Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 03/2019/QĐ-UBND Quảng Trị trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Quyết định 03/2019/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 03/2019/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Đức Chính |
Ngày ban hành: | 01/02/2019 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
tải Quyết định 03/2019/QĐ-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 03/2019/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Quảng Trị, ngày 01 tháng 02 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
--------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công Thương về Quy định về bảo vệ môi trường ngành Công thương;
Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03/2019/QĐ-UBND ngày 01/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
2. Những nội dung không nêu tại Quy định này được thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Chương II. QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VỀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ môi trường theo phân cấp trách nhiệm quy định tại Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.
2. Thiết lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
3. Quản lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
a) Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xử lý các khu, điểm, cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cập nhật, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách các cơ sở đã hoàn thành công trình/biện pháp xử lý môi trường, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp xử lý.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm đúng quy định.
c) Thông báo quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.
4. Tổng hợp, cập nhật và công khai thông tin về:
a) Hiện trạng môi trường tỉnh 05 (năm) năm một lần; báo cáo môi trường theo chuyên đề và Kết quả quan trắc chất lượng môi trường hàng năm;
b) Các nguồn thải vào lưu vực sông, hồ và các nguồn thải ra biển;
c) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, suy thoái chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải; tổ chức thực hiện tiêu chí 17 của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
6. Quản lý, tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm do hóa chất độc hại, hóa chất trong chiến tranh (nếu có), hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh.
7. Quản lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và các cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn, kiểm tra các chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định pháp luật.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động quản lý, xử lý chất thải công nghiệp thông thường của các cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
8. Quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
a) Xây dựng và triển khai Kế hoạch thu gom vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải không phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý chất thải nguy hại trực tiếp thực hiện vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển bằng các phương tiện, thiết bị được ghi trên Giấy phép xử lý chất thải nguy hại bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
b) Phối hợp với Sở Y tế triển khai Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
c) Điều tra, đánh giá, dự báo nguồn phát thải nguy hại và lượng phát thải.
9. Quản lý môi trường trong các làng nghề, cụ thể:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trong làng nghề. Đánh giá mức độ ô nhiễm làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Xem xét, đánh giá các điều kiện về bảo vệ môi trường để công nhận làng nghề.
b) Tổng hợp, công bố thông tin về hiện trạng và công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/12 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
10. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức và cá nhân liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn tỉnh, phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.
11. Giám sát, nhận dữ liệu quan trắc tự động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp có lưu lượng nước thải, khí thải lớn. Giám sát, quan trắc định kỳ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các nguồn thải của các cơ sở phát sinh lưu lượng nước thải trên 100m3/ngày đêm tần suất 2 tháng/lần, trên 500m3/ngày đêm tần suất 1 tháng/lần. Chủ trì lập đề án tăng cường giám sát các nguồn thải trên địa bàn tỉnh.
12. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, thị xã, thành phố trở lên thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, thị xã, thành phố trở lên; cung cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện các dữ liệu, chứng cứ để xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp cơ sở đó thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Ủy ban nhân dân tỉnh, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
1. Thực hiện các quy định tại Điều 14 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền theo quy định.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi khu công nghiệp, khu kinh tế do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý. Tổ chức bộ phận chuyên môn về quản lý môi trường để tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
3. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng hệ thống công trình bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
4. Tuân thủ đúng phân khu chức năng quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đã được phê duyệt. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào khu công nghiệp, khu kinh tế phải xem xét phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đã được phê duyệt.
6. Chỉ đạo, giám sát các đơn vị kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, các chủ dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế vận hành thường xuyên các hệ thống xử lý môi trường.
7. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải của các chủ nguồn thải nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định pháp luật.
8. Kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm đã được xác định.
9. Công khai thông tin về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
10. Tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, kiến nghị về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu kinh tế; chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp, kiến nghị về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong khu công nghiệp, khu kinh tế với bên ngoài; tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
11. Phối hợp, đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
12. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Điều 4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì hướng dẫn và giám sát các đơn vị, cá nhân trong thực hiện các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
2. Chịu trách nhiệm về quản lý, bảo vệ môi trường ở các công trình thủy lợi, đê điều, bảo vệ tài nguyên rừng và các khu bảo tồn, cung cấp nước sạch ở vùng nông thôn, chống xói mòn đất; hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng các loại phân bón, thuốc thú y, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp để tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Quản lý giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gen và sản phẩm của chúng, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm rau, củ, quả. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật về phát triển rừng và đa dạng sinh học.
4. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề, thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường; triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường làng nghề.
5. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh.
6. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện bảo vệ môi trường trong xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai, dịch bệnh.
7. Kiểm tra, thanh tra việc buôn bán động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng không đúng theo quy định, hoạt động khai thác tài nguyên sinh vật bằng phương tiện mang tính hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện giám sát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
9. Ban hành cảnh báo các khu vực có chất lượng đất không phù hợp với mục đích sử dụng. Điều tra, rà soát, khoanh vùng, theo dõi và giám sát vùng đất bị suy thoái và vùng đất có nguy cơ bị suy thoái. Lập kế hoạch cải tạo, phục hồi vùng đất bị suy thoái.
Điều 5. Sở Xây dựng
1. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hướng dẫn các chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước xây dựng giá xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
2. Kiểm tra, hướng dẫn việc bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ tập trung; không cấp phép xây dựng đối với các cơ sở chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định;
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý, thu gom, xử lý, tiêu hủy, chôn lấp, tái chế chất thải rắn thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh.
4. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp liên quan tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng thu gom rác thải, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư tập trung.
5. Phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá ô nhiễm không khí, nước, đất, tiếng ồn, độ rung tại các công trình xây dựng và hướng dẫn các tổ chức xây dựng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
6. Quy hoạch hồ, ao, kênh, mương trong đô thị, khu dân cư để cải tạo, bảo vệ. Lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái và làm mất mỹ quan đô thị, khu dân cư nông thôn.
Điều 6. Sở Giao thông Vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Kiểm tra hướng dẫn việc bảo vệ môi trường đối với hoạt động giao thông vận tải; thực hiện việc tuân thủ quy chuẩn môi trường về khí thải của các phương tiện tham gia giao thông; có kế hoạch xử lý các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường (bao gồm cả các phương tiện đường thủy).
3. Tăng cường việc kiểm tra các phương tiện vận chuyển đặc biệt là vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng nguy hiểm, hàng hóa và vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông.
4. Đề xuất việc lồng ghép các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án vào quá trình thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, biện pháp thi công và tổ chức giám sát thực hiện trong quá trình thi công công trình giao thông.
5. Nghiên cứu, đề xuất thúc đẩy phát triển giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Sở Y tế
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, phân loại chất thải, xử lý chất thải y tế; công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng biện pháp xử lý nước thải, rác thải y tế từ các cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sức khỏe - môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động mai táng.
3. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong phòng và dập dịch bệnh;
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện quản lý chất thải y tế nguy hại đúng theo quy định. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải, lượng phát thải chất thải y tế.
Điều 8. Sở Công Thương
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan, định hướng việc bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Chủ trì, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đề xuất và có phương án triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý.
5. Phối hợp xây dựng kế hoạch rà soát các khu, điểm, cơ sở ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực công thương và lộ trình thực hiện khắc phục, di dời; khắc phục sự cố môi trường các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý.
6. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế khuyến khích các đơn vị đầu tư dự án phát triển ngành công nghiệp môi trường, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và chiến lược phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Hướng dẫn, kiểm tra an toàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan, triển khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Sở Khoa học và Công nghệ
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để giảm thiểu tác động đến môi trường; phát triển thị trường công nghệ tập trung, ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sáng kiến và áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường.
3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, lạc hậu, chất lượng kém và gây ô nhiễm môi trường vào tỉnh.
Điều 10. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường.
2. Đảm bảo nội dung các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.
3. Tham mưu bố trí kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
4. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển sạch, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường; hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường.
5. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế ưu tiên đối với các dự án đầu tư xây dựng các hệ thống, cơ sở hạ tầng xử lý môi trường, các dự án bảo vệ môi trường ở các ngành, các cấp như kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, tái chế chất thải, vệ sinh môi trường.
Điều 11. Sở Tài chính
1. Căn cứ quy định hiện hành và khả năng cân đối ngân sách địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về nguồn kinh phí để triển khai hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xem xét, tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Điều 12. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp huyện đến cấp xã.
Điều 13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch theo quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Kiểm tra, hướng dẫn việc bảo vệ môi trường trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm phát triển du lịch không xâm hại đến di sản, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.
3. Đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc đánh giá làng văn hóa, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa.
Điều 14. Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình giáo dục môi trường cho các cấp học trên địa bàn tỉnh; tổ chức phát động và triển khai các chương trình giáo dục cho học sinh về công tác bảo vệ môi trường, sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải...
2. Chỉ đạo triển khai Đề án cam kết bảo vệ môi trường trong trường học; tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 15. Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; tăng thời lượng, dung lượng phát sóng, đăng tải để đưa những nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường.
2. Tiếp nhận dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường và chỉ đạo đăng tải thông tin về môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường cần công khai theo quy định của pháp luật, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
3. Tăng cường phổ biến những mô hình, tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường. Kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền ngăn chặn, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Điều 16. Cục Hải quan
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh.
Điều 17. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
1. Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang theo quy định pháp luật.
2. Phòng, chống, ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường trong các hoạt động quân sự và quốc phòng; cải thiện chất lượng môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý các thành phần môi trường phục vụ cho các hoạt động quân sự và quốc phòng địa phương.
3. Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tham gia ứng phó khắc phục sự cố môi trường khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; tổ chức, tham gia hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường cho Quân khu và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 18. Công an tỉnh
1. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và các lực lượng liên quan của Công an tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
3. Huy động lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố môi trường khi Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 19. Các sở, ban, ngành liên quan
Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình; quản lý môi trường lồng ghép các hoạt động tại địa phương. Phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.
Điều 20. Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện các quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định cụ thể tại quy định này.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật về việc bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, kể cả các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
3. Chỉ đạo thực hiện công khai thủ tục hành chính về môi trường tại cấp huyện. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy xác nhận về môi trường đối với kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án thuộc thẩm quyền. Không cấp phép xây dựng đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường nhưng chưa thực hiện.
4. Biên chế đủ cán bộ chuyên môn làm công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trên địa bàn quản lý.
5. Dành ít nhất 01% (một phần trăm) trong tổng chi ngân sách cấp huyện cho công tác bảo vệ môi trường, bố trí và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn sự nghiệp môi trường.
6. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải, kêu gọi người dân không đổ rác, xả nước thải bẩn, độc hại xuống sông, hồ.
7. Phối hợp với các huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện, phối hợp quản lý bảo vệ môi trường lưu vực sông.
8. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
9. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình vi phạm Luật bảo vệ môi trường; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn; không để phát sinh các điểm rác vô chủ, các điểm ao tù bẩn gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên địa bàn.
10. Kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn.
11. Chủ trì tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước; xử lý ô nhiễm môi trường nước sông, ao, hồ, kênh, mương trên địa bàn.
12. Tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn quản lý, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và công bố thông tin. Phát hiện và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường các khu vực đất ô nhiễm trên địa bàn quản lý. Theo dõi, giám sát việc lập, tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất của chủ sử dụng đất hoặc người gây ô nhiễm môi trường đất để phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định.
13. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các chủ nguồn thải quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định pháp luật. Hàng năm, đôn đốc các chủ nguồn thải báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ trên địa bàn huyện; tổng hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
14. Kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc tương đương.
15. Quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn huyện, cụ thể:
a) Thực hiện điều tra, thống kê, lập danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích, ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại các làng nghề trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
b) Đôn đốc, phê duyệt, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và kiểm tra việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
c) Chỉ đạo xây dựng và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.
d) Rà soát, đề xuất quy hoạch các cụm công nghiệp tập trung hoặc bố trí khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để lập kế hoạch, tổ chức thực hiện di dời cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
đ) Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý môi trường, huy động kinh phí từ các nguồn khác để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.
e) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tiếp nhận, xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất của làng nghề theo quy định của pháp luật.
g) Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề.
16. Điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
17. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục sự cố môi trường.
18. Phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
19. Tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn mình quản lý trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Điều 21. Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện các quy định tại Khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định cụ thể tại quy định này.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật về việc bảo vệ môi trường trên địa bàn xã.
3. Chỉ đạo các thôn, làng, khu phố xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng.
4. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường, đầu tư, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các làng nghề; tổ chức tiếp nhận và đối ứng kinh phí các dự án đầu tư xử lý môi trường cộng đồng.
5. Thành lập và duy trì hoạt động của các tổ, đội, hợp tác xã làm công tác vệ sinh môi trường; xây dựng mạng lưới thu gom, tuyến đường vận chuyển, địa điểm tập kết trung chuyển, quy định thời gian thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp đến nơi xử lý, tiêu hủy.
6. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, quy ước thôn, làng, khu phố về vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất và làng nghề trên địa bàn.
7. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, biểu dương gương người tốt, việc tốt; thông báo kịp thời các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, làng, khu phố. Tuyên truyền phối hợp và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về môi trường.
8. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường cấp xã (nếu có).
9. Bố trí cán bộ phụ trách môi trường, có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng cán bộ môi trường cấp xã.
10. Chủ trì, phối hợp với chủ dự án tổ chức tham vấn cộng đồng về triển khai các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
11. Xây dựng khu mai táng, cát táng trên địa bàn cấp xã đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
12. Công khai thông tin về bảo vệ môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn để nhân dân giám sát.
13. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân có sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp. Đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan chuyên môn xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải.
14. Bảo vệ môi trường làng nghề:
a) Lập và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn và tổ chức thực hiện.
b) Đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.
c) Bố trí cán bộ có kiến thức về pháp luật, quản lý môi trường theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
d) Thành lập, ban hành quy chế hoạt động và hướng dẫn Tổ tự quản thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề.
đ) Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải thông thường. Đối với chất thải nguy hại phải được quản lý đúng quy định.
e) Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề.
g) Trường hợp xảy ra sự cố môi trường, yêu cầu cơ sở trong làng nghề để xảy ra sự cố ngừng hoạt động, thực hiện các biện pháp hạn chế phạm vi, mức độ ảnh hưởng, triển khai các hoạt động khắc phục; thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan.
h) Điều chỉnh phương án bảo vệ môi trường làng nghề để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với làng nghề gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.
15. Báo cáo Hội đồng nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Khen thưởng
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, được xem xét khen thưởng theo quy định.
2. Hàng năm, căn cứ vào thành tích bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở và căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xét khen tặng các giải thưởng môi trường cấp tỉnh và đề nghị xét tặng giải thưởng môi trường cấp quốc gia.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức triển khai Quy định này. Định kỳ hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.