Thiết kế bố trí (TKBT) là gì? Tại sao phải đăng ký TKBT? Điều kiện và quy trình, thủ tục đăng ký TKBT như thế nào? Chủ đơn đăng ký TKBT cần lưu ý những gì?
I. Những điều cần biết về TKBT
1. TKBT là gì?
Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những sản phẩm ngày càng nhỏ về kích cỡ nhưng phát huy tối đa chức năng, tác dụng để phục vụ nhu cầu con người hoặc những “sản phẩm thông minh” có chức năng điều khiển tự động hóa. Mạch tích hợp đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm điện như: vi tính, máy giặt, điện thoại. TKBT mạch tích hợp bán dẫn là tài sản sở hữu trí tuệ chỉ được pháp luật bảo hộ khi tiến hành đăng ký bảo hộ.
TKBT mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn
Bảo hộ TKBT mạch tích hợp bán dẫn là bảo hộ cách thức sắp xếp các phần tử mạch trên hoặc bên trong tấm vật liệu bán dẫn chứ không bảo hộ các phần tử mạch (IC, chíp) bởi bản thân các đối tượng IC, chíp đã được bảo hộ dưới dạng sáng chế.
Lưu ý: Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa TKBT:
- Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
- Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
2. Các trường hợp được quyền đăng ký TKBT
Doanh nghiệp có quyền đăng ký TKBT khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
Trường hợp doanh nghiệp cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra TKBT thì doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký TKBT và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
3. Điều kiện đăng ký TKBT
TKBT được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất: Có tính nguyên gốc
TKBT được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
+ Chưa được những người sáng tạo TKBT và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra TKBT đó.
TKBT là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc.
- Thứ hai: Có tính mới thương mại
TKBT được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
TKBT không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký TKBT được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày TKBT đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Khai thác TKBT nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo TKBT hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
III. Hướng dẫn nộp hồ sơ
1. Thành phần hồ sơ
1.1. Hồ sơ đăng ký bảo hộ TKBT
- Tờ khai đăng ký TKBT mạch tích hợp bán dẫn;
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ TKBT;
- Mẫu mạch tích hợp được sản xuất theo thiết kế;
- Bản mô tả mạch tích hợp;
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Đối với trường hợp TKBT thuộc sở hữu chung của nhiều cá nhân tổ chức thì cần lưu ý:
Vì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung, do đó, khi làm Tờ khai đăng ký bảo hộ TKBT thì nên đánh dấu " X" vào nội dung yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ đối với các chủ đơn khác để Cục sở hữu trí tuệ vừa cấp văn bằng bảo hộ cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn vừa cấp phó văn bằng bảo hộ cho những người thuộc sở hữu chung khác.
1.2. Hồ sơ yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ TKBT
Trường hợp, khi làm hồ sơ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ không yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ cho những chủ sở hữu khác thì các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp phó bản văn bằng bảo hộ TKBT với điều kiện phải nộp lệ phí cấp phó bản. (Phó bản văn bằng bảo hộ này có giá trị tương đương với văn bằng bảo hộ)
Để yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp (là các chủ sở hữu chung khác) cần phải chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Tờ khai cấp phó bản văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp;
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
2. Nơi nộp hồ sơ
Cơ quan duy nhất tại Việt nam tiếp nhận hồ sơ đăng ý TKBT, xem xét hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ TKBT là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chủ sở hữu đăng ký TKBT có thể lựa nộp hồ sơ tại một trong các địa chỉ nêu trên bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
3. Quy trình giải quyết
Đơn đăng ký TKBT được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự tổng quát sau:
- Bước 1: Thẩm định hình thức
Là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức: thành phần, số lượng, cách thức trình bày… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Bước 2: Công bố đơn hợp lệ
Đơn đăng ký TKBT được chấp nhận là hợp lệ công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký TKBT là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ TKBT.
- Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận
Sau thời gian công bố nếu TKBT đáp ứng yêu cầu bảo hộ thì cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ còn ngược lại sẽ từ chối và nêu rõ lý do. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký TKBT là 03 tháng kể từ ngày công bố đơn.