Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6381:2015 ISO 3297:2007 Thông tin và tư liệu-Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN)
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6381:2015
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6381:2015 ISO 3297:2007 Thông tin và tư liệu-Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN)
Số hiệu: | TCVN 6381:2015 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thông tin-Truyền thông |
Năm ban hành: | 2015 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 6381:2015
ISO 3297:2007
THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - MÃ SỐ TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ CHO XUẤT BẢN PHẨM NHIỀU KỲ (ISSN)
Information and documentation - International standard serial numbering (ISSN)
Lời nói đầu
TCVN 6381:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 3297:2007.
TCVN 6381:2015 thay thế cho TCVN 6381:2007.
TCVN 6381:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 46 Thông tin và tư liệu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - MÃ SỐ TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ CHO XUẤT BẢN PHẨM NHIỀU KỲ (ISSN)
Information and documentation - International standard serial numbering (ISSN)
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này xác định và khuyến khích việc sử dụng mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN) để xác định một cách đơn nhất các xuất bản phẩm nhiều kỳ và các nguồn tin tiếp tục khác.
Mỗi mã số ISSN là ký hiệu nhận dạng đơn nhất cho một xuất bản phẩm nhiều kỳ cụ thể hoặc một nguồn tin tiếp tục khác trên một vật mang tin xác định. Tiêu chuẩn này cũng mô tả cơ chế, ISSN liên kết (ISSN-L) cho phép sắp xếp hoặc liên kết giữa các phiên bản trên các vật mang tin khác nhau của cùng một nguồn tin tiếp tục.
Có thể áp dụng mã ISSN cho tất cả các loại xuất bản phẩm nhiều kỳ và các nguồn tin tiếp tục khác, bất kể xuất bản phẩm đó là trong quá khứ, hiện tại hay sẽ được xuất bản trong tương lai gần, không tính đến cả phương tiện xuất bản hoặc sản xuất.
Tiêu chuẩn này không quy định cụ thể cho các tài liệu chuyên khảo, các tài liệu ghi âm và ghi hình, các ấn phẩm âm nhạc in, các tác phẩm nghe nhìn và tác phẩm âm nhạc có hệ thống đánh chỉ số riêng. Các tài liệu đó có thể áp dụng mã số ISSN để bổ sung cho các chỉ số tiêu chuẩn riêng của chúng khi chúng là một phần của một nguồn tin tiếp tục.
Xem Tài liệu hướng dẫn sử dụng ISSN do Cơ quan đăng ký tiêu chuẩn này cung cấp để có Hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây.
2.1. Nguồn tin tiếp tục (continuing resource)
Xuất bản phẩm, ở bất kỳ vật mang tin nào, được xuất bản theo thời gian với kết thúc không xác định trước và sẵn sàng cung cấp cho công chúng.
CHÚ THÍCH 1: Một xuất bản phẩm như vậy thường được ra thành các số kế tiếp hoặc gộp lại và thường có các dấu định danh thời gian và/hoặc số.
CHÚ THÍCH 2: Các nguồn tin tiếp tục bao gồm xuất bản phẩm nhiều kỳ như báo, xuất bản phẩm định kỳ, tạp chí khoa học, tạp chí... và các nguồn tin tích hợp tiếp tục như các xuất bản phẩm tờ rời được cập nhật liên tục và các trang web được cập nhật liên tục.
CHÚ THÍCH 3: Thuật ngữ resource continue là nguồn tin tiếp tục.
2.2. Xuất bản phẩm nhiều kỳ (serial)
Nguồn tin tiếp tục được xuất bản thành một loạt các số hoặc phần riêng biệt kế tiếp, thường được đánh số, biết trước khi nào mới kết thúc.
VÍ DỤ: Tạp chí khoa học, tạp chí, tạp chí điện tử, danh bạ tiếp tục, báo cáo thường niên, báo, tùng thư chuyên khảo và cũng có những tạp chí, báo, bản tin có thời hạn nếu không thì có tất cả các đặc điểm của xuất bản phẩm nhiều kỳ (như bản tin về một sự kiện).
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ publication en série là xuất bản phẩm nhiều kỳ.
2.3. Nguồn tin tích hợp tiếp tục (ongoing intergrating resource)
Nguồn tin tiếp tục được bổ sung cho hoặc thay đổi bằng cách cập nhật mà không còn riêng biệt và được tích hợp vào tổng thể.
VÍ DỤ: Các CSDL, trang web hoặc các tờ rời được cập nhật theo thời gian không định trước thời hạn kết thúc.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ resource intégratrice permanente là nguồn tin tích hợp tiếp tục
2.4. ISSN
Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (International standard serial number)
Dãy số gồm tám chữ số kể cả chữ số kiểm tra và được đặt sau tiền tố ISSN, do Mạng ISSN cấp cho một xuất bản phẩm nhiều kỳ.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ ISSN, Numéro international normalisé des publication en série là ISSN, Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ.
2.5. Mạng lưới ISSN (ISSN network)
Tổ chức bao gồm Trung tâm ISSN quốc tế và các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực với mục đich quản lý việc gán chỉ số ISSN.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ Réseau de l’ISSN là Mạng lưới ISSN.
2.6. Nhan đề khóa (key title)
Tên đơn nhất cho một nguồn tin tiếp tục do mạng lưới ISSN cấp và gắn liền với số ISSN của nó.
CHÚ THÍCH 1: Nhan đề khóa có thể giống hệt nhan đề nguồn tin, hoặc để đạt tính đơn nhất, nó có thể được cấu tạo bằng cách bổ sung các yếu tố làm rõ hoặc nhận dạng như tên cơ quan xuất bản, nơi xuất bản, thông tin về lần xuất bản...
CHÚ THÍCH 2: Thuật ngữ titre clé là Nhan đề khóa
2.7. Siêu dữ liệu ISSN (ISSN metadata)
Dữ liệu mô tả được ghi lại như một phần của quá trình gán số ISSN cung cấp các yếu tố cho phép nhận dạng nguồn tin này và phân biệt nó với các nguồn tin khác.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ métadonnées de l'ISSN là siêu dữ liệu ISSN.
2.8. Danh bạ đăng ký ISSN (ISSN register)
CSDL đăng ký chính thức của mạng lưới ISSN chứa các biểu ghi siêu dữ liệu về ISSN được gán cho các nguồn tin tiếp tục.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ Registre de l'ISSN là Danh bạ đăng ký ISSN.
2.9. ISSN-L
Liên kết ISSN (Linking ISSN)
ISSN được gán bởi mạng lưới ISSN cho phép tập hợp hoặc liên kết giữa các phiên bản trên các vật mang tin khác nhau của cùng một nguồn tin tiếp tục.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ ISSN de liaison là liên kết ISSN.
3. Cấu trúc của mã số ISSN
Mã số ISSN bao gồm tám chữ số là các số Ảrập từ 0 đến 9, trừ số cuối cùng (vị trí cuối cùng, đầu tiên bên phải) có thể sử dụng chữ X viết hoa. Chữ số cuối cùng là số kiểm tra. Số kiểm tra cần được tính trên cơ sở môđun 11 với trọng số từ 8 đến 2, dùng X thay thế cho 10 khi số kiểm tra bằng 10. Để biết thêm chi tiết xem Phụ lục A.
Vì số ISSN thường giống như các mã dùng cho các mục đích khác, chẳng hạn mã số Sách chuẩn quốc tế (ISBN) hoặc các số kiểm soát vị trí, nên cần có dấu hiệu đặc biệt khi trình bày chúng dưới dạng viết hoặc in. Do đó, số ISSN phải đặt sau tiền tố ISSN và một khoảng cách, và được hiển thị thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm bốn số, được phân cách bằng một dấu gạch ngang.
VÍ DỤ: ISSN 0251-1479
ISSN 1050-124X
4. Gán số ISSN
4.1. Số ISSN chỉ được cấp bởi một trung tâm thuộc mạng lưới ISSN.
4.2. Siêu dữ liệu cần thiết về nguồn tin tiếp tục được cấp ISSN cần được trung tâm thuộc Mạng lưới quốc tế đăng ký nguồn tin tiếp tục này thu thập và gửi tới Danh bạ đăng ký ISSN trong khoảng thời gian được Trung tâm quốc tế ISSN quy định. Để biết thêm chi tiết xem Phụ lục B.
4.3. Mỗi nguồn tin tiếp tục riêng biệt trên một vật mang tin cụ thể như xác định trong Tài liệu hướng dẫn ISSN cần được cấp một mã số ISSN duy nhất.
4.4. Mỗi mã số ISSN phải được liên kết cố định với nhan đề khóa được thiết lập bởi Mạng lưới ISSN tại thời điểm đăng ký.
4.5. Khi một nguồn tin tiếp tục được xuất bản dưới hình thức vật mang tin khác, với cùng nhan đề hay không, mã số ISSN và các nhan đề khóa khác cần được gán cho các phiên bản khác nhau này.
4.6. Trong các trường hợp khi nguồn tin tiếp tục có những thay đổi lớn trong nhan đề hoặc những thay đổi khác như được xác định trong Tài liệu hướng dẫn ISSN, cần phải cấp một mã số ISSN mới và thiết lập nhan đề khóa mới tương ứng.
4.7. Khi một mã số ISSN đã được gán cho một nguồn tin tiếp tục, nó sẽ không được thay đổi, sửa đổi hoặc sử dụng lại cho một xuất bản phẩm khác.
4.8. Việc gán mã số ISSN cho một nguồn tin tiếp tục không bao hàm bất kỳ ý nghĩa hay bằng chứng pháp lý nào về quyền sở hữu với xuất bản phẩm này hoặc các nội dung của nó.
5. Thiết lập nhan đề khóa
Nhan đề khóa do Trung tâm ISSN có trách nhiệm đăng ký xuất bản phẩm nhiều kỳ lập ra hoặc xác nhận, phù hợp với quy tắc ghi trong Tài liệu hướng dẫn ISSN.
Nhan đề khóa xuất phát từ thông tin xuất hiện tại thời điểm đăng ký trên trang nhan đề của nguồn tin có trang nhan đề hoặc trang tương tự trang nhan đề, hoặc từ thông tin đầy đủ nhất được trình bày chính thức trên các nguồn không có trang nhan đề. Nhan đề của nguồn tin trở thành nhan đề khóa nếu nhan đề này là duy nhất trong Danh bạ đăng ký ISSN tại thời điểm đăng ký. Nếu nhan đề này không đơn nhất, nhan đề khóa là nhan đề của nguồn tin được bổ sung thông tin làm rõ (như tên cơ quan phát hành, địa điểm và/hoặc thời gian xuất bản, thông tin về lần xuất bản hoặc thông tin về vật mang tin) làm cho nhan đề khóa được thiết lập thành đơn nhất.
Tất cả các nhan đề khóa đều được liệt kê trong Danh bạ đăng ký mã số ISSN cùng với mã số ISSN của chúng. Các nhan đề khóa không phải là chữ Latinh phải được Latinh hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO, hoặc theo các tiêu chuẩn quốc gia trong trường hợp không có tiêu chuẩn quốc tế ISO.
6. Mã số ISSN liên kết (ISSN-L)
Để đảm bảo việc sử dụng ISSN trong các trường hợp khi tìm hoặc liên kết với một nguồn tin tiếp tục mà không cần quan tâm đến vật mang tin, Mạng lưới ISSN chỉ định một ISSN liên kết.
Mã số ISSN liên kết cần được chỉ định trong số ISSN được gán cho các phiên bản vật mang tin khác nhau của một nguồn tin tiếp tục. Các đặc điểm cụ thể của liên kết ISSN được nêu trong Phụ lục C.
7. In và hiển thị mã số ISSN
7.1. Giới thiệu chung
Mã số ISSN phải được trình bày thành 2 nhóm bốn chữ số phân cách nhau bởi dấu vạch ngang và phải luôn luôn đứng sau tiền tố ISSN và một khoảng cách. (xem điều 3).
Mã số ISSN phải được in ở vị trí nổi bật trên hoặc trong số đầu tiên và trên hoặc trong mỗi số tiếp theo của xuất bản phẩm nhiều kỳ; hoặc trên hoặc trong mỗi lần lặp lại của nguồn tin tích hợp tiếp tục.
Nếu một nguồn tin mang một mã số ISSN cũng như mã số chuẩn khác, ví dụ mã số ISBN cho 1 tập của một tùng thư, hai mã số này phải cùng xuất hiện và mỗi mã số phải được phân biệt bởi tiền tố riêng của chúng: “ISSN” và “ISBN” hoặc tiền tố thích hợp khác.
Khi một nguồn tin tiếp tục đơn lẻ có từ 2 mã số ISSN trong mối quan hệ với các nhan đề nguồn tin tiếp tục khác, ví dụ các nhan đề của tùng thư chính và các tùng thư phụ của nó, mỗi mã số ISSN phải xuất hiện trên nguồn tin tiếp tục này và mỗi mã số phải được phân biệt bằng cách thêm nhan đề viết tắt hoặc đầy đủ trong ngoặc đơn sau chỉ số thích hợp, hoặc bằng cách in mỗi ISSN càng gần nhan đề có liên quan càng tốt.
Khi mỗi nguồn tin tiếp tục chứa các nguồn tin tiếp tục khác ví dụ phần lồng thêm (phần chèn) có một trang nhan đề riêng, mã số ISSN cho phần bổ sung sẽ được in trên trang nhan đề của nó, hoặc ở một vị trí thích hợp khác trên phần lồng thêm này.
Khi xuất bản phẩm nhiều kỳ hoặc các nguồn tin tiếp tục xuất bản trên các vật mang khác nhau được gán các mã số ISSN và nhan đề khóa khác nhau, mã số ISSN liên quan cũng có thể được hiển thị trên hoặc trong xuất bản phẩm nhiều kỳ hoặc trên các nguồn tin tiếp tục khác, mỗi ISSN có thông tin phân biệt bổ sung.
VÍ DỤ
ISSN 1502-6865 (trực tuyến)
ISSN 1063-7710 (In)
Hoặc
Phiên bản trực tuyến ISSN 1502-6865
Phiên bản in ISSN 1063-7710
CHÚ THÍCH: Về việc in và hiển thị ISSN-L, xem Phụ lục C.
7.2. Hiển thị ISSN trên các nguồn tin tiếp tục dạng in
Mã số ISSN phải được in ở vị trí nổi bật, dễ thấy trên mỗi số được in của nguồn tin tiếp tục theo trật tự ưu tiên như sau: bìa trước, trang nhan đề, đầu đề, cột nhan đề của một tờ báo, bìa sau hoặc phần ghi cuối sách hoặc các trang thông tin tòa soạn.
Mã số ISSN, khi có thể, phải được in ở góc phía trên bên phải của bìa trước. Trong trường hợp xuất bản phẩm đóng lộn đầu tête-bêche (có nghĩa là khi hai nguồn tin, mỗi nguồn có mã số ISSN riêng, được đóng chung và ngược nhau), phải in mã số ISSN liên quan đến mỗi nguồn ở vị trí ưu tiên (bìa,... như nêu trên) trên mỗi nguồn.
7.3. Hiển thị ISSN trên các nguồn tin tiếp tục điện tử và dạng phi giấy
Trên một nguồn tin tiếp tục được xuất bản dưới dạng điện tử (VÍ DỤ: nguồn tin tiếp tục trực tuyến hoặc CD-ROM), mã số ISSN phải xuất hiện trên màn hình nhan đề, hoặc trên menu chính nếu không có màn hình nhan đề, và trên bất kỳ nhãn nào gắn liền thường xuyên với xuất bản phẩm, nếu áp dụng. Nếu không thể hiển thị mã số ISSN trên tài liệu hoặc nhãn của nó, phải hiển thị mã số ISSN trên vật đựng nó.
Với các nguồn tin tiếp tục trực tuyến sử dụng bộ yếu tố siêu dữ liệu nhúng, mã số ISSN phải bao gồm chỉ dấu nhận dạng hoặc yếu tố tương đương của siêu dữ liệu này.
Trên một nguồn tin tiếp tục được xuất bản dưới dạng vi phiếu, mã số ISSN cần được nhập vào vùng xác định tiêu đề của vi phiếu và/hoặc các nhãn.
8. Siêu dữ liệu
8.1. Siêu dữ liệu ISSN
Các biểu ghi trong Danh bạ đăng ký ISSN chứa một tập cốt lõi chung các siêu dữ liệu mô tả được duy trì bởi các trung tâm ISSN. (Xem Phụ lục B).
Danh sách các yếu tố siêu dữ liệu tăng lên với các yếu tố bổ sung nếu cần cho các mục đích quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.
8.2. Siêu dữ liệu yêu cầu để gán ISSN
Siêu dữ liệu được yêu cầu, ngoài các bản hoặc để truy cập nguồn tin tiếp tục, để cấp ISSN (Xem Phụ lục B).
9. Bản quyền
Không có bản quyền trong việc cấp mã số ISSN hoặc trong việc sử dụng chúng kết hợp với, hoặc thay thế cho các xuất bản phẩm mà chúng thể hiện.
10. Phí
Mã số ISSN được cấp miễn phí.
11. Quản trị hệ thống ISSN
Cơ quan đăng ký tiêu chuẩn này phải là trung tâm quốc tế ISSN1. Mạng lưới mã số ISSN phải được giám sát, phối hợp và quản trị bởi Trung tâm quốc tế ISSN.
Các nhiệm vụ chính của Trung tâm ISSN quốc tế và các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực được nêu trong Phụ lục D.
PHỤ LỤC A
(quy định)
Chữ số kiểm tra cho ISSN
Số kiểm tra giúp tránh khỏi sai lỗi do việc sao chép dữ liệu không chính xác. Số kiểm tra đặc biệt có hiệu quả trong việc tìm ra các lỗi do hoán vị. Số kiểm tra dùng trong mã số ISSN được tính dựa trên cơ sở Modun 11 với trọng số 8 đến 2, như được nêu trong Bảng A.1
Bảng A.1 - Các bước tính số kiểm tra của ISSN
Các bước | Ví dụ | |||||
1 | Lấy bảy chữ số đầu tiên của mã số ISSN (số kiểm tra sẽ là chữ số thứ tám và là chữ số cuối cùng) | 0 3 1 7 8 4 7 | ||||
2 | Liên kết các trọng số bất biến (8 đến 2) với mỗi chữ số | 8 7 6 5 4 3 2 | ||||
3 | Nhân từng chữ số với trọng số liên đới của nó (VÍ DỤ: 0 x 8; 3 x 7; 1 x 6 ...) |
| ||||
4 | Tính tổng các tích này | 0 + 21 + 6 + 35 + 32 + 12 + 14 = 120 | ||||
5 | Chia tổng này cho modun 11 để tìm số dư | 120 ÷ 11 = 10 và dư 10 | ||||
6 | Lấy 11 trừ số dư để tạo số kiểm tra yêu cầu. Nếu số kiểm tra là 10, tạo số kiểm tra là X. Nếu không có số dư, tạo số kiểm tra là 0 (zero). | 11 - 10 = 1 | ||||
7 | Viết thêm số kiểm tra tính được vào để tạo ra mã số ISSN gồm tám chữ số. | 0317-8471 |
PHỤ LỤC B
(quy định)
Siêu dữ liệu
B.1. Giới thiệu chung
B.1.1. Các trung tâm ISSN phải cung cấp Danh bạ đăng ký ISSN cùng với siêu dữ liệu về nguồn tin đã cấp ISSN. Siêu dữ liệu liên quan đến việc cấp ISSN cần được duy trì bởi trung tâm ISSN.
B.1.2. Các đặc điểm liên quan đến loại và định dạng của siêu dữ liệu này phải được xây dựng bởi Trung tâm quốc tế ISSN có sự hợp tác với các trung tâm ISSN riêng lẻ và phải được xuất bản trong Tài liệu hướng dẫn ISSN.
B.2. Siêu dữ liệu yêu cầu để cấp ISSN
Việc cấp và đăng ký ISSN trước hết dựa trên số đầu tiên hoặc số sớm nhất của xuất bản phẩm tiếp tục hoặc trên số hiện nay của các nguồn tin tích hợp tiếp tục. Các bản sao hoặc tài liệu thay thế của các nguồn tin này được yêu cầu để cấp mã số ISSN ngoài các siêu dữ liệu được nêu ở Bảng B.1
Bảng B.1 - Siêu dữ liệu người yêu cầu phải cung cấp
Yếu tố dữ liệu |
Nhan đề |
Nước xuất bản |
Phương tiện xuất bản |
Ngôn ngữ xuất bản |
Tên và địa điểm của nhà xuất bản |
Năm xuất bản (Năm của số đầu tiên, và năm của số cuối cùng nếu có) |
Tình trạng xuất bản (ví dụ đang xuất bản, đình bản, không biết) |
Định kỳ |
Các yếu tố sau đây cần cung cấp nếu có thể áp dụng và sẵn có:
Địa chỉ điện tử và truy cập (ví dụ, URL với nguồn tin trực tuyến) |
Nhan đề dạng vật lý bổ sung hoặc ISSN |
Nhan đề hoặc ISSN trước |
Nhan đề hoặc ISSN sau |
Nhan đề hoặc ISSN mẹ bổ sung |
Nhan đề hoặc ISSN của số đặc biệt/phụ trương |
Nhan đề hoặc ISSN của tùng thư chính |
Nhan đề hoặc ISSN của tùng thư con |
Nhan đề hoặc ISSN của tài liệu có quan hệ liên quan |
Nhan đề hoặc ISSN của lần xuất bản khác |
Hình thức nhan đề thay đổi |
B.3. Siêu dữ liệu ISSN
Siêu dữ liệu ISSN, được thiết lập và duy trì bởi Trung tâm quốc tế ISSN và các trung tâm ISSN khu vực hoặc quốc gia, sẽ bao gồm các yếu tố áp dụng nêu trong Bảng B.2. Việc định nghĩa và áp dụng các yếu tố dữ liệu này (tùy chọn và bắt buộc) được mô tả trong Tài liệu hướng dẫn ISSN.
Bảng B.2 - Siêu dữ liệu được thiết lập và duy trì bởi các trung tâm ISSN
Yếu tố dữ liệu |
ISSN |
ISSN-L |
Nhan đề khóa |
Nước xuất bản |
Phương tiện xuất bản |
Ngôn ngữ xuất bản |
Tên và địa điểm của nhà xuất bản |
Mã trung tâm ISSN |
Năm xuất bản (Năm đầu tiên, và năm cuối cùng nếu có) |
Phân loại |
Nhan đề chính |
Tên cơ quan xuất bản |
Địa chỉ điện tử và truy cập |
Nhan đề và ISSN dạng vật lý bổ sung |
Nhan đề và ISSN trước |
Nhan đề và ISSN sau |
Nhan đề và ISSN mẹ bổ sung |
Nhan đề và ISSN của số đặc biệt/phụ trương |
Nhan đề và ISSN của tùng thư chính |
Nhan đề và ISSN của tùng thư con |
Nhan đề và ISSN của mối quan hệ liên quan |
Nhan đề và ISSN của lần xuất bản khác |
Tiêu đề ngôn ngữ gốc và ISSN |
Nhan đề khóa viết tắt |
Hình thức nhan đề khác |
Tình trạng xuất bản (ví dụ đang xuất bản, đình bản, không biết) |
Định kỳ |
Dạng nguồn tin tiếp tục |
Định đanh tài liệu cụ thể |
Chữ viết nhan đề gốc |
Mã Coden và các mã khác |
Trích dẫn và phụ chú tham chiếu |
PHỤ LỤC C
(quy định)
ISSN liên kết (ISSN-L)
C.1. Mã số ISSN liên kết phải được cấp bởi duy nhất một trung tâm của mạng lưới ISSN
C.2. Mã số ISSN đầu tiên được cấp, trong Danh bạ đăng ký ISSN, cho bất kỳ phiên bản vật mang tin nào của một nguồn tin tiếp tục cần phải được cấp theo mặc định để hoạt động cũng như ISSN liên kết phải áp dụng cho tất cả các phiên bản vật mang tin khác nhau của nguồn tin này được xác định trong Danh bạ đăng ký ISSN.
C.3. Mã số ISSN liên kết phải được bao gồm như là một yếu tố dữ liệu riêng biệt trên mỗi biểu ghi siêu dữ liệu liên quan với nó trong Danh bạ đăng ký ISSN. Vì vậy, mỗi biểu ghi siêu dữ liệu trong Danh bạ đăng ký ISSN sẽ chứa ISSN riêng cho vật mang cấp cho nguồn tin được mô tả trong biểu ghi và ISSN liên kết được gán như các yếu tố dữ liệu riêng biệt.
C.4. Mã số ISSN liên kết cần được cấp cho mỗi nguồn tin tiếp tục được xác định trong Danh bạ đăng ký ISSN, thậm chí ngay cả khi nguồn tin tiếp tục này chỉ tồn tại trên một vật mang tin.
C.5. Chỉ phải gán một mã số ISSN liên kết dù có bao nhiêu phiên bản trên các vật mang tin khác nhau của một nguồn tin tiếp tục tồn tại.
C.6. Khi một nguồn tin tiếp tục đã được cấp mã số ISSN có sự thay đổi lớn và do đó được cấp mã số ISSN mới (những thay đổi lớn về nhan đề và các thay đổi lớn khác như được định nghĩa trong Tài liệu hướng dẫn ISSN), mã số ISSN liên kết thích hợp phải được cấp và ghi lại trong biểu ghi siêu dữ liệu mới được tạo ra cùng với việc cấp mã số ISSN mới.
C.7. Khi được in hoặc hiển thị bằng các cách khác trong đơn xin cấp liên quan đến việc sắp xếp tất cả các phiên bản trên các phương tiện xuất bản khác nhau của một nguồn tin tiếp tục, ISSN liên kết phải được phân biệt rõ ràng như bằng cách sử dụng nhãn ISSN-L. Trong các trường hợp này, nhãn ISSN-L phải viết bằng chữ in và một khoảng cách đứng trước 8 chữ số của ISSN liên kết.
Ví DỤ
ISSN-L 0251-1479
C.8. Mã số ISSN liên kết cần được sử dụng như một thành phần trong các định danh và cơ chế toàn cầu khác (Xem ví dụ trong Phụ lục E). Trong các trường hợp như vậy, các yêu cầu cú pháp đặc biệt có thể áp dụng để hiển thị mã số ISSN liên kết trong các định danh và cơ chế khác này.
PHỤ LỤC D
(quy định)
Vai trò và trách nhiệm của các Trung tâm ISSN
D.1. Giới thiệu chung
Cơ quan đăng ký tiêu chuẩn này phải là Trung tâm Quốc tế ISSN2.
Hệ thống ISSN phải bao gồm các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực được hợp thành Trung tâm quốc tế ISSN. Các trung tâm ISSN quốc gia, khu vực và quốc tế được gọi chung là Mạng lưới ISSN và phải hoạt động tuân thủ các quy định nếu ở Điều D.2 và D.3.
D.2. Trung tâm quốc tế ISSN
Trung tâm quốc tế ISSN phải thực hiện các chức năng và dịch vụ sau đây:
a) Xây dựng các thỏa ước quản lý việc thành lập và hoạt động của các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực với các thể chế của các cơ quan đó, và hủy bỏ các thỏa ước này nếu cần thiết;
b) Phân bổ các nhóm ISSN cho các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực;
c) Duy trì và cung cấp một Danh bạ đăng ký trung tâm tất cả các lần cấp ISSN một cách kịp thời;
d) Cấp và đăng ký ISSN, theo yêu cầu, cho các xuất bản phẩm nhiều kỳ và các nguồn tin tiếp tục khác được xuất bản bởi các tổ chức quốc tế hoặc trong các nước không có trung tâm ISSN quốc gia và khu vực tồn tại;
e) Thiết lập và duy trì các quy định, tiêu chuẩn, chính sách và thủ tục chung cho mạng lưới ISSN có sự hợp tác chặt chẽ với các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực;
f) Cấp và cung cấp mã số ISSN liên kết (ISSN-L) khi cần thiết;
g) Phối hợp, giám sát, thúc đẩy các chính sách và hoạt động của Mạng lưới ISSN theo quy định của tiêu chuẩn này;
h) Xem xét và quyết định các khiếu nại quyết định của các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực trong các vấn đề sau:
1) Từ chối đơn xin cấp ISSN;
2) Tranh chấp liên quan đến tính thích hợp của việc cấp mã số ISSN cho các xuất bản phẩm.
i) Tham gia vào việc đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khác cho các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực khi có yêu cầu;
j) Phát triển, duy trì và cung cấp tư liệu cho các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực và cho người sử dụng hệ thống ISSN;
k) Phát triển, duy trì và cung cấp tài liệu quảng cáo và công cụ truyền thông cho các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực và cho người sử dụng hệ thống ISSN;
l) Đảm bảo sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa mạng lưới ISSN và các tổ chức khác trong các lĩnh vực liên quan, và đại diện cho quyền lợi của mạng lưới ISSN với các tổ chức liên quan khác.
D.3. Các trung tâm ISSN quốc gia và/hoặc khu vực
Các trung tâm ISSN quốc gia và/hoặc khu vực phải thực hiện các chức năng và dịch vụ sau đây:
a) Thực hiện trách nhiệm duy nhất là cấp mã số ISSN và đăng ký các xuất bản phẩm liên quan và các nguồn tin tiếp tục khác được xuất bản ở nước mình;
b) Cung cấp các dịch vụ ISSN cho các nhà xuất bản và những người sử dụng khác theo yêu cầu một cách kịp thời;
c) Xây dựng và duy trì Danh bạ đăng ký quốc gia các siêu dữ liệu liên quan đến việc gán mã số ISSN trong phạm vi hoạt động của mình;
d) Cung cấp siêu dữ liệu cho mỗi mã số ISSN được cấp của mạng lưới ISSN một cách kịp thời và chính xác và tuân thủ các quy định của Trung tâm quốc tế ISSN;
e) Hợp tác với Trung tâm quốc tế ISSN và với các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực trong việc đăng ký xuất bản phẩm nhiều kỳ và các nguồn tin tiếp tục khác;
f) Hợp tác với Trung tâm quốc tế ISSN và với các trung tâm ISSN quốc gia và khu vực trong việc cấp mã số ISSN liên kết (ISSN-L);
g) Tôn trọng các chính sách và thủ tục do Trung tâm quốc tế ISSN xây dựng theo các quy định của tiêu chuẩn này;
h) Thực hiện các chức năng phù hợp với chính sách hoạt động của mạng lưới ISSN theo các quy định của tiêu chuẩn này;
i) Liên lạc với các nhà xuất bản và người sử dụng về tất cả các vấn đề liên quan đến ISSN;
j) Thúc đẩy hệ thống ISSN và việc sử dụng ISSN;
k) Hợp tác trong việc phát triển liên tục hệ thống ISSN và các thủ tục, dạng thức và tiêu chuẩn của nó bằng việc tham gia tích cực vào mạng lưới ISSN.
PHỤ LỤC E
(tham khảo)
Việc sử dụng mã số ISSN và ISSN liên kết (ISSN-L) với các hệ thống liên kết và nhận dạng khác
E.1. Giới thiệu chung
Các mã DOI®3, open URL, URN và mã vạch EAN là những ví dụ về các hệ thống sẽ sử dụng mã số ISSN và ISSN-L. Thông tin sau đây cung cấp để minh họa tính liên tác của hệ thống ISSN với các hệ thống này để thuận tiện cho người dùng tiêu chuẩn quốc tế này. Danh sách các ví dụ nêu ra không đầy đủ. ISO không thừa nhận bất kỳ hệ thống nào được nêu tên và phụ lục này không cung cấp thông tin đầy đủ và chính thức về các hệ thống này. Các tổ chức quản lý và tài liệu liên quan cần phải được tham khảo để có thông tin thêm về các mã DOI®, open URL, URN và mã vạch EAN.
Các tiêu chuẩn định danh và các sơ đồ URI mới, như INFO URI, sẽ tiếp tục xuất hiện và thông tin cập nhật như về việc sử dụng ISSN và ISSN-L trong các hệ thống như vậy được duy trì và cung cấp trên website của Trung tâm quốc tế ISSN tại địa chỉ http://www.issn.org/.
Mã số ISSN và ISSN-L có thể được kết hợp vào các hệ thống liên kết và nhận dạng khác, bao gồm, nhưng không hạn chế, các hệ thống được liệt kê trong các điều từ E.2 đến E.6. Việc sử dụng ISSN trong các hệ thống này cần phải cho mục đích nhận dạng hoặc liên kết với các phiên bản vật mang tin cụ thể của một nguồn tin tiếp tục, ví dụ, phiên bản in, phiên bản trực tuyến, phiên bản CD-ROM, như được minh họa dưới đây. Trong các trường hợp việc nhận dạng và liên kết với một nguồn tin tiếp tục được yêu cầu mà không quan tâm đến vật mang tin (như trong giải pháp Open URL khi các tệp kết quả có thể bao gồm các liên kết đến toàn văn trực tuyến hoặc địa chỉ của tài liệu in qua mục lục của một thư viện), cần sử dụng mã số ISSN-L.
E.2. DOI
E.2.1. Tổng quan
Ký hiệu nhận dạng đối tượng số (DOI) là hệ thống có mục đích nhận dạng các đối tượng trong môi trường số. DOI là tên cố định, duy nhất được gán cho bất kỳ thực thể nào để sử dụng trong các mạng lưới số. DOI được sử dụng để cung cấp thông tin hiện tại, bao gồm cả nơi các thực thể có thể được tìm thấy trên internet. DOI vừa là ký hiệu nhận dạng cố định vừa là liên kết có thể thao tác. Tổ chức DOI quốc tế không có khuyến nghị nào như dạng thức của hậu tố ngoài việc nó phải tuân thủ đúng cú pháp. Có thể xem thông tin chi tiết hơn tại địa chỉ http://www.doi.org.
E.2.2. DOI và ISSN
E.2.2.1. Cú pháp và ví dụ
Cú pháp DOI được định nghĩa trong NISO Z39.84-2005. Bất kỳ chuỗi ký tự của ký hiệu nhận dạng nào có thể biểu đạt dưới hình thức phù hợp để sử dụng trong hệ thống DOI. DOI bao gồm tiền tố và hậu tố:
- Tiền tố DOI được Cơ quan đăng ký DOI cấp cho một tổ chức;
- Hậu tố cho một DOI được tạo ra bởi tổ chức ký thác DOI cho một nội dung tài liệu trong hệ thống DOI.
Thông tin liên quan như để xác định DOI được bao gồm trong siêu dữ liệu kèm theo DOI.
ISSN có thể là hậu tố DOI để định danh các thể hiện của các nguồn tin tiếp tục (VÍ DỤ, bản in của một tạp chí). Cũng nên ghi nhớ rằng một ISSN có thể là hậu tố DOI để định danh một nguồn tin tiếp tục không phân biệt các phiên bản vật mang tin, xem E.2.3.
ISSN có thể kết hợp vào DOI theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, DOI có thể bao gồm ISSN dưới các hình thức như trong ví dụ sau đây.
Ví DỤ: Doi: 10.1087/0953151054636219
Learning publishing = ISSN 0953-1513
Để xây dựng một hậu tố DOI bằng cách sử dụng ISSN, đặt trước ISSN (gồm cả dấu gạch ngang) cụm từ “issn” viết thường và một dấu chấm, như trong ví dụ giả định nêu dưới đây là DOI cho bản in của tạp chí Nature.
VÍ DỤ: Doi: 10.1038/issn.0028-0836
CHÚ THÍCH: Ví dụ này chỉ minh họa về cú pháp; tạp chí Nature không được cấp DOI ở mức tạp chí.
Khi đã cấp DOI, chuỗi ký tự DOI được xem là mờ (nghĩa là không có nghĩa phải đọc thành số) với mục đích của hệ thống DOI.
E.2.2.2. Tình huống sử dụng
Liên kết từ các thể hiện cụ thể của một tạp chí (in, trực tuyến, CD-ROM) đến thông tin về thể hiện này, hoặc thông tin liên quan, có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một DOI với ISSN nhúng.
VÍ DỤ: Tạp chí Đột biến môi trường và phân tử (Environmental and Molecular Mutagenesis) của nhà xuất bản Jonh Wiley and Sons đã được cấp DOI sử dụng ISSN sau đây cho phiên bản trực tuyến của nó:
Doi: 10.1002/(ISSN)1098-2280
http://dx.doi.org/10.1002/(ISSN)1098-2280
DOI giải quyết cho trang chủ của tạp chí.
E.2.3. DOI và ISSN-L
E.2.3.1. Cú pháp và ví dụ
ISSN-L có thể là hậu tố để xác định một nguồn tin tiếp tục với bất kỳ phiên bản vật mang tin nào.
Để xây dựng một hậu tố DOI bằng cách sử dụng ISSN-L, bắt đầu với issnl viết thường và một dấu chấm, sau đó ghi mã số ISSN-L vào (giữa dấu gạch ngang).
VÍ DỤ: Sử dụng ISSN-L trong DOI để xác định tất cả các phiên bản vật mang tin trong tạp chí Nature:
Doi: 10.1038/issnl.0028-0836
CHÚ THÍCH: Ví dụ giả định này chỉ minh họa về cú pháp; tạp chí Nature không được cấp DOI ở mức tạp chí.
Thông tin liên quan như để xác định DOI được bao gồm trong siêu dữ liệu kèm theo DOI.
E.2.3.2. Tình huống sử dụng
Để liên kết tham chiếu trong các hệ thống như tham chiếu chéo (Cross Ref), DOI sử dụng ISSN-L là hậu tố DOI sẽ theo liên kết tới một tạp chí cụ thể bất kể định dạng nào. Các nhà xuất bản nguồn tin tiếp tục như xuất bản phẩm nhiều kỳ có thể sử dụng ISSN-L làm hậu tố DOI sao cho DOI sẽ giải quyết để tạo ra thông tin chung về các phiên bản vật mang hiện có.
E.3. OpenURL
E.3.1. Tổng quan
OpenURL là một công nghệ đảm bảo có sử dụng yêu cầu dựa trên web để liên kết siêu dữ liệu cho nguồn tin tới các dịch vụ cho các nguồn này. OpenURL chuyển giao các ký hiệu nhận dạng và/hoặc siêu dữ liệu mô tả cùng với thông tin ngữ cảnh, từ một nguồn siêu dữ liệu tới máy chủ liên kết. Khi giải quyết yêu cầu OpenURL xuất phát từ một người dùng, thiết bị xử lý liên kết của người dùng diễn giải dữ liệu của nguồn gửi đến, có tính đến các kho tài liệu điện tử và quyền truy cập của cơ quan người sử dụng. Khi đó, thiết bị giải liên kết tạo ra các liên kết web tới dịch vụ mà người sử dụng truy cập, bao gồm, ví dụ toàn văn trực tuyến của bài báo. Hiện nay, siêu dữ liệu về nguồn tin và thông tin ngữ cảnh được chuyển bằng cách sử dụng URL (OpenURL).
Khung OpenURL được định nghĩa trong ANSI/NISO Z39.88-2004 sau đây được tham chiếu đến là OpenURL Z39.88-2004 và được cung cấp tại địa chỉ : http://www.niso.org/standards/standards_details.cfm?std_id=783.
Trong khung OpenURL NISO, OpenURL có thể được tạo ra bằng cách sử dụng “Diện cộng đồng” đã được chấp thuận được định nghĩa trong danh bạ đăng ký bên ngoài tiêu chuẩn này. Các hồ sơ này hỗ trợ các định dạng siêu dữ liệu khác nhau (bao gồm sách, tạo chí, luận án/luận văn và sáng chế).
Có thể tìm thấy Danh bạ đăng ký NISO Z39.88-2004 OpenURL tại địa chỉ http://www.openurl.info/registry.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn không chính thức và thực hiện trước đây về OpenURL (OpenURL 0.1) hiện còn đang được sử dụng trong giai đoạn chuyển đổi. Có thể tìm thấy thông tin chi tiết về OpenURL 0.1 tại địa chỉ http://www.openurl.info/registry.
Hai phiên bản mới của OpenURL khác biệt đáng kể về cách dữ liệu được ghi lại và do đó được mô tả riêng trong các điều E.3.2 và E.3.3 dưới đây.
ISSN-L có thể được sử dụng trong một OpenURL để tìm hoặc liên kết với một nguồn tin tiếp tục không phân biệt phiên bản vật mang.
Khuyến nghị rằng ISSN-L được dùng trong liên kết OpenURL bất cứ khi nào có thể vì ISSN-L cung cấp cho các thiết bị giải liên kết tính linh hoạt tối đa để giải quyết bất cứ phiên bản vật mang tin cụ thể nào của một nguồn tin tiếp tục trong cơ sở tri thức, xem điều E.3.4. Sử dụng ISSN-L cũng cho phép thiết bị giải liên kết đưa ra thông tin về nhiều phiên bản vật mang cụ thể của một nguồn tin tiếp tục nếu cơ sở tri thức chứa thông tin này.
Yếu tố siêu dữ liệu OpenURL “issn” trái với “issnl” chỉ được sử dụng khi cần truy cập hoặc liên kết phiên bản cụ thể.
E.3.2. OpenURL Z39.88-2004 và ISSN
E.3.2.1. Cú pháp và ví dụ
Trong OpenURL Z39.88-2004, siêu dữ liệu nguồn tin và thông tin ngữ cảnh có thể được chuyển tải hoặc các OpenURL theo giá trị (“by value”) hoặc OpenURL bằng các tham chiếu ("by reference"). Cặp giá trị chính trong “by value” OpenURL có thể được mã hóa theo hai phương pháp:
a) Format KEV;
b) Format XML.
ISSN bao gồm trong dạng thức siêu dữ liệu tạp chí được định nghĩa trong Danh bạ đăng ký OpenURL.
VÍ DỤ 1: Dạng thức siêu dữ liệu tạp chí KEV (info: ofi/fmt:kev:mtx:journal) trong đó ISSN có thể được mã hóa là: http://...&rft.issn=0987-5432&
VÍ DỤ 2: Dạng thức siêu dữ liệu tạp chí XML (info: ofi/xml:xsd:journal) trong đó ISSN có thể được mã hóa là: <rft:issn>9876-5432</rft:issn>
E.3.3. OpenURL 0.1 và ISSN
E.3.3.1. Cú pháp và ví dụ
Cú pháp OpenURL 0.1 mã hóa siêu dữ liệu bằng cách sử dụng một chuỗi các cặp giá trị chính được phân cách bởi dấu (&). Tuy nhiên, tên yếu tố siêu dữ liệu khác nhau giữa các cặp giá trị chính tìm thấy trong tiêu chuẩn OpenURL Z39.88-2004, trong điều kiện không được bắt đầu bằng một mã thông báo biểu thị thực thể.
VÍ DỤ: mã hóa ISSN trong URL định dạng theo OpenURL:
http://resolver ?...issn=9876-5432...
E.3.3.2. Tình huống sử dụng cho cả OpenURL Z39.88-2004 và OpenURL 0.1
Một số công ty bán hệ thống thư viện đã phát triển các hệ thống thiết bị giải OpenURL dựa trên liên kết, qua ISSN, từ trích dẫn đến toàn văn hoặc đến các dịch vụ khác mà một tổ chức có thể có quyền truy cập. Hiện nay, nhiều hệ thống chỉ cho phép 1 mã số ISSN kết hợp với 1 nhan đề trong cơ sở tri thức thuộc hệ thống này. Trong trường hợp này, nên sử dụng ISSN-L. Với các cơ sở tri thức ở đó nhiều ISSN có thể kết hợp với một nhan đề, cần sử dụng ISSN biểu thị cụ thể.
E.3.4. OpenURL Z39.88-2004 và ISSN-L
E.3.4.1. Cú pháp và ví dụ
Khuyến khích sử dụng ISSN-L trong OpenURL Z39.88-2004 bất kỳ khi nào có thể, vì trong khung này, OpenURL có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các “Diện cộng đồng” đã được chấp thuận được định nghĩa trong danh bạ đăng ký bên ngoài tiêu chuẩn này. Các hồ sơ này hỗ trợ các định dạng siêu dữ liệu khác nhau (bao gồm sách, tạo chí, luận án/luận văn và sáng chế).
Danh bạ đăng ký OpenURL NISO Z39.88-2004 được cung cấp tại địa chỉ http://www.openurl.info/registry.
Để cung cấp ISSN-L như đã định nghĩa trong tiêu chuẩn này, các phiên bản định dạng tạp chí mới có thể được đăng ký trong danh bạ đăng ký OpenURL, và các diện cộng đồng mới có thể được đăng ký để bao gồm các phiên bản định dạng tạp chí mới này. Các định dạng tạp chí KEV và XML mới có thể bao gồm một yếu tố mới tương ứng:
&issnl = and
<xs: element name=“issn” type=”xs:string” minOccurs=“O”>
Các yếu tố mới này có thể được sử dụng để cho biết yếu tố được mã hóa là ISSN-L, như được ghi lại trong trường được chỉ định của Danh bạ đăng ký ISSN.
VÍ DỤ 1: Định dạng KEV (info:ofi/fmt:kev) trình bày siêu dữ liệu nguồn tin và thông tin ngữ cảnh là một chuỗi các cặp giá trị chính và tách biệt bởi dấu và (&). Trong định dạng siêu dữ liệu tạp chí KEV mới (ví dụ, info:ofi/mt:kev:mtx.journal 2005), ISSN-L có thể được mã hóa là:
http://...&rft.issnl-0987-5432&
VÍ DỤ 2: Định dạng XML (info:ofi/fmt:xml) trình bày siêu dữ liệu nguồn tin và thông tin ngữ cảnh là một tài liệu xml phù hợp với lược đồ xml đã đăng ký. Trong định dạng siêu dữ liệu tạp chí XML mới (ví dụ, info:ofi/mt:xml:xsd:journal 2005), ISSN-L có thể được mã hóa như một yếu tố XML là:
<rft:issnl>9876-5432</rft:issnl>
E.3.4.2. Tình huống sử dụng
Thư viện ABC muốn chỉ dẫn đến một thiết bị giải liên kết có thể cung cấp thông tin về tất cả các phiên bản vật mang của một nguồn tin tiếp tục trong cơ sở tri thức hoặc tất cả các phiên bản của một nguồn tin tiếp tục được liên kết với nhau, sử dụng ISSN-L trong OpenURL là một phương pháp chỉ thị điều này tới thiết bị giải liên kết hơn là sử dụng một ISSN của phiên bản cụ thể. ISSN-I cũng có thể chỉ thị tới thiết bị giải liên kết giải quyết bất kỳ phiên bản vật mang cụ thể nào trong cơ sở tri thức được chấp nhận. Việc gửi một ISSN của vật mang tin cụ thể có thể chỉ đến thiết bị dải liên kết chỉ giải quyết với một phiên bản vật mang cụ thể của nguồn tin tiếp tục được yêu cầu.
E.3.5. OpenURL 0.1 và ISSN-L
Sử dụng ISSN-L với tiêu chuẩn OpenURL 0.1 không được khuyến nghị. Trong tiêu chuẩn này, siêu dữ liệu được mã cứng trong chính tiêu chuẩn và chỉ có định dạng mã hóa là mã hóa các tham số như các cặp giá trị chính trong OpenURL. Vì các yếu tố dữ liệu trong OpenURL 0.1 không được mở rộng, phiên bản này của tiêu chuẩn không có yếu tố cho ISSN-L. Nếu không thể tránh khỏi việc sử dụng OpenURL 0.1. có thể sử dụng ISSN-L trong vùng nhận dạng riêng (PID) nếu tất cả các bên có một thỏa thuận về việc sử dụng này. Thông tin chi tiết về tiêu chuẩn OpenURL 0.1 được cung cấp tại địa chỉ http://www.openurl.info/registry.
E.4. URN và ISSN
E.4.1. Tổng quan
Tên nguồn tin thống nhất (URN) là một tên chuẩn hóa cho một ký hiệu nhận dạng nguồn, độc lập vị trí và không đổi. Hệ thống URN là tiêu chuẩn của Lực lượng chuyên trách về kỹ thuật Internet (IETF). Thông tin thêm có thể tìm thấy tại địa chỉ http://www.ietf.org/rtc.rfc2141.txt
E.4.2. Cú pháp và ví dụ
Tất cả các URN bao gồm một mã ký hiệu nhận dạng Không gian tên (NID) và một chuỗi cụ thể của không gian tên (NSS). NID cho biết hệ thống nhận dạng được sử dụng cho URN và tạo thuận lợi cho việc giải thích NSS. NSS là mã cục bộ xác định một tài liệu cụ thể (xem IETF-RFC 1737 và IETF:RFC 2141). ISSN là một không gian tên URN đã đăng ký (xem IETF:RFC 30144), được xác định bởi ISSN mã NID.
VÍ DỤ urn:issn:2059-000x
urn:issn: 1560-1560
E.4.3. Tình huống sử dụng
Thư viện ABC muốn thiết lập một kho lưu trữ bộ sưu tập tạp chí của mình. Chính sách của kho này là sử dụng các ký hiệu nhận dạng cố định được thể hiện là URN. Với mỗi tạp chí của kho này, thư viện gán một URN sử dụng ISSN.
E.5. SICI và ISSN
E.5.1. Tổng quan
Tiêu chuẩn ký hiệu nhận dạng số và bài của xuất bản phẩm nhiều kỳ (ANSI/NISO Z39.56-1996 Version 2) cung cấp cơ chế mở rộng cho việc nhận dạng duy nhất hoặc một số của xuất bản phẩm nhiều kỳ hoặc bài viết (ví dụ bài báo) có trong xuất bản phẩm nhiều kỳ này, không phụ thuộc vào phương tiện phát hành (Giấy, điện tử, vi dạng,...)
E.5.2. Cú pháp và ví dụ
Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN) được sử dụng như một mã số nhận dạng duy nhất cho xuất bản phẩm nhiều kỳ làm cơ sở cho ký hiệu nhận dạng xuất bản phẩm nhiều kỳ và ký hiệu nhận dạng bài báo. Tất cả các SICI yêu cầu một ISSN. ISSN được sử dụng không có các chữ “ISSN” nhưng vẫn giữ nguyên dấu gạch ngang giữa hai nhóm chữ số.
VÍ DỤ: Item: de Proverb V2#1, 1996
ISIC: 1323-4633(1996)2 :1<>1.0CO :2-8
E.5.3. Tình huống sử dụng
SICI, hoặc được lưu trữ hoặc được tự động tạo ra, có thể sử dụng các dịch vụ A&l để cung cấp tài liệu, hoặc có thể chuyển dịch vụ cho một nhà cung cấp bên thứ ba. Tương tự như vậy, SICI có thể sử dụng các dịch vụ cung cấp tài liệu. Trong các hệ thống phòng lưu trữ của thư viện, SICI có thể được sử dụng để xác định các tài liệu đọc được chứa ở các khu vực riêng biệt. SICI cũng có thể được sử dụng trong các hệ thống yêu cầu và mượn trả xuất bản phẩm nhiều kỳ tự động.
E.6. Mã vạch EAN và ISSN
E.6.1. Tổng quan
Mã vạch EAN 13 vạch nhận dạng một sản phẩm cho Điểm bán hàng điện tử (EPOS) và các hệ thống dây chuyền cung cấp khác. Nó được thiết kế để nhận dạng rất nhiều sản phẩm, nhưng có các quy định đặc biệt cho các số của nguồn tin tiếp tục được cấp số ISSN. Hệ thống mã vạch được quản lý bởi GS1. Thông tin chi tiết được cung cấp tại địa chỉ http://www.gs1.org/.
E.6.2. Cú pháp và ví dụ
Mã vạch 13 vạch EAN mã hóa 13 chữ số, được tạo lập như sau:
- Ba chữ số đầu tiên là ba chữ số 977 được gán cho mã vạch dựa trên ISSN cho một số của nguồn tin tiếp tục.
- Bảy chữ số tiếp theo là ISSN (không có gạch ngang và chữ số kiểm tra thứ 8) xác định tên tạp chí.
- Các chữ số 11 và 12 là biến số, có thể được sử dụng cung cấp thông tin bổ sung được gán bởi nhà xuất bản. Thông thường, các số này cho biết sự thay đổi giá.
- Chữ số cuối cùng là chữ số kiểm tra được tính theo modul 10. Chữ số kiểm tra sử dụng trong mã vạch rất có thể khác chữ số kiểm tra của ISSN.
Cũng có thể thêm vào 2 hoặc 5 chữ số cho mã vạch 13 chữ số. Điều này cho phép tăng độ chi tiết để biểu đạt các thông tin khác về sản phẩm. Khi sử dụng, tiền tố GS1 977 được gán cho mã vạch dựa vào ISSN, phần bổ sung thường cho biết số tạp chí này bằng 2 chữ số. Đây là thông tin quan trọng để quản lý kho có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả các hệ thống EPOS có thể quét phần bổ sung này và do đó cần sử dụng các hệ thống kho tự động hóa và thủ công riêng biệt.
Hình E.1 - Ví dụ về phiên bản mã vạch của một ISSN
E.6.3. Tình huống sử dụng
Mã vạch nhận dạng duy nhất một số tạp chí cụ thể của một xuất bản phẩm tiếp tục để tạo thuận lợi cho việc nắm bắt và chuyển giao dữ liệu trong suốt chuỗi cung ứng của các nhà xuất bản, nhà cung cấp, người bán buôn, người bán lẻ,... Dữ liệu này có thể bao gồm giá, lượng hàng trong kho và doanh số bán hàng.
1 Trung tâm quốc tế ISSN, 20 rue Bachaumont, 75002 Paris, France. Điện thoại: (+33 1) 44 88 22 20
Fax: (+33 1) 40 26 32 43; E-mail: [email protected], website: http://www.issn.org
2 Trung tâm quốc tế ISSN, 20 rue Bachaumont, 75002 Paris, France. Điện thoại: (+33 1) 44 88 22 20
Fax: (+33 1) 40 26 32 43 ; E-mail: [email protected]. website: http://www.issn.org. Thể chế của Trung tâm Quốc tế ISSN được cung cấp trên website của Trung tâm.
3 DOI® là ví dụ về một sản phẩm thương mại phù hợp có sẵn. Thông tin này được cung cấp để thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không là một xác nhận của ISO về sản phẩm này.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.