Công văn 4444/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sử dữ liệu về nguồn thải”

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 4444/BTNMT-TCMT

Công văn 4444/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sử dữ liệu về nguồn thải”
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trườngSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:4444/BTNMT-TCMTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Võ Tuấn Nhân
Ngày ban hành:17/08/2018Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường

tải Công văn 4444/BTNMT-TCMT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Công văn 4444/BTNMT-TCMT DOC DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Công văn 4444/BTNMT-TCMT PDF PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
__________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________

Số: 4444/BTNMT-TCMT

V/v triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sử dữ liệu về nguồn thải”

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2018 về phê duyệt Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” (sau đây viết tắt là Dự án), Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án. Theo đó, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Phương án điều tra, thống kê nguồn thải và hướng dẫn thực hiện cho các Bộ, ngành, địa phương trong các năm tiếp theo; đồng thời xây dựng cấu trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nguồn thải áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

Căn cứ mục 6 Điều 2 Quyết định số 140/QĐ-TTg nêu trên, để tổ chức triển khai thực hiện Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ động tiến hành rà soát, báo cáo sơ bộ tình hình quản lý nguồn thải và hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nguồn thải trên địa bàn theo hướng dẫn tại Mục II của Phụ lục 1 kèm theo; xây dựng Kế hoạch thực hiện điều tra, thống kê toàn bộ nguồn thải trên địa bàn tỉnh cho năm 2019 và giai đoạn 2019 - 2020; có ý kiến góp ý đối với dự thảo Phương án điều tra nguồn thải (tài liệu tại Phụ lục 2 kèm theo), gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 9 năm 2018 để tổng hợp, phục vụ xây dựng phương án, kế hoạch điều tra, thống kê nguồn thải trên phạm vi cả nước.

2. Bố trí kinh phí năm 2019 và của giai đoạn 2019 - 2021 từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương để thực hiện điều tra, thống kê toàn bộ nguồn thải trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn cho năm 2019 - 2021, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 8 năm 2018 để tổng hợp, theo dõi. Đối với các tỉnh đặc biệt khó khăn, chưa cân đối được kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương, đề nghị đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày tháng 8 năm 2018 để tổng hợp, xem xét, gửi Bộ Tài chính phân bổ theo quy định.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: Tổng cục Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; điện thoại: (024) 38223194; fax: (024) 38223189; email: [email protected].

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của quý Ủy ban./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Bộ Tài chính (để phối hợp);
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, KH-TC, TCMT (N.6).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

PHỤ LỤC I.

THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN VÀ MẪU ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HIỆN TRẠNG, TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NGUỒN THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Công văn số 4444/BTNMT-TCMT ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN

1. Mục tiêu dự án

a) Mục tiêu tổng quát

Điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc (sau đây viết tắt là nguồn thải); trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với CSDL quốc gia về môi trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đảm bảo toàn bộ các hoạt động sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc được điều tra, thống kê, đánh giá, phân loại phục vụ xây dựng CSDL về nguồn thải;

- Xây dựng CSDL về nguồn thải đảm bảo cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chính xác, khoa học, kịp thời, thống nhất các thông tin, dữ liệu về nguồn thải trên phạm vi toàn quốc; có tích hợp, kết nối với CSDL quốc gia về môi trường, phục vụ cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các nhu cầu khác;

- Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, CSDL về nguồn thải.

2. Nội dung chính của dự án

2.1. Hợp phần 1: Điều tra, thống kê các nguồn thải trên phạm vi cả nước

a) Hoạt động chính:

- Xây dựng, phê duyệt Phương án điều tra nguồn thải.

- Điều tra thử nghiệm tại 03 địa phương, hoàn thiện Bộ Câu hỏi điều tra.

- Tổ chức tập huấn.

- Tổ chức điều tra, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi cả nước.

- Rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải.

- Xây dựng bản đồ và các báo cáo đánh giá về nguồn thải.

b) Sản phẩm:

- Danh sách các cơ sở điều tra dữ liệu trên toàn quốc tại các địa phương.

- Phương án điều tra nguồn thải được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt.

- Bộ Câu hỏi điều tra chi tiết.

- Báo cáo điều tra thử và bộ câu hỏi thu thập thông tin hoàn thiện.

- Tài liệu hướng dẫn phương pháp, quy trình nghiệp vụ.

- Tài liệu hướng dẫn, đào tạo cho Điều tra viên.

- Các khóa đào tạo về quy trình điều tra, cập nhật số liệu.

- Báo cáo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương về kết quả điều tra, tập hợp, thống kê nguồn thải thuộc phạm vi quản lý.

- Hệ thống bản đồ phân bố nguồn thải theo cấp hành chính: Bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 về nguồn thải cấp quốc gia; Bản đồ tỷ lệ 1/100.000 về nguồn thải cấp tỉnh; Bản đồ tỷ lệ 1/100.000 về nguồn thải các LVS.

- Báo cáo kết quả điều tra, tập hợp, thống kê nguồn thải trên phạm vi toàn quốc (hai giai đoạn).

- Báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại về nguồn thải trên phạm vi toàn quốc.

2.2. Hợp phần 2: Xây dựng CSDL về nguồn thải

a) Hoạt động chính:

- Xây dựng CSDL về nguồn thải (Xây dựng và hoàn thiện khung cấu trúc CSDL quốc gia về nguồn thải; Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu).

- Xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý CSDL về nguồn thải.

- Triển khai thí điểm CSDL về nguồn thải.

- Xây dựng CSDL về nguồn thải, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết nối với các bộ, ngành, địa phương.

- Đầu tư trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật, phần mềm bản quyền.

- Tạo lập, xây dựng hoàn thiện CSDL toàn quốc.

- Đào tạo và chuyển giao công nghệ.

b) Sản phẩm:

- Cấu trúc CSDL về nguồn thải.

- Báo cáo khảo sát thực tế tại 03 địa phương.

- Báo cáo thử nghiệm CSDL quốc gia về nguồn thải.

- Hướng dẫn xây dựng CSDL về nguồn thải tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- CSDL nguồn thải ở Trung ương đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phòng Khai thác Dữ liệu Trung tâm được thành lập và vận hành thử nghiệm.

- Báo cáo kết quả tổ chức các lớp đào tạo tập trung và các lớp đào tạo trực tuyến kèm theo bộ học liệu điện tử.

2.3. Hợp phần 3: Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nguồn thải

a) Hoạt động chính:

- Xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật về thu thập, báo cáo, quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn thải.

- Xây dựng Quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác, giám sát CSDL về nguồn thải.

- Tổ chức học tập kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn về quản lý, khai thác CSDL về nguồn thải.

- Điều phối hoạt động Dự án.

b) Sản phẩm:

- Dự thảo các văn bản pháp luật về thu thập, báo cáo, quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn thải, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

- Quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác, giám sát CSDL về nguồn thải.

- Báo cáo hoạt động truyền thông kèm theo các sản phẩm truyền thông.

- Các ấn phẩm của Dự án.

- Báo cáo tổng kết tổng thể Dự án.

3. Phạm vi, đối tượng điều tra, cách thức, thời điểm thực hiện điều tra

a) Phạm vi điều tra

Thực hiện điều tra nguồn thải trên phạm vi 63 tỉnh/thành phố trong toàn quốc.

b) Đối tượng điều tra

Theo Quyết định 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng thực hiện điều tra, thống kê nguồn thải gồm toàn bộ “các cơ sở sản xuất, dịch vụ” có phát sinh chất thải trên phạm vi cả nước. Do đó, căn cứ loại hình và thời gian dự kiến. Dự án sẽ điều tra các loại hình sản xuất, dịch vụ thuộc các nhóm ngành: A, B, C, D, E và Q theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2007 (VSIC 2007) và dự kiến chia thành 02 nhóm để thực hiện thu thập dữ liệu như sau:

(i) Nhóm 1:

- Các cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây viết tắt là KCN);

- Các cơ sở sản xuất ngoài KCN có một trong các tiêu chí sau:

+ Thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao1;

+ Có phát sinh nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên;

+ Có quy mô xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động quy định tại Thông tư 31/2016/TT-BTNMT .

- Các cơ sở chăn nuôi tập trung có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên.

- Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

(ii) Nhóm 2:

- Các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải dưới 200 m3/ngày đêm hoặc quy mô xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động quy định tại Thông tư 31/2016/TT- BTNMT.

- Các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên.

- Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và nước thải.

c) Cách thức điều tra, thu thập dữ liệu

Sử dụng cán bộ điều tra để phỏng vấn trực tiếp tại cơ sở theo mẫu phiếu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

d) Thời điểm thực hiện điều tra, thu thập dữ liệu

Điều tra, thu thập dữ liệu về nguồn thải được thực hiện thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Điều tra toàn bộ nguồn thải thuộc danh mục Nhóm 1: Từ ngày 30 tháng 9 năm 2019 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2019.

- Giai đoạn 2: Điều tra toàn bộ nguồn thải thuộc danh mục Nhóm 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2020.

4. Thời gian thực hiện

Bốn năm, từ năm 2018 đến năm 2021, cụ thể như sau:

TT

Nội dung chính

Thời gian thực hiện

I

Hợp phần 1: Điều tra, thống kê các nguồn thải trên phạm vi cả nước

-

Xây dựng Phương án điều tra nguồn thải

2018

-

Tổ chức tập huấn

2019

-

Tổ chức điều tra, tập hợp, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi cả nước

2019-2020

-

Rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải

2020-2021

-

Xây dựng bản đồ và các báo cáo đánh giá về nguồn thải

2021

II

Hợp phần 2: Xây dựng CSDL về nguồn thải

-

Xây dựng CSDL về nguồn thải (Xây dựng và hoàn thiện khung cấu trúc CSDL quốc gia về nguồn thải; Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu)

2018

-

Xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý CSDL về nguồn thải

2018-2019

-

Triển khai thí điểm CSDL về nguồn thải

2018-2019

-

Đầu tư trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật, phần mềm bản quyền

2020-2021

-

Tạo lập, xây dựng hoàn thiện CSDL toàn quốc

2020-2021

-

Đào tạo và chuyển giao công nghệ

2020-2021

III

Hợp phần 3: Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; điều phối hoạt động dự án

-

Xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật về thu thập, báo cáo, quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn thải

2019-2020

-

Xây dựng Quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác, giám sát CSDL về nguồn thải

2020-2021

-

Tổ chức học tập kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn về quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về nguồn thải

2019-2021

-

Điều phối hoạt động Dự án

2018-2021

-

Nghiệm thu tổng thể dự án

2021

5. Trách nhiệm thực hiện

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án; hướng dẫn, theo dõi, tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án;

- Tổng hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ một phần từ Trung ương đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, gửi Bộ Tài chính phân bổ;

- Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Dự án theo phân kỳ; hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án.

b) Bộ Tài chính

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện Dự án trong dự toán chi sự nghiệp môi trường của ngân sách Trung ương hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cung cấp kết quả của hoạt động Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các nhiệm vụ có liên quan cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án.

d) Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế

Phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ công tác điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải.

đ) Các Bộ: Công an, Quốc phòng

- Chủ trì thực hiện công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải thuộc phạm vi quản lý theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng tiến độ và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra;

- Cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện Dự án; phê duyệt và triển khai thực hiện nội dung Dự án do Bộ chủ trì thực hiện;

- Hàng năm, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của Dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, trực thuộc Trung ương

- Chủ trì, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương để thực hiện công tác điều tra nguồn thải trên địa bàn theo Phương án điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm đúng tiến độ và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra;

- Đầu tư trang thiết bị, nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn quản lý;

- Hàng năm, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của Dự án, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án, nếu có khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được kịp thời tháo gỡ.

II. MẪU BÁO CÁO SƠ BỘ THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NGUỒN THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ

1. Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nguồn thải

- Chính sách quản lý nguồn thải tại địa phương (Các văn bản, chỉ đạo liên quan đến quản lý nguồn thải do UBND cấp tỉnh ban hành);

- Tổ chức bộ máy quản lý.

- Nguồn nhân lực và tài chính cho công tác quản lý nguồn thải.

- Hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị.

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.

- Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nguồn thải.

2. Thống kê sơ bộ số lượng nguồn thải trên địa bàn tỉnh/thành phố

- Số lượng toàn bộ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh/thành phố (số cơ sở);

- Số lượng các cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh/thành phố (số cơ sở);

- Số lượng các cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường, nước thải trên địa bàn tỉnh/thành phố (số cơ sở);

- Số lượng các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên trên địa bàn tỉnh/thành phố (số cơ sở).

3. Đánh giá sơ bộ hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nguồn thải trên địa bàn

(Theo biểu kèm theo)

4. Những tồn tại, nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải trong thời gian tới

- Những tồn tại và nguyên nhân.

- Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải thời gian tới.

5. Đề xuất, kiến nghị

 

 

TM. UBND
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ, tên)

 

Biểu: Đánh giá sơ bộ hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nguồn thải trên địa bàn

TT

Nội dung

Tích vào 1 trong 2 phương án hoặc điền thông tin phù hợp

1

Hiện trạng cơ sở dữ liệu về quản lý nguồn thải

□ Có (Trả lời những câu hỏi tiếp theo)

□ Không (Chuyển xuống câu 9)

2

Các trường thông tin về nguồn thải

(Ví dụ: các thông tin về: tên; địa chỉ; lĩnh vực hoạt động; sản phẩm chính; loại chất thải phát sinh; các thủ tục hành chính...được thiết kế trong phần mềm cơ sở dữ liệu),

3

Thực trạng khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường tại địa phương

□ Đã khai thác

□ Chưa khai thác

4

Hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến nguồn thải của đơn vị có kết nối chia sẻ dữ liệu với các CSDL nào hay không

□ Không kết nối, chia sẻ dữ liệu nào với các CSDL khác

□ Có kết nối, chia sẻ dữ liệu nào với các CSDL khác

5

Tình hình triển khai duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu

□ Cập nhật thường xuyên

□ Không cập nhật thường xuyên

6

Hiện trạng quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu

□ Có quy chế quản lý, vận hành

□ Có bố trí nhân lực, kinh phí để thực hiện quản lý, vận hành

7

Đánh giá về các loại hình nguồn thải trong CSDL

□ Đầy đủ

□ Chưa đầy đủ

8

Đánh giá mức độ đáp ứng của Cơ sở dữ liệu đối với công tác quản lý nhà nước

□ Chưa đáp ứng

□ Đáp ứng
một phần

□ Đáp ứng tốt

9

Đề xuất/Mong muốn về cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải

(Ghi rõ đề xuất)

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 2

DỰ THẢO PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA THỐNG KÊ NGUỒN THẢI
(Kèm theo Công văn số 4444 /BTNMT-TCMT ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA

1. Mục đích

- Thống kê các chỉ tiêu liên quan đến nguồn phát sinh chất thải, chất thải và công tác quản lý của nhà nước về chất thải phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng, xây dựng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ chất thải.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ công tác quản lý chuyên sâu về chất thải.

2. Yêu cầu

- Kế thừa được số liệu của các cuộc điều tra đã thực hiện có liên quan để giảm chi phí thực hiện.

- Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu trữ dữ liệu cuộc Điều tra phải thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định.

- Đảm bảo thông tin điều tra đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, bỏ sót, phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA

1. Đối tượng điều tra

Căn cứ Quyết định 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng thực hiện điều tra, thống kê nguồn thải là “các cơ sở sản xuất, dịch vụ” có phát sinh chất thải. Căn cứ loại hình và thời gian dự kiến, Dự án điều tra các loại hình sản xuất, dịch vụ thuộc các nhóm ngành: A, B, C, D, E và Q theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2007 (VSIC 2007) phải thực hiện phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, chi tiết theo Bảng dưới đây:

Bảng. Danh mục đối tượng điều tra thống kê dữ liệu nguồn thải

Cấp 1

Cấp 2

Tên ngành

A

 

NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

 

 

Chăn nuôi

B

 

KHAI KHOÁNG

 

05

Khai thác than cứng và than non

 

06

Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên

 

07

Khai thác quặng kim loại

 

08

Khai khoáng khác (đá, cát, sỏi, đất sét)

 

09

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng

C

 

CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

 

10

Sản xuất chế biến thực phẩm

 

11

Sản xuất đồ uống

 

12

Sản xuất sản phẩm thuốc lá

 

13

Dệt

 

14

Sản xuất trang phục

 

15

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

 

16

Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện

 

17

Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy

 

18

In, sao chép bản ghi các loại

 

19

Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế

 

20

Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất

 

21

Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu

 

22

Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic

 

23

Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác

 

24

Sản xuất kim loại

 

25

Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)

 

26

Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học

 

27

Sản xuất thiết bị điện

 

28

Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu

 

29

Sản xuất xe có động cơ

 

30

Sản xuất phương tiện vận tải khác

 

31

Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế

 

32

Công nghiệp chế biến, chế tạo khác

 

33

Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị

D

 

SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI ĐIỆN, KHÍ ĐỐT, NƯỚC NÓNG, HƠI NƯỚC VÀ ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ

 

35

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

E

 

CUNG CẤP NƯỚC; HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI, NƯỚC THẢI

 

36

Khai thác, xử lý và cung cấp nước

 

37

Thoát nước và xử lý nước thải

 

38

Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu

 

39

Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác

Q

 

Y TẾ VÀ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI

 

86

Hoạt động y tế

 

87

Hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung

 

88

Hoạt động trợ giúp xã hội không tập trung

- Ngoài danh mục các đối tượng nêu trên, toàn bộ cơ sở thuộc các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao2 đều là đối tượng thu thập thông tin dữ liệu của Dự án.

Trên cơ sở này, dự án phân đối tượng theo 02 nhóm :

(1) Nhóm 1:

Là toàn bộ chủ nguồn thải có những tiêu chí sau:

- Các cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây viết tắt là KCN);

- Các cơ sở sản xuất ngoài KCN có một trong các tiêu chí sau:

+ Thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao quy định tại Bảng 1;

+ Có phát sinh nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên;

+ Có quy mô xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động quy định tại Thông tư 31/2016/TT-BTNMT .

- Các cơ sở chăn nuôi tập trung có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên.

- Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

(2) Nhóm 2:

Là toàn bộ các chủ nguồn thải có những tiêu chí sau:

- Các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải dưới 200 m3/ngày đêm hoặc quy mô xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động quy định tại Thông tư 31/2016/TT- BTNMT.

- Các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên.

- Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và nước thải.

2. Đơn vị điều tra

Đơn vị điều tra là cơ sở sản xuất, dịch vụ có địa điểm sản xuất cố định trên lãnh thổ Việt Nam, có thời gian hoạt động sản xuất liên tục hoặc theo mùa.

3. Phạm vi điều tra

Cuộc điều tra thực hiện toàn bộ các nguồn thải được quy định tại Khoản 1 có địa bàn hoạt động trên đất liền thuộc lãnh thổ Việt Nam của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

III. LOẠI ĐIỀU TRA

Điều tra nguồn thải thực hiện điều tra toàn bộ.

IV. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

1. Thời điểm, thời kỳ thực hiện điều tra

a) Thời điểm thực hiện: Cuộc điều tra thu thập dữ liệu về nguồn thải được thực hiện thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Điều tra toàn bộ nguồn thải thuộc danh mục Nhóm 1: Từ ngày 30 tháng 9 năm 2019 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2019.

- Giai đoạn 2: Điều tra toàn bộ nguồn thải thuộc danh mục Nhóm 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 10 năm 2020.

b) Thời kỳ điều tra:

- Giai đoạn 1: Những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin theo số phát sinh năm 2018 hoặc các tháng năm 2019 tùy theo từng chỉ tiêu và đơn vị điều tra được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.

- Giai đoạn 2: Những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin theo số phát sinh năm 2019 hoặc các tháng năm 2020 tùy theo từng chỉ tiêu và đơn vị điều tra được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.

2. Phương pháp điều tra

a) Sử phương pháp phỏng vấn trực tiếp bằng việc sử dụng bảng câu hỏi được in trên giấy.

b) Người cung cấp thông tin:

- Các nguồn thải nằm trong Khu công nghiệp:

+ Đại diện Lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghiệp hoặc đại diện Lãnh đạo Phòng Quản lý Môi trường;

+ Đại diện Lãnh đạo cơ sở sản xuất.

- Các nguồn thải nằm ngoài khu công nghiệp: Đại diện Lãnh đạo cơ sở.

- Các nguồn thải là cơ sở khám chữa bệnh: Đại diện Lãnh đạo bộ phận quản lý môi trường.

V. NỘI DUNG, PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Nội dung điều tra

a) Nhóm thông tin chung bao gồm: Tên chủ nguồn thải; Địa chỉ trụ sở; Địa điểm hoạt động: Địa chỉ; Tọa độ; Khu vực sản xuất (Trong khu công nghiệp, Ngoài khu công nghiệp, Làng nghề); Mã đơn vị; Người đại diện: (Họ và tên người đại diện, Điện thoại, Fax, Email; Giấy phép hoạt động (Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy phép đầu tư; Quyết định thành lập); Năm hoạt động; Diện tích mặt bằng; Tổng số cán bộ, công nhân; Thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

b) Nhóm thông tin về hoạt động sản xuất: Loại hình hoạt động; Các sản phẩm chính; Công nghệ sản xuất; Quy mô/công suất thiết kế; Quy mô/công suất hoạt động; Nguyên, vật liệu sản xuất chính; Hóa chất sử dụng chính; Nhiên liệu tiêu thụ (Điện năng; Gas; Than; Dầu); Lượng nước sử dụng.

c) Nhóm thông tin về chất thải: Chất thải rắn: Chất thải rắn sinh hoạt - Khối lượng phát sinh; Tự xử lý; Phương pháp tự xử lý; Công nghệ xử lý chất thải; Đơn vị tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn công nghiệp: Khối lượng phát sinh; Lượng chất thải rắn công nghiệp được xử lý; Tự xử lý; Phương pháp xử lý; Công nghệ xử lý chất thải; Đơn vị tiếp nhận, xử lý chất thải rắn công nghiệp; Chất thải nguy hại: Mã chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Khối lượng phát sinh theo đăng ký; Khối lượng phát sinh thực tế; Lượng chất thải công nghiệp được xử lý; Tự xử lý; Phương pháp xử lý; Công nghệ xử lý; Đơn vị tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại; Nước thải: Thông tin nguồn thải: Khối lượng nước tuần hoàn; Khối lượng nước thải; Đặc trưng nước thải; Vị trí xả thải; Nguồn tiếp nhận; Kiểm soát Online; Quy chuẩn nước thải áp dụng; Thông tin về xử lý nước thải; Đơn vị có hệ thống xử lý không; Công suất xử lý; Công nghệ xử lý; Kết quả quan trắc nước thải; Khí thải: Thông tin nguồn thải (khí thải): Vị trí xả thải (Định vị vệ tinh); Khối lượng khí thải; Đặc trưng khí thải; Quy chuẩn khí thải; Thông tin xử lý khí thải: Đơn vị có hệ thống xử lý không; Công suất xử lý; Công nghệ xử lý; Kết quả quan trắc khí thải.

d) Thông tin thủ tục hành chính; Quyết định phê duyệt ĐTM/Kế hoạch BVMT (Số quyết định; Cơ quan phê duyệt; Thời gian phê duyệt); Xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (Số Quyết định; Cơ quan phê duyệt; Thời gian phê duyệt); Kết quả thanh tra, kiểm tra; Số hiệu Kết luận thanh tra, kiểm tra; Cơ quan ban hành; Thời gian ban hành; Scan Kết luận thanh tra, kiểm tra; Hành vi vi phạm; số tiền bị xử phạt.

e) Thông tin khác

2. Các loại phiếu điều tra

Cuộc điều tra sử dụng 07 loại phiếu điều tra sau:

- Phiếu số 01/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm Công nghiệp.

- Phiếu số 02/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin các cơ sở sản xuất ngoài Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm Công nghiệp.

- Phiếu số 03/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin khu vực khai thác mỏ.

- Phiếu số 04/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin cơ sở chăn nuôi tập trung.

- Phiếu số 05/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.

- Phiếu số 06/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin các cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, nước thải.

- Phiếu số 07/ĐTNT - Phiếu thu thập thông tin Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp.

(Phiếu điều tra, nội dung Phiếu điều tra chi tiết sẽ được gửi xin ý kiến sau).

VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA

Các bảng phân loại, danh mục được sử dụng trong điều tra gồm:

1. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007) ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam;

2. Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, được cập nhật đến thời điểm điều tra.

VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ SỐ LIỆU ĐIỀU TRA

- Các điều tra viên trực tiếp thu thập thông tin và được tổ trưởng kiểm tra;

- Đơn vị xử lý thông tin của Bộ Công an/Bộ Quốc phòng và các tỉnh sẽ xem xét số liệu, xác nhận và gửi về Tổng cục Môi trường;

- Tổng cục Môi trường sẽ thực hiện rà soát, nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu chung, phân tích và tổng hợp chung trong toàn quốc.

Riêng dữ liệu là nguồn thải thuộc đối tượng nằm trong danh mục bí mật quốc gia của Bộ công an, Bộ quốc phòng được nhập liệu vào cơ sở dữ liệu của các Bộ.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Tổ thường trực

1.1. Cấp Trung ương:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường thành lập Tổ thường trực giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai thực hiện cuộc điều tra về nguồn thải, cụ thể:

- Thành phần: Tổ trưởng là Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, 01 Phó Tổ trưởng là Chánh Văn phòng Tổng cục; Thành viên là Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Quản lý chất thải, Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường.

- Nhiệm vụ: Tổ thường trực là bộ phận giúp việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra nguồn thải, thực hiện các nội dung: (1) Chỉ đạo xây dựng Phương án điều tra nguồn thải; (2) Chỉ đạo công tác chuẩn bị Điều tra; (3) Chuẩn bị các tài liệu cho đào tạo, tập huấn các cấp.

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Cuộc điều tra được tổ chức thực hiện theo các cấp hành chính. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của hai ngành hoạt động quản lý Nhà nước về quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thành lập riêng hai Tổ thường trực giúp việc Bộ trưởng triển khai điều tra riêng theo sự chỉ đạo ngành dọc từ trung ương đến địa phương của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhưng thống nhất với nội dung phương án điều tra của cả nước.

c) Các Bộ, Ngành

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ công tác điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải.

1.2. Cấp địa phương

Các địa phương thành lập Tổ thường trực giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh/Thành phố để tổ chức thực hiện cuộc điều tra. Thành phần và số lượng thành viên Tổ thường trực do các địa phương quyết định.

Tổ thường trực cuộc điều tra nguồn thải các cấp ở địa phương có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra, thu thập dữ liệu tại địa phương mình theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các tỉnh sẽ hướng dẫn, lựa chọn đơn vị thu thập và xử lý thông tin cấp tỉnh.

2. Lập và tổng hợp danh sách các đơn vị điều tra

Tổ thường trực cấp tỉnh/Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện rà soát, lập danh sách các đối tượng điều tra theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm các cơ sở sản xuất, dịch vụ thuộc đối tượng tại mục II. 1 (sau đây viết tắt là cơ sở) theo tình trạng hoạt động:

- Các cơ sở đang hoạt động.

- Các cơ sở tạm ngừng hoạt động.

- Các cơ sở đã có quyết định phê duyệt ĐTM/giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường chưa đi vào hoạt động.

Tổ thường trực cấp tỉnh/Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoàn thành rà soát danh sách và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:

- Nhóm 1: Trước ngày 30/3/2019.

- Nhóm 2: Trước ngày 30/10/2019.

3. Tuyển dụng điều tra viên và tổ trưởng

a) Yêu cầu đối với đối tượng tuyển dụng làm điều tra viên, giám sát viên

Tổ Thường trực địa phương/Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trực tiếp tuyển chọn hoặc hướng dẫn tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng cho từng địa bàn điều tra.

Người được tuyển dụng làm điều tra viên, giám sát viên là những người có sức khỏe, thời gian, trình độ để tiếp thu và thực hiện tốt các quy định trong quy trình thu thập thông tin của điều tra viên và kiểm tra của tổ trưởng; có kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực môi trường ở địa bàn; nhiệt tình và có trách nhiệm đối với công việc được phân công.

b) Số lượng điều tra viên cần tuyển dụng

Tổ Thường trực địa phương/Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ vào số lượng đơn vị điều tra, điều kiện thực tế của từng vùng, miền (địa hình, giao thông) và định mức điều tra cho mỗi điều tra viên để xác định số lượng điều tra viên cần tuyển dụng đảm bảo đủ lực lượng để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng thu thập thông tin, đồng thời tiết kiệm kinh phí tuyển chọn, tập huấn điều tra viên và tổ trưởng. Để đảm bảo tính chủ động, cần tuyển chọn và tập huấn dự phòng thêm 3% điều tra viên

c) Nhiệm vụ của điều tra viên và giám sát viên

- Nhiệm vụ của Điều tra viên:

+ Tham dự đầy đủ và nghiêm túc lớp tập huấn dành cho điều tra viên;

+ Trực tiếp đến các đơn vị điều tra được phân công để phỏng vấn thu thập thông tin trong phiếu điều tra theo đúng yêu cầu;

+ Thực hiện đầy đủ các quy định đối với điều tra viên trong quy trình thu thập thông tin và kiểm tra của tổ trưởng; phối hợp với Giám sát viên hoàn thành các công việc có liên quan khác.

- Nhiệm vụ của Giám sát viên:

+ Tham dự đầy đủ và nghiêm túc lớp tập huấn dành cho Giám sát viên;

+ Thực hiện kiểm tra, giám sát trong quá trình thu thập dữ liệu và rà soát dữ liệu trước khi chuyển cho Trung tâm xử lý dữ liệu của địa phương.

+ Báo cáo kịp thời những phát sinh trong quá trình điều tra, thu thập dữ liệu về Tổ thường trực cấp tỉnh/Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

4. Tập huấn các Tổ thường trực cấp Tỉnh, điều tra viên

4.1. Cấp Trung ương

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn phương án điều tra, các quy trình, nội dung phiếu điều tra cho Tổ thường trực của các Tỉnh và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Thời gian tập huấn mỗi lớp 03 ngày.

4.2. Cấp Tỉnh

Các tỉnh tổ chức tập huấn với các nội dung: Quán triệt nội dung, kế hoạch điều tra; tập huấn phương án, các quy trình, nội dung các loại phiếu điều tra cho Giám sát và Điều tra viên.

Thời gian mỗi lớp 03 ngày.

Nội dung và phương pháp tập huấn ở mỗi cấp được quy định cụ thể trong quy trình tập huấn do Tổ thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo.

5. Hoạt động tuyên truyền

Hoạt động tuyên truyền cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chính và kế hoạch thực hiện điều tra trên toàn quốc. Hoạt động tuyên truyền tập trung cao điểm từ ngày 25/8 đến 31/12/2019. Trong năm 2020, tùy thuộc vào kế hoạch thực hiện của các Tỉnh, sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền trong giai đoạn thực hiện thu thập dữ liệu.

Các tỉnh lựa chọn các hình thức tuyên truyền như: các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh, báo viết, báo điện tử, bản tin); cổ động (áp phích, khẩu hiệu, lô gô,...).

Tổng cục Môi trường chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết (in áp phích, sổ tay tuyên truyền,... về các nội dung cơ bản cuộc điều tra...) cung cấp cho các Tỉnh để tuyên truyền, phổ biến về cuộc điều tra.

6. Nghiệm thu số liệu

6.1. Nội dung nghiệm thu

Nội dung nghiệm thu được thực hiện đối với từng loại phiếu, đánh giá về tính đầy đủ các chỉ tiêu và chất lượng số liệu của phiếu. Các thành phần tham gia nghiệm thu ký vào biên bản nghiệm thu và chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu. Kinh phí cho công tác nghiệm thu được ghi trong dự toán kinh phí của nhiệm vụ.

6.2. Kế hoạch nghiệm thu các cấp

Các Tỉnh nghiệm thu số liệu, gửi dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường; Các Bộ Công an, Bộ quốc phòng nghiệm thu số liệu, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo 02 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1: Trước ngày 31/12/2019.

- Giai đoạn 2: Trước ngày 31/12/2020.

7. Công tác giám sát, kiểm tra

Nhằm đảm bảo chất lượng của cuộc điều tra, Tổ thường trực các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất trong thời gian thực hiện điều tra từ khâu lập bảng kê, tập huấn, thu thập, tổng hợp số liệu điều tra tại địa bàn.

Lực lượng giám sát, kiểm tra ở Trung ương gồm Tổ thường trực Trung ương và một số đơn vị liên quan khác thuộc Tổng cục Môi trường. Lực lượng giám sát, kiểm tra ở địa phương là các thành viên Tổ thường trực và công chức thuộc Chi cục Thống kê và Chi cục Bảo vệ môi trường.

Nội dung giám sát, kiểm tra gồm: Giám sát, kiểm tra việc lập bảng kê các đơn vị điều tra, tổ chức các lớp tập huấn, cách hỏi và ghi thông tin của từng điều tra viên, tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, kiểm tra số học, đơn vị tính, đánh mã, các thủ tục hành chính, kiểm tra thực địa tại địa bàn.

Hình thức giám sát, kiểm tra: Kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra cấp dưới, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Tổ thường trực cấp trên kiểm tra điển hình việc tổ chức và thực hiện điều tra đối với cấp dưới để phát hiện và giải quyết tại chỗ, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.

Nhằm đảm bảo chất lượng thông tin thu thập tại địa bàn trước khi nghiệm thu, bàn giao, Giám sát viên phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp đến một số cơ sở để kiểm tra việc thu thập thông tin, kiểm tra kết quả điều tra cả về nội dung và phương pháp, tính logic, các quy định hành chính bắt buộc.

8. Phúc tra

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường tổ chức thực hiện phúc tra theo đúng Quy trình phúc tra nhằm phát hiện những sai sót trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá chất lượng phiếu điều tra.

Công tác phúc tra được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số lượng địa bàn, số lượng đơn vị điều tra do Tổng cục Môi trường lựa chọn. Phương pháp phúc tra là phỏng vấn trực tiếp người đại diện cơ sở được chọn phúc tra, kết hợp với quan sát thực tế để ghi vào phiếu phúc tra.

9. Công bố kết quả

Thông tin về kết quả điều tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường công bố theo quy định của pháp luật. Các tỉnh chỉ công bố kết quả Điều tra ở địa phương mình theo đúng kết quả do Tổng cục Môi trường đã công bố.

VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

I

Công tác chuẩn bị

1

Công bố Phương án điều tra nguồn thải

Tháng 12/2018

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2

Thành lập Tổ thường trực các cấp

Tháng 12/2018

Các Bộ: TN&MT, CA, QP; UBND các tỉnh/thành phố

3

Lập và rà soát danh sách các đơn vị điều tra

- Giai đoạn 1: Tháng 1/2019-3/2019

- Giai đoạn 2: Tháng 7/2019 - 10/2019

TTT TW, TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

4

Chuẩn bị các Quy trình hướng dẫn và tài liệu tập huấn

Tháng 9/2018- 12/2018

TTT TW

5

Xây dựng chương trình kiểm tra và tổng hợp kết quả điều tra

Tháng 1/2019-6/2019

TTT TW

6

In ấn tài liệu

Tháng 6/2019-7/2019

TTT TW, TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

7

Mua sắm văn phòng phẩm chuẩn bị cho Điều tra

Tháng 8/2019

TTT TW, TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

II

Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng và tổ chức tập huấn

1

Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng

Tháng 7/2019

TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

2

Tập huấn cho Tổ thường trực cấp tỉnh và Tổ thường trực các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

Tháng 8/2019

TTT TW

3

Tập huấn cho điều tra viên

Tháng 8/2019

TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

III

Tuyên truyền

 

Tuyên truyền cho cuộc Điều tra

- Từ 25/8 - 30/11/2019

- Các tháng trong năm 2020

TTT TW, TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

IV

Thực hiện Tổng điều tra

1

Tổ chức thực hiện Điều tra

- Đợt 1: 01/9/2019- 30/11/2019;

- Đợt 2: Từ 1/1/2020 - 30/10/2020.

TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

2

Kiểm tra, giám sát thực hiện Điều tra

Trong quá trình thực hiện Điều tra

TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

3

Nghiệm thu dữ liệu

Đợt 1: Trước 31/12/2019;

Đợt 2: Trước 31/12/2020.

TTT các Bộ CA, QP, BCĐ các tỉnh/thành phố

V

Xử lý, tổng hợp và công bố thông tin

1

Xử lý, tổng hợp kết quả chính thức

Trước ngày 30/9/2021.

TTT TW

2

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu Tổng điều tra

Trước ngày 31/12/2021

TTT TW

IX. MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN KHÁC

1. Tổng kết, khen thưởng, kỷ luật

a) Tổng kết

Việc tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện Điều tra được tiến hành ở hai cấp: Trung ương, cấp Tỉnh

- Ở Trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tổng kết cuộc Điều tra nguồn thải.

- Ở cấp tỉnh: UBND các tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Điều tra trên địa bàn tỉnh.

b) Khen thưởng

Những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong cuộc điều tra sẽ được xét tặng các hình thức khen thưởng: Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường hướng dẫn các cấp tỉnh các hình thức khen thưởng trong cuộc điều tra; đồng thời là cơ quan đầu mối thực hiện xem xét, rà soát hồ sơ khen thưởng trình Hội đồng thi đua - khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định đối với các hình thức khen thưởng nêu trên.

Đối với hình thức khen thưởng là Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân trong cuộc điều tra tại địa phương, Tổ thường trực cấp tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định và bố trí kinh phí khen thưởng theo quy định của pháp luật.

c) Kỷ luật

Những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thống kê trong cuộc Điều tra sẽ bị kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. In ấn, vận chuyển, phân phát tài liệu

Các tài liệu có số lượng sử dụng nhiều trong cuộc điều tra (Phương án, các quy trình) do Tổng cục Môi trường chuẩn bị nội dung, gửi file mềm đến Tổ thường trực các Tỉnh và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các Tỉnh và các Bộ có trách nhiệm in vận chuyển và phân phát đến các cán bộ có liên quan.

3. Bảo mật thông tin

a) Toàn bộ thông tin ghi do điều tra viên thu thập tại địa bàn được bảo mật và lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Trách nhiệm về bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra:

- Điều tra viên chịu trách nhiệm bảo mật thông tin điều tra do mình thực hiện;

- Giám sát viên chịu trách nhiệm bảo mật thông tin điều tra do điều tra viên thuộc phạm vi quản lý giao nộp;

- Tổ thường trực các cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo mật thông tin do huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh giao nộp;

- Các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo mật thông tin theo quy định riêng.

c) Việc giao nhận kết quả điều tra được thực hiện thông qua biên bản bàn giao tài liệu và phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính quy định (chữ ký có đóng dấu của người có trách nhiệm của bên giao, bên nhận, ngày tháng và địa điểm giao, số lượng và loại phiếu giao nhận,...)

X. KINH PHÍ ĐIỀU TRA

Kinh phí Điều tra do ngân sách Nhà nước bảo đảm cho mọi hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện chi trả đúng định mức, đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng, khối lượng công việc được giao và chấp hành đúng các quy định về chế độ tài chính.

Trên cơ sở Phương án này, Tổ thường trực các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thống nhất với Phương án chung.

Điều tra nguồn thải là cuộc điều tra quan trọng, lần đầu được thực hiện trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị điều tra, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương cần quán triệt các đơn vị, cá nhân liên quan để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và thành công./.

 


_____________
1
Bao gồm các loại hình sản xuất: Khai thác, làm giàu khoáng sản độc hại; luyện kim; tinh chế, chế biến khoáng sản độc hại, phá dỡ tàu biển; Sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); Sản xuất hóa chất, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Nhuộm (vải, sợi), giặt mài; Thuộc da; Lọc hóa dầu; Nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; Xử lý, tái chế chất thải; Xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; Sản xuất pin, ắc quy; Sản xuất clinker; Chế biến mủ cao su.

2 Bao gồm các loại hình sản xuất: Khai thác, làm giàu khoáng sản độc hại; luyện kim; tinh chế, chế biến khoáng sản độc hại; phá dỡ tàu biển; Sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); Sản xuất hóa chất, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Nhuộm (vải, sợi), giặt mài; Thuộc da; Lọc hóa dầu; Nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; Xử lý, tái chế chất thải; Xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; Sản xuất pin, ắc quy; Sản xuất clinker; Chế biến mủ cao su.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi