Quyết định 43/2021/QĐ-UBND Bạc Liêu Quy định lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở

thuộc tính Quyết định 43/2021/QĐ-UBND

Quyết định 43/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:43/2021/QĐ-UBND
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Cao Xuân Thu Vân
Ngày ban hành:30/11/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BẠC LIÊU

_________

Số: 43/2021/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Bạc Liêu, ngày 30 tháng 11 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

___________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

 Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

 Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một sđiều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 490/TTr-STNMT ngày 15 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

 Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

 Nơi nhận:

 - Như điều 3;

 - Bộ TN&MT;

 - Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);

 - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (để giám sát);

 - TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;

 - CT; các PCT UBND tỉnh;

 - Sở Tư pháp (tự kiểm tra);

 - CVP; các PCVP UBND tỉnh;

 - Trung tâm CB-TH tỉnh;

 - Lưu: VT, (TQ101).

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Cao Xuân Thu Vân

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BẠC LIÊU

_________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

QUY ĐỊNH

Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

(Kèm theo Quyết định số: 43/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

__________

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh (gọi tắt là UBND tỉnh) và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động về kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng xăng, dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là cơ sở).

Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Thời điểm lập, trình thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Chủ cơ sở lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nộp cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình phê duyệt theo quy định trước khi đi vào hoạt động.

2. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở đã được phê duyệt, nếu có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hàng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

3. Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại mẫu số 01 của phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo mẫu quy định tại mẫu số 02 của phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường/Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (bản chính).

2. Dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (bản giấy và tập tin điện tử).

3. Biên bản họp thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Hội đồng thẩm định (bản chính).

4. 05 (năm) bản kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở đã chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định (nếu có).

Điều 5. Cơ quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận, chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy định này.

2. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận, chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quy định này.

Điều 6. Hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh với thành phần như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi cần thiết có thể thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng.

b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

c) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;

d) Công an tỉnh;

đ) Trung tâm ng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam;

e) Các Sở, Ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng và đơn vị có liên quan.

g) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở hoạt động;

h) Đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường;

i) Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên Nước, Biến đổi khí hậu và Biển (thư ký);

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp huyện với thành phần như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Khi cần thiết có thể thêm 01 (một) Phó Chủ tịch Hội đồng;

b) Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện;

c) Ban Chỉ huy các Đồn Biên phòng và Hải đội Biên phòng 2;

d) Công an cấp huyện;

đ) Các Phòng: Kinh tế Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Phòng Tài nguyên và Môi trường (thư ký);

g) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở hoạt động.

3. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể mời thêm các chuyên gia chuyên ngành cùng tham dự, tư vấn.

Điều 7. Phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định

1. Trường hợp họp Hội đồng thẩm định:

a) Cuộc họp thẩm định chỉ được tiến hành trong trường hợp có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) trở lên số lượng thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó bắt buộc phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền (sau đây gọi chung là người chủ trì phiên họp), thành viên, thư ký, chủ cơ sở hoặc người đại diện được chủ cơ sở ủy quyền tham dự. Trường hợp thành viên Hội đồng không thể tham gia cuộc họp thẩm định nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng trước khi cuộc họp bắt đầu thì được tính có mặt tham dự;

b) Tài liệu phục vụ cho cuộc họp của Hội đồng thẩm định phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu gửi đến các thành viên Hội đồng thẩm định chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc, trước ngày tổ chức cuộc họp;

c) Thành viên Hội đồng thẩm định thảo luận về nội dung của kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và những vấn đề khác có liên quan đến nội dung kế hoạch. Người chủ trì phiên họp đưa ra kết luận của Hội đồng thẩm định nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức như sau: Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung (khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định tham dự đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung); Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung (khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung); Không thông qua (khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự đồng ý không thông qua);

d) Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

2. Trường hợp không họp Hội đồng thẩm định hoặc xin ý kiến bằng văn bản:

a) Trong trường hợp không tổ chức được việc họp Hội đồng thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Hội đồng;

b) Thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét nội dung của kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và những vấn đề khác có liên quan đến nội dung kế hoạch. Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận (khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) ý kiến số lượng thành viên Hội đồng thẩm định) nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo 01 (một) trong 03 (ba) mức như sau: Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung (khi tất cả thành viên Hội đồng thẩm định có ý kiến thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung); Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung (khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng có ý kiến đồng ý thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung); Không thông qua (khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên Hội đồng có ý kiến không thông qua);

c) Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm lập biên bản tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Biên bản phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

Điều 8. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cảng, cơ sở, dự án (có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu), các tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu, cơ sở kinh doanh xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các bến thủy nội địa, các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu mức nhỏ dưới 20 m3 (tấn) trên đất liền, trên sông, trên biển.

Điều 9. Quản lý kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị phê duyệt phải gửi cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong kế hoạch.

2. Chủ cơ sở phải đảm bảo triển khai thực hiện đúng các yêu cầu trong quyết định phê duyệt.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải được lưu trữ tại cơ sở và phải trình cho cơ quan quản lý nhà nước khi có kiểm tra, yêu cầu theo quy định pháp luật.

Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các S, Ban, Ngành tỉnh và đơn vị có liên quan xác định và cập nhật định kỳ danh sách các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải thực hiện Quyết định 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy định này trên phạm vi toàn tỉnh;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Nam và các đơn vị khác có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Hướng dẫn và tham gia (nếu có) thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở vi phạm quy định pháp luật;

e) Hàng năm tổ chức huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở; kiểm tra việc cam kết thực hiện kế hoạch ứng phó tràn dầu của cơ sở đã xây dựng;

g) Tham mưu, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường trong khắc phục sự cố tràn dầu, quản lý chất thải sau thu gom; phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu; điều tra, đánh giá thiệt hại về môi trường, đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau sự cố tràn dầu;

h) Tham mưu, hướng dẫn, giám sát các hoạt động ứng phó, xử lý sự cố, phục hồi môi trường; đánh giá mức độ ô nhiễm từ thời điểm xảy ra sự cố đến hết 2 tháng sau khi kết thúc hoạt động xử lý phục hồi môi trường sau sự cố;

i) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do tràn dầu;

k) Báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn định kỳ 01 lần/năm (trước ngày 31 tháng 01 của năm kế tiếp) và báo cáo đột xuất khi có tình huống sự cố tràn dầu.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

a) Chỉ đạo, huy động lực lượng của đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trên đất liền khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Phối hợp với các Sở, Ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trên địa bàn tỉnh.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Chỉ đạo, huy động lực lượng của đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trên biển khi có tình huống và theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, các phương án ứng phó đối với sự cố tràn dầu tại khu vực cảng, đường thủy nội địa, biển;

c) Phối hợp với các Sở, Ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

a) Phối hợp với các lực lượng có liên quan tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả tràn dầu;

b) Tổ chức các lực lượng bảo vệ môi trường; tình hình an ninh trật tự và phối hợp trong sơ tán người, tài sản khỏi khu vực xảy ra sự cố tràn dầu theo thẩm quyền;

c) Phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân tràn dầu; khởi tố điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan sự cố tràn dầu.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đối với các nội dung ngân sách đảm bảo, theo thứ tự công việc ưu tiên, nhu cầu cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh.

6. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan

a) Triển khai thực hiện Quy định này trong phạm vi ngành quản lý;

b) Tham gia Hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở theo phân cấp thẩm quyền tại Quy định này; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương kiểm tra, đôn đốc chủ cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn thuộc thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quy định này; Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.

3. Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức việc ứng phó và báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn cấp huyện quản lý; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra tại địa phương bồi thường thiệt hại.

4. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy định này của địa phương gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ cơ sở

1. Các Chủ cơ sở phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được phê duyệt; sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó (khi có thông báo).

3. Chủ động đầu tư phương tiện, trang thiết bị vật tư đảm bảo triển khai tại chỗ hoạt động ứng phó khẩn cấp ban đầu ngay khi xảy ra sự cố, từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cơ sở theo quy định; ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị có năng lực thích hợp để triển khai khi có tình huống.

4. Chi trả, bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra theo quy định pháp luật.

5. Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư xây dựng như thay đổi quy mô đầu tư, thay đổi thiết kế dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt, chủ cơ sở phải báo cáo cơ quan đã phê duyệt kế hoạch và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, cập nhật các nội dung trong kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu lồng ghép vào nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (theo thẩm quyền phê duyệt) để tổng hợp, giám sát trong quá trình thực hiện.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

 

Phụ lục
MẪU VĂN BẢN HỒ SƠ LẬP, THẨM ĐỊNH
VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

(kèm theo Quyết định số: 43 /2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021
của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Mẫu số 01. Mẫu văn bản đề nghị thẩm định/phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh/UBND huyện/thị xã/thành phố)

(1)
________________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Số:
V/v đề nghị thẩm định/phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của (2)

(Địa danh), ngày..... tháng..... năm............

Kính gửi:

- UBND tỉnh......../UBND huyện/thị xã/thành phố….....;

- Sở Tài nguyên và Môi trường/Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện/thị xã/thành phố….

Chúng tôi là: (1), chủ cơ sở (2)

- Địa chỉ cơ sở:...............................................................................................;

- Địa chỉ liên hệ:.............................................................................................;

- Điện thoại:................................; Fax:............................; Email:.................;

Xin gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường/ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện/thị xã/thành phố hồ sơ gồm:

(Thành phần hồ sơ và số lượng từng loại)

- .......................................................................................................................;

- .......................................................................................................................;

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực các các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường/ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện/thị xã/thành phố thẩm định, trình UBND tỉnh/ UBND huyện/thị xã/thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở./.

 Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu:……

(3)
(ký, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

__________

Ghi chú:

(1) Chủ cơ sở;

(2) Tên đầy đủ của cơ sở;

(3) Đại diện có thẩm quyền của chủ cơ sở.

 2. Mẫu số 02. Đề cương hướng dẫn kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở (thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh/ Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố)

3.1. Mẫu trang bìa

(Tên cơ quan chủ quản)

(Tên cơ sở)

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
CỦA (
Tên đầy đủ, chính xác của cơ sở)

Địa danh, tháng……năm……

3.2. Mẫu trang phụ bìa

(Tên cơ quan chủ quản)

(Tên cơ sở)

Kế hoạch này đã được UBND tỉnh/UBND huyện/thị xã/thành phố... phê duyệt
tại Quyết định số …
/QĐ-UBND ngày… tháng… năm…

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CỦA (Tên đầy đủ, chính xác của cơ sở)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN

Ngày…tháng…năm…

(Đại diện có thẩm quyền của
chủ cơ sở ký, ghi họ tên, đóng dấu)

ĐƠN VỊ TƯ VẤN (nếu có)

Ngày…tháng…năm…

(Đại diện có thẩm

quyền của đơn vị ký, ghi họ tên, đóng dấu)

CƠ QUAN THẨM ĐỊNH

Ngày…tháng…năm…

(Sở Tài nguyên và Môi trường/Phòng Tài nguyên

và Môi trường huyện/thị xã/thành phố
ký, ghi họ tên, đóng dấu)

Địa danh, tháng……năm……

3.3. Cấu trúc và nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở

- Mục lục

- Danh mục các chữ viết tắt, danh mục các bảng, danh mục các hình (nếu có)

KẾ HOẠCH

Ứng phó sự cố tràn dầu của

Bản đồ tỷ lệ: 1/5000

CHƯƠNG I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

2. Yêu cầu

CHƯƠNG II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên (nêu ngắn gọn vị trí địa lý, khí tượng, thủy văn trong phạm vi địa bàn cơ sở hoạt động).

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của cơ sở (Tính chất, quy mô, công nghệ của cơ sở).

3. Lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu hiện có của cơ sở (quân số, trang thiết bị ứng phó, lực lượng phương tiện tham gia phối hợp).

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao: dự kiến từ 2 - 3 khu vực.

* Kết luận: Khả năng ứng phó của cơ sở ở mức độ nào.

CHƯƠNG III. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo: “ Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó kịp thời hiệu quả;

- Báo cáo kịp thời theo quy định;

- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường;

- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong sau ứng phó khắc phục hậu quả;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

3. Biện pháp ứng phó

- Thông báo, báo động;

- Tổ chức ngăn chặn;

- Tổ chức khắc phục hậu quả.

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Lực lượng thông báo, báo động;

- Lực lượng tại chỗ;

- Lực lượng tăng cường;

- Lực lượng khắc phục hậu quả;

- Ứng phó trên đất liền: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường;

- Ứng phó trên sông, biển: Sử dụng đơn vị nào; lực lượng phương tiện đơn vị nào; bao gồm cái gì; lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả môi trường.

CHƯƠNG IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG TRÀN DẦU, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Trên đất liền

a) Tình huống: (Nêu tình huống giả định xảy ra 01 kho trạm)

b) Biện pháp xử lý:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố...

- Vận hành cơ chế hợp Ban Chỉ huy ứng phó sự cố...

- Thiết lập Ban Chỉ huy tại hiện trường để chỉ huy tổ chức ứng phó...

- Tổ chức lực lượng ứng phó sự cố....

2. Trên sông, biển (tương tự như trên đất liền)

a) Tình huống;

b) Biện pháp xử lý.

CHƯƠNG V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Lãnh đạo chỉ huy cơ sở (nêu nhiệm vụ trong chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó).

2. Lực lượng tiếp nhận cấp phát.

3. Lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ.

4. Các ban ngành của cơ sở.

5. Phối hợp với các đoàn thể, xã hội và ban, ngành của địa phương.

6. Công tác đào tạo, diễn tập: Xây dựng kế hoạch đào tạo, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

7. Cập nhật kế hoạch triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo.

CHƯƠNG VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy chỉ đạo;

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu

- Do đơn vị tự trang bị;

- Ký kết hợp đồng với các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố.

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn.

CHƯƠNG VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

Chủ cơ sở trực tiếp chỉ huy.

Nơi nhận:

CHỦ CƠ SỞ

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ

(Chữ ký, đóng dấu)

Cấp bậc, họ và tên

 

PHỤ LỤC

1. Hồ sơ pháp lý liên quan đến cơ sở;

2. Hồ sơ kỹ thuật liên quan đến cơ sở: sơ đồ mặt bằng, sơ đồ công nghệ, quy trình vận hành, thiết kế kỹ thuật có liên quan…;

3. Quyết định thành lập Ban chỉ huy và Đội ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở (nếu có);

4. Cam kết đảm bảo tài chính;

5. Bản đồ nhạy cảm môi trường tỷ lệ 1/5.000.

Mẫu số 03

QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ

 TRÀN DẦU CỦA CƠ SỞ

(1)
__________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Số: ......./QĐ-UBND

 

(Địa danh), ngày… tháng … năm …

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của (2)

____________

 

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 ngày 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số :...../2021/QĐ-UBND ngày .... tháng ... năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quy định lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu;

Xét nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của (Tên đầy đủ của Cơ sở) đã được Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung/đồng ý thông qua với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung, gửi kèm theo Công văn số:...... ngày .... tháng ... năm ... của (Tên đầy đủ của Cơ sở);

Theo đề nghị của (Tên đầy đủ của Cơ sở)

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở (Tên đầy đủ của Cơ sở), với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục đích, đối tượng và phạm vi của Kế hoạch:

Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được xây dựng nhằm đảm bảo khả năng phòng ngừa, ứng phó nhanh và hiệu quả đối với các sự cố tràn dầu có thể xảy ra tại:

- Diện tích:

- Quy mô, công suất:

- Số lượng bể chứa dầu:

- Số lượng cột bơm:

....

2. Các hạng mục công trình, vị trí nguy cơ tiềm ẩn sự cố tràn dầu:

- ....

- ....

- ...

Điều 2. (Tên đầy đủ của Cơ sở) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và những yêu cầu bắt buộc sau:

1. Thực hiện đúng quy định của Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế ứng phó sự cố tràn dầu.

2. Thực hiện việc đầu tư, mua sắm các trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thường trực, sẵn sàng lực lượng phương tiện, trang thiết bị để chủ động tổ chức, ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả, chỉ huy hiện trường khi xảy ra sự cố tràn dầu tại cơ sở.

4. Trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời trợ giúp và thực hiện ứng phó theo sự chỉ đạo của Chỉ huy huyện trường cấp tỉnh, cấp huyện.

5. Tham gia cùng cơ quan chức năng thực hiện đánh giá, xác định mức độ thiệt hại và chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

6. Thực hiện công tác báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu theo quy định của pháp luật.

7. Định kỳ 6 tháng/lần tổ chức đào tạo tập huấn nội bộ cho cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó sự cố để nang cao kỹ năng ứng phó và tổ chức diễn tập ứng phó theo kịch bản đã đề ra trong Kế hoạch.

8. Sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố tràn dầu theo sự phân công, điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh ...........

....

Điều 3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cơ sở có những thay đổi về nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt, Chủ cơ sở/dự án phải có vản bản báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 4. Giao cho (Tên đầy đủ của Cơ sở) chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và các yêu cầu nêu tại Điều 2 của Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh/Văn phòng HĐND-UBND huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường/Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND xã/thị trấn/thành phố (nơi thực hiện dự án/cơ sở), Giám đốc/chủ cơ sở (Tên đầy đủ của Cơ sở) và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;

- CT, các Phó CT...;

- Sở TN&MT;

- Phòng TN&MT;

- UBND cấp xã;
- Lưu …

Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

(UBND tỉnh/UBND cấp huyện)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất