Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 299/TB-VPCP 2023 Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 299/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 299/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Trần Văn Sơn |
Ngày ban hành: | 31/07/2023 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Thông tin-Truyền thông |
tải Thông báo 299/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 299/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2023 |
THÔNG BÁO
Kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
_________
Ngày 12 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, trực tuyến với 63 địa phương (sau đây gọi tắt là Hội nghị). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức: Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo:
I. Những kết quả nổi bật
Từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực. Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư. Việc đầu tư nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, con người được quan tâm, chú trọng. Dịch vụ công (DVC) trực tuyến, tiện ích được đẩy mạnh. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng. Chuyển đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
II. Tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
1. Tồn tại, nguyên nhân
- Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn chưa thực sự coi trọng công tác chuyển đổi số, chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển động trong toàn bộ máy.
- Một số mục tiêu đặt ra còn chưa hoàn thành; nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn ở mức trung bình khá.
- Việc xây dựng CSDL, chia sẻ dữ liệu còn cát cứ, bảo thủ, DVC trực tuyến chất lượng còn thấp. Nhân lực chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
- Tình trạng tội phạm mạng còn diễn biến phức tạp, an toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Việc phát triển, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin cần bảo đảm đồng bộ, toàn diện, liên thông.
- Tại một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.
2. Bài học kinh nghiệm
- Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần thực sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển động trong toàn bộ máy.
- Việc phát triển, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin cần bảo đảm đồng bộ, toàn diện, liên thông.
- Sự tham gia của người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, người dân, doanh nghiệp quan tâm, học hỏi, sử dụng các ứng dụng, tiện ích làm động cơ thúc đẩy tạo sự phát triển tương hỗ trong chuyển đổi số.
III. Quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới
Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
1. Về quan điểm
a) Chuyển đổi số đang là xu thế có tính toàn cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội, tất yếu khách quan. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về chuyển đổi số, nắm bắt xu thế thời đại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát triển đột phá về các lĩnh vực, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, có chính sách ưu tiên: đẩy mạnh DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
b) Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam, xã hội số là một nền tảng của xã hội Việt Nam, văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
c) Hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; triển khai hợp lòng dân và được Nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số.
d) Tổ chức bài bản nhưng không cầu toàn, nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá; hành động quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm.
đ) Các CSDL quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên thông, liên kết, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành các CSDL chung nhưng vẫn bảo đảm thẩm quyền quản lý dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương.
e) Tập trung cải cách, xây dựng thể chế, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các đơn vị được phân cấp, phân quyền.
g) Đề án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng nằm trong tổng thể chuyển đổi số, cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của hệ thống chính trị, của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát triển khai CSDL quốc gia về dân cư để vừa xây dựng, vừa phát triển, vừa khai thác có hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
2. Nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương
a) Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.
b) Tái cấu trúc quy trình các TTHC, DVC đang được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Hoàn thành trong Quý III năm 2023.
c) Rà soát, hoàn thiện các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử (thanh toán hóa đơn, chi trả lương hưu, tích hợp mã định danh với mã số thuế để nâng cao hiệu quả thu thuế…); bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai 02 DVC liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, nâng cấp (theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ).
đ) Đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương, yêu cầu các thông tin cập nhật thường xuyên, chính xác.
b) Khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh và xác thực điện tử và ứng dụng VNeID để đăng ký thông tin thuê bao đối với dịch vụ viễn thông di động mặt đất; cấp chữ ký số gắn với định danh điện tử; sửa đổi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký theo trình tự thủ tục rút gọn, phù hợp Luật giao dịch điện tử mới được thông qua.
c) Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
d) Trình Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia, hoàn thành trong tháng 7 năm 2023.
đ) Cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0), hoàn thành trong Quý III năm 2023.
4. Bộ Công an
a) Chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai CSDL quốc gia liên quan đến dân cư bám sát chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23 tháng 5 năm 2023 để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện, tháo gỡ 08 điểm nghẽn, 21 nhiệm vụ cụ thể và hoàn thành 31 nhóm công việc chưa được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2023. Hoàn thành trong Quý IV năm 2023.
b) Sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
c) Đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên ứng dụng VNeID và có ít nhất trên 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với tỉ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID hằng tháng tăng từ 3% -5%; cho phép người dân được tự cập nhật các dữ liệu cá nhân liên quan như trình độ học vấn, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, điện nước, viễn thông… lên ứng dụng VNeID và xác thực để làm giàu thông tin.
d) Phối hợp với các địa phương nghiên cứu và tổ chức thí điểm tại một số đô thị loại 3 để triển khai đồng bộ ứng dụng VNeID từ làm giàu dữ liệu và triển khai ứng dụng quản lý xã hội và tiện ích cho người dân (tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng, lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, dịch vụ ngân hàng; dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công,…).
đ) Nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước trên thế giới về chuyển đổi số, CSDL, quản lý dân cư, xây dựng, tích hợp hệ thống CSDL lớn để vận dụng thực hiện phù hợp đặc điểm, tình hình Việt Nam.
5. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (Theo Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2023 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2023).
6. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại…
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải pháp giúp địa phương kiểm soát chống thất thu thuế đối với dịch vụ ăn uống, phát triển kinh tế đêm,… Trước mắt, tập trung triển khai tại một số địa phương có nhiều trung tâm du lịch lớn trước khi triển khai nhân rộng trên toàn quốc.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên của chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực thực hiện.
8. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo triển khai thí điểm xác thực sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chip khi người dân khám chữa bệnh; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm để nhân rộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.
9. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổng kết thí điểm triển khai xác thực sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chip tại bộ phận một cửa, qua đó nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
10. Văn phòng Chính phủ
- Đôn đốc các bộ ngành hoàn thành thực hiện 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát, sửa đổi các văn bản có yêu cầu giấy tờ cư trú.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương.
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương phát hiện vướng mắc bất cập để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |