụng trong chất làm bóng móng. Chúng được làm từ nitrocellulose hòa tan trong dung môi. Dung môi là những chất lỏng được sử dụng để trộn những thành phần khác (như chất tạo màng, nhựa, chất làm dẻo, bột màu, vv) trong chất làm bóng móng để tạo ra một sản phẩm đồng nhất.
Ngoài chức năng chính này, những dung môi hữu cơ phân cực này khi sử dụng ở nồng độ > 10 % sẽ tạo ra một môi trường bất lợi cho sự phát triển của vi sinh vật trong các công thức sản phẩm (xem Bảng 2).
Hỗn hợp của các dung môi này, đặc trưng của các chế phẩm sơn móng, có hoạt tính kháng vi sinh vật cao trên các chủng được thử nghiệm trong một thời gian ngắn (TLTK [19]).
Chất làm bóng móng làm từ những dung môi này được coi là có rủi ro thấp về vi sinh vật và không yêu cầu phải kiểm tra vi sinh (đánh giá hiệu quả kháng vi sinh vật của chất bảo quản và kiểm tra thành phẩm cuối).
4.2.4.4 Những nguyên liệu khác có thể tạo ra môi trường bất lợi
Một số nguyên liệu được sử dụng trong công thức mỹ phẩm sẽ giúp tạo ra môi trường bất lợi với sự phát triển của vi sinh vật. Cần phải có dữ liệu chứng minh rằng sự phát triển của vi sinh vật đã bị ức chế, bao gồm tài liệu tham khảo, thiết kế thực nghiệm hay sự xem xét lịch sử của sản phẩm. Sau đây là ví dụ về một số loại nguyên liệu tạo ra môi trường như vậy:
a) Các tác nhân oxy hóa mạnh (ví dụ như hydrogen peroxid) (TLTK [20]) hay chất khử mạnh (như hợp chất thiol). Hydrogen peroxide có phổ kháng khuẩn rộng, ức chế vi khuẩn, nấm men, nấm mốc, virus và cả bào tử. Hầu hết các chủng bị ức chế hoàn toàn ở nồng độ hydrogen peroxide 3 % (TLTK [21]).
b) Thuốc nhuộm oxy hóa.
c) Nhôm chlorohydrat và các muối liên quan.
Nồng độ nhôm chlorohydrate cao (≥ 25 % kl/kl) trong một số chất khử mùi và chống mồ hôi làm tăng pH acid và giảm aw, giúp cho những sản phẩm này ức chế sự phát triển của vi sinh vật (TLTK [21]). Trong những điều kiện như vậy, rủi ro vi sinh đã được kiểm soát và những sản phẩm này không đòi hòi phải kiểm tra vi sinh (đánh giá hiệu quả kháng vi sinh vật của chất bảo quản và kiểm tra thành phẩm).
d) Khí đẩy.
Trong trường hợp mà sản phẩm mỹ phẩm có chứa khí đẩy (như dimethyl ether, isobutan) để giúp phân phối sản phẩm (gel xịt tóc, thuốc khử mùi, kem cạo râu, ...) thì sự phát triển của vi sinh vật bị cản trở bởi áp lực giảm của oxy và trong một số trường hợp nhất định là do tác động ức chế của chính khí đẩy (TLTK [3], [22], [23], [24] và [25]).
e) Những chất khác
Một số nguyên liệu khác có thể gây độc đối với sự phát triển của vi sinh vật. Để kết luận một sản phẩm có nguy cơ vi sinh vật thấp, ta cần thu thập dữ liệu dựa trên tài liệu tham khảo, thực nghiệm và xem xét lịch sử của sản phẩm.
4.3 Điều kiện sản xuất
Một số yếu tố của quá trình sản xuất và đóng chai (ví dụ nhiệt độ cao) có thể làm giảm nguy cơ vi sinh vật cho sản phẩm mỹ phẩm. Cũng như pH, vi sinh vật cũng có khoảng nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển. Nhiệt độ thấp cho phép sự phát triển chậm và tăng nhiệt độ có thể làm tăng khả năng phát triển. Nếu nhiệt độ tăng trên giá trị tối ưu, sự phát triển bị ức chế và vi sinh vật có thể chết. Nhiệt thường được sử dụng để kiểm soát vi sinh bằng cách cung cấp một nhiệt độ đủ để giết vi sinh vật nhanh hoặc duy trì nhiệt độ trên mức tối ưu trong một thời gian dài (TLTK [26]).
Nhiệt độ trên 65 °C có thể gây ra sự bất hoạt nhiệt cho vi sinh vật trong sản phẩm. Nếu duy trì 10 min ở nhiệt độ 65 °C, hầu hết các tế bào sinh dưỡng sẽ chết bởi sự phân hủy protein tế bào.
Dựa vào những thông tin trên, việc kiểm tra vi sinh với những sản phẩm mà nhiệt độ đóng sản phẩm đó trên 65 °C là không cần thiết, cần định kỳ xem xét thử nghiệm sản phẩm hoặc xác minh khả năng gây chết của chu trình nhiệt độ. Khuyến cáo định kì xem xét quy trình sản xuất và đóng chai để đảm bảo rằng không có bất kì sự thay đổi nào trong suốt quá trình sản xuất.
4.4 Đóng gói
Loại bao bì được lựa chọn để đựng mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ tạp nhiễm khi sử dụng và sẽ được đưa ra để đánh giá nguy cơ vi sinh trong suốt quá trình sử dụng.
— Thành phần bao bì có tính chất vật lý chống lại sự tạp nhiễm trong quá trình sử dụng (ví dụ như có bơm, đóng gói dạng đơn liều) và góp phần bảo vệ và bảo quản sản phẩm.
— Những yếu tố khác như thể tích sản phẩm nhỏ giới hạn số lần sử dụng hoặc khuyến cáo thời gian sử dụng ngắn cũng góp phần bảo vệ sản phẩm.
— Dạng đóng gói, như áp suất phân phối hay dạng liều, cung cấp đầy đủ sự bảo vệ sản phẩm khỏi sự tạp nhiễm trong quá trình sử dụng. Nếu sản phẩm đạt chỉ tiêu vi sinh thì khi đưa ra thị trường nó vẫn ổn định như vậy trong suốt quá trình sử dụng. Trong trường hợp này, nguy cơ vi sinh trong quá trình sử dụng là thấp, dựa vào sự bảo vệ cao của việc đóng gói.
4.5 Các yếu tố kết hợp
Việc kết hợp các yếu tố được đề cập trong tiêu chuẩn này có thể tạo ra một môi trường bất lợi đối với sự sống và phát triển của vi sinh vật. Cần xem xét việc kết hợp những yếu tố này để xác định xem sản phẩm đó có cần phải kiểm tra vi sinh không.
Việc kết hợp các yếu tố được đề cập trong tiêu chuẩn này có thể tạo ra một môi trường bất lợi đối với sự sống và phát triển của vi sinh vật. cần xem xét việc kết hợp những yếu tố này để xác định xem sản phẩm đó có cần phải kiểm tra vi sinh không.
Việc miễn kiểm tra phải dựa vào những chứng cứ xác đáng. Việc xác minh này là nhiệm vụ của nhà sản xuất. Để kết luận một sản phẩm có nguy cơ vi sinh vật thấp, ta cần thu thập dữ liệu dựa trên tài liệu tham khảo, thực nghiệm và xem xét lịch sử của sản phẩm.
5 Nhận diện những sản phẩm có rủi ro thấp
Sau khi xem xét xem mục 4.1 đến 4.5, những sản phẩm đáp ứng đặc tính dưới đây và đặc tính kết hợp có thể được xem xét như là sản phẩm có rủi ro thấp.
Bảng 2: Một số ví dụ về những sản phẩm có rủi ro thấp
Yếu tố hóa lý | Giới hạn | Ví dụ |
pH | ≤ 3,0 | Các loại mặt nạ (glycolic acid) |
pH | ≥ 10,0 | Sản phẩm duỗi tóc |
Ethanol và các alcohol khác | ≥ 20,0 % | Keo xịt tóc, các sản phẩm dưỡng da, dưỡng tóc, nước hoa |
Nhiệt độ đóng sản phẩm | ≥ 65,0 °C | Son dưỡng môi, son môi, kem trang điểm |
Hoạt độ nước aw | ≤ 0,75 | |
Sản phẩm có chứa dung môi hữu cơ: |
| Sơn móng |
Ethyl acetat Butyl acetat | > 10% > 10% |
|
Hợp chất kiềm |
| Sản phẩm oxy hóa: Sản phẩm nhuộm tóc, uốn tóc |
Ammoniac Monoethanolamin | ≥ 0,5 % ≥ 1 % | |
Nhôm chlorohydrate và muối liên quan | ≥ 25 % | Sản phẩm chống mồ hôi |
Hydrogen peroxid | ≥ 3 % | Sản phẩm làm sáng tóc, tẩy, uốn tóc |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] SILLIKIER J.H., eds. for the International Commission on Microbiological Specifications for Food, Microbiology Ecology of Foods, 1, Academic Press, Orlando, FL, 1980, pp. 76-91
[2] TROLLER A., Effects of aw and pH on growth and survival of Staphylococcus aureus. In: Properties of Water in Foods, (STIMATOS D., MULTON J.L., NIJHOFF M., eds.). Dordrecht, 1985
[3] Microbial Ecology of Foods - Factors Affecting Life and Death of Microorganism, International Commission on Microbiological Specifications for Foods. Academic Press, 1990, pp. 16-19
[4] ENGLISH D.J., Factors in selecting and testing preservatives in product formulations. In: Cosmetic and Drug Microbiology, (ORTH D.S., KABARA J.J., DENYER S.P., TAN S.K., eds.) CRC Press, 2006, pp. 57-108
[5] FRIEDEL R.R. & CUNDELL A.M., The application of water activity measurements to the microbiological attributes testing of nonsterile over-the-counter drug products, Pharmocopeial Forum, 1998, 24 (2), pp. 6087-6090
[6] SPERBER W.H. Influence of water activity on foodborne bacteria - a review. J. Food Prot. 1983, 46 (2), pp. 142-150
[7] SUHR K.l. & NEILSEN P.V., Effect of weak acid preservatives on growth of bakery spoilage fungi at different water activities and pH values, Int. J. Food Microbiol. 2004, 95, pp. 67-78
[8] PADER M., Glycerine in oral care products., In: Glycine: A Key Cosmetic Ingredient, (JUNGERMANN E., &SONNTAG N.O.V., eds.), Marcel Dekker, 1991, pp. 381-95
[9] PITT J.I., Resistance of some food spoilage yeasts to preservatives, Food Technology, 1975, 26 (6), pp. 238,239, 241
[10] KABARA J.J., & ORTH D. Preservative Free and Self Preserving Cosmetics and Drugs, Marcel Dekker, 1997, pp. 1-14
[11] OBUKKOWHO P., & BIRMAN M. Hair curl relaxers. Cosmetic and Toiletries, 1992, 107 (12), pp. 39-43
[12] LEISTNERL. Hurdle technology applied to meat products of the shelf stable product and intermediate moisture types. In: Properties of Waters in Foods, (SIMATOS D., MULTON J.L., NIJHOFF M., eds.). Dordecht, 1985
[13] KABARA J.J. & ORTH D.S., Principles for product preservation in preservative-free and selfpreserving cosmetics and drugs, Marcel Dekker, New York, 1997, pp. 248
[14] BANDELIN F.J., Antibacterial and preservative properties of alcohols. Cosmetic and Toiletries. 1977, 92, pp. 59-70
[15] BLOCK S., Disinfection, Sterilization and Preservation. Lea & Febiger, Fourth Edition, 1991
[16] HIMATHONGKHAM S., &RIEMANN H., Destruction of Salmonella typhimurium, Escherichia coli 0157:H7 and Listeria monocytogenes in chicken manure by drying and / or gassing with ammonia. FEMS Microbiol. Lett. 1999, 171, pp. 179-182
[17] TAJKARIMI M., RIEMANN H.P., HAJMEER M.N., GOMEZ E.L., RAZAVILAR V., OLIVER D.O., Ammonia disinfection of animal feeds - laboratory study. Int.J. Food Microbiol. 2008,122, pp. 23-28
[18] PINON A., DECHERF S., MALET G., CUPFERMAN S., VIALETTE M., Bactericidal activity of ammonia and monoethanolamine on Pseudomonas aeruginosa and Staphylococcus aureus strains of various origins. Int. J. Cosmet. Sci. 2015, 37 (2), pp. 207-211
[19] LENS C., MALET G., CUPFERMAN S., Antimicrobial activity of Butyl acetate, Ethyl acetate and Isopropyl alcohol on undesirable microorganisms in cosmetic products. Int. J. Cosmet. Sci. 2016, 38 (5) pp. 476-480
[20] IBRAHIM Y.K.E., &SONNAG H.G., Preservative potentials of some aerosol propellants / Effectiveness in some pharmaceutical oils. Drugs Made Ger. 1995, 38, pp. 2
[21] IBRAHIM Y.K.E, GEISS H.K., SONNAG H.G., Alternatives to traditional preservatives. SOFW Journal, 118, Jahrgang 6/92
[22] COMMISSION S.F.S.T.P., DECLERCK J., CAIRE-MAURISIER F., GENOT P., LEVACHER E., MICHAUT A., SCHEIBER G., TARDIVET S., Les gaz propulseurs: Les HFC (hydrofluorocarbones) alternatives aux CFC. Pharmapratiques, 2006, 16 (1), pp. 61-72
[23] MEIER M., FISHER F.X., KELLER M., HALFMANN H.-J., Influence of alternative propellants on microbial viability in comparison to chlorofluorocarbons, Pharm. Ind, 1996, 58, pp. 78-82
[24] SAWYER E., GREEN B., COLTON H., Micro-organisms survival in non-CFC propellants P11 and P12, Pharmaceutical Technology, 2001, pp. 90-96
[25] BRANNAN D.K., & DILLE J.C., Type of closure prevents microbial contamination of cosmetics during consumer use. Appl. Environ. Microbiol, 1990, 56, pp. 1476-1479
[26] Recommendations Relating to Period After Opening (P.A.O) Assessment — Division for the Evaluation of Advertising, Cosmetics, and Biocides: European Commission (04/ENT/COS/28) March 11, 2005
[27] US PHARMOCOPEIA, Application of Water Activity Determination to Non-sterile Pharmaceutical Products, Chapter 1112, 2007
[28] SCOTT W.J., Water relations of Staphylococcus aureus at 30 °C, Aust.J. Biol. Sci, 1953, 6, pp. 549
[29] SERBER W.H., Influence of water activity on foodborne bacteria: a review, Food Prot 1983, 46 (2), pp. 142-150
[30] FRIEDEL R.R., The application of water activity measurement to microbiological attributes testing of raw materials used in the manufacture of non-sterile pharmaceutical products, Pharmacop. Forum, 1999, 25 (5), pp. 8974-8981
[31] ENIGL D.C., Creating natural preservative systems by controlling water activity, Pharmaceutical Formulation & Quality, 1999, pp. 29-30
[32] ENIGL D.C. & SORRELS K., Preservative - Free and Self - Preserving Cosmetics and Drugs Principles and Practice, Marcel Dekker. Chapter 3. Water Activity and Self-Preserving Formulas, 1997, pp. 45-73
[33] RUSSEL N.J. & GOULD G.W. eds., Food Preservatives. Kluwer Academic/Plenum Publishers, Second Edition, 2003, pp. 25-42
[34] B RANNAN D. ed., Cosmetic Microbiology, A Practical Handbook, CRC Press 1991 High temperature
[35] International Dairy Foods Association http://www.idfa.org/facts/milk/pasteur.cfm, Oxidizing agents
[36] HARRISON S. & SINCLAIR R., Hair coloring, permanent styling and hair structure. J. Cosmet. Dermatol, 2003, 2, pp. 180
[37] B RANNAN D.K. Packaging's role in preservation. Cosmetics and Toiletries. 113, 1998
[38] IBRAHIM Y.K., &SONNTAG H.G., Effect of formulation pti and storage temperatures on the preservative efficacy of some gases used as propellants in cosmetic aerosols, J. Appl. Bacteriol. 1993, 74, pp. 20
[39] K LEPAK P.B., In vitro killing time studies of antiperspirant salts, Z. Aerosol. Parf.Seifen, Ole, Fette, Wachse. 1990, 13, pp. 478
[40] PINON A., ALEXANDRE V., CUPFERMAN S. CROZIER A., VIALETTE M., Growth, survival and inactivation of Pseudomonas aeruginosa and Staphylococcus aureus strains of various origin in the presence of ethanol, Int.J. Cosmet. Sci. 2007, 29, pp. 111-119
[41] BAIRD AND BLOOMFIELD, eds., Microbial Quality Assurance in Cosmetics, Toiletries and Non- sterile Pharmaceuticals, Taylor and Trancis Ltd, London, Second Edition, 1996
[42] MANAGING QUALITY RISK MANAGEMENT IMPLEMENTATION, PDA Letters, 2007, 18, pp. 1- 13
[43] COLEMAN M.E., HOPEB.K., CLAYCAMP J.T., COHEN J.T., Microbial risk assessment scenarios, causality and uncertainty, Microbe. 2007, 2, pp. 13-17
[44] DURKEE J., It's a two-edged sword. The Magnificent 7, Controlled Environments, 2007, 10, pp. 34
[45] DURKEE J., The "Magnificent Seven" — Part II. Controlled Environments, 2007, 10, pp. 28
[46] COHEN N., The use of exponentially weighted process statistics (EWPS) and statistical process control (SPC) in high frequency data acquisition of pharmaceutical water systems instrumentation. Pharm Eng, 2007, 27, pp. 72-82
[47] KOPPEL H., SCHNEIDER B., WATZIG H., Out-of specification test results from the statistical point of view, J. Pharm. Biomed. Anal, 2007, 44, pp. 718-729
[48] Liu Y., Overview of some theoretical approaches for derivation of the Monod equation, Appl. Microbiol. Biotechnol. 2007, 73, pp. 1241-1250
[49] MCCLURE F. & LEE J., Exact one-tailed 100% upper limits for future sample repeatability relative standard deviations obtained in single and multilaboratory repeatability studies, J. AOAC Int. 2007, 90, pp. 1701-1705
[50] Microbiological Risk Factor Assessment of Atypical Cosmetic Products, CTFA Microbiology Guidelines. Cosmetic Toiletry and Tragrance Association, 2007
[51] Method for Preservation Testing of Atypical Cosmetic Products. CTFA Microbiology Guidelines. Cosmetic Toiletry and Tragrance Association, 2007.
[52] International Conference on Harmonization, Q6A - Specifications: Test Procedures and Acceptance Criteria for New Drug Substances and New Drug Products Decision Tree 6, 1999.
[53] Principles and Guidelines for the Conduct of Microbiological Risk Assessment CAG/GL 30, 1999
[54] ISO Guide 73:2009, Risk management - Vocabulary
[55] ISO 11930, Cosmetics - Microbiology - Evaluation of the antimicrobial protection of a cosmetic product
[56] ISO 16212, Cosmetics - Microbiology - Enumeration of yeast and mould
[57] ISO 18415, Cosmetics - Microbiology - Dectection of specified and non-specified microorganisms
[58] ISO 18416, Cosmetics - Microbiology - Detection of Candida albicans
[59] ISO 21150, Cosmetics - Microbiology - Detection of Escherichia coli
[60] ISO 22716, Cosmetics - Microbiology - Good Manufacturing Practices (GMP) - Guidelines on Good Manufacturing Pratices
[61] ISO 22717, Cosmetics - Microbiology - Detection of Pseudomonas aeruginosa
[62] ISO 22718, Cosmetics - Microbiology - Detection of Staphylococcus aureus
Mục lục
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
3.1 Rủi ro (risk)
3.2 Đánh giá rủi ro (risk assesment)
3.3 Phân tích rủi ro (risk analysis)
3.4 Lượng giá rủi ro (risk evaluation)
3.5 Tiêu chí rủi ro (risk criteria)
3.6 Sản phẩm có rủi ro thấp về mặt vi sinh (Microbiologicall low-risk product)
4 Các yếu tố đánh giá rủi ro
4.1 Quy định chung
4.2 Thành phần của sản phẩm
4.3 Điều kiện sản xuất
4.4 Đóng gói
4.5 Các yếu tố kết hợp
5 Những sản phẩm có rủi ro thấp
Thư mục tài liệu tham khảo
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.