Dự thảo Nghị định về lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tài nguyên và Môi trườngTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc các lĩnh vực có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính; kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ

Số:        /2018/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

 

CHƯƠNG I.

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

Nghị định này quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc các lĩnh vực có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính; kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan tới hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Mục tiêu 2oC là cam kết chính trị toàn cầu để giới hạn mức tăng nhiệt độ trong tương lai trong khoảng 2 độ C nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức hạn chế sự can thiệp nguy hiểm của con người vào hệ thống khí hậu.

2. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia đã trình lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021-2030.

3. Kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) là dự báo xu hướng phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bình thường mà không thực hiện bất kỳ nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính nào.

4. Tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của quốc gia đến năm 2030 là mức phát thải 787,4 triệu tấn CO2 tương đương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam thông báo cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

5. Đo đạc, Báo cáo và Thẩm tra là hoạt động theo dõi định lượng tiến độ và kết quả đạt được của các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất.

6. Kiểm kê khí nhà kính là những tính toán về phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính xảy ra trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể.

7. Phát thải đỉnh là lượng phát thải khí nhà kính tối đa của quốc gia hoặc trần phát thải tại quốc gia mà sau đó lượng phát thải có thể giảm theo thời gian.

8. Phát triển phát thải thấp dài hạn là chiến lược phát triển quốc gia bền vững dài hạn, tương thích với khí hậu được khuyến khích trong Thỏa thuận Paris cho các quốc gia vào năm 2020.

9. Khí nhà kính là khí trong khí quyển có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời sau đó phân tán nhiệt lại cho trái đất tạo nên hiệu ứng nhà kính, gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs, SF6, NF3.

10. Phát thải khí nhà kính là sự tạo ra các khí nhà kính và thải vào bầu khí quyển.

11. Nguồn phát thải khí nhà kính là hoạt động có phát thải khí nhà kính.

12. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển và đo lường được theo các phương pháp được công nhận.

13. Hấp thụ khí nhà kính là bất kỳ quá trình, hoạt động hoặc cơ chế nào loại bỏ khí nhà kính từ khí quyển; hấp thụ khí nhà kính được coi là hình thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

14. Bể hấp thụ khí nhà kính là một môi trường tự nhiên hoặc nhân tạo tích tụ và lưu trữ các hợp chất hóa học chứa các-bon trong một khoảng thời gian không hạn định.

15. Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính là một hệ thống các hoạt động kỹ thuật thực hiện việc tính toán và kiểm soát chất lượng của kiểm kê khí nhà kính.

16. Đảm bảo chất lượng số liệu kiểm kê khí nhà kính là một hệ thống kế hoạch kiểm tra và các thủ tục kiểm toán do cán bộ không tham gia trực tiếp vào tính toán thực hiện.

17. Định giá các-bon là hành động xác định mức chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan tới phát thải khí nhà kính được tính trên đơn vị phát thải khí nhà kính định lượng.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

1. Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và được cập nhật, điều chỉnh theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm mục đích tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.

3. Quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch và lồng ghép bảo đảm hiệu quả chi phí; triển khai.

4. Thí điểm hoạt động quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon đối với một số lĩnh vực phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế.

Điều 5. Lộ trình chung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình bắt buộc so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2030 phải đạt mức tối thiểu 8% thuộc các lĩnh vực chính gây phát thải khí nhà kính gồm: năng lượng, quản lý chất thải, nông nghiệp, sử dụng đất - thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.

2. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này được khuyến khích điều chỉnh tối đa đến 25% nếu có hỗ trợ quốc tế.

3. Lộ trình chung về bắt buộc và khuyến khích giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quy định chi tiết tại mục 1 Chương II của Nghị định này.

Điều 6. Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

1. Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc:

a) Xây dựng đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đối với các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 

b) Quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon;

c) Thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2. Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khuyến khích:

a) Xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế - xã hội gây phát thải khí nhà kính. 

b) Chủ động chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính của các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính. 

c) Khuyến khích các hoạt động giảm nhẹ phát thải, tăng cưởng hấp thụ khí nhà kính thông qua các cơ chế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và các điều ước, thỏa thuận quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

Điều 7. Biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính 

1. Biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này gồm:

a) Sử dụng hiệu quả năng lượng;

b) Tiết kiệm năng lượng;

c) Phát triển năng lượng tái tạo;

d) Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu;

đ) Chuyển đổi phương thức vận chuyển trong giao thông vận tải;

e) Chuyển đổi, cải tiến công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng;

g) Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp;

h) Chuyển đổi, cải tiến công nghệ, phương thức canh tác trong nông nghiệp;

i) Cải thiện giống, thức ăn chăn nuôi;

k) Tái chế chất thải;

l) Xử lý chất thải để phát điện và cấp nhiệt;

m) Bảo vệ rừng;

n) Quản lý rừng bền vững;

o) Trồng rừng;

p) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng.

2. Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định này.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 2 Điều này.

Thời gian sửa đổi, bổ sung Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện đồng thời với thời gian xây dựng, cập nhật, điều chỉnh đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia. 

 

CHƯƠNG II.

QUY ĐỊNH CHI TIẾT


Mục 1. Lộ trình chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

 

Điều 8. Lộ trình chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc đến năm 2030

1. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 6,6%, ước tính khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương.

2. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2030 phải đạt tối thiểu 8%, đạt 62,8 triệu tấn CO2 tương đương.

Điều 9. Lộ trình chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khuyến khích đến năm 2030

1. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này đến năm 2030 được điều chỉnh tối đa đến 25% tương đương 135,4 triệu tấn CO2 tương đương nếu có hỗ trợ quốc tế.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính căn cứ phạm vi, lĩnh vực hoạt động của mình tiến hành các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để góp phần đạt mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định này.

Điều 10. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2050

Giai đoạn 2030 đến 2050, Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính từ 1,5 – 2% hàng năm và đạt mức giảm tối thiểu 45% so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2050; nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 44%; tăng độ che phủ rừng hơn 50% và đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các cấp đề ra trong Chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn của quốc gia tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 11. Phân bổ mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính 

1. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2025 quy định tại Điều 8 của Nghị định này đối với Bộ quản lý lĩnh vực chính có phát thải khí nhà kính thực hiện như sau:

a) Bộ Công Thương: 2,3%;

b) Bộ Giao thông vận tải: 0,5%;

c) Bộ Xây dựng: 0,8%;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 3%.

2. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030 quy định tại Điều 8 của Nghị định này đối với Bộ quản lý lĩnh vực chính có phát thải khí nhà kính thực hiện như sau:

a) Bộ Công Thương: 2,7%;

b) Bộ Giao thông vận tải: 0,6%;

c) Bộ Xây dựng: 1%;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 3,6%.

3. Bộ trưởng các Bộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này căn cứ mức phân bổ có trách nhiệm chỉ đạo chi tiết lộ trình mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến từng năm hoạt động để đạt mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình chung quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Điều 12. Hoạt động thực hiện lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030

1. Triển khai thực hiện biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2. Kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần.

3. Xây dựng, áp dụng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh, cấp dự án.

4. Xây dựng, triển khai đề án thí điểm quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon.

5. Cập nhật đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định về thời gian cập nhật của Công ước khí hậu.

6. Xây dựng Chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn của quốc gia tầm nhìn đến năm 2050.

 

Mục 2. Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

 

Điều 13. Đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này gồm:

1. Đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc đến năm 2030

a) Đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Bộ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

2. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khuyến khích đến năm 2030

a) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động kinh tế - xã hội có phát thải khí nhà kính;

b) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh);

c) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính (sau đây gọi là kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án). 

Điều 14. Cơ sở xây dựng đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính 

1. Đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia là cơ sở để xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cấp tỉnh.

2. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực phải phù hợp với đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia; trường hợp trong quá trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực phát hiện mâu thuẫn thì phải điều chỉnh và thực hiện theo đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.

3. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh phải phù hợp với đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; trường hợp kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh được phê duyệt trước thời điểm phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực phát hiện mâu thuẫn thì cơ quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cùng thời điểm rà soát, điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch. 

4. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án phải phù hợp với kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cấp tỉnh.

Điều 15. Yêu cầu đối với đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Phải xác định mục tiêu chi tiết hoặc định lượng đối với từng lĩnh vực, biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến từng năm thực hiện.

2. Đánh giá, xác định nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kinh.

3. Phân tích, xác định xu hướng đường phát thải khí nhà kính tương lai và ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính tiềm năng.

4. Các lĩnh vực, biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế của đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đồng bộ, lô gíc về mục tiêu, nội dung, bảo đảm minh bạch cơ quan, đơn vị, cấp chịu trách nhiệm thực hiện.

5. Thời gian, kết quả đạt được đối với lĩnh vực, biện pháp, hoạt động phải cụ thể; lộ trình thực hiện phù hợp với tính chất, quy mô, phạm vi của từng đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh.

6. Đề án, kế hoạch phải đánh giá, phân tích được các yếu tố về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.

Điều 16. Căn cứ xây dựng đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia:

a) Lộ trình chi tiết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định này;

b) Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính kèm theo Phụ lục 1 của Nghị định này;

c) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong cùng giai đoạn; hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan;

d) Điều ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Kết quả thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy mô quốc gia, cấp vùng có tác động lớn tới hoạt động phát thải khí nhà kính.

2. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh:

a) Lộ trình chi tiết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với từng lĩnh vực quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định này;

b) Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính kèm theo Phụ lục 1 của Nghị định này;

c) Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương.

3. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án:

a) Danh mục hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định này;

b) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh có liên quan;

c) Nhu cầu theo mục đích riêng của chủ dự án, cơ sở.

Điều 17. Nội dung của đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Nội dung của đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia:

a) Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của từng lĩnh vực;

c) Kế hoạch, tiến độ thực hiện chi tiết đến năm 2030;

d) Công tác giám sát, đánh giá;

đ) Nguồn lực thực hiện cụ thể đối với từng mức giảm nhẹ phát thải bắt buộc, khuyến khích.

2. Nội dung của kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh:

a) Mục tiêu cụ thể đối với từng biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Mô hình dự báo và ước tính đường phát thải cơ sở thống nhất với đường phát thải cơ sở quốc gia; biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của từng lĩnh vực;

c) Kế hoạch, tiến độ thực hiện chi tiết đến năm 2030;

d) Hoạt động giám sát, đánh giá;

đ) Nguồn lực thực hiện cụ thể đối với từng mức giảm nhẹ phát thải bắt buộc, khuyến khích.

3. Nội dung của kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án:

a) Mục tiêu cụ thể theo nhu cầu riêng của chủ dự án, cơ sở;

b) Mô hình dự báo và ước tính đường phát thải cơ sở;

c) Tiến độ thực hiện;

d) Hoạt động giám sát, đánh giá;

đ) Chế độ báo cáo, kiểm kê theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ tiến trình cam kết của quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tình hình thực tế của Việt Nam, cơ quan, tổ chức chủ trì xây dựng kế hoạch có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung chi tiết của kế hoạch phù hợp với từng thời kỳ.

5. Biểu mẫu kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh, cấp dự án quy định tại Phụ lục 4 của Nghị định này.

Điều 18. Lấy ý kiến, phê duyệt đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Lấy ý kiến, phê duyệt đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của đề án và cơ quan, tổ chức có liên quan;

b) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.

2. Lấy ý kiến, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh:

Cơ quan xây dựng kế hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của kế hoạch và lấy ý kiến bằng văn bản các bên liên quan cụ thể như sau:

a) Lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực;

b) Lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ có chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực đối với kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh;

c) Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, cơ quan, địa phương nơi được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp quá thời hạn mà không có ý kiến trả lời thì được coi là đồng ý với toàn bộ nội dung của kế hoạch;

d) Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh phải được lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt. Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp quá thời hạn mà không có ý kiến trả lời thì được coi là đồng ý với toàn bộ nội dung của kế hoạch;

đ) Hồ sơ đề nghị lấy ý kiến gồm văn bản đề nghị lấy ý kiến, dự thảo kế hoạch, bản sao ý kiến của các bên liên quan, bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch;

g) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực;

h) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh.

3. Lấy ý kiến, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án:

Chủ dự án, cơ sở tự quyết định xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án theo nhu cầu riêng; sau khi phê duyệt gửi thông báo cho Bộ quản lý lĩnh vực và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nơi thực hiện kế hoạch. 

Điều 19. Thời hạn của đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Thời hạn đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia là 5 năm và tầm nhìn 10 năm kể từ khi được phê duyệt.

2. Thời hạn kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh là 5 năm kể từ khi được phê duyệt.

Điều 20. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đề án khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của điều ước ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Có sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh lớn yêu cầu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam;

c) Xuất hiện những yếu tố, nguy cơ tác động tiêu cực lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

2. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh:

a) Khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Xuất hiện những yếu tố, nguy cơ tác động tiêu cực lớn tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực, địa phương và được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ yêu cầu điều chỉnh.

3. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án:

Việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đề nghị điều chỉnh;

b) Theo nhu cầu của chủ dự án, cơ sở. 

Điều 21. Nguồn tài chính thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Nguồn tài chính thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này cụ thể như sau:

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm, bố trí hằng năm trong tổng dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật đối với việc xây dựng, giám sát thực hiện đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp tỉnh.

2. Nguồn hỗ trợ của quốc tế theo quy định của pháp luật đối với việc thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

3. Nguồn kinh phí của chủ dự án, cơ sở đối với việc thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án.

Điều 22. Chế độ báo cáo kết quả thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Chủ dự án, cơ sở có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan kết quả thực hiện kế hoạch theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Nghị định này.

2. Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp kết quả thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Nghị định này gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 23. Quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon

1. Nguyên tắc quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon

a) Quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon phải được thực hiện thông qua hệ thống chính sách định giá các-bon; triển khai thí điểm trước đối với một số lĩnh vực, bảo đảm công bằng, minh bạch phù hợp yêu cầu quản lý nhà nước hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Việc quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon quy định tại Nghị định này phải không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tham gia đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 

c) Tín chỉ các-bon hình thành trong quá trình áp dụng chính sách định giá các-bon là tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân được quản lý theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn, bảo mật đối với hoạt động đăng ký, cấp, quản lý tín chỉ các-bon;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon theo quy định tại Nghị định này.

2. Nội dung quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon

a) Áp dụng hệ thống chính sách định giá các - bon phù hợp đối với từng lĩnh vực có hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Xây dựng, triển khai các cơ chế tài chính, biện pháp kỹ thuật phục vụ định giá các-bon;

c) Xây dựng, thực hiện các chính sách, quy định về định giá các-bon và quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon;

d) Vận hành hệ thống quản lý, lưu trữ, sử dụng thông tin về định giá các-bon và quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon ở cấp trung ương và cấp lĩnh vực.

3. Xây dựng đề án thí điểm quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề án thí điểm quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Điều 24. Theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon

1. Theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon thông qua hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia và cấp lĩnh vực quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý, lưu trữ, sử dụng thông tin về tín chỉ các-bon; quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm tra đối với từng hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon.

Điều 25. Ưu đãi, hỗ trợ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Đối tượng và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ

a) Chủ dự án, cơ sở có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là đối tượng được xem xét hưởng các ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Nghị định này;

b) Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Dự án, cơ sở có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực đã có ưu đãi, hỗ trợ thì được xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực đó theo quy định của pháp luật có liên quan;

d) Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.

2. Trợ giá sản phẩm, dịch vụ

Chủ dự án, cơ sở có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cung ứng các sản phẩm, dịch vụ từ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm, dịch vụ công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

3. Hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm, sử dụng dịch vụ

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công sản phẩm ít phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án chứng nhận sản phẩm, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính, định kỳ hàng năm công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính.

Điều 26. Khuyến khích, hỗ trợ quảng bá sản phẩm

1. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định này thực hiện các hoạt động sau:

a) Quảng bá sản phẩm, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính;

b) Sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền thông về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

2. Chi phí thực hiện các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này được hạch toán vào chi phí sản xuất của dự án, cơ sở.


Mục 3. Kiểm kê khí nhà kính

 

Điều 27. Nguyên tắc kiểm kê khí nhà kính

Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

Minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp quản lý.

Số liệu chính xác, kịp thời.

Phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nguồn số liệu thống nhất, có thể kiểm tra, so sánh, đánh giá.

Phương pháp kiểm kê được áp dụng thống nhất theo hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu. 

Điều 28. Lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính và báo cáo phát thải khí nhà kính định kỳ

1. Lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính

Kiểm kê khí nhà kinh được áp dụng đối với hoạt động kinh tế - xã hội có phát thải, hấp thụ khí nhà kính theo hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực sau đây:

a) Năng lượng;

b) Quá trình công nghiệp;

c) Nông nghiệp;

d) Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp;

đ) Chất thải.

2. Báo cáo phát thải khí nhà kính định kỳ

a) Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ Danh mục hoạt động phát thải khí nhà kính quy định tại Phụ lục 2 của Nghị định này lập danh sách dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các dự án phải báo cáo phát thải khí nhà kính định kỳ trước ngày 31 tháng 12 năm 2020;

b) Báo cáo phát thải khí nhà kính nêu Điểm a, Khoản 2 Điều này được xây dựng định kỳ hai năm một lần theo hướng dẫn quy định tại Khoản … Điều … Nghị định này gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 31 tháng 12 kể từ năm 2022;

c) Việc báo cáo phát thải khí nhà kính quy định tại điểm a khoản 2 điều này cho các chủ dự án chỉ áp dụng đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hoặc Quốc hội chấp nhận chủ trương đầu tư.

3. Khi cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Danh mục các dự án báo cáo phát thải khí nhà kính quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định hướng dẫn về báo cáo phát thải khí nhà kính của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát thải khí nhà kính quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 28 Nghị định này.

Điều 29.  Mục đích kiểm kê khí nhà kính 

1. Xác định tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia, lĩnh vực, địa phương cho năm cơ sở, các nguồn phát thải khí nhà kính, bể hấp thụ khí nhà kính chính trong nước, trong lĩnh vực và tại địa phương.

2. Xây dựng, đánh giá các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng, phù hợp với điều kiện quốc gia.

3. Xây dựng đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực.

Điều 30. Trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ hai năm một lần.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc thẩm quyền quản lý định kỳ hai năm một lần.

Điều 31. Kiểm kê quốc gia khí nhà kính

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch kiểm kê, lựa chọn phương pháp luận, năm kiểm kê, hệ số phát thải đặc trưng của quốc gia và hệ số phát thải phù hợp của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính. 

2. Thu thập số liệu hoạt động và các thông tin liên quan

Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kế hoạch kiểm kê quốc gia khí nhà kính có trách nhiệm tổ chức thu thập, cung cấp thông tin, số liệu hoạt động gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan đầu mối quốc gia về kiểm kê phát thải khí nhà kính) phục vụ kiểm kê khí nhà kính quốc gia, cụ thể như sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo đề nghị kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Cơ quan đầu mối quốc gia về kiểm kê phát thải khí nhà kính;

b) Bộ Công Thương cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 1, số 4 và số 9 tại Phụ lục 5 Nghị định này;

c) Bộ Giao thông vận tải cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 2 tại Phụ lục 5 Nghị định này;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 5 và số 6 tại Phụ lục 5 Nghị định này;

đ) Bộ Xây dựng cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 3 tại Phụ lục 5 Nghị định này;

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu thập số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 7 tại Phụ lục 5 Nghị định này;

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp số liệu hoạt động và các thông tin liên quan theo biểu mẫu số 8 tại Phụ lục 5 Nghị định này.

3. Tổng hợp phân tích số liệu hoạt động và thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính.

4. Bảo đảm, kiểm soát chất lượng kiểm kê quốc gia khí nhà kính

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng tổ chức thực hiện bảo đảm, kiểm soát chất lượng kiểm kê quốc gia khí nhà kính.

5. Xây dựng báo cáo kiểm kê

Căn cứ kết quả kiểm kê, bảo đảm, kiểm soát thông tin, dữ liệu kiểm kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng báo cáo kiểm kê gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Điều 32. Kiểm kê khí nhà kính tại địa phương

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch và thực hiện kiểm kê bao gồm việc bảo đảm, kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính định kỳ.

2. Việc lựa chọn phương pháp luận, năm kiểm kê, hệ số phát thải phải phù hợp với phương pháp luận, hệ số phát thải sử dụng kiểm kê quốc gia khí nhà kính.

3. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính tại địa phương được gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

Điều 33. Thông tin, dữ liệu kiểm kê khí nhà kính

1. Thông tin, dữ liệu kiểm kê khí nhà kính là tập hợp, thống nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nội dung thông tin, dữ liệu kiểm kê khí nhà kính:

a) Đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Phương pháp luận kiểm kê khí nhà kính;

c) Các hệ số phát thải của đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

d) Kết quả kiểm kê khí nhà kính;

đ) Các kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

3. Việc lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu kiểm kê khí nhà kính quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.

 

Mục 4. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

 

Điều 34. Yêu cầu đối với hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp thực hiện.

2. Số liệu chính xác, kịp thời.

3. Phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Nguồn số liệu thống nhất, có thể kiểm tra, so sánh, đánh giá.

5. Phương pháp luận đo đạc, báo cáo, thẩm tra áp dụng phù hợp với từng hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quốc tế công nhận.

Điều 35. Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này được thực hiện thống nhất theo các cấp sau đây:

1. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp dự án.

2. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp lĩnh vực, cấp tỉnh.

3. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp quốc gia.

Điều 36. Nội dung đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các cấp

1. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp dự án

a) Đo đạc, xác định mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng sử dụng phương pháp được quốc tế công nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố;

b) Xây dựng báo cáo về mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo tiến độ thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lĩnh vực, cấp tỉnh.

2. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp lĩnh vực, cấp tỉnh

a) Thẩm tra, xác nhận kết quả đo đạc mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng của các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổng hợp mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng từ các dự án, cơ sở thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý;

c) Xây dựng báo cáo về mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng cấp lĩnh vực, cấp tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

3. Đo đạc, báo cáo, thẩm tra cấp quốc gia

a) Tổng hợp danh mục phương pháp đo đạc, thẩm tra mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng của cấp lĩnh vực, cấp tỉnh, cấp dự án;

b) Tổng hợp, báo cáo Chính phủ kết quả mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng của cấp lĩnh vực, cấp tỉnh, cấp dự án.

Điều 37. Hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra được xây dựng, áp dụng phù hợp đối với từng hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo đảm tính thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn mẫu báo cáo hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.

3. Các Bộ có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc đến năm 2030 quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Nghị định này hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án thuộc phạm vi quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm tra đối với kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp dự án thuộc phạm vi quản lý.

 

Mục 5. Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

 

Điều 38. Nội dung quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính 

1. Xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2. Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các báo cáo quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

3. Xây dựng, thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; lập danh mục các dự án phải báo cáo mức phát thải khí nhà kính định kỳ.

4. Xây dựng, tổ chức triển khai hệ thống chính sách định giá các-bon phù hợp với điều kiện trong nước và thông lệ quốc tế.

5. Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

6. Truyền thông, giáo dục, đào tạo, tăng cường năng lực liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết khiếu nại tố cáo việc tuân thủ các quy định về kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Điều này.

Điều 39. Phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính, chú trọng đối với đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và chỉ đạo cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Điều 40. Truyền thông về hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính

1. Truyền thông, giáo dục, vận động các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình, cá nhân thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước và được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan, cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề các cấp, tổ chức phi chính phủ thực hiện truyền thông các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam ở các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 41. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Điều 38 của Nghị định này và theo thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Định kỳ, đột xuất tổng hợp kết quả thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và quy định tại Nghị định này chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo thẩm quyền để thực hiện lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Điều 5 của Nghị định này đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, hoạt động thuộc phạm vi quản lý;

c) Ban hành theo thẩm quyền các quy định về thu thập thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính, quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này;

d) Chỉ đạo thực hiện việc kiểm kê khí nhà kinh của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý;

đ) Lồng ghép các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia phù hợp với lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức thực hiện công tác lồng ghép giữa hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định này và hoạt động tăng trưởng xanh thuộc chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

4. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định cơ chế tài chính hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Bảo đảm, bố trí hằng năm trong tổng dự toán ngân sách nhà nước đối với việc xây dựng, thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính theo định kỳ; xây dựng, giám sát thực hiện các đề án, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

5. Các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao căn cứ nội dung Nghị định này có trách nhiệm:

a) Rà soát, xác định nguồn phát thải khí nhà kính, bể hấp thụ khí nhà kính của lĩnh vực, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý; tổ chức đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phổ biến, giáo dục thực hiện các quy định của pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Điều 42. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Rà soát, xác định nguồn phát thải khí nhà kính, bể hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo lồng ghép quản lý, thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định tại Nghị định này với hoạt động tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường của địa phương.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định.

3. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phương án phân bổ dự toán, quản lý sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của địa phương.

4. Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phổ biến, giáo dục thực hiện các quy định của pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

5. Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn.

6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

7. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tham mưu quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn theo quy định tại Nghị định này.

 

CHƯƠNG III.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  … tháng  …  năm 201…

2. Bãi bỏ Quyết định số 2359/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính.

Điều 44. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- UB Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TCĐ Cổng TTĐT,

Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, KTN.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

Văn bản này có file đính kèm, tài Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi