Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13991:2024 Truy xuất nguồn gốc - Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thủy sản
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13991:2024
Số hiệu: | TCVN 13991:2024 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày ban hành: | 01/02/2024 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13991:2024
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC - HƯỚNG DẪN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỦY SẢN
Traceability - Guidelines for seafood traceability
Lời nói đầu
TCVN 13991:2024 do ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/GS1 Mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC - HƯỚNG DẪN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỦY SẢN
Traceability - Guidelines for seafood traceability
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn về cách xác định, định danh và theo dõi đối tượng truy xuất nguồn gốc, các thành phần dữ liệu cần thu thập và lưu trữ đối với các bên tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản dùng cho người.
Tiêu chuẩn này được áp dụng đối với thủy sản đánh bắt và nuôi trồng.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi trồng sau: nhuyễn thể, động vật giáp xác và cá có vây.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12850:2019, Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 12850:2019 và các thuật ngữ, định nghĩa sau đây.
3.1
Thủy sản (seafood)
Trong phạm vi tiêu chuẩn này, thủy sản gồm cá, hải sản và sản phẩm thủy sản nuôi trồng.
3.2
Nuôi trồng thủy sản (aquaculture)
Quá trình nuôi cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, thực vật thủy sinh, tảo và các sinh vật thủy sinh khác.
CHÚ THÍCH: Nuôi trồng thủy sản bao gồm việc nuôi trồng tại các quần thể nước ngọt và nước mặn trong các điều kiện được kiểm soát.
4 Xác định đối tượng truy xuất
4.1 Định danh đối tượng truy xuất
4.1.1 Tổ chức sử dụng mã truy vết vật phẩm để định danh thương phẩm chưa hoặc sắp đóng gói tại bất kì bước nào trong chuỗi cung ứng cho tới người dùng cuối. Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, mã truy vết vật phẩm phải được cấp ngay khi có thể.
Đối với sản phẩm có nhãn hiệu, chủ nhãn hiệu có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm. Đối với các thương phẩm không có nhãn hiệu, mã truy vết vật phẩm cần được gán bởi bên đưa sản phẩm ra thị trường(có thể là cơ sở sản xuất/chế biến hoặc cơ sở bán buôn)
Khi cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống yêu cầu cho nhãn hàng riêng, thì cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống trở thành chủ sở hữu nhãn hàng và có trách nhiệm định danh sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Nếu trong chuỗi cung ứng có một tổ chức tiếp tục chế biến và đóng gói sản phẩm, thì tổ chức có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm và các thông tin truy xuất nguồn gốc.
4.1.2 Tổ chức sử dụng mã mã truy vết vận chuyển để định danh các pallet chứa sản phẩm đã đóng gói, cũng như các đơn vị lớn như container, túi, bao v.v mã truy vết vận chuyển độc lập với mã truy vết vật phẩm, và có thể sử dụng để định danh đơn vị logistic chứa các thành phần đồng nhất hoặc pha trộn.
4.2 Quản lý mã truy vết vật phẩm
- Mỗi sản phẩm/vật phẩm cần được cấp/gán một mã truy vết vật phẩm (GTIN) riêng.
- Mỗi một đơn vị đóng gói như thùng carton, khay, và sản phẩm chế biến trực tiếp tại cửa hàng cần được cấp một mã mã truy vết vật phẩm riêng biệt.
- Mỗi sản phẩm được lưu hành ở trạng thái bảo quản khác nhau cần được cấp một mã mã truy vết vật phẩm riêng biệt (ví dụ: một sản phẩm được lưu hành ở dạng mát và cấp đông thì mỗi dạng phải được cấp một mã truy vết vật phẩm riêng)
- Các lô sản phẩm có tuyên bố marketing hoặc phương pháp sản xuất khác nhau nếu các đặc điểm đó là đặc điểm quan trọng đối với người mua thì sản phẩm đó cần được cấp mã truy vết vật phẩm riêng biệt (ví dụ: đánh bắt tự nhiên, nuôi trong trang trại, sản phẩm hữu cơ, v.v.)
- Tổ chức cấp một mã truy vết vật phẩm riêng cho từng cấu hình pallet và thùng carton khác nhau.
Các tiêu chí quản lý mã truy vết vật phẩm được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1 - Tiêu chí quản lý mã truy vết vật phẩm
Tiêu chí | Cơ sở đánh bắt/ nuôi trồng | Cơ sở chế biến | Chủ nhãn hiệu |
Sản phẩm thô | Sản phẩm đã biến đổi | Sản phẩm cuối | |
Giống/ loài | X | X | X |
Phương thức sản xuất (đánh bắt, nuôi trồng) | X | X | X |
Loại chứng nhận (Ví dụ: chứng nhận hữu cơ) | X | X | X |
Kích thước bảo quản tham khảo | X |
|
|
Cách bảo quản (cấp đông, ướp muối) | X | X | X |
Hình thức sơ chế (Ví dụ: chưa xử lý, bỏ ruột/làm sạch, phi lê) |
| X | X |
Khối lượng/Phân cấp/Kích cỡ của sản phẩm (Ví dụ: 200 g, 500g)/ Số lượng (Ví dụ: 4 miếng, 8 miếng) | X | X | X |
Kiểu bao gói (Ví dụ: hút chân không) |
| X | X |
Dán nhãn chất lượng | X | X | X |
4.3 Định danh theo lô/mẻ và số sê-ri
Yêu cầu tối thiểu để truy xuất nguồn gốc dựa trên sự kết hợp giữa mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ và/hoặc số sê-ri.
Số lô/mẻ và sê-ri cần phải được đảm bảo tính duy nhất, đặc biệt trong trường hợp có nhiều bên (Ví dụ: nhà thầu phụ) hoặc đơn vị chức năng (Ví dụ: tàu đánh cá) cùng gán các mã số này cho cùng một mã truy vết vật phẩm.
Không thể tái sử dụng số lô/mẻ trong thời gian lưu trữ hồ sơ đánh bắt cá.
CHÚ THÍCH: Trường hợp triệu hồi sản phẩm/vật phẩm nếu xảy ra trường hợp có cả số lô/mẻ và số sê-ri thì ưu tiên triệu hồi sản phẩm/vật phẩm theo lô/mẻ.
4.4 Các kiểu sản phẩm và cách bao gói
Trong các kênh phân phối thủy sản, sản phẩm có thể được chia làm hai loại: loại có khối lượng cố định và loại có khối lượng thay đổi.
Sản phẩm có khối lượng cố định được sản xuất và tiêu thụ với cùng một khối lượng như nhau. Sản phẩm có khối lượng cố định được định giá theo từng đơn vị sản phẩm mà không theo khối lượng.
Sản phẩm có khối lượng thay đổi là sản phẩm mà mỗi đơn vị bán ra có khối lượng khác nhau. Loại có khối lượng thay đổi được niêm yết giá theo tổng khối lượng của vật phẩm đó.
Các sản phẩm được vận chuyển từ nhà cung cấp tới cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối, hoặc các cơ sở dịch vụ ăn uống theo một trong các dạng bao gói sau.
Bảng 2 - Các dạng bao gói thủy sản
Dạng bao gói | Mô tả | Ví dụ sản phẩm |
Các đơn vị sản phẩm có khối lượng cố định, đóng thùng sẵn hoặc sẵn sàng bán lẻ | Sản phẩm có thể cung cấp tới người dùng cuối hoặc dịch vụ ăn uống. Nhà cung cấp chế biến, đóng gói, và dán nhãn sản phẩm để bán. | Hải sản tẩm bột hoặc không tẩm bột, hải sản đóng hộp, hải sản đông lạnh đóng túi, hải sản tươi sống. Dành cho dịch vụ ăn uống và bán lẻ. |
Các đơn vị sản phẩm có khối lượng cố định, đóng thùng sẵn hoặc sẵn sàng bán lẻ, có niêm yết giá | Sản phẩm có thể cung cấp tới người dùng cuối hoặc dịch vụ ăn uống. Nhà cung cấp chế biến, đóng gói, và dán nhãn sản phẩm để bán. | Tôm số lượng lớn, phi lê đông lạnh số lượng lớn, tôm phi lê ướp lạnh. Dành cho dịch vụ ăn uống và bán lẻ. |
Các đơn vị sản phẩm có khối lượng thay đổi, chưa niêm yết giá | Nhà cung cấp xử lý, đóng gói và dán nhãn một phần để bán cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ dán nhãn cuối cùng để bán cho người tiêu dùng. | Cá nguyên con hoặc phi lê tươi hoặc đông lạnh, tôm lớn, của ghẹ, hàu hoặc sò điệp lớn. Chỉ dành cho bán lẻ. |
Đóng khay sẵn | Nhà cung cấp xử lý và đóng gói số lượng lớn. Nhà bán lẻ đóng gói để bán cho người tiêu dùng và dán nhãn. | Tôm số lượng lớn, phi lê đông lạnh, tôm ướp lạnh, tôm hùm và phi lê. Chỉ dành cho bán lẻ. |
Chế biến tại cửa hàng | Nhà cung cấp đóng gói số lượng lớn từ. Nhà bán lẻ tiến hành xử lý thêm, dán nhãn và đóng gói. | Cá nguyên con hoặc phi lê tươi hoặc đông lạnh, tôm lớn, của ghẹ, hàu hoặc sò điệp lớn. Chỉ dành cho bán lẻ. |
5 Gán mã đối tượng truy xuất
Định danh tự động là điều kiện tiên quyết để theo dõi nhanh chóng và chính xác các đối tượng truy xuất. Ở mức tối thiểu, tổ chức sử dụng mã định danh, số lô/mẻ và số sê-ri nếu có để đánh dấu trên đối tượng truy xuất. Tổ chức sử dụng các loại vật mang dữ liệu thích hợp để mã hóa và đánh dấu trên đối tượng truy xuất.
5.1 Gán mã thùng
Thùng sản phẩm có khối lượng thay đổi hay cố định đều phải được dán nhãn rõ ràng với cùng thông tin truy xuất nguồn gốc ở dạng văn bản. Thông tin văn bản nên là các thành phần dữ liệu đã được xác định rõ, ví dụ: sau chữ “số lô” là giá trị của số lô.
Nhà cung cấp tiến hành định danh sản phẩm, sử dụng mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ, ở cấp độ thùng để có thể truy xuất nguồn gốc hoặc thu hồi sản phẩm hiệu quả. Trong trường hợp không sử dụng số lô/mẻ, tổ chức có thể sử dụng số sê-ri cho từng thùng. Số lô/mẻ hoặc số sê-ri phải được cung cấp cùng với mã truy vết vật phẩm. Bảng 3 tóm tắt các phần tử dữ liệu truy xuất nguồn gốc để người đọc và máy quét.
Bảng 3 - Dữ liệu truy xuất nguồn gốc dành cho người đọc và máy quét trên thùng
Thành phần dữ liệu | Sản phẩm bán lẻ | Sản phẩm đóng theo khay/ chế biến tại cửa hàng | ||
Người đọc | Máy quét | Người đọc | Máy quét | |
Chủ nhãn hàng/Tên tổ chức | X |
| X |
|
Mô tả sản phẩm cho người tiêu dùng | X |
| X |
|
Số lô/mẻ hoặc số sê-ri | X | X | X | X |
Mã truy vết vật phẩm | X | X | X | X |
Ngày đánh bắt hoặc sử dụng tốt nhất trước ngày hoặc ngày sản xuất | X | X | X | X |
Khối lượng tịnh | X(*) | X(*) | X(*) | X(*) |
(*) Sản phẩm có giá trị đo lường thay đổi |
5.2 Gán mã sản phẩm bên trong
Việc này cung cấp các thành phần dữ liệu mà cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối, hoặc cơ sở vận hành dịch vụ ăn uống cần để quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc tối thiểu cho các sản phẩm bên trong.
Dữ liệu trên sản phẩm phục vụ hai mục đích:
- Hỗ trợ quét POS và quản lý kho hàng. Điều này được thực hiện với dữ liệu mã vạch.
- Cung cấp cho khách hàng thông tin về sản phẩm. Điều này chủ yếu sẽ được thực hiện với thông tin con người có thể đọc được.
Bảng 4 dưới đây cung cấp thông tin tổng quan về dữ liệu mã vạch và dữ liệu con người có thể đọc được cần phải có ở mức tối thiểu cho mỗi loại sản phẩm.
Bảng 4 - Dữ liệu truy xuất nguồn gốc dành cho người đọc và máy quét của sản phẩm bên trong
Thành phần dữ liệu | Sản phẩm bán lẻ | Sản phẩm đóng theo khay/ chế biến tại cửa hàng | ||
Người đọc | Máy quét | Người đọc | Máy quét | |
Chủ nhãn hàng/Tên tổ chức | X |
| X |
|
Mô tả sản phẩm cho người tiêu dùng | X |
| X |
|
Số lô/mẻ hoặc số sê-ri | X | X | X | X |
Mã truy vết vật phẩm | X | X | X | X |
Ngày đánh bắt hoặc sử dụng tốt nhất trước ngày hoặc ngày sản xuất | X | X | X |
|
Khối lượng tịnh | X(*) | X(*) | X(*) | X(*) |
(*) Sản phẩm có giá trị đo lường thay đổi |
Các bên chịu trách nhiệm cho việc đóng gói, dán nhãn, cấp mã vạch và quản lý thời hạn của sản phẩm thay đổi theo loại bao gói. Bảng 5 dưới đây cho biết trách nhiệm là của nhà cung cấp hoặc cơ sở bán lẻ tùy thuộc vào loại bao gói.
Bảng 5 - Bên có trách nhiệm về dữ liệu truy xuất nguồn gốc
Loại bao gói | Bao gói | Vị trí dán nhãn | Vật phẩm tham khảo | Quản lý thời hạn sử dụng | ||||
Nhà cung cấp | Nhà bán lẻ | Nhà cung cấp | Nhà bán lẻ | Nhà cung cấp | Nhà bán lẻ | Nhà cung cấp | Nhà bán lẻ | |
Sẵn sàng bán lẻ (khối lượng cố định) | X |
| X |
|
|
| X |
|
Sẵn sàng bán lẻ (khối lượng thay đổi) | X |
| X(*) | X(*) |
| X |
| X |
Đóng theo khay |
| X |
| X |
| X |
| X |
Chế biến tại cửa hàng (gồm xử lý, chế biến, bao gói...) |
| X |
| X |
| X |
| X |
(*) Sản phẩm sẵn sàng để bán có trọng lượng thay đổi được định giá trước được nhà cung cấp dán nhãn theo hướng dẫn của nhà bán lẻ; sản phẩm sẵn sàng để bán có trọng lượng thay đổi không được định giá trước được nhà bán lẻ dán nhãn. |
5.3 Gán mã đơn vị logistic
Tổ chức thực hiện dán nhãn để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của các đơn vị logistic như pallet công-ten-nơ và các đơn vị nhỏ hơn như thùng được vận chuyển độc lập.
Mã truy vết vận chuyển là thành phần bắt buộc duy nhất trên nhãn. Có thể bao gồm các yếu tố dữ liệu bổ sung cung cấp thông tin về vận chuyển, điểm đến và thành phần logistic
5.4 Gán mã thủy sản sống từ nhà cung cấp
Tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, bằng cách liên kết mỗi số phân định lô thủy sản với mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ của sản phẩm mà thủy sản đó được sử dụng để sản xuất.
Trong trường hợp các nhà cung cấp thủy sản sống giao sản phẩm theo nhiều đơn vị logistic khác nhau, mỗi đơn vị logistic phải được truy xuất nguồn gốc riêng lẻ.
5.5 Gán mã các thành phần, sản phẩm khác
Các nhà cung cấp sử dụng nguyên liệu đầu vào sản phẩm khác trong quá trình sản xuất thì thành phần sản phẩm phải được phân định bằng mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri do nhà cung cấp chỉ định.
Mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri của mỗi sản phẩm đầu vào phải được liên kết với mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri của sản phẩm đầu ra.
6 Yêu cầu về dữ liệu truy xuất
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc thủy sản là cần thiết để cung cấp cho các bên thông tin về những gì đã xảy ra ở phía trước trong chuỗi. Những dữ liệu này cần được ghi lại bởi mỗi bên, bao gồm các phần tử dữ liệu chính và sự kiện theo dõi trọng yếu.
6.1 Phần tử dữ liệu chính
Các phần tử dữ liệu chính đảm bảo dữ liệu đã được thu thập vào lưu giữ. Các phần tử dữ liệu chính xác định Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu và Tại sao. Bảng 6 đưa ra hướng dẫn xác định các phần tử dữ liệu chính.
Bảng 6. Xác định phần tử dữ liệu chính
Ai | |
Mã truy vết địa điểm cho tổ chức | Sử dụng để định danh tổ chức đánh bắt hoặc nuôi trồng thực hiện giao dịch bán hàng đầu tiên, định danh các bên mua và bán phía sau trong chuỗi. |
Cái gì | |
Mã truy vết vật phẩm | Mã định danh thương phẩm |
Số lô/mẻ | Số lô/mẻ liên kết một thương phẩm với thông tin mà nhà sản xuất cho là có liên quan để truy xuất nguồn gốc của thương phẩm. Dữ liệu có thể đề cập đến chính thương phẩm hoặc các hạng mục chứa trong đó. Khi kết hợp với mã truy vết vật phẩm, số lô/đợt xác định một nhóm các đơn vị thương phẩm. |
Số sê-ri | Mã, số hoặc chữ số, được gán cho một đơn vị riêng lẻ của một thực thể trong suốt thời gian tồn tại của nó. Khi kết hợp với mã truy vết vật phẩm, số lô/đợt xác định chính xác một thực thể thương phẩm. |
Số lượng | Số lượng của vật phẩm tương ứng. |
Khối lượng | Được sử dụng để xác định khối lượng của thương phẩm. Khối lượng này không bao gồm bất kỳ vật liệu đóng gói nào. Phải được liên kết với một đơn vị đo lường hợp lệ. |
Mã truy vết vận chuyển | Mã định danh cho các đơn vị logistic |
Ở đâu | |
Mã truy vết địa điểm cho địa điểm vật lý | Sử dụng để định danh địa điểm neo đậu hoặc địa điểm chế biến đầu tiên trong trường hợp là thủy sản đánh bắt. Sử dụng để định danh địa điểm sản xuất, lưu kho. |
Khi nào | |
Ngày tháng, thời gian của sự kiện theo dõi trọng yếu | Ví dụ: sản xuất, vận chuyển, tiếp nhận |
Tại sao | |
Quá trình nghiệp vụ của Sự kiện theo dõi trọng yếu | Được sử dụng để ghi lại bối cảnh quy trình của sự kiện theo dõi quan trọng. Ví dụ: Vận chuyển. |
Trạng thái | Tình trạng của đối tượng truy xuất liên quan đến sự kiện theo dõi trọng yếu. Ví dụ: sẵn hàng để bán, hết hàng. |
Tham chiếu giao dịch | Ví dụ: ghi chú bán hàng |
6.2 Dữ liệu chính về địa điểm và các bên
Dữ liệu chính về địa điểm và các bên được quy định trong Bảng 7.
Bảng 7 - Dữ liệu chủ về địa điểm và các bên
Tên và địa chỉ | Tên và địa chỉ của bên/địa điểm |
Số phân định bổ sung | Các số phân định được sử dụng bổ sung cho mã truy vết địa điểm để phân định bên/địa điểm. |
Mã số thuế | Mã số thuế tổ chức hoặc tương đương của tổ chức |
Cờ quốc gia của tàu | Quốc gia theo luật mà tàu được đăng ký hoặc cấp phép. |
Số đăng ký của tàu | Số được sử dụng để xác định tàu trong sổ đăng ký của quốc gia treo cờ. |
Mã đơn vị vận hành dịch vụ ăn uống | Số được sử dụng để xác định nhà điều hành kinh doanh thực phẩm trong cơ quan đăng ký chính thức liên quan đến tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm. |
6.3 Dữ liệu chính về vật phẩm
Dữ liệu chính về địa điểm và các bên được hướng dẫn trong Bảng 8.
Bảng 8 - Dữ liệu chính về vật phẩm
Dữ liệu chính | Hướng dẫn |
Mã loài thủy sản | Theo quy định hiện hành |
Chứng nhận | Chứng nhận về chất lượng, tính bền vững, thân thiện với động vật, v.v. |
Chỉ định thương mại | Tên được chấp nhận hoặc cho phép khi tiếp thị sản phẩm và cung cấp cho người tiêu dùng tại điểm bán lẻ, theo yêu cầu của từng thị trường. |
Kích thước | Kích thước tham chiếu để bảo tồn của sản phẩm thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản. Kích thước được sử dụng truy ngược lại để tránh các sản phẩm có kích thước nhỏ hơn được bán qua các kênh tiêu dùng. |
Hình thức | Hình thức trình bày/bao gói sản phẩm đánh bắt hoặc nuôi trồng. |
Cách thức bảo quản | Kỹ thuật bảo quản được sử dụng để sản phẩm không bị hư hỏng. |
Phương pháp sản xuất | Cung cấp phương pháp sản xuất cá và hải sản theo quy định hiện hành. Ví dụ: Đánh bắt trên biển, đánh bắt thủy sản nước ngọt, nuôi trồng. |
Tên khoa học | Mọi loài đã được công nhận đều được đặt tên khoa học gồm hai phần. Hệ thống này được gọi là "danh pháp nhị thức" và đảm bảo rằng mọi tên khoa học là duy nhất. |
Trạng thái lưu kho | Mã mô tả rằng sản phẩm đã được làm đông lạnh trước đó hay chưa. |
6.4 Dữ liệu chính về vật phẩm - cấp độ đơn vị/lô
Dữ liệu chính cấp độ đơn vị/lô gồm các thuộc tính cung cấp thông tin về một hoặc nhiều đơn vị hoặc lô sản phẩm cụ thể, ví dụ: ngày hết hạn của thương phẩm dễ hư hỏng, ngày sản xuất, nơi sản xuất, khối lượng lượng và kích thước vật lý khác của thương phẩm có số đo thay đổi, thông tin thu hoạch đối với nông sản, v.v.
Bảng 9 - Dữ liệu chính về vật phẩm ở cấp đơn vị/lô
Dữ liệu | Mô tả |
Nhà sản xuất | |
Mã truy vết địa điểm của nơi nuôi trồng | Định danh bên tham gia vào việc nuôi trồng thủy sản. |
Mã truy vết địa điểm của tàu đánh bắt | Định danh bên tham gia vào việc đánh bắt thương mại. |
Mã truy vết địa điểm của cơ sở chế biến | Định danh bên tham gia vào việc chế biến. |
Lịch sử ngày tháng của lô | |
Ngày thu hoạch/đánh bắt | Ngày cụ thể hoặc khoảng thời gian thu hoạch/đánh bắt. |
Ngày sản xuất | Ngày sản xuất do nhà sản xuất xác định. |
Ngày cấp đông đầu tiên | Ngày cấp đông đầu tiên áp dụng cho các sản phẩm được cấp đông trực tiếp sau khi giết mổ, thu hoạch, đánh bắt hoặc sau quá trình chế biến sản phẩm đầu tiên. Ngày cấp đông đầu tiên do đơn vị thực hiện việc cấp đông xác định. |
Ngày đóng gói | Ngày sản phẩm được đóng gói do cơ sở đóng gói xác định. |
Bán trước ngày | Thời hạn do nhà sản xuất xác định, là ngày cuối cùng sản phẩm có thể bán tới người tiêu dùng. Sau ngày này, sản phẩm không nên tiếp tục lưu hành. |
Sử dụng tốt nhất trước ngày | Xác định thời hạn sử dụng an toàn của sản phẩm. Hạn sử dụng tốt nhất biểu thị sự kết thúc của khoảng thời gian mà sản phẩm sẽ giữ được các thuộc tính hoặc tuyên bố chất lượng cụ thể mặc dù sản phẩm có thể tiếp tục giữ được các thuộc tính chất lượng tích cực sau ngày này. |
Số chứng nhận đánh bắt | Số giấy chứng nhận với thông tin chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản nuôi trồng và đánh bắt liên quan. |
Quốc gia xuất khẩu | Quốc gia xuất khẩu lô/mẻ sản phẩm. Quốc gia xuất khẩu có thể không trùng với quốc gia xuất xứ của sản phẩm. |
Vùng kinh tế | Vùng kinh tế nơi sản phẩm được nuôi trồng hoặc đánh bắt |
6.5 Dữ liệu chính của thương phẩm - cấp độ thương phẩm, lô và đơn vị
Các thuộc tính này được sử dụng ở cấp độ mã truy vết vật phẩm để mô tả chung về sản phẩm. Khi được sử dụng ở cấp độ đơn vị/lô, các thuộc tính sẽ cụ thể hơn.
Bảng 10 - Dữ liệu chính của vật phẩm ở cấp độ thương phẩm, lô và đơn vị
Dữ liệu | Mô tả |
Khu vực đánh bắt | Khu vực đánh bắt xác định nơi sản phẩm thủy sản được đánh bắt bằng cách sử dụng các khu vực đánh bắt cá quốc tế và tiểu khu vực do Vụ Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản của Liên hợp quốc thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) xác định. Khu vực đánh bắt được xác định bởi tàu đánh cá đã đánh bắt sản phẩm thủy sản. Các khu vực đánh bắt bao gồm: - Các vùng đánh cá nội địa chủ yếu bao gồm nội thủy các châu lục. - Các vùng đánh bắt lớn ngoài biển bao gồm các vùng biển thuộc Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Nam Đại Dương cùng các vùng biển lân cận. Có thể được xác định các khu vực đánh bắt chính cũng như các khu vực phụ. |
Quốc gia xuất xứ | Quốc gia xuất xứ thường là quốc gia nơi thương phẩm được sản xuất hoặc chế biến. |
Danh mục ngư cụ | Danh mục ngư cụ được Cục Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) xác định và được sử dụng để xác định loại ngư cụ được sử dụng để đánh bắt sản phẩm thủy sản. Danh sách Loại Ngư cụ cung cấp các định nghĩa về tất cả các loại ngư cụ, được nhóm theo danh mục. Các định nghĩa và phân loại này có giá trị trên toàn thế giới đối với cả vùng nước nội địa và nghề cá trên biển, cũng như đối với nghề cá quy mô nhỏ, vừa và lớn. |
7 Sự kiện theo dõi trọng yếu
Các bảng dưới đây cung cấp chi tiết về các phần tử dữ liệu chính và dữ liệu chính đơn vị/lô cần thiết cho mỗi sự kiện theo dõi trọng yếu.
Bảng 11 - Đóng gói ban đầu với thủy sản nuôi trồng hoặc đánh bắt
Ai | Mã truy vết địa điểm của tổ chức đánh bắt hoặc nuôi trồng |
Cái gì | Mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ đóng gói |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm đóng gói |
Tại sao | Vận hành |
Dữ liệu chính cấp độ đơn vị/lô | Xem điều 6.4, 6.5 |
Bảng 12 - Giao dịch bán thủy sản đầu tiên
Ai | Mã truy vết địa điểm của nhà cung cấp, của khách hàng |
Cái gì | Mã truy vết vận chuyển Mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc Mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ bán |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm gửi hàng |
Tại sao | Kí gửi Liên kết với ghi chú bán hàng |
Bảng 13 - Tiếp nhận
Ai | Mã truy vết địa điểm của nhà cung cấp, của khách hàng |
Cái gì | Mã truy vết vận chuyển Mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc Mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ tiếp nhận |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm tiếp nhận |
Tại sao | Tiếp nhận |
Bảng 14 - Chế biến
Ai | Mã truy vết địa điểm của cơ sở chế biến |
Cái gì | Đầu vào (có thể nhiều đầu vào khác nhau): mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri Đầu ra (có thể nhiều đầu ra khác nhau): mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ quá trình sản xuất bắt đầu |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm chế biến |
Tại sao | Vận hành |
Dữ liệu chính cấp độ đơn vị/lô | Xem điều 6.4, 6.5 |
Bảng 15 - Đóng gói
Ai | Mã truy vết địa điểm của cơ sở chế biến |
Cái gì | Đầu vào (có thể nhiều đầu vào khác nhau): mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri Đầu ra (có thể nhiều đầu ra khác nhau): mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ quá trình sản xuất kết thúc |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm đóng gói |
Tại sao | Đóng gói |
Dữ liệu chính cấp độ đơn vị/lô | Xem điều 6.4, 6.5 |
Bảng 16 - Tập hợp thương phẩm (đơn vị logistics và nhóm thương phẩm)
Ai | Mã truy vết địa điểm của người bán (bên bán hàng) Mã truy vết địa điểm của khách hàng |
Cái gì | Mã truy vết vận chuyển Mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ gửi hàng |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm gửi hàng |
Tại sao | Đóng gói |
Bảng 17 - Gửi hàng
Ai | Mã truy vết địa điểm của người bán (bên bán hàng) Mã truy vết địa điểm của khách hàng |
Cái gì | mã truy vết vận chuyển mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ gửi hàng |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm gửi hàng |
Tại sao | Đóng gói |
Bảng 18 - Bán sản phẩm tới khách hàng cuối
Ai | Mã truy vết địa điểm của cơ sở bán lẻ |
Cái gì | mã truy vết vật phẩm + số lô/mẻ + số lượng hoặc mã truy vết vật phẩm + số sê-ri |
Khi nào | Ngày, giờ quá trình bán hàng kết thúc |
Ở đâu | Mã truy vết địa điểm của địa điểm bán hàng |
Tại sao | Bán lẻ |
Phụ lục A
(tham khảo)
Bối cảnh chuỗi cung ứng thủy sản
A.1 Tổng quan về chuỗi cung ứng
Sơ đồ dưới đây minh họa mô hình của chuỗi cung ứng thủy sản. Đây là một bức tranh chung, có thể đi theo những con đường khác nhau từ dòng nguyên liệu/thành phần từ nhà cung cấp đến phân phối thành phẩm cho khách hàng cuối cùng.
Hình A.1 - Chuỗi cung ứng ngành thủy sản
Thủy sản đánh bắt trên tàu thường được chất đầy không phân loại vào các thùng có khối lượng thay đổi hoặc cố định. Ngoài ra, thủy sản được bắt vào bể nước. Việc có quá trình xử lý tiếp theo thực hiện trực tiếp trên tàu hay không cũng như có bao nhiêu nhà chế biến tham gia vào chuỗi cung ứng tiếp theo tại cảng và sau đó là khác nhau.
Nhiều phương án xử lý khác nhau có thể xảy ra trong thực tế. Tại trang trại, thủy sản thường được phân loại khi đánh bắt. Tương tự, các bước xử lý tiếp theo và số lượng các bên liên quan là khác nhau.
Sau khi đánh bắt, các sản phẩm thủy sản được bán trên thị trường hoặc đăng ký bán tại trung tâm đấu giá hoặc bán cho những người mua đã đăng ký hoặc cho các tổ chức sản xuất. Người mua sản phẩm thủy sản từ một tàu đánh bắt trong lần bán đầu tiên cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Thành viên nơi diễn ra lần bán đầu tiên.
A.2 Nhu cầu chuỗi cung ứng
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính là các yêu cầu pháp lý và nhu cầu minh bạch.
- Tuân thủ các yêu cầu pháp lý:
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã là một yêu cầu theo Luật Thực phẩm Châu Âu áp dụng nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” đối với thông tin người tiêu dùng và nhà cung cấp theo quy định. Do đó, đã có truy xuất nguồn gốc ở tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối từ đánh bắt hoặc thu hoạch đến bán lẻ.
Để giúp chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp từ vùng biển châu Âu, các biện pháp kiểm soát nghề cá ngoài ra còn yêu cầu thông tin theo quy định về nghề cá và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản phải có sẵn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ở các khu vực pháp lý khác, có thể có các yêu cầu dữ liệu khác nhau và cũng có sự nhấn mạnh khác về các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
- Tính minh bạch:
Người tiêu dùng hiện nay ngày càng muốn biết rõ hơn về sản phẩm mà họ sử dụng, các thông tin mà người tiêu dùng muốn biết có thể bao gồm:
+ Tên chính xác của loài
+ Thủy sản được đánh bắt hay nuôi trồng
+ Thời gian đóng gói
+ Thời gian cấp đông
+ Ngư cụ được sử dụng
+ Nguồn gốc của thủy sản
+ Các biện pháp thực hành bền vững
+ Tác động đến môi trường
A.3 Vai trò trong chuỗi cung ứng và trách nhiệm truy xuất nguồn gốc
Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng đều có trách nhiệm riêng của mình nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc được hiệu quả. Trách nhiệm này sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu pháp lý.
Bảng A.1 mô tả vai trò của từng bên, trong đó cột cuối cùng mô tả trách nhiệm truy xuất nguồn gốc thường được áp dụng.
Bảng A.1 - Vai trò các bên trong chuỗi cung ứng và trách nhiệm truy xuất nguồn gốc
Vai trò | Mô tả | Trách nhiệm |
Tàu đánh bắt | Tàu được trang bị để đánh bắt, thực hiện một số quá trình xử lý ban đầu cơ bản và phân loại thủy sản. | Chủ nhãn hàng, nguồn dữ liệu cho dữ liệu chính và dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi |
Tàu chế biến | Tàu được trang bị đầy đủ trang thiết bị để chế biến và cấp đông lạnh thủy sản. Tàu chế biến thực hiện đánh bắt, xử lý và phân loại thủy sản, đóng gói trong bao bì sẵn sàng bán lẻ và tiến hành làm đông lạnh. | Chủ nhãn hàng, nguồn dữ liệu cho dữ liệu chính và dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi |
Cơ sở nuôi trồng thủy sản | Nuôi và đánh bắt thủy sản để phân phối tới cơ sở chế biến | Chủ nhãn hàng, nguồn dữ liệu cho dữ liệu chính và dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi |
Cơ sở đấu giá | Nhận thủy sản và xác nhận việc tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn, trước khi chế biến và đưa vào chuỗi cung ứng thương mại. | Đơn vị gửi, đơn vị nhận, nguồn dữ liệu cho dữ liệu sự kiện, người tiếp nhận việc thu hồi |
Cơ sở cung cấp dịch vụ logistic | Vận chuyển thủy sản đánh bắt và thu hoạch giữa bất kỳ đối tác thương mại nào, xử lý thực tế các thương phẩm (thùng hoặc pallet), duy trì kiểm soát vệ sinh và nhiệt độ, và duy trì thông tin trách nhiệm giải trình (nhiệt độ, truy xuất nguồn gốc, v.v.). | Nhà vận chuyển, nhà kho, nguồn dữ liệu cho dữ liệu sự kiện, người tiếp nhận thu hồi |
Cơ sở chế biến | Nhận thủy sản số lượng lớn từ tàu đánh bắt, nông trường hoặc cơ sở đấu giá, thực hiện làm sạch và phi lê, đóng hộp và vận chuyển tới cơ sở phân phối hoặc cơ sở chế biến sau đó. | Chủ nhãn hàng, nguồn dữ liệu cho dữ liệu chính và dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi, người tiếp nhận thu hồi |
Cơ sở chế biến thứ cấp | Tiếp nhận thủy sản từ cơ sở chế biến và thực hiện các quá trình chế biến bổ sung. | Chủ nhãn hàng, nguồn dữ liệu cho dữ liệu chính và dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi, người tiếp nhận thu hồi |
Cơ sở phân phối/bán buôn | Tiếp nhận thủy sản từ nhà sản xuất/chế biến và chuyển tới các bên khác | Người vận chuyển, người nhận, nguồn dữ liệu cho dữ liệu sự kiện, người khởi tạo việc thu hồi, người tiếp nhận thu hồi |
Nhà hàng/Điểm dịch vụ | Nhận sản phẩm từ nhà phân phối và sử dụng để chế biến thức ăn | Người nhận, người gửi, nguồn dữ liệu cho dữ liệu sự kiện, người tiếp nhận thu hồi |
Cơ sở bán lẻ/Điểm bán | Nhận thủy sản từ nguồn cung cấp phía trước và bán cho người tiêu dùng | Người nhận, người gửi, nguồn dữ liệu cho dữ liệu sự kiện, người tiếp nhận thu hồi |
Phụ lục B
(tham khảo)
Các loại vật mang dữ liệu hỗ trợ
Phụ lục này cung cấp các loại vật mang dữ liệu thường được sử dụng cho truy xuất nguồn gốc thủy sản, bao gồm EAN/UPC, GS1-128, GS1 Databar và mã vạch GS1 2 chiều như GS1 Datamatrix.
B.1 EAN/UPC
Mã vạch EAN/UPC có thể mã hóa mã truy vết vật phẩm cũng như số lưu hành giới hạn (RCN). EAN/UPC được sử dụng rộng rãi lại các điểm bán. Mã vạch EAN/UPC không hỗ trợ các loại mã GS1 khác, và không hỗ trợ các thuộc tính bổ sung.
Ví dụ về mã EAN/13 mã hóa mã truy vết vật phẩm:
B.2 GS1-128
Mã vạch GS1-128 có thể mã hóa tất cả các loại mã định danh GS1 (bao gồm cả mã truy vết vật phẩm và mã truy vết vận chuyển) mà có hỗ trợ mã mã truy vết vật phẩm với phần mở rộng (số lô/mẻ hoặc số sê-ri), nhờ đó nâng cao khả năng theo dõi và truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, các thuộc tính bổ sung như ngày đánh bắt, khu vực đánh bắt cũng có thể được mã hóa.
Ví dụ về mã vạch GS1-128 mẽ hóa mã truy vết vật phẩm(01), ngày hết hạn (17) và số lô/mẻ (10):
B.3 GS1 DataBar
GS1 Data Bar là hệ mã vạch có thể quét được ở điểm bán lẻ. GS1 DataBar có thể mã hóa mã truy vết vật phẩm và mã truy vết vật phẩm mở rộng (với số lô/mẻ và số sê-ri), và các thuộc tính bổ sung như sử dụng tốt nhất trước ngày, ngày hết hạn. Nhờ vậy, GS1 Databar có thể cải thiện quá trình quản lý kho đối với các sản phẩm tươi sống.
Ví dụ về GS1 DataBar mã hóa mã truy vết vật phẩm (01), khối lượng tính theo kg (3103), hạn sử dụng tốt nhất trước ngày (17) và số lô/mẻ (10):
B.4 Mã vạch hai chiều GS1
Mã vạch hai chiều GS1 (GS1 DataMatrix, GS1 QR Code) có thể mã hóa tất cả các loại mã GS1, mã truy vết vật phẩm mở rộng (số lô/mẻ hoặc số sê-ri) và các thuộc tính bổ sung như sử dụng tốt nhất trước ngày. Hiện nay, mã vạch hai chiều GS1 chỉ được phép sử dụng kèm theo với mã vạch tuyến tính (một chiều). Lý do của việc này là do các cơ sở hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được về mặt công nghệ hình ảnh để đọc mã vạch hai chiều.
Ví dụ về GS1 DataMatrix mã hóa mã truy vết vật phẩm (01), ngày hết hạn (17) và số lô/mẻ (10):
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] GS1 Foundation for Fish, Seafood and Aquaculture Traceability Guideline, Release 1.3, Ratified, Feb 2019
[2] TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Xác định đối tượng truy xuất
5 Đánh dấu đối tượng truy xuất
6 Yêu cầu về dữ liệu truy xuất
7 Sự kiện theo dõi trọng yếu
Phụ lục A
Phụ lục B
Thư mục tài liệu tham khảo