Báo cáo 953/BC-BYT 2020 tổng kết tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2020

thuộc tính Báo cáo 953/BC-BYT

Báo cáo 953/BC-BYT của Bộ Y tế về việc tổng kết thực hiện "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2020
Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:953/BC-BYT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáo
Người ký:Trương Quốc Cường
Ngày ban hành:23/06/2020
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe, Thực phẩm-Dược phẩm
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ

________

Số: 953/BC-BYT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2020

 

 

BÁO CÁO

Tổng kết thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020

_____________

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Căn cứ thực tế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua và dự báo diễn biến tình hình năm 2020, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Thường trực Ban CĐLNTƯATTP) đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương ban hành Kế hoạch số 387/KH-BCĐTƯATTP ngày 10/3/2020 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020” (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) với chủ đề: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” trên phạm vi cả nước từ ngày 15/4/2020 đến ngày 15/5/2020, với mục tiêu:

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

3. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Thời gian triển khai Tháng hành động đã kết thúc, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban CĐLNTƯATTP sau khi tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ban, ngành và địa phương kính báo cáo Thủ tướng kết quả triển khai Tháng hành động năm 2020 như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

Theo Kế hoạch, kết thúc Tháng hành động, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các địa phương và các Bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan gửi báo cáo kết quả hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động trước ngày 30/5/2020 để Bộ Y tế - Thường trực Ban CĐLNTƯATTP tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 10/6/2020, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có Công văn số 1361/ATTP-NĐTT gửi đầu mối thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc báo cáo Tháng hành động 2020.

Bộ Y tế đã nhận được báo cáo của 02 Bộ (Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an), báo cáo của 63 địa phương và báo cáo của 06 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Bộ Công thương chủ trì.

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

1.1. Bộ, ban ngành TƯ

- Ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công phương đã phối hợp chặt chẽ, trình Ban CĐLNTƯATTP ban hành Kế hoạch 387/KH-BCĐTƯATTP ngày 10/3/2020 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020”. Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban CĐLNTƯATTP ban hành các văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW, các Bộ, ban, ngành để triển khai Kế hoạch số 387/KH-BCĐTƯATTP về Tháng hành động năm 2020.

- Ba Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã ban hành các quyết định thành lập 06 Đoàn Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương để kiểm tra, đánh giá 12 tỉnh thực hiện triển khai Tháng hành động.

- Các Bộ: Giáo dục và đào tạo, Công an đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo hệ thống ngành dọc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch 387/KH-BCĐTƯATTP.

(Chi tiết xin xem tại Phụ lục I)

1.2. Ủy ban nhân dân các cấp

Trong Tháng hành động ATTP năm 2020, ảnh hưởng của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ... tạm dừng hoạt động cho đến sau ngày 01/5/2020 mới hoạt động trở lại.

- Tuyến tỉnh: Ủy ban nhân dân (UBND) Ban Chỉ đạo liên ngành của tất cả các tỉnh (100%) đều chủ động xây dựng, ban hành Kế hoạch, Quyết định để chỉ đạo triển khai Tháng hành động tại địa phương.

- Tuyến quận huyện: Tỷ lệ số huyện xây dựng kế hoạch triển khai 99,15% (năm 2019 98,6%);

- Tuyến xã phường: Tỷ lệ số xã phường xây dựng Kế hoạch triển khai là: 89,2% (năm 2019 94,8%). (Chi tiết xin xem tại Phụ lục II bảng 1)

2. Tổ chức Lễ phát động, Hội nghị triển khai Tháng hành động

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 diễn ra trong bối cảnh vừa được nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu bao gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tạm dừng hoạt động, thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do vậy cách thức triển khai “Tháng hành động” phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

2.1. Trung ương

Các thành viên Ban Chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ban, ngành không tham dự Hội nghị trực tiếp, thay vào đó chỉ đạo triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” bằng văn bản điện tử và trực tuyến.

2.2. Địa phương

Hoạt động tuyên truyền, tổ chức phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020” được các địa phương chủ yếu tổ chức, triển khai lồng ghép, giao ban trực tuyến.

Tuyến tỉnh: 13/63 tỉnh (20,6%) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Tuyến huyện: 151/703 huyện (21,5%) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Tuyến xã/phường: 2186/10725 (20,4%) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến kế hoạch “Tháng hành động” năm 2020 (Phụ lục II bảng 1).

