Thông báo 202/TB-VPCP về hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam trong giai đoạn mới
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 202/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 202/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 26/07/2021 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Thông tin-Truyền thông |
tải Thông báo 202/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ _______ Số: 202/TB-VPCP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _______________________ Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2021 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Đài Truyền hình Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam trong giai đoạn mới
_____________
Ngày 14 tháng 7 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Đài trong giai đoạn mới. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị chủ chốt trực thuộc Đài, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau khi nghe Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam báo cáo, ý kiến của các đồng chí dự họp, phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
I. Đánh giá tình hình hoạt động
Thời gian qua, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định được vị thế của Đài truyền hình quốc gia.
Với vai trò là Đài truyền hình quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam đã: (1) nhanh nhạy, kịp thời phát hiện, thông tin về những vấn đề mới, vấn đề “nóng”, được công chúng trong và ngoài nước quan tâm. Các chương trình, hoạt động của Đài đã trở thành cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. (2) Luôn tiên phong trong đổi mới, sáng tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ càng ngày càng trưởng thành, luôn nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề. (3) Cơ sở vật chất của Đài ngày càng được cải thiện, khang trang hơn, đàng hoàng hơn, điều kiện tác nghiệp được đầu tư hiện đại hơn. (4) Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. (5) Nhanh nhạy trong hội nhập quốc tế.
Những thành tích Đài Truyền hình Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất cơ bản, nổi bật, rất đáng trân trọng, tự hào, nhất là trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trọng vào thành tựu 35 năm đổi mới của Đảng, Nhà nước ta, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của đất nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
II. Thách thức, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được đáng khích lệ, Đài Truyền hình Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, còn những hạn chế, bất cập, cần thẳng thắn nhìn nhận, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, tìm giải pháp khắc phục để phấn đấu vươn lên, trưởng thành và khẳng định mình, với tinh thần “không say sưa, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Một là, trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, các phương tiện truyền thông mới phát triển rất nhanh, đặt ra cho Đài Truyền hình Việt Nam yêu cầu bức thiết về chuyển đổi số. Hai là, nguồn lực còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ và sự cạnh tranh khốc liệt của truyền thông, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo. Ba là, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn hạn chế, bất cập, có lúc chưa đáp ứng được sự mong muốn của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Bốn là, đội ngũ cán bộ còn bất cập so với yêu cầu, chính sách đãi ngộ chưa tạo được nhiều động lực để cán bộ gắn bó lâu dài với nghề; điều kiện làm việc vẫn còn hạn chế; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có lúc, có nơi chưa được coi trọng đúng mức, phù hợp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ với Đài Truyền hình Việt Nam về những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên.
III. Định hướng phát triển Đài Truyền hình Việt Nam trong giai đoạn mới
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định: Thời gian tới, đất nước ta đứng trước khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Trong bối cảnh chung đó, Đài Truyền hình Việt Nam phải cố gắng, vươn lên mạnh mẽ, phát huy hơn nữa những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời chia sẻ khó khăn cùng đất nước và nhân dân để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, góp phần cùng các cấp, các ngành đưa đất nước phát triển.
1. Mục tiêu:
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Đài truyền hình quốc gia trên mặt trận tư tưởng, trong công tác truyền thông của hệ thống chính trị; dứt khoát không để mất kiểm soát mặt trận tư tưởng, không để mất lòng tin của nhân dân, gây hoang mang, dao động, nghi ngờ trong dư luận; giữ vững bản lĩnh, uy tín của Đài truyền hình quốc gia, xứng đáng với sự yêu quý của khán giả, nhân dân và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước.
Xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam trở thành đài truyền hình có “thương hiệu” trong khu vực, vươn tầm quốc tế nhưng vẫn phải giữ vững bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình, với mong muốn của nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Đài Truyền hình Việt Nam cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
2. Tư tưởng chỉ đạo
- Phải xác định: khó khăn, thách thức cũng là động lực, cơ hội để Đài Truyền hình Việt Nam phấn đấu trưởng thành, vươn lên. Giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, trân trọng ý kiến phản biện để nghiên cứu tìm ra những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, được nhiều người ủng hộ nhất để triển khai thực hiện. Tư tưởng chỉ đạo là: “những việc khó, mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần không cầu toàn, không nóng vội”.
- Phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Chủ động, tích cực, không ngừng đổi mới sáng tạo, thích ứng với tình hình. Trong đó, đội ngũ cán bộ là nền tảng, là trung tâm; chương trình hoạt động là động lực; cơ sở vật chất là điều kiện hỗ trợ quan trọng.
- Bám sát, nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Sáng tạo, đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, hiệu quả với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, truyền cảm hứng, tạo động lực để nhân dân vào cuộc, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xay dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân, thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam.
- Xây dựng chương trình truyền thông hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, căn cứ vào tình hình cụ thể, sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương để có lựa chọn ưu tiên phù hợp, xác đáng không cứng nhắc, đảm bảo hiệu quả.
IV. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
Thứ nhất, phát huy truyền thống đoàn kết, tôn vinh những điển hình tốt, cách làm hay, mô hình mới để góp phần tuyên truyền, nhân rộng.
Thứ hai, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cấp của Đài Truyền hình Việt Nam trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.
Thứ ba, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cơ quan chuyên trách, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân để tổ chức sản xuất các chương trình phù hợp, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thứ tư, tích cực tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tham gia xây dựng văn hóa, con người mới thông qua các chương trình, sản phẩm báo chí, truyền thông phong phú, đa dạng, chất lượng cao; tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thứ năm, xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện thuộc Chính phủ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam cần xây dựng Đề án với các giải pháp cụ thể về: (i) nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, (ii) tăng cường nguồn lực tài chính (cả nguồn tự chủ của Đài, nguồn hỗ trợ của Chính phủ thông qua các phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ…), (iii) nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền (trong đó, ưu tiên và tập trung xây dựng kênh truyền hình đối ngoại quốc gia - VTV World, mở rộng cung cấp nội dung trên nền tảng số, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc…), (iv) đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số…, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Về các đề xuất, kiến nghị của Đài Truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình. Về đầu mối phối hợp cung cấp thông tin điều hành của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ căn cứ tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn. Về cơ chế tài chính đặc thù, trong đó có tính đến yếu tố hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, Đài Truyền hình Việt Nam chủ động đề xuất, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, xử lý. Về Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam: Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ. Về Đề án xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện: Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2021. Đối với các kiến nghị khác: hầu hết là những vấn đề quan trọng cần sớm được giải quyết để Đài Truyền hình Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Đài Truyền hình Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để xử lý; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Đài Truyền hình Việt Nam biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - TTg, PTTg Vũ Đức Đam; - Các Bộ: TTTT, NV, TC; - Đài THVN; - VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: - Lưu: VT, KGVX.BH | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM [daky]
Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây