Trang /
Tiêu chuẩn TCVN 13625:2023 Định nghĩa và tiêu chí kỹ thuật đối với thực phẩm phù hợp cho người ăn chay
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13625:2023
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13625:2023 Định nghĩa và tiêu chí kỹ thuật đối với thực phẩm, thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay hoặc người ăn thuần chay và để thông báo, ghi nhãn thực phẩm
Số hiệu: | TCVN 13625:2023 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm |
Ngày ban hành: | 06/04/2023 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13625:2023
ISO 23662:2021
ĐỊNH NGHĨA VÀ TIÊU CHÍ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THỰC PHẨM, THÀNH PHẦN THỰC PHẨM PHÙ HỢP CHO NGƯỜI ĂN CHAY HOẶC NGƯỜI ĂN THUẦN CHAY VÀ ĐỂ THÔNG BÁO, GHI NHÃN THỰC PHẨM
Definitions and technical criteria for foods and food ingredients suitable for vegetarians or vegans and for labelling and claims
Lời nói đầu
TCVN 13625:2023 hoàn toàn tương đương với ISO 23662:2021;
TCVN 13625:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Mục đích của tiêu chuẩn này là cung cấp các tiêu chí kỹ thuật cho thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay [bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa (người ăn chay ovo- lacto), người ăn chay có sử dụng trứng (người ăn chay ovo), người ăn chay có sử dụng sữa (người ăn chay lacto)] hoặc người ăn thuần chay để sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống ở cấp độ toàn cầu cũng như tiêu chí kỹ thuật cho việc thông báo và ghi nhãn thực phẩm.
Tiêu chuẩn này quy định các tiêu chí kỹ thuật cho mọi công ty thực phẩm và đồ uống, áp dụng cho mọi tổ chức, không phân biệt quy mô hay độ phức tạp. Tiêu chuẩn này được được sử dụng trong truyền thông giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, thương mại quốc tế các sản phẩm thực phẩm, thông báo và ghi nhãn thực phẩm.
Sự phù hợp với tiêu chuẩn này giúp đảm bảo một sân chơi bình đẳng và các thực hành công bằng trong các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, thương mại quốc tế, thông báo và ghi nhãn thực phẩm.
CHÚ THÍCH Có thể áp dụng thông tin bắt buộc về mặt pháp lý, thông báo hoặc ghi nhãn thực phẩm hoặc các yêu cầu pháp lý hiện hành khác.
ĐỊNH NGHĨA VÀ TIÊU CHÍ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THỰC PHẨM, THÀNH PHẦN THỰC PHẨM PHÙ HỢP CHO NGƯỜI ĂN CHAY HOẶC NGƯỜI ĂN THUẦN CHAY VÀ ĐỂ THÔNG BÁO, GHI NHÃN THỰC PHẨM
Definitions and technical criteria for foods and food ingredients suitable for vegetarians or vegans and for labelling and claims
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các định nghĩa và tiêu chí kỹ thuật cần đáp ứng cho thực phẩm, thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa) hoặc người ăn thuần chay cũng như dùng để thông báo và ghi nhãn thực phẩm.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho truyền thông giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), để giao dịch thương mại thực phẩm, thông báo và ghi nhãn thực phẩm. Các định nghĩa và tiêu chí kỹ thuật chỉ áp dụng sau khi thu hoạch/thu hái.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, các vấn đề về kinh tế xã hội (ví dụ thương mại công bằng, phúc lợi động vật), tín ngưỡng tôn giáo và các đặc tính của vật liệu đóng gói.
2 Tài liệu viện dẫn
Tiêu chuẩn này không có tài liệu viện dẫn.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1.
Động vật (animal)
Bất kỳ sinh vật nào thuộc phân loại giới động vật, đó là tất cả động vật có xương sống và tất cả động vật không xương sống đa bào
3.2
Chất mang (carrier)
Các chất được sử dụng để hòa tan, pha loãng, phân tán hoặc bằng cách khác làm thay đổi tính chất vật lý phụ gia thực phẩm (3.5) hoặc chất tạo hương, enzym thực phẩm, chất dinh dưỡng và/hoặc chất khác được bổ sung vào thực phẩm (3.4) với mục đích dinh dưỡng hoặc sinh lý mà không làm thay đổi chức năng của nó (và không tạo ra bất kỳ hiệu ứng công nghệ nào) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý, ứng dụng hoặc sử dụng
[NGUỒN: Quy định số 1333/2008 của EU [5]]
3.3
Thông báo (claim)
Sự giới thiệu mang tính chất gợi ý hoặc ngụ ý rằng một thực phẩm (3.4) có những đặc tính chất lượng liên quan đến bản chất, nguồn gốc, đặc tính dinh dưỡng, quá trình chế biến, thành phần cấu tạo hoặc chỉ tiêu chất lượng bất kỳ khác của thực phẩm đó
[NGUỒN: CODEX CXG 1-1979 [3]]
3.4
Thực phẩm (food)
Tất cả các chất đã chế biến, sơ chế hoặc chưa chế biến nhằm sử dụng cho con người, bao gồm cả đồ uống, nhai, ngậm và tất cả các chất được sử dụng để sản xuất, chuẩn bị hoặc xử lý thực phẩm, không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá hoặc các chất chỉ được dùng làm dược phẩm
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) [3]]
3.5
Phụ gia thực phẩm (food additive)
Tất cả các chất mà bản thân nó không được tiêu dùng một cách thông thường như một thực phẩm (3.4) hoặc như một thành phần (3.7) đặc trưng của thực phẩm, cho dù nó có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, việc bổ sung có chủ định những chất này vào thực phẩm là vì mục đích công nghệ (kể cả nhằm cải thiện tính chất cảm quan) trong quá trình sản xuất, chế biến, chuẩn bị, xử lý, bao gói, vận chuyển hoặc bảo quản những thực phẩm này có thể tạo ra kết quả mong muốn (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho thực phẩm hoặc các sản phẩm phụ và chúng sẽ trở thành một thành phần của thực phẩm hoặc tác động đến những đặc tính nhất định của thực phẩm đó.
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ này không bao gồm các chất gây ô nhiễm hoặc các chất được bổ sung vào thực phẩm để duy trì hoặc cải thiện chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm.
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) [3]]
3.6
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (food business operator)
FBO
Tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đáp ứng về các yêu cầu của luật thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sự kiểm soát của họ
[NGUỒN: Quy định số 178/2002 của EU [4]]
3.7
Thành phần (ingredient)
Các chất có trong thực phẩm, bao gồm cả phụ gia thực phẩm (3.5), được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm (3.4) và có mặt trong sản phẩm cuối cùng cho dù chúng có thể ở dạng đã chuyển hóa
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) [3]]
3.8
Nhãn (label)
Thẻ, nhãn hiệu, mác, hình ảnh hoặc các hình thức mô tả khác được viết, in, ghi, khắc nổi, khắc chìm một cách trực tiếp hoặc gắn vào bao bì thực phẩm (3.4)
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) [3]]
3.9
Ghi nhãn (labelling)
Việc sử dụng các hình thức thể hiện như in, viết, vẽ hoặc kỹ thuật đồ họa để trình bày trên nhãn (3.8) đi kèm hoặc đính gần thực phẩm (3.4) để cung cấp thông tin về thực phẩm đó, kể cả với mục đích tăng cường tiêu thụ hoặc bán hàng
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) [3]]
3.10
Chất hỗ trợ chế biến (processing aid)
Chất hoặc vật liệu, không bao gồm các dụng cụ hoặc thiết bị, mà bản thân nó không được tiêu dùng như một thành phần của thực phẩm nhưng được sử dụng một cách có chủ định trong quá trình chế biến nguyên liệu, thực phẩm (3.4) hoặc thành phần (3.7) của thực phẩm để hoàn thiện mục đích công nghệ nhất định trong quá trình xử lý hoặc chế biến, và có thể tạo ra dư lượng hoặc dẫn chất trong thành phẩm, dù không chủ định nhưng không thể tránh được.
[NGUỒN: TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010)] [3]]
4 Tiêu chí kỹ thuật đối với thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay và thuần chay
4.1 Yêu cầu chung
Thực phẩm và thành phần thực phẩm phải được coi là phù hợp cho người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa) hoặc người ăn thuần chay với điều kiện đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật nêu trong 4.2 đến 4.5.
4.2 Thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa
Các thực phẩm, thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến không phải là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và không sử dụng các thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến có nguồn gốc động vật trong khâu sản xuất, chế biến, trừ các chất sau và/hoặc các thành phần hoặc dẫn xuất của chúng như sau:
- sữa hoặc các sản phẩm từ sữa hoặc sữa non;
- trứng hoặc các sản phẩm từ trứng thu được từ động vật sống;
- mật ong hoặc các sản phẩm từ ong (ví dụ: sáp ong, keo ong);
- các sản phẩm có nguồn gốc từ lông của động vật sống (ví dụ: lanolin).
Trong trường hợp thực phẩm có hỗn hợp các thành phần, mỗi thành phần thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của tiêu chuẩn này để phù hợp cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa.
Để tránh sự có mặt ngoài ý muốn của các chất không dành cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, tất cả các khâu sản xuất, chế biến và phân phối phải được thiết kế để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, phù hợp với Thực hành sản xuất tốt (GMP).
Nếu sử dụng chung dây chuyền sản xuất với các sản phẩm/thành phần không dành cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, thì trước khi bắt đầu sản xuất các sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, phải tiến hành làm sạch kỹ dây chuyền hoặc áp dụng biện pháp tương tự phù hợp với GMP. Biện pháp này áp dụng cho tất cả máy móc, thiết bị, đồ dùng và bề mặt có liên quan. Phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp với GMP trước khi chuẩn bị, sản xuất hoặc đóng gói sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát không được thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật cho sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng với thông báo là dành cho người ăn chay có sử dụng trứng và sữa.
Tuy nhiên, đối với thực phẩm một thành phần và các thành phần riêng lẻ bao gồm cả chất hỗ trợ chế biến, cơ sở, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát cũng không được phép thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật, trừ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.
4.3 Thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay có sử dụng trứng
Các thực phẩm, thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến không phải là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và không sử dụng các thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến có nguồn gốc động vật trong khâu sản xuất, chế biến, trừ các chất sau và/hoặc các thành phần hoặc dẫn xuất của chúng như sau:
- trứng hoặc sản phẩm trứng thu được từ động vật sống:
- mật ong hoặc các sản phẩm từ ong (ví dụ như sáp ong, keo ong);
- các sản phẩm có nguồn gốc từ lông của động vật sống (ví dụ: lanolin).
Trong trường hợp thực phẩm có hỗn hợp các thành phần, mỗi thành phần thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của tiêu chuẩn này để phù hợp cho người ăn chay có sử dụng trứng.
Để tránh sự có mặt ngoài ý muốn của các chất không dành cho người ăn chay có sử dụng trứng, tất cả các khâu sản xuất, chế biến và phân phối phải được thiết kế để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, phù hợp với GMP.
Nếu sử dụng chung dây chuyền sản xuất với các sản phẩm/thành phần không dành cho người ăn chay có sử dụng trứng, thì trước khi bắt đầu sản xuất các sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng trứng, phải tiến hành làm sạch kỹ dây chuyền hoặc áp dụng biện pháp tương tự phù hợp với GMP. Biện pháp này áp dụng cho tất cả máy móc, thiết bị, đồ dùng và bề mặt có liên quan. Phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp với GMP trước khi chuẩn bị, sản xuất hoặc đóng gói sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng trứng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát không được thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật cho sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng với thông báo là dành cho người ăn chay có sử dụng trứng.
Tuy nhiên, đối với thực phẩm một thành phần và các thành phần riêng lẻ bao gồm cả chất hỗ trợ chế biến, cơ sở, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát cũng không được phép thực hiện bất kỳ phép thừ nào trên động vật, trừ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.
4.4 Thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn chay có sử dụng sữa
Các thực phẩm, thành phần thực phẩm (bao gồm cà phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến không phải là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và không sử dụng các thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến có nguồn gốc động vật trong khâu sản xuất, chế biến, trừ các chất sau và/hoặc các thành phần hoặc dẫn xuất của chúng như sau:
- sữa hoặc các sản phẩm sữa hoặc sữa non;
- mật ong hoặc các sản phẩm từ ong (ví dụ: sáp ong, keo ong);
- các sản phẩm có nguồn gốc từ lông của động vật sống (ví dụ: lanolin),
Trong trường hợp thực phẩm có hỗn hợp các thành phần, mỗi thành phần thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của tiêu chuẩn này để phù hợp cho người ăn chay có sử dụng sữa.
Để tránh sự có mặt ngoài ý muốn của các chất không dành cho người ăn chay có sử dụng sữa, tất cả các khâu sản xuất, chế biến và phân phối phải được thiết kế để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, phù hợp với GMP.
Nếu sử dụng chung dây chuyền sản xuất với các sản phẩm/thành phần không dành cho người ăn chay có sử dụng sữa, thì trước khi bắt đầu sản xuất các sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng sữa, phải tiến hành làm sạch kỹ dây chuyền hoặc áp dụng biện pháp tương tự phù hợp với GMP. Biện pháp này áp dụng cho tất cả máy móc, thiết bị, đồ dùng và bề mặt có liên quan. Phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp với GMP trước khi chuẩn bị, sản xuất hoặc đóng gói sản phẩm dành cho người ăn chay có sử dụng sữa.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát không được thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật cho sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng với thông báo là dành cho người ăn chay có sử dụng sữa.
Tuy nhiên, đối với thực phẩm một thành phần và các thành phần riêng lẻ bao gồm cả chất hỗ trợ chế biến, cơ sở, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát cũng không được phép thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật, trừ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.
4.5 Thực phẩm và thành phần thực phẩm phù hợp cho người ăn thuần chay
Các thực phẩm, thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến không phải là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và không sử dụng các thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) ở khâu sản xuất, chế biến hoặc chất hỗ trợ chế biến có nguồn gốc động vật.
Trong trường hợp thực phẩm có hỗn hợp các thành phần, mỗi thành phần thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật của tiêu chuẩn này để phù hợp cho người ăn thuần chay.
Để tránh sự có mặt ngoài ý muốn của các chất không dành cho người ăn thuần chay, tất cả các khâu sản xuất, chế biến và phân phối phải được thiết kế để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, phù hợp với GMP.
Nếu sử dụng chung dây chuyền sản xuất với các sản phẩm/thành phần không dành cho người ăn thuần chay, thì trước khi bắt đầu sản xuất các sản phẩm thuần chay, phải tiến hành làm sạch kỹ dây chuyền hoặc áp dụng biện pháp tương tự phù hợp với GMP. Biện pháp này áp dụng cho tất cả máy móc, thiết bị, đồ dùng và bề mặt có liên quan. Phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp với GMP trước khi chuẩn bị, sản xuất hoặc đóng gói sản phẩm thuần chay.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát không được thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật cho sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng với thông báo lả dành cho người ăn thuần chay.
Tuy nhiên, đối với thực phẩm một thành phần và các thành phần riêng lẻ bao gồm cả chất hỗ trợ chế biến, cơ sở, công ty đại diện cho cơ sở hoặc công ty mà cơ sở kiểm soát cũng không được phép thực hiện bất kỳ phép thử nào trên động vật, trừ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.
5 Thông báo và ghi nhãn
Thực phẩm bao gói sẵn không được mô tả hoặc trình bày trên nhãn hoặc ghi nhãn theo cách sai lệch để gây hiểu nhầm hoặc lừa dối, hoặc có khả năng tạo ấn tượng sai lầm về đặc tính ở bất kỳ khía cạnh nào [2],[3].
Nếu thực phẩm và/hoặc thành phần thực phẩm (bao gồm cả phụ gia, chất tạo hương, enzym và chất mang) hoặc chất hỗ trợ chế biến được ghi nhãn là "sản phẩm chay", "sản phẩm thuần chay", "phù hợp cho người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa)”, hoặc “phù hợp cho người ăn thuần chay”, hoặc bất kỳ từ ngữ nào khác có nghĩa tương tự, chúng phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật liên quan được nêu trong Điều 4.
Sự có mặt ngoài ý muốn của các chất không dành cho người ăn chay hoặc người ăn thuần chay không được cản trở việc ghi nhãn sản phẩm là dành cho người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa) hoặc dành cho người ăn thuần chay, với điều kiện đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp với GMP. Việc thông báo chất gây dị ứng do nhiễm chéo áp dụng cho các thành phần không dành cho người ăn chay và người ăn thuần chay không cản trở việc thông báo sản phẩm dành cho người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa) hoặc dành cho người ăn thuần chay.
Các thuật ngữ “người ăn chay (bao gồm người ăn chay có sử dụng trứng và sữa, người ăn chay có sử dụng trứng, người ăn chay có sử dụng sữa)” hoặc “người ăn thuần chay” hoặc bất kỳ từ ngữ nào khác có ý nghĩa tương tự phải được chỉ ra trong cùng tầm nhìn với tên thương mại của sản phẩm.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Codex Alimentarius. Codex Alimentarius Commission Procedural Manual. 27th Edition. Joint FAO/ WHO Food Standards Programme. FAO, Rome, Italy, 2019
[2] CODEX CXG 1-1979, General Guidelines on Claims
[3] TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010), Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn
[4] Regulation (EC] No 178/2002 of the European Parliament and of the Council of 28 January 2002 laying down the general principles and requirements of food law, establishing the European Food Safety Authority and laying down procedures in matters of food safety. Official Journal L. 31,1.2.2002, p.1-24
[5] Regulation [EC] No 1333/2008 of the European Parliament and of the Council of 16 December 2008 on food additivs. Official Journal L. 354, 31.12.2008, p. 16-33.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.