3. Hoạt động truyền thông

3.1. Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng

3.1.1. Trung ương

quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tham gia truyền thông về ATTP. Kịp thời đưa các thông tin bảo đảm an toàn thực phẩm, thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm tới công chúng gắn với chiến dịch truyền thông phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kết quả hoạt động triển khai chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như sau:

+ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam:

Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng thông điệp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm với chủ đề: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” tại khung giờ 16h55 thứ ba, thứ năm trên kênh VTV1 khung giờ 18h00 thứ hai, thứ tư trên kênh VTV2 từ ngày 14/4 đến 15/5/2020; Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng liên tục thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm Tháng hành động trên kênh Sức khỏe và an toàn thực phẩm từ 14/4 đến 30/5/2020.

Bên cạnh việc lồng ghép tuyên truyền sự kiện trong các bản tin hàng ngày, nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình đã xây dựng, phát sóng các chương trình phóng sự, chuyên mục, bảo đảm thông tin hấp dẫn, đa dạng và thiết thực, tiêu biểu như: Chương trình Nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch (VTV1); Vì một tương lai xanh (VTV1); Chuyện nhà nông (VTV1); Kiến thức cộng đồng (VTV2); Kênh Sức khỏe và an toàn thực phẩm phát sóng trên FM tần số HMz (Đài Tiếng nói Việt Nam)... nhằm thông tin, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sản phẩm an toàn gắn với bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh.

+ Báo, tạp chí: Trong thời gian “Tháng hành động” năm 2020, các báo của Trung ương tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATTP và phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn thực phẩm trong học đường, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và phòng ngừa dịch bệnh,… cảnh báo nhiều sản phẩm quảng cáo sai sự thật, thực phẩm chức năng được gắn chức năng phòng Covid-19,… Mặc dù so với năm 2019 số lượng tin bài có giảm nhưng nội dung của các tin bài đáp ứng được yêu cầu, tình hình vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả và bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, lợi ích của người dân, người tiêu dùng1. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thông tin, nêu được các tổ chức, cá nhân có các cải tiến về công nghệ, các mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm thích nghi trong tình hình mới.

+ Trang tin điện tử Cục An toàn thực phẩm thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành, tin tức sự kiện, hỏi đáp kiến thức về an toàn thực phẩm trong phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đăng tải các tin bài, hình ảnh, phóng sự phản ánh hoạt động của các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Trang vfa.gov.vn thường xuyên đăng tin cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm quảng cáo thực phẩm, giúp người tiêu dùng tránh mua các sản phẩm thực phẩm trên những website vi phạm.

3.1.2. Địa phương

Các tỉnh tuyên truyền Thông điệp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh; tại một số tỉnh phía bắc, tây nguyên, các thông điệp còn được chuyển tải sang tiếng dân tộc để đọc trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh (ví dụ: tại Sơn La đã chuyển thông điệp từ tiếng phổ thông sang tiếng H.Mông và tiếng Thái).

Tại địa bàn khu dân cư, các địa phương tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức phát thanh tại các khu đông dân cư như thành phố, phường, thị trấn, các xã có điểm chợ, chợ phiên, Nội dung chủ yếu tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của các tỉnh: tổng số tin, bài về chủ đề ATTP được phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo viết của địa phương với số lượng 444.179 lượt tin, bài phát thanh, 1449 tin bài truyền hình, 117.846 tin trên báo viết địa phương; so với năm 2019 tăng 4,4 lần lượt phát thanh, tăng 23,2 lần lượng bài trên báo và giảm 5,7 lần lượt truyền hình2.

 

 

 

______________________

1 Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 15/4/2020 đến 15/5/2020 trên 17 đầu báo điện tử Trung ương, Bộ, ngành đã đăng tải 142 tin, bài, phóng sự có nội dung về ATTP, giảm (175 tin bài) so năm 2019. Trên Website của Cục (từ 15/4/2020 đến 15/5/2020) đã đăng tải 120 tin, bài về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (giảm 10 so với năm 2019), trong đó đã đăng 31 tin cảnh báo về vi phạm quảng cáo; 10 khẩu hiệu và video tuyên truyền Tháng hành động.

2 101650 lượt phát thanh, 8325 lượt truyền hình, 5073 tin trên báo viết địa phương trong THĐ 2019.

 

Nhìn chung, trong “Tháng hành động” năm 2020, tại nhiều địa phương đã triển khai công tác truyền thông, huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại địa phương đối với công tác bảo đảm ATTP theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới.

3.2. Công tác truyền thông trực tiếp (tập huấn, nói chuyện chuyên đề)

Trước thực tế triển khai phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, công tác truyền thông đã có những hình thức đổi mới, các địa phương đã vận dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, như tổ chức tập huấn, hội thảo qua Zalo, trực tuyến đảm bảo giãn cách xã hội.

Đối tượng được chú trọng là đầu mối phụ trách sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Nội dung tập trung: Tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn đồng thời bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh; nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm. Biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kết quả cho thấy, trong “Tháng hành động” năm 2020 cả nước đã thực hiện hội thảo cho 85.751 người tham dự; tập huấn cho 19.449 người tham dự. So với năm 2019 số lượng người tham dự các buổi tập huấn giảm 6,8 lần3, nói chuyện chuyên đề ATTP giảm 8,5 lần4 (Phụ lục II bảng 2).

3.3. Về tài liệu truyền thông

- Trung ương: Để phục vụ cho công tác thông tin truyền thông giáo dục về ATTP, ngay từ tháng 3/2020, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung truyền thông5. Các Bộ, ban, ngành chủ động chỉ đạo Ban ngành địa phương xây dựng các tài liệu truyền thông ATTP, tổ chức thực hiện tuyên truyền trong “Tháng hành động”.

- Địa phương: Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ 63 tỉnh, hầu hết các địa phương đều chủ động tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cơ bản dựa trên nội dung đã được hướng dẫn trong Kế hoạch 387/KH-BCĐTƯATTP. Việc treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh áp phích trong Tháng hành động tại các tỉnh cho thấy: Các địa phương đã treo về số lượng 66.174 chiếc băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích giảm 19,9% so với năm 2019 (82.592 chiếc); in và cấp phát 928.417 tờ rơi, tờ gấp giảm 12,7% so với năm 2019 (1.063.104 chiếc); in đĩa và đọc tuyên truyền qua các xe lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại các điểm đông khu dân cư, chợ, trung tâm các quận huyện (Phụ lục II bảng 3).

4. Hoạt động thanh tra, kiểm tra

4.1. Tổ chức, triển khai thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của 06 Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm năm 2020, cả nước có 8.889 đoàn thanh tra, kiểm tra (ít hơn năm 2019: 1848 đoàn)6, trong đó:

- Tại Trung ương: Ban CĐLNTƯATTP đã thành lập 06 đoàn kiểm tra liên ngành có sự phối hợp của các ngành chức năng: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công phương, Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hòa Bình, Sơn La, Cần Thơ, An Giang, Gia Lai, Kon Tum.

 

_________________________

3 Năm 2019: tổng số 132.111 người tham dự tập huấn;

4 Năm 2019: tổng số 729.308 người tham dự hội thảo nói chuyện chuyên đề.

5 Xây dựng nội dung khẩu hiệu mới cho năm 2020 ban hành trong Kế hoạch 387/KH-BCĐTƯATTP.

6 Năm 2019 có 10.737 đoàn thanh tra, kiểm tra

 

- Tại các địa phương: Theo báo cáo của 63/63 tinh, thành phố, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 có 8.883 Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành ATTP (giảm 1848 đoàn (17,2%) so với năm 2019) được thành lập và hoạt động từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường với sự tham gia của các ngành liên quan, bao gồm: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thưong, Công an ...

4.2. Kết quả thanh tra, kiểm tra

Trong Tháng hành động năm 2020, các Đoàn liên ngành Trung ưong và địa phưong đã tiên hanh thanh tra, kiêm tra tại các co sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chủ đề của Tháng hành động năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”.

Cả nước đã kiểm tra được 126.105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giảm 33,3% so với năm 20197. Số cơ sở bị phát hiện có vi phạm các quy định về ATTP 16.955 cơ sở chiếm 13,44%; năm 2019 tỷ lệ này là 16,77%, như vậy số cơ sở không đạt giảm hơn so với cùng kỳ là 3,3%.

Số cơ sở vi phạm đã bị xử lý là 1.876 (chiếm 11,06% số cơ sở vi phạm), bao gồm:

- Phạt tiền 1.876 cơ sở với số tiền phạt là: 5.098.588.500 đồng, trong đó xử phạt 03 cơ sở vi phạm quảng cáo với số tiền phạt: 100.000.000 đồng;

- Chuyển cơ quan chức năng xử lý 24 trường hợp;

Phạt bổ sung và yêu cầu khắc phục hậu quả: đình chỉ hoạt động 26 cơ sở;

Số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm 31 cơ sở; tiêu hủy 1.452 loại sản phẩm do không bảo đảm ATTP (sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm, phụ gia thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn...);

Số cơ sở có vi phạm không bị xử lý, chỉ nhắc nhở là 15.055 cơ sở, chiếm tỷ lệ 88,79% số cơ sở vi phạm và chủ yếu tập trung ở tuyến huyện, xã (Phụ lục II bảng 5).

Các hành vi vi phạm chủ yếu: Sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng; nhập lậu, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, bị ôi thiu; sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc vượt quá hàm lượng cho phép; sử dụng các thiết bị cấm hoặc bơm nước nhằm tăng trọng lượng trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, bơm tạp chất vào thủy sản; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ môi trường, con người theo quy định...

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an trong dịp Tháng hành động năm 2020, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 301 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó: chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 03 vụ; xử lý vi phạm hành chính 298 vụ với số tiền phạt: 862.575.000 đồng. Tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm vi phạm: bánh kẹo, sữa, nước giải khát, nội tạng động vật, phụ gia thực phẩm,..

4.3. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của 06 đoàn liên ngành Trung ương và 63 tỉnh thành phố ghi nhận: Trong dịp Tháng hành động năm 2020 có 3353 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm tại Labo về các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh (thấp hơn 11,6% so với năm 20198), trong đó có 160 mẫu không đạt, chiếm 4,77%.

- Xét nghiệm các chỉ tiêu hóa, lý: 2.214 mẫu, trong đó 82 mẫu có kết quả không đạt chiếm 3,7% - thấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Một số chỉ tiêu không đạt chủ yếu là chất bảo quản, hàm lượng Protein, Lipit, một số Vitamin thấp hơn so với mức công bố, dư lượng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

________________________

7 Năm 2019 kiểm tra 189.129 cơ sở

8 Năm 2019 có 3.792 mẫu thực phẩm được xét nghiệm tại Labo

 

- Xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh: 1.139 mẫu được kiểm tra, 119 mẫu (10,44%) không đạt về một số chỉ tiêu chỉ điểm vệ sinh như tổng số bào tử nấm men-mốc, Coliforms, E.coli, tổng vi sinh vật hiếu khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Số mẫu xét nghiệm nhanh 38.758 mẫu, trong đó có 2.433 mẫu (6,15%) không đạt, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là test nhanh tinh bột trong dụng cụ bát đĩa; hàn the, focmon, phẩm màu,...

Như vậy, số mẫu thực phẩm xét nghiệm không đạt trong đợt này giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 20199 (Phụ lục II bảng 6).

Trong Tháng hành động ATTP năm 2020, ảnh hưởng của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn các địa phương; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống,... tạm dừng hoạt động cho đến sau ngày 01/5/2020 mới hoạt động trở lại, do vậy việc triển khai công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm giảm so với cùng kỳ các năm trước đây.

5. Tình hình ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động

Trong Tháng hành động năm 2020, từ ngày 15/4/2020 đến ngày 15/5/2020, toàn quốc ghi nhận 19 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 379 người mắc, 378 người đi viện và 06 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tăng 06 vụ (46,2%), số tử vong tăng 03 người, số mắc tăng 118 người (45,2%), số đi viện tăng 125 người (49,4%).

Phân tích 19 vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, các vụ chủ yếu xảy ra tại hộ gia đình 15 vụ; Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể: 02 vụ, tuy nhiên không xảy ra trong khu công nghiệp/KCX; Ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng/khách sạn: 01 vụ; Ngộ độc thực phẩm do mua thức ăn tại chợ: 01 vụ.

Nguyên nhân NĐTP: do vi sinh vật là 05 vụ (26,3%), do độc tố tự nhiên là 11 vụ (57,9%) và 03 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (15,8%). Trong 05 vụ NĐTP do vi sinh vật có 03 vụ do tụ cầu vàng (Staphyloccoccus aureus); Trong 11 vụ NĐTP do độc tố tự nhiên có 08 vụ do độc tố của nấm độc, 02 vụ do độc tố trong cóc, 01 vụ do độc tố trong sò biển.

Qua đánh giá kết quả giám sát tình hình NĐTP trong Tháng hành động năm 2020, so sánh với cùng kỳ năm 2019 cho thấy:

- Tình hình NĐTP đang có diễn biến phức tạp: số vụ, số người mắc, số đi viện và số người tử vong tăng. Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình tăng; nguyên nhân tử vong chủ yếu đều do độc tố tự nhiên (nấm độc). Tuy nhiên, số vụ NĐTP lớn (≥ 30 người mắc/vụ) giảm 01 vụ (50%).

- Nguyên nhân gây NĐTP chính vẫn do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên.

(Chi tiết xin xem Phụ lục II bảng 7, 8, 9).

II. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ

1. Ưu điểm

- Tháng hành động vì ATTP năm 2020 là năm thứ 6 triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Đây là dịp để các Bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền quan tâm hơn trong chỉ đạo, điều hành, rà soát lại đối tượng quản lý, đánh giá hoạt động thanh, kiểm tra, năng lực kiểm nghiệm của địa phương; nhìn nhận lại khả năng điều phối các ban ngành cùng chính quyền địa phương, từ đó đẩy mạnh hoạt động thông tin và truyền thông về an toàn thực phẩm, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh việc xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực và thế giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Thông qua Tháng hành động, đánh giá được hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg tại địa phương.

 

___________________

9 Tỷ lệ mẫu không đạt năm 2019 là 11,35%; năm 2020 là 6,15%

 

- Chủ đề của Tháng hành động năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Chủ đề này nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vai trò giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19, các địa phương vẫn tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm theo các nội dung đã được hướng dẫn.

- Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã đẩy mạnh, phù hợp bằng nhiều hoạt động, hình thức thiết thực (vận dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, như tổ chức tập huấn, hội thảo qua Zalo, trực tuyến đảm bảo giãn cách xã hội), Loa phát thanh, xe loa tuyên truyền lưu động.... nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, phòng ngừa dịch bệnh tới từng người dân. Các phương tiện thông tin truyền thông đã tích cực tuyên truyền các đơn vị, cá nhân áp dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh, giới thiệu sản phẩm an toàn. Nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức phù hợp với tình hình của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Việc đăng tải trên các trang thông tin điện tử về các cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP cũng góp phần cảnh báo hiệu quả về ATTP đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.

- Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

- Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã ý thức được tầm quan trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã thực hiện sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm.

- Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm, thủy sản được chú trọng triển khai; hướng dẫn nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy liên kết 4 (bốn) nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

 2. Khó khăn, tồn tại, hạn chế

- Tháng hành động ATTP năm 2020 diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn nhiều tỉnh. Các ngành các cấp không tổ chức triển khai được Tháng hành động ATTP như các năm trước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống,... tạm dừng hoạt động cho đến sau ngày 01/5/2020 mới hoạt động trở lại. Do vậy, đã tạo nhiều thách thức, buộc các Bộ ngành, địa phương phải thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để triển khai phù hợp với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

- Nguồn ngân sách địa phương sử dụng cho công tác an toàn thực phẩm nói chung, cho truyền thông an toàn thực phẩm còn hạn chế, nên một số tỉnh có khó khăn trong triển khai chuyên môn.

- Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp tại các khu vực biên giới; các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để trốn tránh sự kiểm soát, kiểm tra, bắt giữ, xử lý của các cơ quan chức năng, phổ biến là: lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cư dân biên giới để mang vác, tập kết, đưa vào nội địa để tiêu thụ các loại thực phẩm nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; nhập lậu hàng hóa dưới dạng hành lý ký gửi, dưới dạng xách tay qua đường hàng không; hợp pháp hóa nguồn gốc của các loại thực phẩm nhập lậu...

- Một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình, điều kiện sản xuất hạn chế, chưa đủ điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định và chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo hợp vệ sinh theo quy định, do đó tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP và ô nhiễm môi trường.

- Bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hộ dân, đến tình hình ngộ độc thực phẩm.

- Vẫn còn tồn tại quảng cáo quá mức về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên một số website, chợ điện tử, trang thương mại điện tử, mạng xã hội facebook, youtube, zalo... gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các quảng cáo xuyên biên giới, tạo thách thức lớn cho các Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông trong quản lý nội dung quảng cáo.

- Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã có chuyển biến nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện do mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của các cơ sở nhỏ lẻ eo hẹp, nhận thức của chủ cơ sở còn nhiều hạn chế, do vậy tuyến xã/ phường chủ yếu chỉ nhắc nhở là chính, chưa kiên quyết, chưa phát huy được tính tích cực trong kiểm tra.

- Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, môi trường theo quy định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lèo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

- Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 02/02/2018. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất phương thức quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ giữa các Bộ quản lý chuyên ngành, chưa có hướng dẫn của Bộ Công thương về thực hiện các thủ tục hành chính đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm hỗn hợp; cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực phẩm. Thiếu nhiều Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ngưỡng cho phép về thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được ban hành đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc quản lý của ngành. Điều này gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt trong nội dung tự công bố sản phẩm của cơ sở10.

- Việc cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm chưa thống nhất, Bộ Y tế đã bỏ việc cấp giấy, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương vẫn quy định cấp Giấy, gây khó khăn cho việc hướng dẫn thủ tục hành chính ở địa phương11.

- Nguồn lực đầu tư cho con người (bao gồm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ), trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn, nhất là tại tuyến quận, huyện, phường, xã.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Trên cơ sở triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Chính phủ

- Tiếp tục bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương kịp thời và đủ để triển khai các hoạt động liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ đạo địa phương dành ngân sách địa phương đủ để quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm soát, phòng chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Chỉ đạo các Bộ Công thương, Nông nghiệp phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm đối với việc thống kê, tổng hợp báo cáo ATTP.

2. Bộ ngành

2.1. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương

- Ban hành Chương trình định hướng công tác bảo đảm ATTP giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo để các địa phương làm cơ sở triển khai, bố trí kinh phí cho công tác ATTP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quản lý12.

 

 

___________________

10 Hà Nội

11 Kon Tum

12 Đồng Tháp

 

- Tăng cường phổ biến, hướng dẫn việc triển khai các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt các văn bản mới ban hành, đang hoặc sắp có hiệu lực để thống nhất triển khai thực hiện. Ban hành hướng dẫn cụ thể việc quản lý, thực hiện đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ về điều kiện an toàn thực phẩm.

- Ban hành Thông tư các Bộ quy định về mẫu báo cáo và hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai áp dụng.

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và trang thiết bị trong triển khai kiểm soát ATTP, bồi dưỡng công tác lấy mẫu kiểm nghiệm cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến tỉnh.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm nghiệm để xây dựng các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn.

- Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

- Hỗ trợ địa phương các sản phẩm truyền thông để tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm, phù hợp từng nhóm đối tượng cụ thể; cấp, phát cho địa phương kịp thời để tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng nhằm từng bước chuyển đổi, nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

+ Tăng cường chỉ đạo kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.

+ Xây dựng Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ngưỡng cho phép về thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc quản lý của ngành.

- Bộ Công thương

Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thuốc BVTV ngoài danh mục vào nội địa, sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường. Tăng cường kiểm soát sàn giao dịch thương mại điện tử, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm trên sàn giao dịch.

2.2. Bộ Tài chính

- Phân bổ kinh phí cho các hoạt động về an toàn thực phẩm kịp thời để các Bộ, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu năm.

- Chỉ đạo các cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng nhập thuốc BVTV ngoài danh mục vào nội địa; tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường.

2.3. Bộ Văn hóa thể thao du lịch

Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông quản lý quảng cáo thực phẩm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

2.4. Các ngành Công an, Biên phòng tiếp tục phối hợp với chặt chẽ ngành Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương tăng cường kiểm soát thực phẩm, phụ gia thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

- Bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Tăng cường nguồn nhân lực cho tuyến huyện, xã có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ tại các tuyến.

- Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

- Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu an toàn thực phẩm giúp cho việc thực hiện kiểm tra chủ động dựa trên yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn việc khắc phục những tồn tại, vi phạm về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm, trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy ATTP; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần có biện pháp xử lý thích đáng, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động.

- Tập hợp những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm gửi về Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trên đây là báo cáo triển khai Tháng hành động năm 2020, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);

- Vụ KGVX, VPCP;

- Bộ NNPTNT, Bộ CT, Bộ Tài chính;

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL;

- Các thành viên BCĐ LN ATTP;

- BCĐ liên ngành các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Vụ KHTC, Thanh tra BYT;

- Lưu: VT, ATTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Trương Quốc Cường

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC I

CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CÁC BỘ NGÀNH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ, TỔ
CHỨC CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI

 

1. Bộ Y tế

- Kế hoạch số 387/KH-BCĐTƯATTP ngày 10/3/2020 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020”;

- Công văn số 1145/BCĐTƯATTP ngày 10/3/2019 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW về việc triển khai Tháng hành động năm 2020;

- Công văn số 11148/BCĐTƯATTP ngày 10/3/2019 gửi các Bộ, Ban, ngành về việc triển khai Tháng hành động năm 2020;

- Công văn số 1146/BCĐTƯATTP ngày 10/3/2019 gửi Đài THVN về việc phối hợp tuyên truyền trong Tháng hành động vì ATTP;

- Công văn số 1147/BCĐTƯATTP ngày 10/3/2019 gửi Đài TNVN về việc phối hợp tuyên truyền trong Tháng hành động vì ATTP;

- Công văn số 1361/ATTP-NĐTT ngày 10/6/2020 gửi các cơ quan đầu mối của Bộ, ban, ngành gửi báo cáo Tháng hành động 2020;

- Quyết định 1874/QĐ-BYT ngày 26/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 do Thanh tra Bộ Y tế; Cục An toàn thực phẩm chủ trì kiểm tra tại tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Gia Lai Kon Tum.

2. Bộ Công thương

- Quyết định số 1205/QĐ-BCT ngày 27/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh Long An.

- Quyết định số 1251/QĐ-BCT ngày 04/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 do Vụ Khoa học và công nghệ chủ trì, kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

3. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Quyết định số 1565/QĐ-BNN-QLCL ngày 28/4/ 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, kiểm tra tại Cần Thơ và An Giang;

- Quyết định số 1517/QĐ-BNN-TY ngày 24/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 do Cục Thú Y chủ trì, kiểm tra tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

4. Bộ Công an

- Tại tổng cục Cảnh sát: Cục Cảnh sát Môi trường đã có văn bản chỉ đạo và tổ chức quán triệt tới tất cả các cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị nghiệp vụ để chủ động trong công tác nắm tình hình, phát hiện, phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian diễn ra Tháng hành động; đồng thời, tiến hành theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố thực hiện.

- Tại Công an các tỉnh, thành phố: Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Cục Cảnh sát Môi trường và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, thành phố đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu, phân công cụ thể cho các hệ lực lượng để tổ chức thực hiện các nội dung công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP gắn với chủ đề Tháng hành động, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Giao thông,... phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương xây dựng, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân; tổ chức các Đoàn Kiểm tra liên ngành triển khai nhiều đợt kiểm tra về ATTP, tổ chức đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

5. Bộ Giáo dục và đào tạo

- Công văn số 1499/BGDĐT-GDTC ngày 29/4/2020 chỉ đạo các sở GDĐT, các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường trung cấp sư phạm triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020

- Chỉ đạo đưa Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ năm học tại công văn số 3833/BGDĐT-GDTC ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2019-2020.

- Đăng tải trên website của Bộ Giáo dục và đào tạo nội dung chỉ đạo và thông điệp về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm.


PHỤ LỤC II

Bảng 1. Tổng hợp tình hình triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm của các địa phương

 

Chỉ đạo

Huyện

Tỉnh

Tổng số

Tỷ lệ

%

Tổng số

Tỷ lệ

%

Tổng số

Tỷ lệ

%

Xây dựng Kế hoạch triển khai

9.564

10.725

89,2

697

703

99,15

63

63

100

Tổ chức Lễ phát động/HN triển khai

2186

10.725

20,4

151

703

21,5

13

63

20,6

Có tổ chức Hội nghị tổng kết

1147

10.725

10,7

80

703

11,4

06

63

9,5

 

Bảng 2: Hoạt động Tập huấn, Hội thảo, Nói chuyện chuyên đề về ATTP

 

Tập huấn

Nói chuyện + Hội thảo

2020

2019

2020

2019

Lượng người tham dự

19.449

132.111

85.751

729.308

 

Bảng 3: Số lượng tài liệu truyền thông ATTP tại các địa phương

Tài liệu truyền thông

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Băng rôn, khẩu hiệu (chiếc)

16.782

18.717

23.235

25.024

27.776

22.982

Tranh, áp phích

(tờ)

19.974

28.610

16.535

41.382

54.816

43.192

Tờ rơi, tờ gấp

404.923

465.494

669.958

961.653

1.063.104

928.417

Đĩa hình

24.826

1.908

2.828

6.023

4.778

2.311

Đĩa tiếng

3.249

6.412

9.173

11.677

5.091

5.899

 

Bảng 4. Kết quả thanh tra, kiểm tra

TT

Cấp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra

Kết quả thanh, kiểm tra

Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra

Số cơ sở không đạt

Tỷ lệ không đạt

(%)

1

06/06 đoàn liên ngành TƯ và

63/63 tỉnh, thành phố năm 2020

126.105

16.955

13,44%

2

Kết quả năm 2019

189.129

31.711

16,77%

 

Bảng 5. Tình hình vi phạm và xử lý vi phạm

TT

Tổng hợp tình hình vi phạm

Số lượng

Tỷ lệ % so với số được KT

1

Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra

126.105

 

2

Số cơ sở có vi phạm

16.955

13,44%

3

Số cơ sở vi phạm bị xử lý

1.876

11,06%

Trong đó:

3.1      Hình thức phạt chính

 

Số cơ sở bị phạt tiền

1.876

 

 

Tổng số tiền phạt (đồng)

5.098.588.500

 

3.2      Hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả

*

Số cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm

26

 

 

Số sản phẩm bị đình chỉ lưu hành

 

 

*

Số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm

31

 

 

Tổng số loại sản phẩm bị tiêu hủy

1.452

 

*

Số cơ sở phải khắc phục về nhãn

17

 

 

Chuyển hồ sơ

24

 

3.3

Số cơ sở có vi phạm nhưng không xử lý (chỉ nhắc nhở)

15.055

88,79%

 

Bảng 6. Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong Tháng hành động

 

Loại xét nghiệm

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số mẫu XN

Số mẫu không đạt

Tổng số mẫu XN

Số mẫu không đạt

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

1

Tổng số XN tại

Labo

3.792

746

19,67%

3.353

160

4,77%

1.1

Hóa lý

1.950

424

21,74%

2.214

82

3,7%

1.2

Vi sinh

1.842

322

17,48%

1.139

119

10,44%

2

Xét nghiệm nhanh

69.669

7596

10,9%

38.758

2.433

6,27%

Cộng

73.461

8342

11,35%

42.111

2.593

6,15%

 

Bảng 7: Số vụ, số mắc, số đi viện và tử vong do ngộ độc thực phẩm

Chỉ số

Năm 2019

Năm 2020

So sánh tăng/giảm

(Số lượng/%)

Số vụ

13

19

+06 (46,2%)

Số mắc

261

379

+118 (45,2%)

Số đi viện

253

378

+125 (36,2%)

Số tử vong

3

6

+3 (100%)

Số vụ ≥ 30 người mắc

2

1

-1 (50%)

Vụ < 30 người mắc

11

18

+7 (63,6%)

 

Bảng 8: Cơ sở nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm

Cơ sở nguyên nhân

Năm 2020

Năm 2019

So sánh tăng/giảm

(Số vụ)

Bếp ăn gia đình

15

7

+8

Bếp ăn tập thể

2

2

0

Nhà hàng, khách sạn

1

0

+1

Đám cưới/giỗ

0

3

-3

Thức ăn đường phố

0

1

-1

Bếp ăn trường học

0

0

0

Khác

1

0

+1

Tổng

19

13

+6

 

Bảng 9: Nguyên nhân trong các vụ ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân

Năm 2020

Năm 2019

So sánh tăng/giảm

(Số vụ)

Vi sinh vật

5

4

+1

Hóa chất

0

0

0

Độc tố tự nhiên

11

5

+6

Không xác định

3

4

-1

Tổng

19

13

+6

 

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất