Dự thảo Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

thuộc tính Quyết định

Dự thảo Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam lần 4
Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường
Loại dự thảo:Quyết định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, bao gồm: vị trí và chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn, bộ máy quản lý điều hành, nguồn vốn hoạt động và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan đối với tổ chức và hoạt động của Quỹ.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

Số:             /2019/QĐ-TTg

DỰ THẢO 4

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------

Hà Nội, ngày        tháng        năm 2019

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

------------------

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ), bao gồm: vị trí và chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn, bộ máy quản lý điều hành, nguồn vốn hoạt động và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan đối với tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Điều 2. Vị trí và chức năng

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu và bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại thành phố Hà Nội.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chức năng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không nằm trong kế hoạch ngân sách trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Tên giao dịch của Quỹ bằng tiếng Anh: Viet Nam Environment Protection Fund, viết tắt là VEPF.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ hoạt động công khai, minh bạch và bình đẳng.

4. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Điều 4. Nhiệm vụ của Quỹ

1. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi:

a) Đối với các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;

b) Đối với các hoạt động phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này và các hoạt động quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án bảo vệ môi trường vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

4. Tài trợ, đồng tài trợ:

a) Đối với các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc: Xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường, thiên tai gây ra, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về quản lý, khai thác tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ trao các giải thưởng về môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường;

b) Đối với các hoạt động phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gồm: Hoạt động tuyên truyền về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ Biogas; xử lý nước thải tuần hoàn; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất ô nhiễm thích ứng với biến đổi khí hậu và các hoạt động quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

5. Nhận ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.

6. Thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), bao gồm:

a) Tổ chức theo dõi, quản lý, thu lệ phí bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được Ban Chấp hành quốc tế về CDM cấp chứng nhận (CERs) cho các dự án CDM thực hiện tại Việt Nam;

b) Chi hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dự án đầu tư theo CDM; xem xét, phê duyệt tài liệu dự án CDM; quản lý và giám sát thực hiện dự án CDM;

c) Trợ giá đối với sản phẩm của dự án CDM.

7. Hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức thẩm định, phê duyệt mức, thời gian và hình thức hỗ trợ tài chính đối với các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu sử dụng vốn hỗ trợ từ Quỹ theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

9. Thực hiện các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

Điều 5. Quyền hạn của Quỹ

1. Tổ chức cơ quan điều hành và các đơn vị nghiệp vụ hoạt động phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

2. Kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức sử dụng nguồn vốn của Quỹ trong việc triển khai các hoạt động, nhiệm vụ và dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quỹ có quyền thu hồi vốn cho vay trước hạn, đình chỉ tài trợ hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các chủ đầu tư vi phạm cam kết với Quỹ hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước; khởi kiện các chủ đầu tư vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng tốt đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ.

4. Thực hiện và tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường năng lực cho Quỹ.

5. Từ chối yêu cầu của tổ chức hoặc cá nhân về việc cung cấp các thông tin của Quỹ nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

6. Trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi, thu hút, nhận ủy thác và tiếp nhận tài trợ hoặc huy động vốn bổ sung cho Quỹ theo quy định của pháp luật.

7. Cử cán bộ, viên chức và người lao động của Quỹ ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan, khảo sát theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ

Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm có Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Cơ quan điều hành nghiệp vụ.

1. Hội đồng quản lý Quỹ gồm có Chủ tịch và các ủy viên

a) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Các ủy viên gồm Giám đốc Quỹ và lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Căn cứ vào đề nghị của Bộ, cơ quan: Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định danh sách các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ.

Giám đốc Quỹ là ủy viên làm việc theo chế độ chuyên trách của Hội đồng quản lý Quỹ; các ủy viên khác của Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ.

2. Ban Kiểm soát gồm có Trưởng ban và Kiểm soát viên

Trưởng Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Số lượng thành viên Ban Kiểm soát không quá 03 (ba) người.

Ban Kiểm soát hoạt động theo chế độ chuyên trách.

3. Cơ quan điều hành nghiệp vụ của Quỹ gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, các phòng, ban nghiệp vụ và Văn phòng đại diện tại khu vực phía Nam và khu vực miền Trung

a) Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ;

b) Phó Giám đốc, Kế toán trưởng do Giám đốc Quỹ đề nghị, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm; số lượng Phó Giám đốc không quá 03 (ba) người.

c) Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban nghiệp vụ và Văn phòng đại diện do Giám đốc Quỹ quy định sau khi có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ;

d) Cơ quan điều hành nghiệp vụ của Quỹ hoạt động theo chế độ chuyên trách.

Viên chức và người lao động làm việc tại Quỹ được hưởng chế độ lương, thưởng, phúc lợi và các quyền lợi khác theo quy định như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Điều 7. Nguồn vốn của Quỹ

1. Vốn điều lệ:

a) Nâng mức vốn điều lệ của Quỹ từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng lên 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng; đến năm 2022, được cấp đủ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng.

b) Vốn điều lệ của Quỹ được bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước và từ Quỹ đầu tư phát triển của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Trong giới hạn 3.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định bổ sung vốn điều lệ từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; đối với nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định bổ sung vốn điều lệ sau khi có văn bản giao dự toán ngân sách bổ sung vốn điều lệ của Bộ Tài chính. Trường hợp tăng vốn điều lệ vượt mức 3.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

2. Vốn bổ sung hằng năm từ các nguồn:

a) Ngân sách nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp kinh phí tài trợ, hỗ trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hằng năm và bù đắp các khoản mà Quỹ đã chi thực hiện các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn từ nguồn chi sự nghiệp môi trường của Quỹ gửi Bộ Tài chính xem xét, quyết định;

b) Lệ phí bán, chuyển các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) thu được từ các dự án CDM thực hiện tại Việt Nam;

c) Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác đầu tư, viện trợ, ODA của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;

d) Các nguồn vốn của Quỹ đã được tạo lập hợp pháp trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành;

d) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của Quỹ, có trách nhiệm:

a) Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phù hợp với Quyết định này và các quy định pháp luật hiện hành;

b) Quyết định thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự lãnh đạo, quản lý Quỹ theo thẩm quyền;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn Quỹ hợp tác với Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;

d) Chủ trì thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý tài chính; phê duyệt báo cáo quyết toán tài chính hằng năm của Quỹ;

đ) Làm đầu mối giải quyết những vấn đề chung và những vấn đề liên ngành của Quỹ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn Quỹ trong việc vận động, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ, ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế phù hợp với quy định của Chính phủ Việt Nam và yêu cầu của các Nhà tài trợ.

4. Các Bộ, ngành có liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao.

Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các chương trình, dự án, hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ tài chính trước khi Quyết định định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết theo quy định tại Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho đến hết thời hạn hỗ trợ.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tiếp tục áp dụng chế độ kế toán, các quy định về cho vay ưu đãi, tài trợ, đồng tài trợ và các nghiệp vụ khác theo quy định hiện hành đến khi có văn bản hướng dẫn thay thế của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng      năm 2019 và thay thế Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, BTNMT.

THỦ TƯỚNG


 







Nguyễn Xuân Phúc



Phụ lục

DANH MỤC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐƯỢC VAY VỐN VỚI LÃI SUẤT ƯU ĐÃI TỪ QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số  /   /QĐ-TTg

ngày  tháng  năm  của Thủ tướng Chính phủ)

 

1. Xây dựng các công trình khai thác nước phục vụ các hoạt động sản xuất, chế biến và sinh hoạt; công trình tích trữ nước ngọt.

2. Sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi.

3. Sản xuất vật liệu xây không nung.

4. Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng (đèn led, bình nước uống năng lượng mặt trời).

5. Sản xuất các giống cây trồng chịu mặn; sản xuất chế phẩm sinh học cho nông nghiệp.

6. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

7. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 500 m3/ngày (24 giờ) đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

8. Xử lý chất thải các cơ sở sản xuất, bệnh viện, khu sinh thái (nước thải, khí thải, khói bụi).

9. Mua sắm thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

10. Các dự án phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế các bon thấp, kinh tế xanh và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên khác.

 

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY