Kế hoạch 04/KH-TBTT 2021 về truyền thông chống dịch Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới

thuộc tính Kế hoạch 04/KH-TBTT

Kế hoạch 04/KH-TBTT của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 "Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống "bình thường mới"" (từ ngày 07/9 đến ngày 14/9/2021)
Cơ quan ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:04/KH-TBTT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Kế hoạch
Người ký:Nguyễn Mạnh Hùng
Ngày ban hành:06/09/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thông tin-Truyền thông, COVID-19
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG
___________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

Số: 04/KH-TBTT

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới”” (từ ngày 07/9 đến ngày 14/9/2021)

 

Ngày 02/9/2021, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ký Quyết định số 01/QĐ-TBTT ban hành Quy chế làm việc, Bản phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban và Kế hoạch số 02/KH-TBTT, Kế hoạch số 03/KH-TBTT về thông tin, tuyên truyền phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới và thông tin, truyền thông chống dịch COVID-19 tuần từ 30/8 đến ngày 06/9/2021.

Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tiểu ban Truyền thông ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 từ ngày 07/9 đến ngày 14/9/2021 với thông điệp “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới””, trong đó hệ thống báo chí, truyền thông cần lưu ý làm rõ, truyền thông có điểm nhấn, phân tích, so sánh dựa trên cơ sở số liệu và đánh giá khoa học đối với tình hình diễn biến của dịch bệnh và kết quả của công tác điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho cuộc sống tiếp tục trở lại bình thường.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI VÀ CÁC THÔNG ĐIỆP:

1. Tiếp tục truyền đi thông điệp về công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; các giải pháp đồng bộ về giãn cách xã hội, điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được người dân đồng tình; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa ngay tại xã, phường, thị trấn, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong...

2. Truyền đi thông điệp về việc giãn cách xã hội để chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”; Sau giãn cách phải đạt được cái gì? Giãn cách xã hội là sự hy sinh, bởi vậy việc giãn cách xã hội phải làm triệt để và trong thời gian ngắn, đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh; dứt khoát không để tình trạng giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội; Giãn cách đi cùng với xét nghiệm nhanh, 100% dân số thì hiệu quả chống dịch tăng gấp đôi...; Có các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc-xin hơn trong một đến hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc-xin. Khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vắc-xin thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn..., cùng với việc mỗi người có ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng.

3. Truyền đi thông điệp Việt Nam luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; trong đó luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; có kế hoạch phục hồi kinh tế “thích ứng an toàn” với dịch bệnh trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

4. Truyền đi thông điệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin nhằm đưa vắc-xin về nước nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho nhân dân; thông tin về việc chúng ta sẽ nhận hàng chục triệu liều vắc-xin trong tháng 9/2021 và các hãng vắc-xin đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao vắc-xin cho Việt Nam.

5. Truyền đi thông điệp “Thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phòng dịch để tiếp tục sống” đối với người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Cuộc sống với virus SARS-CoV-2 luôn ở trong cộng đồng đòi hỏi phải điều chỉnh và giảm bớt nhiều hành vi sinh hoạt có “nguy cơ lây nhiễm cao” như tụ tập nhậu nhẹt, tụ họp đông người...

6. Các quận, huyện hoặc các vùng tại TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo là “đã kiểm soát, khống chế được dịch” theo các tiêu chí tại quyết định 3979/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế sẽ có kế hoạch kiểm soát dịch và trở lại trạng thái “bình thường mới” như thế nào? Những đối tượng nào sẽ được tham gia sinh hoạt bình thường trở lại (Người đã tiêm đủ 2 mũi và đã sinh kháng thể, người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh, người đã test kháng thể với virus và đủ điều kiện “miễn dịch tự nhiên”...)? Làm thế nào để huy động những người đã có kháng thể với virus tham gia hỗ trợ chống dịch, đảm bảo các hoạt động thiết yếu, hoặc đơn giản là đi lại bình thường trở lại? Cơ chế kiểm soát việc “di chuyển xanh” sẽ dựa theo những tiêu chí công nghệ, dịch tễ, y học nào để đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng và thuận tiện? Thế nào là khái niệm “thích ứng an toàn”, nhìn cả từ góc độ y tế lẫn góc độ hành vi sinh hoạt hàng ngày? Cần ban hành bổ sung những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định gì cho TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn trở lại bình thường mới, cũng như cho những tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

7. Phản ánh thực tế điều hành, chỉ đạo chống dịch tại các cấp chính quyền địa phương, trong đó chú trọng việc kiểm tra qua hệ thống trực tuyến ở những nơi đã triển khai xuống tận cấp phường xã; ủng hộ phương châm “giao đầu kiểm tra đáy” để tăng cường hiệu quả giám sát, tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở.

8. Truyền thông mạnh, rộng khắp về việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch, kiểm soát dịch, kiểm soát cuộc sống trong khi chuyển trạng thái và phục vụ điều hành kinh tế xã hội sau dịch, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà là giải pháp chiến lược, lâu dài.

9. Phân tích, so sánh cách triển khai các giải pháp chống dịch (cả giải pháp y tế và phi y tế) và đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương đang thực hiện giãn cách để tổng kết, chỉ ra cách làm, mô hình phù hợp, ưu việt của mỗi địa phương để các nơi khác tham khảo, phản biện xây dựng. Có 2 việc chắc chắn sẽ phải làm tốt hơn trong thời gian tới để nhân dân có niềm tin hơn vào những nỗ lực và kết quả chống dịch, khôi phục kinh tế của Chính phủ: Thứ nhất là phải có sự học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương để có cùng những cách làm hay, cách quản lý thống nhất, cách đánh giá thống nhất về nguy cơ dịch bệnh để áp dụng các biện pháp an sinh xã hội, chăm sóc F0 và theo dõi F1 ngay tại cộng đồng với đầy đủ thuốc men, phác đồ điều trị và các điều kiện đảm bảo an sinh, an toàn. Thứ hai là phải có quy trình nghe dân, hỏi dân để làm cơ sở ra những quyết định đúng pháp luật, đúng với nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, để thực sự đúng với tinh thần chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra là “Dân biết, Dân hiểu, Dân tin, Dân theo, Dân làm”. Rất cần sớm có một “cẩm nang chống dịch” được tổng hợp từ kinh nghiệm thời gian qua tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương.

10. Việc phải tiếp tục có chính sách đưa người lao động ngoại tỉnh đang bị kẹt ở TP. Hồ Chí Minh (tới đây có thể sẽ là Hà Nội và các tỉnh phía Nam) trở về quê an toàn theo nguyện vọng và theo khả năng là vấn đề rất nóng và cấp thiết, trong bối cảnh giãn cách tiếp tục kéo dài. Rất cần có sự chuẩn bị về chủ trương, cách làm và kế hoạch truyền thông cho vấn đề này.

II. NHỮNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TỪ NGÀY 07/9/2021 ĐẾN NGÀY 14/9/2021

Bên cạnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo, định hướng trong Kế hoạch số 02/KH-TBTT, Kế hoạch số 03/KH-TBTT ngày 02/9/2021 và Thông điệp tại Kế hoạch này, đề nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các cơ quan báo chí, truyền thông

- Thông tin có phân tích, lý giải kỹ về các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch, sự thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm kiểm soát, dập dịch được sớm nhất, đem lại cuộc sống “bình thường mới” cho nhân dân, trong đó có trẻ em được đến trường đúng nghĩa.

- Thông tin về sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên; sự hưởng ứng, đồng tình, vào cuộc, chia sẻ, thông cảm của nhân dân để thực hiện mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Có các bài viết, phóng sự chia sẻ bài học, kinh nghiệm, cách làm hay về phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương, địa bàn đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh (Quận 7, huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh...).

- Thông tin về việc từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Tiếp tục thông tin để người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến của dịch bệnh và sự nguy hiểm của dịch để tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả; tuyên truyền về “chống dịch như chống giặc”, lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, nhân dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

- Hướng dẫn thêm các kỹ năng cụ thể bảo vệ bản thân trước dịch bệnh bên cạnh các tiêu chí đã ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng vệ sinh thường xuyên khoang mũi và họng.

- Kịp thời phản bác các thông tin trên mạng xã hội về các thảm trạng xã hội do dịch COVID-19 gây ra, không để người dân bị tác động tiêu cực; phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19.

2. Thông tin cơ sở

- Thông tin cụ thể về tình hình dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn (những kết quả đạt được, những vấn đề mới phát sinh).

- Thông tin các giải pháp của chính quyền xã, phường, thị trấn trong phòng, chống dịch (phong toả ở đâu, thời gian cụ thể, những việc người dân cần làm, được làm và các điều kiện đi kèm).

- Thông tin về kế hoạch hỗ trợ người dân để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh (dịch COVID-19 và các bệnh khác...), nhu cầu an sinh (ăn, uống, sinh hoạt thiết yếu khác như văn hóa, thể thao...)

- Tiếp tục cập nhật thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân.

- Đối với các địa phương đã kiểm soát được dịch, chủ động thông báo kế hoạch triển khai làm việc, học tập, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch kèm theo.

- Tuyên truyền các mô hình tổ chức phòng chống dịch tốt, mô hình sản xuất kinh doanh an toàn; các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện giúp đỡ những người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; các tấm gương tự lực, tự cường chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

3. Thông tin đối ngoại

- Theo dõi báo chí ngoài nước và báo chí trong nước 24h/7 ngày để phục vụ nhiệm vụ thông tin quốc tế đối nội và thông tin quốc nội đối ngoại theo diễn biến thực tế cụ thể, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tại Hà Nội.

- Theo dõi và chỉ đạo báo chí đối ngoại về hình ảnh Việt Nam chống dịch. Mục tiêu tuần này là tăng tốc thông tin quốc nội đối ngoại và thông tin đối ngoại để giữ gìn hình ảnh tích cực mà Việt Nam xây dựng được trong năm 2020.

- Báo cáo dịch COVID-19 hàng ngày về kinh nghiệm quốc tế, dư luận thế giới phục vụ chỉ đạo điều hành; đề xuất kiến nghị hàng ngày về kinh nghiệm, giải pháp thu thập được qua báo chí, truyền thông trong nước và dư luận quốc tế. Mục tiêu tuần này là làm rõ dần lộ trình chống dịch và sống chung với dịch, từng bước mở cửa kinh tế trở lại, trước mắt là đối với kế hoạch mở cửa trở lại tại TP. Hồ Chí Minh.

4. Viễn thông

- Tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua việc phát âm thông báo và qua các hình thức khác đến các thuê bao để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng mà người dân cần biết và tuân thủ thực hiện.

- Thúc đẩy công tác triển khai kết nối các camera giám sát các khu cách ly; tổ chức rà soát, thống kê, thông báo chỉ số di chuyển hàng ngày của các thuê bao di động tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

- Tổ chức tốt việc sử dụng, khai thác các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, tiếp nhận thông tin cá nhân của người dân gặp khó khăn, cần hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch nhằm hỗ trợ công tác tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng chống dịch.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin - An toàn thông tin

- Báo cáo hàng ngày về dịch COVID-19: điểm tin trên mạng xã hội; đo tỷ lệ tin trên báo điện tử, tạp chí điện tử và trang tin điện tử tổng hợp.

- Đôn đốc các cơ quan báo điện tử, tạp chí điện tử: Chỉ định đầu mối ứng cứu, xử lý sự cố; triển khai giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Tổng kết vòng 1 chương trình săn tìm lỗ hổng nhận thưởng (BugBounty) đối với các nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ công tác phòng, chống dịch.

- Chia sẻ thông tin, hỗ trợ xử lý các thông tin xấu độc, tin gây hoang mang về dịch COVID-19 theo đề nghị của các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố (hiện đã thiết lập nhóm với 21 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, trao đổi thông tin 24/7).

6. Các Sở Thông tin và Truyền thông

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 02/KH-TBTT, Kế hoạch số 03/KH-TBTT và chỉ đạo hệ thống báo chí, truyền thông tại địa bàn tuyên truyền các nội dung tại Kế hoạch này.

- Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền tới các “pháo đài” chống dịch là các xã, phường, thị trấn vì đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để “Dân biết, Dân hiểu, Dân tin, Dân theo, Dân làm”.

Yêu cầu các Thành viên Tiểu ban, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong thời gian thực hiện, cần chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động báo cáo Trưởng Tiểu ban xem xét, quyết định./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
- Các Tiểu ban thuộc BCĐ Quốc gia;
- Các thành viên Tiểu ban Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Bộ TTTT: Văn phòng, Vụ Pháp chế, các Cục: BC, PTTH&TTĐT, THH, TTĐN, VT, TTCS, ATTT;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Các cơ quan báo chí;
- Lưu: VT, VP, TBTT, CBC (120).

TRƯỞNG TIỂU BAN




BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG
Nguyễn Mạnh Hùng

 

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất