Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 450/TB-VPCP 2024 kết luận Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 450/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 450/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Mai Thị Thu Vân |
Ngày ban hành: | 03/10/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính, Tài nguyên-Môi trường |
tải Thông báo 450/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 450/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2024 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
__________________
Ngày 28 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão; cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo một số tập đoàn; tại các điểm cầu địa phương có Bí thư tỉnh/thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra).
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các ý kiến phát biểu của các địa phương, các Bộ, cơ quan tại buổi làm việc, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Đánh giá về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3:
Bão số 3 có cường độ rất mạnh, liên tục tăng cấp độ rất nhanh; bão kéo dài nhiều giờ trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn, ảnh hưởng phạm vi rộng (26 tỉnh, thành phố), đối tượng nhiều; gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần của nhân dân, việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm, có những mất mát không thể bù đắp được; sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân.
Công tác cảnh báo, dự báo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ sớm, từ xa, cơ bản sát tình hình, nhưng chưa dự báo được bão gây gió giật cấp 17 khi vào bờ, tác động thời gian rất dài trong đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng (cục bộ có nơi tới 700mm); dự báo lũ trên các sông và về hồ đập một số thời điểm chưa sát thực tế. Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho hệ thống theo dõi, giám sát, trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác dự báo còn hạn chế, chưa tương xứng.
Công tác truyền thông tin tới người dân, hướng dẫn kỹ năng ứng phó đã được các cơ quan, báo chí phối hợp làm tốt với nhiều cách làm sáng tạo, ở mức cao nhất có thể, phù hợp với tình hình bất thường của bão số 3.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đã bảo đảm xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở1.
Công tác phòng, chống bão, lũ đã được triển khai tích cực, kịp thời, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân vào cuộc, phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”2. Nhân dân tự nguyện, tự giác, tích cực, chủ động trong ứng phó với bão, mưa lũ. Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ vẫn rất lớn3, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Công tác khắc phục hậu quả bão, lũ đã được triển khai kịp thời, hiệu quả với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp, cùng với hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm với tinh thần đại đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"4.
Tóm lại, công tác dự báo, cảnh báo, truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 đã được triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả và hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là về người, đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Bên cạnh đó, một số việc còn chưa đạt kết quả mong muốn do các nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
2. Một số bài học rút ra từ công tác phòng, chống, khắc phục bão số 3:
a) Trong phòng, chống thiên tai, vai trò công tác dự báo, cảnh báo là đặc biệt quan trọng, thông tin dự báo, cảnh báo phải từ sớm, từ xa, kịp thời, chính xác.
b) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, có trọng tâm trọng điểm, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân.
c) Phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết; huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm “bốn tại chỗ” cho phòng chống, khắc phục hậu quả.
d) Các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả.
đ) Cần coi trọng công tác thông tin, truyền thông, nhất là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ cho người dân.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
a) Mục tiêu: Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói, rét, không có chỗ ở; học sinh sớm được tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh. Nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
b) Nhiệm vụ, giải pháp: Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện đã được ban hành với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" hướng về nhân dân miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ, trong đó yêu cầu:
1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và hàng dự trữ quốc gia (nhất là giống) để các địa phương đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các địa phương, đúng quy định của pháp luật.
2) Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và các cơ quan liên quan phối hợp với địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, điện, nước, viễn thông để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
3) Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án đảm bảo thông tin liên lạc từ trung ương đến cơ sở trong mọi tình huống để phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính và các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017, trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2024.
5) Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 27 tháng 9 năm 2024.
6) Bộ Tư pháp và các Bộ có liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.
7) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị tác động do bão, mưa lũ, bảo đảm đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, trong đó tập trung:
- Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói.
- Hỗ trợ sửa chữa nhà cửa bị hư hại do bão, mưa lũ; đối với các hộ bị mất nhà cửa phải hỗ trợ tái định cư, xây dựng lại theo hướng 3 cứng (vách cứng, nền cứng, mái cứng), hoàn thành chậm nhất vào 31 tháng 12 năm 2024.
- Hoàn thành việc khắc phục các cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10 năm 2024.
8) Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng lại cầu Phong Châu (qua sông Thao), hoàn thành trong năm 2025.
9) Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân làm tốt, hoàn thành trong tháng 10 năm 2024; đồng thời phê bình, xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đúng quy định, vi phạm pháp luật.
10) Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai hoặc đề xuất các nhiệm vụ, chương trình, dự án căn cơ để phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
11) Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo báo cáo ngắn gọn kết quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và báo cáo Bộ Chính trị trước ngày 05 tháng 10 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
__________________________
1 Bộ Chính trị đã liên tiếp có chỉ đạo; phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, thăm hỏi các lực lượng và người dân. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ sớm, từ xa, lập Ban chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng; ban hành 11 công điện, triển khai các đoàn công tác trực tiếp đến địa bàn trọng điểm kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống bão, lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 51 công điện, văn bản, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương,... đã ban hành các công điện, đồng thời triển khai các đoàn công tác. Các địa phương đã ban hành 356 công điện, tổ chức 146 đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.
2 Huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ; kịp thời hướng dẫn cho trên 51.000 tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tránh trú bão; triển khai trên 180 triệu lượt tin nhắn cung cấp thông tin bão, lũ cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời trên 173.000 người trên các lồng, bè, chòi canh nuôi thủy hải sản và những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
3 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260 nghìn căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn; hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố; gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, 8.100 lồng bè, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá...
4 Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỷ đồng, nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD. Nhiều địa phương trong cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương và người dân bị thiên tai vượt qua khó khăn.