Tranh chấp thừa kế là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến. Một vấn đề được nhiều người quan tâm khi tranh chấp tại toà án là ai phải nộp và mức nộp án phí tranh chấp thừa kế?
1. Ai là người phải nộp án phí tranh chấp thừa kế?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
“a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;
b) Trường hợp đương sự đề nghị chia tài sản chung, chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ tài sản chung, di sản thừa kế đó thì:
Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án.
Người thứ ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu nhưng yêu cầu đó được Tòa án chấp nhận thì không phải chịu án phí đối với phần tài sản được nhận.
Người thứ ba có yêu cầu độc lập nhưng yêu cầu đó không được Tòa án chấp nhận phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.”
Như vậy, các đương sự có nghĩa vụ nộp án phí trong tranh chấp thừa kế như sau:
Mỗi bên đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với phần được hưởng: khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản hoăc mỗi người xác định phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết .
Không phải chịu án phí với phần yêu cầu bị Tòa bác: khi Tòa án xác định di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ.
Chịu án phí sơ thẩm không có giá ngạch: khi Tòa xác định tài sản yêu cầu chia không phải của đương sự.
Trường hợp đương sự đề nghị chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ di sản thừa kế đó thì người nộp án phí được quy định như sau:
Người thứ ba không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu và được chấp nhận → người thứ ba không phải chịu án phí.
Người thứ ba có yêu cầu độc lập nhưng bị bác → phải chịu án phí dân sự có giá ngạch theo phần yêu cầu bị bác.
Đối với tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba → các đương sự phải chịu án phí chia đều phần đó.
Ngoài ra, người khởi kiện ban đầu vẫn phải tạm ứng án phí, được hoàn lại sau nếu thắng kiện.
2. Mức án phí trong tranh chấp thừa kế được tính như thế nào?
Án phí dân sự trong tranh chấp thừa kế là án phí dân sự có giá ngạch, được tính theo giá trị phần tài sản có tranh chấp. Mức án phí hiện nay được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, cụ thể:
Giá trị tài sản tranh chấp | Mức án phí sơ thẩm |
Đến 6 triệu đồng | 300.000 đồng |
Trên 6 - 400 triệu đồng | 5% của giá trị tài sản tranh chấp |
Trên 400 triệu - 800 triệu | 20 triệu + 4% phần vượt 400 triệu |
Trên 800 triệu - 2 tỷ | 36 triệu + 3% phần vượt 800 triệu |
Trên 2 tỷ - 4 tỷ | 72 triệu + 2% phần vượt 2 tỷ |
Trên 4 tỷ đồng | 112 triệu + 0,1% phần vượt 4 tỷ (tối đa không quá 200 triệu đồng) |
Ví dụ: Nếu tranh chấp di sản có giá trị 1 tỷ đồng, án phí phải nộp là:
36 triệu + (200 triệu x 3%) = 36 triệu + 6 triệu = 42 triệu đồng.
3. Các trường hợp được miễn, giảm án phí thừa kế
Pháp luật hiện hành cũng có những quy định về miễn, giảm án phí để bảo vệ người yếu thế, theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
- Được miễn án phí nếu là người thuộc diện hộ nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.
- Có thể được giảm án phí nếu thuộc diện khó khăn về kinh tế nhưng không nằm trong nhóm miễn nêu trên. Cần làm đơn xin giảm và có giấy tờ chứng minh thu nhập, hoàn cảnh.
Trên đây là giải đáp về Án phí tranh chấp thừa kế: Ai phải nộp? Mức nộp như thế nào?