Dự thảo Thông tư về xác định hoạt động sản xuất phần mềm

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm
Lĩnh vực: Thông tin-Truyền thông
Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Thông tin và Truyền thông
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đúng quy trình để được hưởng ưu đãi thuế, áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động sản xuất phần mềm.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:       /2019/TT-BTTTT

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày     tháng       năm 2019

 

 

THÔNG TƯ

Quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

----------------                                      

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đúng quy trình để được hưởng ưu đãi thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động sản xuất phần mềm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Phần mềm (hay sản phẩm phần mềm) là một tập hợp gồm những câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình, theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành kèm theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm là một tập hợp gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp để sản xuất ra một sản phẩm phần mềm. Các công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm được quy định chi tiết tại Điều 4 Thông tư này.

3. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, tham gia thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm được quy định tại Điều 5 Thông tư này nhằm tạo mới hoặc nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm phần mềm.

Điều 4. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm

Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm có thể khác nhau nhưng bao gồm các công đoạn trong số 07 công đoạn sau:

1. Xác định yêu cầu, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng; khảo sát, làm rõ yêu cầu của khách hàng; phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.

2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin mạng cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.

3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin mạng cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao hoặc phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao hoặc phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao hoặc bảo hành phần mềm trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, cho thuê, phân phối; phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.

Điều 5. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình

Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi bao gồm ít nhất một trong hai công đoạn quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Công nghệ thông tin có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện Thông tư này.

b) Tổng hợp các ý kiến đóng góp, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh Thông tư nếu thấy cần thiết.

2. Tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Thông tư này có trách nhiệm:

a) Tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan cũng như việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của mình.

b) Công văn xin ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm phải đồng gửi đến cơ quan thuế và Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin).

c) Khi được ưu đãi thuế, gửi thông tin về tên sản phẩm phần mềm, các công đoạn sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế và mức thuế được khấu trừ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để tổng hợp.

d) Đảm bảo các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và các sản phẩm phần mềm của mình không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan khác.

3. Hậu kiểm

a) Cơ quan kiểm tra:

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, hội, hiệp hội chuyên ngành kiểm tra các dự án sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi thuế.

b) Hình thức kiểm tra:

Theo yêu cầu quản lý nhà nước định kỳ hoặc đột xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thành lập đoàn kiểm tra.

c) Nội dung kiểm tra:

Tính xác thực của thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp.

Các nội dung kiểm tra phải được lập thành Biên bản. Trường hợp phát hiện sai phạm, đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý theo quy định.

Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp

Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế trước khi Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi cho đến hết thời hạn của dự án đầu tư. Trường hợp này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức ưu đãi đang hưởng hoặc ưu đãi theo quy định của Thông tư này cho thời gian còn lại của dự án đầu tư.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng     năm 2019.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18 tháng 11     năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các tổ chức, doanh nghiệp gửi văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để được xử lý, giải quyết, hướng dẫn hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở TT&TT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Hiệp hội CNTT;
- Công báo; Cổng TTĐT CP;
- Tổng cục thuế; Tổng cục Hải quan;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, CNTT.

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Bắc Son

 

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY