Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 7, Điều 8 Nghị định 105/2015
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Tài nguyên-Môi trường | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết thi hành Điều 7, Điều 8 Nghị định 105/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường gồm: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; trách nhiệm của cơ quan, cán bộ tiến hành kiểm tra và biểu mẫu sử dụng trong phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN Số: /2018/TT-BCA DỰ THẢO 2 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM --------- Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết thi hành Điều 7, Điều 8 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
------------
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát môi trường năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Điều 7, Điều 8 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết thi hành Điều 7, Điều 8 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 105/2015/NĐ-CP), gồm: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; trách nhiệm của cơ quan, cán bộ tiến hành kiểm tra và biểu mẫu sử dụng trong phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Cảnh sát môi trường các cấp, các đơn vị và các cấp Công an có trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP được ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân (đối tượng kiểm tra).
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phải có quyết định bằng văn bản. Quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ, đối tượng, nội dung, thành phần đoàn kiểm tra, thời hạn kiểm tra; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.
2. Khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải công bố quyết định kiểm tra với đối tượng kiểm tra, tiến hành kiểm tra theo nội dung ghi trong quyết định kiểm tra và đề nghị đối tượng kiểm tra cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm; tiếp nhận ý kiến hoặc văn bản giải trình của đối tượng kiểm tra. Mỗi cuộc kiểm tra không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, người ban hành quyết định kiểm tra có thể gia hạn kiểm tra không quá 07 ngày và ghi lý do vào biên bản kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, nếu đoàn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm không thuộc nội dung quyết định kiểm tra; hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của người ban hành quyết định kiểm tra thì đoàn kiểm tra lập biên bản và đề nghị người có thẩm quyền giải quyết; nếu có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ kết quả kiểm tra đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có). Biên bản kiểm tra phải ghi rõ thời gian, thành phần đoàn kiểm tra, đối tượng, nội dung, kết quả kiểm tra; mẫu vật môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (nếu có); tạm giữ, tịch thu tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính (nếu có); việc tạm giữ, tịch thu phải có quyết định bằng văn bản; họ, tên, chức vụ, chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra; họ, tên, chức vụ, chữ ký của đối tượng kiểm tra, đóng dấu (nếu đối tượng kiểm tra là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp).
Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, đoàn kiểm tra giữ 01 bản và giao đối tượng kiểm tra giữ 01 bản. Trường hợp đối tượng kiểm tra cố tình vắng mặt hoặc từ chối ký biên bản hoặc không nhận biên bản kiểm tra thì lập biên bản ghi nhận sự việc, ghi lý do, có người chứng kiến ký xác nhận.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo kết quả bằng văn bản cho người ban hành quyết định kiểm tra. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, người ban hành quyết định kiểm tra có văn bản kết luận kiểm tra. Trường hợp cần thiết để phục vụ công tác kiểm định, giám định, xác minh, trả lời kiến nghị và kết luận kiểm tra bổ sung (nếu có) thì có thể kéo dài thêm thời hạn ra văn bản kết luận kiểm tra không quá 02 lần, mỗi lần không quá 15 ngày làm việc.
Văn bản kết luận kiểm tra gửi cho đối tượng kiểm tra và gửi báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên; kết luận kiểm tra của Giám đốc Công an cấp tỉnh đồng gửi Cục Cảnh sát môi trường để theo dõi.
Điều 4. Kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
1. Khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện, đồ vật, địa điểm có cất giấu tang vật liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP được ban hành quyết định kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm.
Mọi trường hợp kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phải có quyết định bằng văn bản. Trong trường hợp địa điểm cất giấu tang vật, phương tiện có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đó xem xét quyết định và thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ, đối tượng, nội dung, thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.
2. Khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải công bố quyết định kiểm tra với chủ phương tiện, đồ vật, địa điểm hoặc người điều khiển phương tiện, người quản lý đồ vật, địa điểm (đối tượng kiểm tra); tiến hành kiểm tra theo nội dung ghi trong quyết định kiểm tra và đề nghị đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm; tiếp nhận ý kiến hoặc văn bản giải trình của đối tượng kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, nếu đoàn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm không thuộc nội dung quyết định kiểm tra; hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của người ban hành quyết định kiểm tra thì đoàn kiểm tra lập biên bản và đề nghị người có thẩm quyền giải quyết; nếu có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ kết quả kiểm tra đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có). Biên bản kiểm tra phải ghi rõ thời gian, thành phần đoàn kiểm tra, đối tượng, nội dung, kết quả kiểm tra; mẫu vật môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (nếu có); tạm giữ, tịch thu tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (nếu có), việc tạm giữ, tịch thu phải có quyết định bằng văn bản; họ, tên, chức vụ, chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra; họ, tên, chức vụ, chữ ký của đối tượng kiểm tra.
Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, đoàn kiểm tra giữ 01 bản và giao đối tượng kiểm tra giữ 01 bản. Trường hợp đối tượng kiểm tra cố tình vắng mặt hoặc từ chối ký biên bản hoặc không nhận biên bản kiểm tra thì lập biên bản ghi nhận sự việc, ghi lý do, có người chứng kiến ký xác nhận.
4. Sau khi kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo kết quả bằng văn bản đối với người ra quyết định kiểm tra.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, cán bộ tiến hành kiểm tra
1. Thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chấp hành đúng quy định về bảo mật, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm các thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc kiểm tra.
2. Nghiêm cấm việc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc tự ý mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra hoặc lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng kiểm tra.
Điều 6. Biểu mẫu
Ban hành kèm theo Thông tư này 09 biểu mẫu (từ biểu mẫu số 01 đến số 09) để sử dụng trong hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2018.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.
2. Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để được hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận: - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Các đồng chí Thứ trưởng; - Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; - Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL); - Công báo; - Lưu: VT, C41, V19. | BỘ TRƯỞNG
Thượng tướng Tô Lâm |
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!