Dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ ngành TTTT

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Thông tin và Truyền thông
Lĩnh vực: Thông tin-Truyền thông
Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Thông tin và Truyền thông
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được giao quản lý từ Trung ương đến địa phương; định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Thông tin và Truyền thông.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

----------

Số:         /2021/TT-BTTTT

DỰ THẢO 2

 

CỘNG HOÀ  XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành

Thông tin và Truyền thông và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Thông tin và Truyền thông

 

Căn cứ Luật Cán bộ công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;     

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; 

Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Thông tin và Truyền thông.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được giao quản lý từ Trung ương đến địa phương; định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Thông tin và Truyền thông.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 2. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và định mức biên chế công chức

1. Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức.

2. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.

3. Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.

4. Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.

5. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.

 Điều 3. Căn cứ xác định vị trí việc làm, định mức biên chế công chức

1 Căn cứ xác định vị trí việc làm

a) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

b) Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Căn cứ xác định định mức biên chế công chức

a) Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

b) Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

c) Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

d) Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ quy định nêu trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 

Chương II

VỊ TRÍ VIỆC LÀM CÔNG CHỨC NGHIỆP VỤ

CHUYÊN NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Điều 4. Các nhóm vị trí việc làm

1. Vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Thông tin và Truyền thông có 04 nhóm, bao gồm:

a) Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;

b) Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông;

c) Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch, đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác);

d) Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

2. Vị trí việc làm quy định tại Điểm a, c, d Khoản 1 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước được giao phụ trách ngành, lĩnh vực.

Điều 5. Khung danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông

1. Chuyên ngành quản lý báo chí

a) Chuyên viên cao cấp quản lý báo chí;

b) Chuyên viên chính quản lý báo chí;

c) Chuyên viên quản lý báo chí.

2. Chuyên ngành quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử;

a) Chuyên viên cao cấp quản lý phát thanh, truyền hình;

b) Chuyên viên chính quản lý phát thanh, truyền hình;

c) Chuyên viên quản lý phát thanh, truyền hình.

d) Chuyên viên cao cấp quản lý thông tin điện tử;

đ) Chuyên viên chính quản lý thông tin điện tử;

e) Chuyên viên quản lý thông tin điện tử.

3. Chuyên ngành quản lý thông tin đối ngoại

a) Chuyên viên cao cấp quản lý thông tin đối ngoại;

b) Chuyên viên chính quản lý thông tin đối ngoại;

c) Chuyên viên quản lý thông tin đối ngoại.

4. Chuyên ngành quản lý thông tin cơ sở

a) Chuyên viên cao cấp quản lý thông tin cơ sở;

b) Chuyên viên chính quản lý thông tin cơ sở;

c) Chuyên viên quản lý thông tin cơ sở.

5. Chuyên ngành quản lý xuất bản, in và phát hành

a) Chuyên viên cao cấp quản lý xuất bản;

b) Chuyên viên chính quản lý xuất bản;

c) Chuyên viên quản lý xuất bản;

d) Chuyên viên chính quản lý in;

đ) Chuyên viên quản lý in;

e) Chuyên viên chính quản lý phát hành;

g) Chuyên viên quản lý phát hành.

6. Chuyên ngành quản lý bưu chính

a) Chuyên viên cao cấp quản lý bưu chính;

b) Chuyên viên chính quản lý bưu chính;

c) Chuyên viên quản lý bưu chính;

d) Chuyên viên cao cấp quản lý mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1)

đ) Chuyên viên chính quản lý mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1);

e) Chuyên viên quản lý mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1);

g) Chuyên viên kiểm soát bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1);

h) Cán sự khai thác bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1);

i) Nhân viên vận chuyển bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1).

7. Chuyên ngành quản lý viễn thông

a) Chuyên viên cao cấp quản lý viễn thông;

b) Chuyên viên chính quản lý viễn thông;

c) Chuyên viên quản lý viễn thông;

d) Chuyên viên cao cấp quản lý mạng viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

đ) Chuyên viên chính quản lý mạng viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

e) Chuyên viên quản lý mạng viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

g) Chuyên viên quản lý hệ thống tổng đài truyền dẫn;

h) Chuyên viên kiểm soát viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

i) Cán sự khai thác mạng viễn thông phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước;

k) Cán sự vận hành, sửa chữa mạng viễn thông phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước;

l) Nhân viên trực trạm vệ tinh.

8. Chuyên ngành quản lý tần số vô tuyến điện

a) Chuyên viên cao cấp quản lý tần số vô tuyến điện;

b) Chuyên viên chính quản lý tần số vô tuyến điện;

c) Chuyên viên quản lý tần số vô tuyến điện.

9. Chuyên ngành quản lý công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông

a) Chuyên viên cao cấp quản lý công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông;

b) Chuyên viên chính quản lý công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông;

c) Chuyên viên quản lý công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông;

10. Chuyên ngành quản lý ứng dụng công nghệ thông tin 

a) Chuyên viên cao cấp quản lý chuyển đổi số;

b) Chuyên viên chính quản lý chuyển đổi số;

c) Chuyên viên quản lý chuyển đổi số;

d) Chuyên viên cao cấp quản lý công nghệ thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

đ) Chuyên viên chính quản lý công nghệ thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

e) Chuyên viên quản lý công nghệ thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

11. Chuyên ngành an toàn, an ninh mạng

a) Chuyên viên cao cấp quản lý an toàn, an ninh mạng;

b) Chuyên viên chính quản lý an toàn, an ninh mạng;

c) Chuyên viên quản lý an toàn, an ninh mạng;

d) Chuyên viên cao cấp an ninh bảo mật hệ thống thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

đ) Chuyên viên chính an ninh bảo mật hệ thống thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;

e) Chuyên viên an ninh bảo mật hệ thống thông tin phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Điều 6. Áp dụng khung danh mục vị trí việc làm chuyên ngành Thông tin và Truyền thông

1. Các cơ quan, tổ chức hành chính chuyên ngành Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các vị trí việc làm quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Cơ quan, tổ chức hành chính chuyên ngành Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh áp dụng các vị trí việc làm ngạch chuyên viên chính và chuyên viên (không bao gồm các vị trí việc làm phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hệ thống tổng đài truyền dẫn) quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Cơ quan, tổ chức hành chính chuyên ngành Thông tin và Truyền thông  cấp huyện áp dụng vị trí việc làm ngạch chuyên viên (không bao gồm các vị trí việc làm phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hệ thống tổng đài truyền dẫn) quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Phương pháp xây dựng vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông

Các cơ quan, tổ chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này, rà soát, thống kê chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức để xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông chi tiết, phù hợp với từng cơ quan, tổ chức, cụ thể theo các bước sau đây:

a) Bước 1: Thống kê công việc của công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức;

b) Bước 2: Căn cứ các công việc được thống kê tại bước 1 điểm a) khoản này, tiến hành phân nhóm công việc theo quy định tại Điều 4 Thông tư này và xác định vị trí việc làm cụ thể của công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông từ Khung danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông quy định tại Điều 5 Thông tư này.

c) Bước 3: Xây dựng bản mô tả vị trí việc làm bao gồm tên gọi; mô tả khái quát các mảng công việc, công việc chính, tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc; các mối quan hệ công việc; phạm vi, quyền hạn; các yêu cầu về trình độ, năng lực theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Bước 4: Xác định cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Điều 8. Trình tự, thủ tục phê duyệt vị trí việc làm

Thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.

 

Chương III

ĐỊNH MỨC BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC

 

Điều 9. Định mức biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Các Cục, Vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành Thông tin và Truyền thông phải đảm bảo biên chế tối thiểu theo tiêu chí thành lập quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cụ thể:

a) Vụ phải đảm bảo tối thiểu 15 biên chế công chức. Trường hợp vụ có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc yêu cầu phải thành lập phòng trong vụ thì phải đảm bảo tối thiểu 30 biên chế công chức;

b) Cục phải đảm bảo tối thiểu 30 biên chế công chức.

Điều 10. Định mức biên chế công chức trong các cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh

Biên chế công chức tối thiểu trong cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực trung ương là 30 biên chế.

Cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có biên chế công chức tối thiểu là 65 biên chế công chức.

Điều 11. Định mức biên chế công chức trong các cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông cấp huyện

Biên chế công chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông tối thiểu trong cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là 02 biên chế.

Cơ quan chuyên môn về Thông tin và Truyền thông Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có biên chế công chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông tối thiểu là 04 biên chế.

Điều 12. Giao biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính ngành Thông tin và Truyền thông

Trên cơ sở định mức biên chế quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Thông tư này, cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và thực tế sử dụng biên chế để đề xuất cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức hàng năm phù hợp với nhiệm vụ được giao.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Các Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công báo, Cổng TTĐTCP;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Bộ TTTT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các cơ quan hành chính trực thuộc, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TCCB, VTL.

BỘ TRƯỞNG



 



Nguyễn Mạnh Hùng

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY